Thực hiện bình đẳng giới theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bác Hồ với các phụ nữ dân tộc thiểu số (ảnh tư liệu)

Bác Hồ với các phụ nữ dân tộc thiểu số (ảnh tư liệu)

Quyền bình đẳng của phụ nữ và điều kiện để thực hiện

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì “đàn bà con gái cũng nằm trong Nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại, nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”[2], cho nên Người không chỉ nhấn mạnh phụ nữ là “phần nửa xã hội”, mà còn khẳng định “nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng nửa loài người”[3]. Vì thế, Người không chỉ cùng Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do, mà còn đặc biệt quan tâm vấn đề giải phóng người phụ nữ khỏi những quan niệm cổ hủ “trọng nam khinh nữ”, để phụ nữ được bình đẳng với nam giới về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là được đảm nhiệm trọng trách tại các cơ quan của Đảng và hệ thống chính trị theo đúng Hiến pháp, pháp luật...

Thực tế là, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công” (Đường Kách mệnh, 1927) và “Nam nữ bình quyền” (Chánh cương, Sách lược vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, 2/1930), mà khi nước nhà giành được độc lập, tự do thì Hiến pháp năm 1946 do Người làm Trưởng ban soạn thảo cũng “tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”[4]. Với Hiến pháp năm 1946, phụ nữ Việt Nam không chỉ bước vào một hành trình mới - hành trình phụ nữ làm chủ cuộc sống của mình, mà còn được tham gia, góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước. Đó chính là quyền lợi và nghĩa vụ mà người phụ nữ Việt Nam chưa từng được thụ hưởng trong các chế độ xã hội trước khi có Đảng lãnh đạo. Song song với việc ghi nhận quyền bình đẳng của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Hiến pháp năm 1959, 1982, 1992, 2013 không chỉ hiến định các điều kiện cần, đủ để thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ, mà còn tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm những quyền bình đẳng này trong đời sống xã hội. Đó chính là ý nghĩa lớn lao của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; là tinh thần nhân văn cao cả, vì con người/lấy con người làm điểm xuất phát và coi con người là mục tiêu của tư tưởng, hành động.

Vì thế, những năm sau khi nước nhà giành được độc lập, cùng với việc chú trọng xây dựng nền dân chủ cộng hòa, tiến hành các cuộc kháng chiến để bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực hiện khát vọng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và ngày càng giàu mạnh, là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng và Chính phủ quan tâm, thực hiện, bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trở thành hiện thực. Về vấn đề này, Người không chỉ khẳng định “ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”[5], mà còn đồng thời chỉ rõ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa phụ nữ đã được giải phóng. Quyền bình đẳng của phụ nữ không chỉ được hiến định tại Hiến pháp, mà còn được chú trọng khi xây dựng Luật hôn nhân và gia đình. Theo Người, đạo luật này có quan hệ mật thiết đến mọi người dân, đến nòi giống của Việt Nam, cho nên nội dung của luật phải thể hiện rõ sự bình đẳng, hạnh phúc của người phụ nữ, của từng gia đình - đó chính là “làm cho gái trai thật sự bình quyền, gia đình thật sự hạnh phúc”…

Từ những điều Người nghĩ đến những việc Người làm đều hiển hiện tấm lòng và sự quan tâm dành cho phụ nữ; cổ vũ, động viên phụ nữ vươn lên về mọi mặt. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng, bình đẳng giới không chỉ được ghi trong Hiến pháp, pháp luật; không phải chỉ là lời nói, là hiểu đơn giản về sự bình quyền giữa nam và nữ một cách máy móc, cứng nhắc (trong gia đình và ngoài xã hội); không chỉ dừng ở việc phân công cho hai giới những công việc như nhau, khối lượng bằng nhau, mà chính là thực hiện công tác cán bộ/công tác liên quan đến vấn đề con người; là sự thấu hiểu, sẻ chia để sắp xếp công việc cho phụ nữ một cách khoa học, hợp tình hợp lý, phù hợp với sức khỏe, thể chất và chức năng của giới. Đồng thời, đó còn là cùng với việc xây dựng chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp để giải phóng phụ nữ, phát huy mọi khả năng, tiềm năng của người phụ nữ, thì bản thân mỗi phụ nữ cũng phải tự vượt lên những suy nghĩ tự ti, bảo thủ, ỷ lại của bản thân để không ngừng học hỏi/nâng cao tinh thần làm chủ/phấn đấu/tự cường, tự lập/giúp đỡ lẫn nhau và phải tự mình “giữ gìn quyền bình đẳng” khi tích cực tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và góp sức tạo dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc từ trong mỗi gia đình.

Để hiểu sâu sắc quyền lợi và nghĩa vụ của mình và thực sự được giải phóng hoàn toàn, thì: Một mặt, tự bản thân mỗi người phải nỗ lực phấn đấu về mọi mặt để làm giàu tri thức, kỹ năng, nghề nghiệp cho mình; mặt khác còn phải đấu tranh để xóa bỏ mọi định kiến hẹp hòi, mọi hủ tục, tệ nạn xã hội, tàn dư phong kiến, sự coi thường phụ nữ trên tinh thần “vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”[6]. Giải phóng phụ nữ nói chung, thực hiện bình đẳng nam nữ nói riêng chính là một cuộc cách mạng, song kết quả đạt được không phải chỉ là một sớm một chiều, bởi trọng nam khinh nữ đã in sâu trong tư tưởng của nhiều người, nhiều gia đình và ở mọi tầng lớp xã hội. Do đó “công cuộc giải phóng” này phải có sự vào cuộc của cả xã hội; phải được tiến hành thường xuyên, triệt để, vì “phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ”[7].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng sự quan tâm của Người đối với phụ nữ; sự tuyên truyền, giác ngộ cùng những chỉ dẫn, căn dặn của Người để phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung nhận thức sâu sắc hơn vai trò của phụ nữ, vận động mọi người cùng thấu hiểu, chia sẻ, tạo điều kiện, giúp đỡ để phụ nữ vươn lên khẳng định mình, tạo cơ sở cho việc thực hiện bình đẳng giới trong xã hội vẫn luôn được thực hiện sinh động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Để có “bình đẳng giới” thực sự  

