Muốn chống tham nhũng phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc rèn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng liêm chính, chí công vô tư. Người sớm nhận rõ được mối nguy hại của các “bệnh” dễ mắc phải của những cán bộ có chức, có quyền là quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Người vạch rõ nguồn gốc, bản chất, các hình thức biểu hiện, các phương pháp phòng, chống tham ô, tham nhũng và lãng phí. Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” viết năm 1949, Người đưa ra quan niệm về tham nhũng thông qua chữ “liêm”: “Liêm là trong sạch, không tham lam”, Người chỉ ra một số biểu hiện của bệnh tham ô là: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên; Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư”.
Ảnh minh họa
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí và quan liêu là kẻ thù hết sức nguy hiểm. Người nói: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ”, đồng thời lên án những biểu hiện tha hóa quyền lực, coi tham ô là kẻ thù nguy hiểm nhất, hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Giải thích về tham ô, lãng phí, theo Người, đó là “Ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội”, thậm chí “tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô”.
Người chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”, nó “ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng”, việc chống loại kẻ địch này rất khó khăn, phức tạp. Theo Người, biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Người nhắc nhở “Cán bộ, đảng viên không được nể nang, không sợ trù dập để kiên quyết chống lại tệ tham nhũng”, “Đối với quần chúng Nhân dân tăng cường vai trò giám sát của mình thông qua các hình thức”. Chính sự phản ánh của quần chúng Nhân dân là một trong các cơ sở để cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thanh tra, kiểm tra. Muốn chống tham nhũng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân với tất cả các biện pháp, trong đó “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm”.
Những con số biết nói
Quán triệt và vận dụng tư tưởng của Người, trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã xác định quan điểm, chủ trương và đề ra những giải pháp cơ bản, có tính chiến lược về phòng, chống tham nhũng phù hợp với thực tiễn. Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ, ngày càng quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Năm 2012, Đảng ta thể hiện sự quyết tâm phòng chống tham nhũng bằng việc ra đời Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và mới đây là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một bước tiến dài trong công tác phòng chống tham nhũng, thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị trong công tác đặc biệt này.
Chỉ trong 10 năm, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 100.000 văn bản để cụ thể hoá, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế-xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp thứ 21.
Công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng thu được nhiều kết quả khả quan. Cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị kỷ luật. Thu hồi tài sản tham nhũng đạt 61 nghìn tỷ đồng. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50 nghìn tỷ đồng.
Đây là những con số tuy “đau xót” nhưng cũng đáng mừng, bởi công tác phòng chống tham nhũng không còn nằm trên giấy tờ, không chỉ nằm trong lời nói, mà thực sự đi vào cuộc sống, thể hiện quyết tâm “cắt bỏ những khối ung nhọt” bấy lâu vẫn làm suy yếu Đảng, củng cố và làm vững chắc niềm tin của Nhân dân.
Nhận diện rõ các vi phạm để chặt đứt gốc rễ tham nhũng
Đặc biệt, ngày 6/7 vừa qua, Đảng ta ban hành Quy định 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm với mong muốn làm trong sạch bộ máy, loại trừ những cán bộ tha hóa, biến chất, loại trừ các thói hư, tật xấu tồn tại bấy lâu nay đe dọa đến sự tồn vong của hệ thống chính trị, của chế độ, củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Quy định nêu cụ thể các hành vi vi phạm trong công tác Đảng, đặc biệt là những hành vi vi phạm quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm khuyến khích, động viên, bảo vệ đảng viên, công dân tố cáo, tố giác những hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trong từng lĩnh vực cụ thể, Quy định cũng nêu rõ hành vi buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước cũng là vi phạm phải bị xem xét kỷ luật.
Quy định đã thể hiện tinh thần của Kết luận 21-KL/TW, thể hiện quyết tâm nhất quán của Đảng ta trong việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tha hóa quyền lực đã xảy ra trong một bộ phận tổ chức đảng, đảng viên. Quy định 69 đã cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII: “nhận diện rõ các biểu hiện tiêu cực là điều kiện tiên quyết để chặt đứt gốc rễ tham nhũng”.
Quyết tâm đã có, vấn để chỉ là cách làm, đòi hỏi toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, luật pháp và chính sách, với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Thương Huyền