Tạo dựng và chớp thời cơ để lãnh đạo Nhân dân giành độc lập, tự do

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. (Ảnh tư liệu)

Tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc  

Vân dụng sáng tạo những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về một Đảng Mácxít - Lêninnít, Nguyễn Ái Quốc/Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Quảng Châu (Trung Quốc) xúc tiến chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của một chính Đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam. Đồng thời, trước những thời điểm có tính bước ngoặt, Người đã kịp thời gửi thư mời, triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Mùa Xuân năm 1930, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (Chánh Cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt,... ) do Người soạn thảo được thông qua tại Hội nghị; trong đó chỉ rõ con đường cách mạng Việt Nam là “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[1]. Với chủ trương này, có thể thấy, mục tiêu đánh đuổi đế quốc Pháp và phong kiến tay sai, làm cho nước Việt Nam được độc lập, Nhân dân Việt Nam được tự do không chỉ là khát vọng của toàn thể Nhân dân, là nhu cầu bức thiết của lịch sử dân tộc, mà còn trở thành điểm cốt yếu trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, mang đậm dấu ấn một Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên cũng thể hiện tư duy sắc sảo của Người trong việc phân hoá và cô lập kẻ thù, khi nhấn mạnh Đảng phải “thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng” và “thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo” để làm cách mạng. Đồng thời, “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân việt... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng, thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”[2]. Có thể nói, sự liên minh giai cấp do giai cấp công nhân lãnh đạo vì mục tiêu giải phóng dân tộc không phải là sự thoả hiệp vô nguyên tắc, mà chính là hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về việc xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Điểm nổi bật, hấp dẫn mọi người dân Việt Nam yêu nước trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng chính là đã khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Song chịu ảnh hưởng của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, cho nên cũng phải trải qua phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, thời kỳ chống khủng bố trắng, Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (11/1939), lần thứ 7 (10/1940) và đến Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì thì vấn đề chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam, tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc mới được hiện thực hóa ở Việt Nam. Cụ thể, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, trên cơ sở phân tích tình hình Việt Nam và thế giới, Người và Trung ương Đảng xác định rõ: Dưới ách thống trị của Pháp - Nhật, quyền lợi của tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mệnh của dân tộc bị nguy vong, vì lẽ đó Pháp - Nhật là kẻ thù của toàn dân tộc. Nhiệm vụ chủ yếu, trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc. Vì vậy, “trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[3]. Sự chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam ở Hội nghị này, sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về tập trung thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc có ý nghĩa quyết định đến thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.

Trên cơ sở sự chuyển hướng chiến lược này, trong Kính cáo đồng bào (6/6/1941), Nguyễn Ái Quốc không chỉ kêu gọi đồng bào “quyết không chịu làm vong quốc nô lệ mãi”, mà còn khẳng định “trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”[4]. Tiếp đó, Người và Trung ương Đảng đã có những sáng tạo kịp thời trong việc xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị cho ngày toàn dân vùng lên giành chính quyền. Sự ra đời, phát triển và ảnh hưởng rộng rãi của Mặt trận Việt Minh (19/5/1941) ở khắp các địa bàn: từ miền núi xuống đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để Đảng mở rộng vai trò lãnh đạo và tổ chức của mình trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, mà còn nhân nguồn sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc.

Sự phát triển của đội quân chính trị ngày càng hùng hậu thông qua các tổ chức Cứu quốc của Việt Minh; sự kết hợp của Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam giải phóng quân (15/5/1945) đã tạo cho phong trào cách mạng Việt Nam một sức mạnh mới. Quá trình xây dựng lực lượng gắn liền với sự phát triển của phong trào quần chúng, với những khẩu hiệu và hình thức đấu tranh phù hợp trong từng thời kỳ, nhất là sau Hội nghị Trung ương 8 đã cổ vũ mạnh mẽ Nhân dân cả nước đấu tranh và thông qua đấu tranh để phát triển lực lượng cách mạng, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị lực lượng chính trị và vũ trang cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền sắp tới.

Chuẩn bị và lãnh đạo Nhân dân tiến hành thắng lợi Tổng khởi nghĩa tháng Tám

Cuối năm 1944, trước tác động thuận lợi của tình hình quốc tế và sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào toàn quốc (10/1944) và nhấn mạnh yêu cầu cần phải thành lập Chính phủ “do một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”[5], vì “cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”[6].

Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính, hất cẳng Pháp để độc chiếm Đông Dương. Tình thế mới và những nhiệm vụ cần kíp để chuẩn bị chớp thời cơ, lãnh đạo Nhân dân vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền được Đảng nêu rõ trong bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta[7] ngày 12/3/1945. Trong đó, Chỉ thị tuy xác định rõ việc Nhật đảo chính đã tạo ra một cuộc “chính trị khủng hoảng sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương hiện nay chưa thực sự chín muồi”, vì quân Pháp “hoang mang, tan rã đến cực điểm”, nhưng quân Nhật chưa “chia rẽ, hoang mang, do dự đến cực điểm”; trong khi đó các tầng lớp trung gian chưa ngả hẳn về phía cách mạng… Do đó, phải “thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và tranh đấu cho hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa” và “phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cao trào ấy có thể bao gồm từ hình thức bất hợp tác, bãi công, bãi thị phá phách cho đến những hình thức cao hơn như biểu tình thị uy võ trang, du kích” và “sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện”; đồng thời, mở rộng cơ sở Việt Minh, tổ chức Ủy ban quân sự cách mạng để thống nhất chỉ huy du kích các chiến khu, thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng - “có ý nghĩa “tiền Chính phủ” ở các nhà máy, làng, ấp, đường phố, trường học, công tư sở…

Đặc biệt, Chỉ thị nhấn mạnh, “nếu cách mạng Nhật bùng nổ và chính quyền cách mạng của Nhân dân Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940 và quân đội viễn chinh Nhật mất tinh thần thì khi ấy dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi”… Thực tế, việc triển khai thực hiện cấp tốc Chỉ thị này trong toàn quốc không chỉ góp phần làm cho phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp Nhân dân, chiến tranh du kích, chiếm căn cứ địa, mở rộng và phát triển các khu căn cứ địa cách mạng ngày càng phát triển, mà còn là một phương pháp hữu hiệu để dân tộc ta “đóng vai chủ động trong việc đánh đuổi quân ăn cướp Nhật Bản ra khỏi nước, chuẩn bị hưởng ứng quân Đồng minh một cách tích cực”.

Vì thế, khi vua Nhật tuyên bố đầu hàng không điều kiện vào ngày 14/8/1945, quân Nhật ở Đông Dương đã mất tinh thần và Chính phủ Trần Trọng Kim đang hoang mang, tê liệt thì thời cơ và điều kiện cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc đã chín muồi. Lúc này, mau lẹ và quyết đoán, Người và Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (13 - 15/8/1945) ra quyết định phát động tổng khởi nghĩa, thi hành Mười chính sách Việt Minh; thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc để thống nhất chỉ huy cuộc chiến đấu; ra Quân lệnh số 1; hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong cả nước… để lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn độc lập trước khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật. Đồng thời, Quốc dân Đại hội cũng họp ở Tân Trào vào chiều ngày 16/8/1945, với sự có mặt của khoảng 60 đại biểu, đại diện cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đại diện kiều bào ở Lào, Thái Lan và các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc, các tôn giáo… Đại hội đã nhất trí việc phát động tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong toàn quốc, hiệu triệu Nhân dân toàn quốc và các đoàn thể cách mạng kịp thời đứng lên giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập. Tiếp đó, Người gửi Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa đến đồng bào toàn quốc (8/1945) và khẳng định: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến, toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”[8].

Với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới, trong nước; với sự chuẩn bị, tạo dựng lực lượng chính trị và vũ trang; việc phát triển mạnh mẽ của phong trào kháng Nhật cứu nước… Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã không chỉ tận dụng triệt để những thuận lợi cơ bản khi đó (nhất là trong khi quân Đồng Minh chưa kịp vào Đông Dương; quân Pháp đầy tham vọng quay trở lại Việt Nam nhưng chưa thể thực hiện được) để thông qua những quyết sách lịch sử, có ý nghĩa chiến lược mà còn chớp đúng thời cơ để lãnh đạo Nhân dân vùng lên giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội (ngày 19/8), ở Huế (ngày 23/8) và ở Sài Gòn (ngày 25/8)… Chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa của Nhân dân Việt Nam đã thành công trong toàn quốc.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ủy ban dân tộc giải phóng về đến Hà Nội và theo đề nghị của Người, Uỷ ban tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân và tuyên bố với thế giới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ quảng trường Ba Đình lịch sử, vang vọng mãi lời Tuyên ngôn độc lập với lập luận đanh thép “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và sự khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lịch sử thế giới hiện đại mãi mãi khắc ghi sự kịp thời, nhạy bén đầy quyết đoán trong từng quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lãnh đạo Nhân dân Việt Nam tiến hành thắng lợi sự nghiệp giải phóng và “Nhân dân Việt Nam đã sáng tạo ra bản anh hùng ca này vì họ được cổ vũ bởi lòng quyết tâm giành lại tự do, vì họ được phong trào cách mạng đứng đầu là vị lãnh tụ tài tình, nhà Mácxít Lêninnít lỗi lạc - đồng chí Hồ Chí Minh - hun đúc và lãnh đạo”[9]./.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.3

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.113

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.230

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.537

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.538

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.364-373

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.596

[9]Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, t.III, tr.92

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website