Thực tế cho thấy, quyền bình đẳng của phụ nữ không chỉ được khẳng định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; trong các bản Hiến pháp, các đạo luật như Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Hôn nhân và Gia đình (2000, 2014); trong việc Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW) và từng bước luật hóa trong các văn bản pháp luật, các chính sách có liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ… mà còn được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ để mỗi người phụ nữ đều được giải phóng và phát triển bản thân. Theo đó, việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, Chương trình truyền thông về bình đẳng giới… đã góp phần đưa “bình đẳng giới” đi vào thực tiễn. Đây chính là hiện thực hóa những quan điểm, tư tưởng và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc giải phóng phụ nữ nói chung, thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ nói riêng.

Minh chứng cho việc bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngày càng đi vào thực tiễn cuộc sống, đó chính là các cấp uỷ đảng, các chính quyền, ban, ngành đã không chỉ quan tâm xây dựng chương trình, kế hoạch lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu và bố trí việc làm cho phụ nữ ở các cấp, các ngành, mà còn căn cứ vào trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của từng người để bố trí công tác phù hợp với sức khỏe, phẩm chất, khả năng của mình. Thực tế cho thấy, số lượng cán bộ nữ tham gia các chức danh chủ chốt các cấp ngày càng cao; nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, gia đình trong vấn đề xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, định kiến giới cũng ngày một được nâng lên, hướng tới sự bình đẳng giới thực chất. Hơn nữa, dường như trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… đều có sự tham gia của phụ nữ; trong đó có tỷ lệ lao động nữ tham gia vào thị trường lao động, vào hoạt động quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng tăng…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tại những địa bàn đó, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các vị trí lãnh đạo các cấp còn ít; vấn đề việc làm, dạy nghề để phụ nữ tiếp cận với lao động chất lượng cao còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự thiếu hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ của nhiều phụ nữ cũng như sự mù chữ, tái mù chữ, bị xâm hại, tảo hôn, bị buôn bán… ảnh hưởng đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm gắn liền với những tệ nạn xã hội, những hủ tục lạc hậu tái diễn ở nhiều nơi luôn là nỗi xót xa, gây bất bình trong dư luận. Trong khi đó, bản thân nhiều phụ nữ không chỉ tự ti, an phận, mà còn thiếu ý chí vươn lên. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển, thực hiện bình đẳng mà còn tác động không tốt đến việc hoàn thành các mục tiêu tiến bộ xã hội của quốc gia.

Vì thế, thấm nhuần và thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tất yếu phải giải phóng “một nửa thế giới”, nhất là để thực hiện thành công mục tiêu 5 (trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam) là “đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển bền vững nguồn lực phụ nữ” cũng như hoàn thành các chỉ tiêu: “Tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030” và “đến năm 2025 đạt 80% và đến 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản”… như Nghị quyết “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ đã nêu thì đòi hỏi sự quyết tâm cao cũng như những giải pháp hữu hiệu của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Theo đó, cùng với việc nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành về vấn đề thực hiện bình đẳng giới, là việc các cấp Hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cần phải phát huy vai trò nòng cốt của mình trong công tác vận động phụ nữ, cổ vũ, động viên và tạo thuận lợi để phụ nữ từng bước vươn lên, ngày càng khẳng định vị thế của mình, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua những việc làm thiết thực như tăng cường tuyên truyền, giáo dục, đào tạo để nâng cao nhận thức về mọi mặt cho phụ nữ; nâng cao trình độ nghề nghiệp và năng lực quản lý kinh tế, xã hội cũng như hỗ trợ làm kinh tế, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt tại địa phương,v.v.. là giám sát có hiệu quả việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức Hội với các cơ quan hữu quan để tranh thủ các nguồn lực cần thiết gắn với thực hiện các giải pháp hữu hiệu, để thu hẹp dần khoảng cách về giới; tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em được tiếp cận tốt nhất các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm... và cổ vũ phụ nữ góp sức vào sự phát triển bền vững của từng gia đình, cộng đồng, xã hội và giảm dần sự bất bình đẳng giới.

Một trong những điều kiện quan trọng nữa để thực hiện được bình đẳng giới như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, đó là dù phải đối mặt với rất nhiều thách thức, với những định kiến khắt khe theo quan niệm truyền thống, song “chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”[8]. Đó chính là, mỗi người đều phải tự mình khắc phục khó khăn, nỗ lực học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt và rèn luyện các kỹ năng cần thiết để không chỉ tham gia các hoạt động xã hội, việc làm… mà còn phải nhận thức đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình để có điều kiện/đảm bảo điều kiện thực hiện tốt nhất vai trò người công dân, người lao động, người vợ, người mẹ và xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.340

[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2 tr.506

[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.300

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.491

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.60

[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.342

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.260

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.301

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website