Thi đua phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân

Bac coi trong dan van.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh
Thái Nguyên) đang gặt lúa (Ảnh tư liệu)

Tư tưởng Hồ Chí Minh xét đến cùng là vì con người, cho con người, cho nên mục tiêu thi đua phát triển kinh tế là không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần. Đó là mục tiêu, đồng thời cũng là thước đo tính đúng đắn, ý nghĩa, giá trị của mỗi chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta trong các giai đoạn cách mạng, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong công cuộc đổi mới hiện nay dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Thi đua phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sau Cách mạng Tháng Tám, do chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và phát xít Nhật, đất nước ta đứng trước nạn đói nghiêm trọng (gần 2 triệu nhân dân miền Bắc chết đói), đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn… Vì vậy, mục đích của phong trào thi đua là: “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm…, để gây: Hạnh phúc cho dân”(1).

Độc lập cho dân tộc đã giành lại được từ tay thực dân Pháp, phát xít Nhật, thì toàn bộ sức mạnh và ý chí đấu tranh của nhân dân được tập trung vào chuyển sang thực hiện mục tiêu hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(2). Người nêu rõ, mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống cho nhân dân, là mang lại lợi ích cho đông đảo tất cả mọi người dân: “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì? Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là: không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến vấn đề dân sinh, coi đó là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nếu phải lựa chọn giữa vấn đề đầu tư phát triển và giải quyết những vấn đề cấp bách về lương thực, nhu cầu tiêu dùng của người dân thì Người luôn hướng đến cải thiện cuộc sống nhân dân lao động. Tại Hội nghị Bộ Chính trị, ngày 30/7/1962, Người nói: “Ta phải tìm cách nào, nếu cần có thể giảm bớt một phần xây dựng để giải quyết vấn đề ăn và mặc cho nhân dân được tốt hơn nữa, đừng để cho tình hình đời sống căng thẳng quá. Nhà máy cũng cần có thêm, có sớm, nhưng cần hơn cả là con người… Phải làm cho quần chúng hiểu chủ nghĩa xã hội đúng hơn. Phải quan tâm đến đời sống quần chúng và giáo dục quần chúng”(4). Muốn xây dựng và phát triển kinh tế phải có tri thức, khoa học, đó là việc phát huy nhân tố con người, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(5), chúng ta thấy được sự gặp gỡ của những quan điểm của Hồ Chí Minh trong việc thi đua phát triển kinh tế nhằm mục tiêu phát triển con người, mọi lợi ích của sự phát triển đều tập trung vì lợi ích của con người.

Chỉ sau một ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, trong sáu nhiệm vụ cấp bách của nhà nước mới, thì nhiệm vụ đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra là phải làm sao tăng gia sản xuất để cứu đói cho người dân: “Một là, nhân dân đang đói - Ngoài những kho thóc mà Pháp, Nhật vơ vét của nhân dân, bọn Nhật, Pháp còn bắt đồng bào chúng ta… phải làm việc như nô lệ. Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này. Vừa rồi nạn lụt đã phá hoại tám tỉnh sản xuất lúa gạo. Điều đó càng làm cho tình hình trầm trọng hơn. Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống. Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất”(6). Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “tăng gia sản xuất”, “tăng gia sản xuất ngay”, “tăng gia sản xuất nữa” như tiếng gọi thôi thúc đồng thời cũng là biện pháp tích cực và hữu hiệu nhất để giải quyết nạn đói thời điểm bấy giờ.

