"Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”
Nhận thức sâu sắc vị trí và vai trò của đạo đức cách mạng đối với một Đảng Mácxít Lêninnít kiểu mới và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, từ những ngày chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức để thành lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam thành một Đảng cách mạng, chân chính xứng đáng với vai trò tiền phong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng vấn đề đạo đức cách mạng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong Đảng. Người không chỉ nhấn mạnh rằng người cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần “tư cách một người cách mệnh” với 23 điều răn, thể hiện rõ trong 3 mối quan hệ: Tự mình phải; Đối người phải; Làm việc phải được ghi rõ trong tác phẩm Đường Kách mệnh[1], mà Người còn khẳng định: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ”, vì “sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[2]. Và cũng vì “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[3], mà “đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[4], cho nên, với mỗi người cán bộ, đảng viên thì “đức” là gốc, là tiêu chuẩn tất yếu cần phải có; để cùng với “tài” làm thành tiêu chuẩn kép “vừa hồng vừa chuyên”, “vừa có đức vừa có tài”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để một Đảng cách mạng luôn trong sạch, vững mạnh và đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn thấm nhuần đạo đức cách mạng, cùng với việc chú trọng thực hiện các nguyên tắc xây dựng và chỉnh đốn Đảng (tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất; gắn bó mật thiết với nhân dân…), thì “mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”[5]. Đồng thời, trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cơ sở Đảng đều “phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: “chí công vô tư; cần, kiệm, liêm, chính!””[6] để thực sự là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[7], nên để xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa chú trọng vấn đề tu dưỡng đạo đức cách mạng trong Đảng vừa thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới để gạt bỏ những con sâu mọt làm mất uy tín của Đảng, gây bức xúc trong dư luận ra khỏi tổ chức, góp phần làm trong sạch từng đảng viên, từng cấp ủy, từng tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, việc cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo cấp cao bị xử lý kỷ luật trong những nhiệm kỳ gần đây là “một nốt trầm” đáng tiếc. Đó chính là những cán bộ, đảng viên đã thiếu tu dưỡng, thiếu gương mẫu trong thực hành đạo đức cách mạng, không thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", gắn với Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương và Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm… Đó chính là những người đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật gây bất bình trong dư luận, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Đó chính là những người đã không tuân thủ nghiêm ngặt việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân một cách kiên quyết, từ sớm, từ xa để giữ gìn danh dự - giữ gìn điều thiêng liêng, cao quý nhất của người đảng viên cộng sản như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định!
Vì thế, để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đảng về mọi mặt theo tinh thần của Đại hội XII, trong đó đạo đức được coi là 1 trong 4 nội dung xây dựng Đảng (chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức) và chú trọng vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi hiện nay, việc ban hành và chỉ đạo thực hiện nghiêm Quy định 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII trong cả hệ thống chính trị là quan trọng, cấp thiết, không thể phủ nhận.
Thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng đảng viên, từng tổ chức Đảng
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của nhân dân và giai cấp công nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”[8], Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận… liên quan đến nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và rèn luyện đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên đã được ban hành, triển khai sâu rộng trong thực tiễn để toàn Đảng luôn là một khối đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động; luôn kiên định lý tưởng cộng sản; luôn gương mẫu trong tu dưỡng, thực hành đạo đức cách mạng ở mọi nơi, mọi lúc. Thực tế cho thấy, yêu cầu phải tu dưỡng, thực hành đạo đức cách mạng trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm đối với người cán bộ, đảng viên là xuyên suốt và nhất quán từ khi chuẩn bị thành lập Đảng cho đến nay. Tuy nhiên, trong Đảng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, thiếu gương mẫu trong thực hành đạo đức cách mạng như Văn kiện Đại hội Đảng những nhiệm kỳ gần đây và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra...
Vì thế, với việc yêu cầu toàn Đảng và cả hệ thống chính trị triển khai nghiêm túc thực hiện 19 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo Quy định 144-QĐ/TW: “1- Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. 2- Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập. 3- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. 4- Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. 5- Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời” - Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ thêm một lần khẳng định đạo đức cách mạng là gốc của người cách mạng, mà còn cho thấy một sự thật không thể cãi bàn - đó là để hoàn thành trọng trách mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó thì người cán bộ, đảng viên không thể không có đạo đức cách mạng và càng không thể không thường xuyên tu dưỡng đạo đức. 19 chuẩn mực đạo đức tại 5 điều của Quy định 144-QĐ/TW không chỉ là sự kế thừa, làm mới tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng phù hợp với giai đoạn hiện nay, mà còn cho thấy việc triển khai thực hiện những tiêu chuẩn đó đồng bộ trong toàn Đảng và hệ thống chính trị sẽ càng làm sinh động hơn trong thực tiễn mục đích, nội dung, ý nghĩa và giá trị của Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Đặc biệt, việc thực hiện Quy định 144-QĐ/TW - coi đó là nhu cầu tự thân, tự giác để mỗi cán bộ, đảng viên tự răn mình, tự soi mình, tự sửa mình với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm khắc gắn với Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" sẽ thiết thực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; góp phần bồi tụ để “đức là gốc” thêm vững chắc thì tài là “ngọn cành” sẽ càng thêm xanh tốt...
