Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự hi sinh cao cả của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ. Ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đầu năm 1946, Hội Giúp binh sĩ tử nạn do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng được thành lập có nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ cả vật chất và tinh thần góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của các gia đình chiến sĩ, đồng bào.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hi sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm Thương binh - Liệt sĩ và bảo vệ công tác Thương binh - Liệt sĩ. Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc.
Cụ Vũ Đình Tụng là Bộ trưởng Bộ Thương binh đầu tiên của nước ta từ năm 1946. Cụ là một trí thức công giáo yêu nước, các con cụ đều là những thanh niên yêu nước, hăng hái chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, ngay những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ đã có hai con trai là liệt sĩ, một con trai là sĩ quan quân y. Biết tin con trai cụ mới hi sinh, Bác Hồ tự tay đánh máy một bức thư chia buồn đề ngày 7/1/1947, tức là chỉ sau 20 ngày tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra ở Hà Nội. Bức thư hiện lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cứ mỗi năm đến ngày 27/7, Bác Hồ lại gửi thư tới cụ Vũ Đình Tụng.
Trong thư gửi cụ Vũ Đình Tụng 27/7/1951, Bác nhờ Cụ biếu lại những anh em thương binh kiểu mẫu mấy bộ áo mà đồng bào đã biếu Bác. Bác còn góp nhiều ý kiến quí báu để chỉ đạo công tác Thương binh, Liệt sĩ khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn quyết định:
"...Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi Xã phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung của mỗi Xã mà đón một số anh em Thương binh.
Giúp lâu dài chứ không phải chỉ giúp một thời gian. Không phải giúp bằng cách góp gạo nuôi Thương binh, nhưng giúp bằng cách này:
1. Mỗi xã trích một phần ruộng công, nếu không có ruộng công thì mượn ruộng của những đồng bào có hằng tâm hằng sản, nếu không mượn được ruộng thì chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong Xã chung sức phát- phỡ một số đất mới để giúp Thương binh.
2. Chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong Xã sẽ tổ chức việc cày cấy, chăm nom, gặt hái những ruộng đất ấy. Hoa lợi sẽ để nuôi Thương binh.
3. Tùy theo số ruộng đất trích được, mượn được, hoặc khai thác được mà đón nhiều người hoặc ít người Thương binh về Xã.
Anh em Thương binh sẽ tùy sức mà làm những công việc nhẹ, như học may vá, đan lát, hớt tóc, hoặc giúp việc phòng giấy, việc bình dân học vụ trong làng v.v..."
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cụ Vũ Đình Tụng, ngày 27/7/1951
Năm 1953, Bác gửi thư cho cụ Vũ Đình Tụng nhân dịp ngày Thương binh, Bác gửi 1 tháng lương và 50 khăn tay do đồng bào phụ nữ Thái biếu Bác, nhờ Cụ chuyển cho anh em thương binh với lời chào thân ái và quyết thắng.
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cụ Vũ Đình Tụng, tháng 7/1953
Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Bác Hồ cử cụ Vũ Đình Tụng làm đặc phái viên của Chính phủ phụ trách việc tổ chức chăm sóc thương binh ở chiến trường. Ngày 27/7/1954, Bác viết thư gửi Cụ, thay mặt Chính phủ gửi lời an ủi thương binh, bệnh binh và hỏi thăm các gia đình liệt sĩ. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những ý kiến về công tác Thương binh:
"...Tôi có đôi lời nhắn nhủ:
- Các đoàn thể ở Xã: Sau phong trào phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất và những thắng trận to lớn của bộ đội ta, nhiều nơi đã hăng hái đón thương binh, bệnh binh về xã, giúp đỡ anh em làm ăn và đã chiếu cố chu đáo các gia đình liệt sĩ.
Thế là rất tốt. Đó là một cách tỏ lòng nhân dân biết ơn những chiến sĩ đã có công giữ nước, giữ làng. Song việc giúp đỡ ấy cần phải thiết thực, cần có tổ chức và mọi người trong xã đều cần tùy theo khả năng mà tham gia.
- Các Thương binh, bệnh binh và gia đình Liệt sĩ thì cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào, phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tùy theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã chớ nên yêu cầu quá đáng ra vẻ "công thần"...."
Bác khen ngợi anh em Thương binh và gia đình Liệt sĩ đã gương mẫu và mong Bộ Thương binh tiếp tục nêu thành tích để các xã và anh em khác noi theo.
Cuối thư Bác nhờ Cụ gửi một tháng lương của Bác và quà của kiều bào Trung Quốc cho anh em Thương binh.
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cụ Vũ Đình Tụng, ngày 27/7/1954
Hòa bình lập lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tin tưởng và giao cụ Vũ Đình Tụng tiếp tục chỉ đạo công tác Thương binh, Liệt sĩ sau chiến tranh. Năm 1958, Cụ chuyển sang chuyên trách là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Sau này đều đặn hàng năm đến ngày 27/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi thư và quà cho Thương binh và các gia đình Liệt sĩ. Những món quà của Người tuy giản dị nhưng là nguồn động viên to lớn, cổ vũ tinh thần thương bệnh binh và chiến sĩ. Hơn thế nữa, Người đã ký hàng loạt Sắc lệnh nhằm giải quyết chế độ chính sách cho Thương binh, Liệt sĩ, gia đình Liệt sĩ. Đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác Thương binh, Liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của các thương, bệnh binh, gia đình chính sách trong thời chiến cũng như cuộc sống hòa bình hiện nay./,
Lê Hồng Thu - Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Theo https://baotanglichsu.vn