Thi đua yêu nước nhằm mục đích phát huy sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, vì vậy, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã phát động phong trào thi đua yêu nước với tinh thần: “Người người thi đua. Ngành ngành thi đua. Ngày ngày thi đua. Ta nhất định thắng. Địch nhất định thua”(7). Về thành phần thi đua, thi đua là sự nghiệp của quần chúng, tất cả các giới các ngành: sĩ, nông, công, thương, binh, gái, trai, già, trẻ… tóm lại là toàn thể đồng bào cả nước. Về thời gian, thi đua phải lâu dài, rộng khắp, không chỉ một thời gian ngắn trước mắt…

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mục tiêu của thi đua phát triển kinh tế sau chiến tranh là cải thiện đời sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân: “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”(8). Điều kiện để nâng cao mức sống đó là trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội; việc cải thiện mức sống phải do nhân dân tự giúp lấy mình là chính, còn Chính phủ công nhận quyền lợi của nhân dân và bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để nhân dân thực sự được hưởng các quyền lợi đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh ví tăng gia sản xuất và nâng cao mức sống nhân dân như nước với thuyền, nước dâng thì thuyền lên.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh, Người chủ trương thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, đây là mối quan hệ biện chứng gắn kết mật thiết với nhau. Người đã tiên lượng: “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”(9). Vì vậy, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong mỗi hành vi của mỗi con người cần gắn chặt hai mặt tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm: “sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống”(10).

Sản xuất được nhiều nhưng phải thi đua tiết kiệm, thi đua tiết kiệm là sử dụng hợp lý thu nhập, tránh lãng phí, vừa đảm bảo đời sống vừa tạo tích lũy để nâng cao mức sống, mở mang sản xuất, vừa ích nước lợi nhà. Làm được như vậy, Hồ Chí Minh kêu gọi phát động phong trào thi đua: “Để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, chúng ta phải gây một phong trào quần chúng sâu rộng và bền bỉ. Phải tuyên truyền, vận động, tổ chức, lãnh đạo nhân dân hăng hái tham gia công việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Phải đặt phong trào sản xuất và tiết kiệm làm trung tâm của phong trào thi đua ái quốc”(11). Trong suốt những năm đứng đầu Đảng và Chính phủ, Người dành nhiều thời gian xuống cơ sở, đến thăm các địa phương, đơn vị, nhà máy, trường học…động viên các phong trào thi đua như Duyên Hải, Đại Phong, Ba Nhất, Ba sẵn sàng, Ba đảm đang, Ba cải tiến, phong trào Ba xây, ba chống…Trong các Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc các năm 1952, 1958, 1962 và 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đến dự, phát biểu và gặp gỡ đại biểu tiêu biểu của phong trào thi đua.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân ra sức thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm. Khẩu hiệu này được Người đề cập đến rất nhiều lần, như tại Hội nghị cán bộ làm công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất ở ngoại thành Hà Nội năm 1956, trong Thư gửi Hội nghị cán bộ văn hóa năm 1957, trong buổi nói chuyện với đồng bào miền Nam tập kết ở Hà Đông năm 1958, trong buổi nói chuyện với cán bộ, bộ đội và nhân dân tỉnh Hòa Bình năm 1958 hay tại buổi nói chuyện với Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình năm 1962…Bởi vì đấy là hai việc then chốt để khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, để cải thiện đời sống nhân dân, Người nói: “mỗi người chúng ta đều cố gắng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm thì chúng ta cải thiện được đời sống của chúng ta”(12).

Thi đua phát triển kinh tế phải bắt đầu từ xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất “nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến” (13). Để phát triển lực lượng sản xuất phải thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường” (14), Người khẳng định rất rõ vai trò của công nghiệp trong xây dựng và phát triển kinh tế. Một nền kinh tế muốn phát triển cao phải dựa trên một nền công nghiệp hiện đại, đặc biệt là trong thời đại phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đề cao tính sáng tạo và hàm lượng tri thức cao, điều này chúng ta có thể thấy rõ khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay.