Thực hiện Quy định 144-QĐ/TW để đức và tài cùng hội tụ trong mỗi người cán bộ, đảng viên; để mỗi cá nhân, tổ chức Đảng đều hướng về Nhân dân, đặt lợi ích của Tổ quốc, Nhân dân lên trên hết, trước hết và phụng sự Tổ quốc, Nhân dân với tinh thần liêm chính. Đây chính là ý nghĩa và giá trị hiện thực của việc toàn Đảng thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng theo Quy định 144-QĐ/TW, chứ không phải những chuẩn mực về đạo đức cách mạng nêu trong Quy định này “chỉ là để mị dân”; “chỉ là khẩu hiệu suông” như các thế lực thù địch xuyên tạc. Đồng thời, lại càng không phải việc ban hành và yêu cầu quán triệt đồng bộ, sâu rộng Quy định 144-QĐ/TW thật ra “chỉ là giải pháp tình thế của Đảng” khi mà trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã có nhiều cán bộ, đảng viên (trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương) vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật như một số phần tử bất mãn, cơ hội, phản động, thù địch xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, phủ nhận vai trò tiền phong của Đảng.
Thực tế cho thấy, triển khai nghiêm túc, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương Quy định 144-QĐ/TW chính là để từng cán bộ, đảng viên, từng cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền trong cả hệ thống chính trị vừa kiên quyết và kiên trì, vừa tích cực và nghiêm cẩn trong tu dưỡng đạo đức cách mạng sẽ góp phần phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đồng thời, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng tham ô, tham nhũng, tiêu cực, xa dân, ham hư danh, ưa chức quyền để mưu lợi cho cá nhân, cho nhóm lợi ích,v.v.. - vốn là những “căn bệnh” đang đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Thông qua quá trình thấm nhuần, tu dưỡng theo 19 chuẩn mực đạo đức cách mạng của Quy định 144-QĐ/TW, mỗi cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu và mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức sẽ đoàn kết, thống nhất hơn trong nhận thức và hành động; gương mẫu trong lời nói và việc làm - coi đó là lẽ sống, mục đích phấn đấu để hoàn thiện chính mình trong quá trình công tác cũng như trong cuộc sống đời thường. Đồng thời, góp phần làm cho mỗi người không chỉ nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định với lý tưởng cách mạng, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn từ mùa Xuân năm 1930, mà còn luôn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với tinh thần tin yêu, tôn trọng, gắn bó máu thịt, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc và Nhân dân…
Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước ngày càng đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng; nhất là tình hình trong nước và thế giới có những biến động nhanh, khó lường thì việc ban hành, yêu cầu thực hiện nghiêm Quy định 144-QĐ/TW càng cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam không những nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng trong Đảng, mà còn chú trọng sự thực hiện nhất quán giữa nói và làm; nói trước, làm trước của cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quán lý, người đứng đầu trong mọi hoàn cảnh; sự dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên, của từng tổ chức cơ sở Đảng. Vì thế, không phải những yêu cầu về tiêu chuẩn đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra từ trước đến nay, yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện “chỉ là hình thức để đánh lừa dư luận”; đồng thời cũng không phải Đảng “nói một đằng làm một nẻo” và 5 điều trong Quy định này “hoàn toàn không có giá trị” trong cuộc sống hằng ngày như các thế lực thù địch suy diễn, xuyên tạc, mà chính là Quy định 144-QĐ/TW có tính chất toàn diện, nâng cao, đầy đủ và cụ thể, rõ ràng hơn hơn những văn kiện trước đó, nên chính là mực thước, khuôn mẫu để đánh giá, điều chỉnh hành vi của mỗi cán bộ, đảng viên phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi. Thực tế, việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Quy định 144-QĐ/TW từ Trung ương đến địa phương sẽ là một đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng, làm cho đạo đức cách mạng không chỉ trở thành nét đặc trưng, nổi bật ở người cán bộ, đảng viên, mà còn góp phần bồi dưỡng, phát huy sức mạnh nội sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên, của toàn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin yêu của Nhân dân đối với Đảng, chế độ./.
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.280-281
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.601
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.292
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.612
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.547
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.308
[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 611-612
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.524
TS. Văn Thị Thanh Mai