Thi đua phát triển kinh tế phải đi đôi với việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam là đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú: “Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt, rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu. Nhân dân dũng cảm và cần kiệm. Các nước anh em giúp đỡ nhiều. Thế là chúng ta có đủ cả ba điều kiện thuận lợi - thiên thời, địa lợi, và nhân hòa - để xây dựng chủ nghĩa xã hội, tức là xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho nhân dân ta”(15). Vì vậy, Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta phải biết sử dụng và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng và kết hợp với việc bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, khi xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế phải chú ý tính đến vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển. Nhận thức được vai trò to lớn của môi trường sinh thái nên Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương sống hòa hợp với môi trường thiên nhiên và Người là tấm gương sáng về việc bảo vệ môi trường sinh thái trong phát triển bền vững. Theo Người, môi trường sống là yếu tố quan trọng đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và giúp cho họ công tác tốt. Khi ở chiến khu, Người chọn những nơi: trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui…, nhà thoáng, ráo, kín, mát... Khi trở về Hà Nội, Người chuyển đến sống và làm việc trong một ngôi nhà sàn giản dị ở Phủ Chủ tịch nằm giữa vườn cây xanh, bên ao cá mát mẻ với chủ trương sống hòa đồng với thiên nhiên, cây cỏ. Người trồng rất nhiều cây cối trong vườn, chăm chút vun trồng như đối với con người. Không chỉ phát động trồng cây ở trong nước, mà trong những lần đi thăm các nước bạn, gặp gỡ nhân dân các nước, Người đều tổ chức trồng cây lưu niệm, như trồng cây đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở nước Nga và Người gọi đó là “những cây hữu nghị” và nhân dân địa phương gọi là những “Cây Bác Hồ”. Theo thời gian, những cây Người trồng không chỉ biểu thị tình hữu nghị bền chặt giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới mà còn thể hiện ý thức làm đẹp môi trường sống của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm phác thảo những quan điểm kinh tế mở để thu hút ngoại lực, phát huy nội lực, thi đua phát triển kinh tế cùng các nước trên thế giới. Trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc (12/1946), Người nêu rõ chính sách mở cửa và hợp tác của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với cộng đồng quốc tế trong nhiều lĩnh vực mà trước hết là mở cửa kinh tế: “2- Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc. …Chính sách mở cửa và hợp tác nói trên, Chính phủ cũng dành cho nước Pháp trong Hiệp định ngày 6 tháng 3 năm 1946”(16). Việc quan tâm đến hội nhập kinh tế ở Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài việc xuất phát từ nhu cầu xây dựng phát triển đất nước sau chiến tranh, mà còn là xuất phát từ nhu cầu hội nhập và phát triển, hơn thế nữa, mở cửa, hội nhập không chỉ để phát triển kinh tế, mà còn để sánh vai cùng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

2. Ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân

Thành tựu của hơn 30 năm đổi mới là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trên toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có tư tưởng về thi đua phát triển kinh tế để không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Đại hội VI của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đồng thời chú trọng đến việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến chuyển. Đảng đã không ngừng đổi mới tư duy lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong nước, đồng thời mở rộng tầm nhìn ra thế giới, tiếp thu, tham khảo những kinh nghiệm hay của nước ngoài, để qua đó xác định rõ hơn những chủ trương, quan điểm định hướng cho các mối quan hệ cơ bản cần giải quyết, trong đó có quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội…

Qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta khẳng định: Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Với định hướng phát triển kinh tế lấy con người làm trung tâm, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, cải thiện căn bản mức sống của nhân dân, thoát khỏi nhóm nước kém phát triển, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, cần thường xuyên phát động các phong trào thi đua trong cộng đồng dân cư và xã hội, như phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào xóa đói giảm nghèo, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; phong trào thi đua ứng dụng khoa học vào sản xuất; phong trào tuổi trẻ lập nghiệp; phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, phong trào người tốt, việc tốt...gắn phong trào thi đua với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và trong từng lĩnh vực công tác. Coi trọng phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… tạo môi trường thi đua sâu rộng trong nhân dân, gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Việc tiếp tục phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua phát triển kinh tế, để không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, là bài học lớn trong sự nghiệp đổi mới của đất nước trong hiện tại và tương lai.

------------------------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 5, tr.556.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.175.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.30.

4. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia 2016; tập 8, tr.203.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.612.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.6.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.23.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.175.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.402.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.70.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.349.

12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.567.

13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.412.

14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.445.

15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.374.

16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.523.

TS. Lê Thị Thu Hồng


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website