Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3-1964. Ảnh: TTXVN
PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO KHOAN DUNG, ĐỘ LƯỢNG – NGUỒN SỨC MẠNH QUY TỤ, CHUYỂN HÓA
Nhà lãnh đạo chính trị Hồ Chí Minh không chỉ được yêu mến, ca ngợi bởi tư tưởng, đạo đức của Người, mà còn bởi phong cách, trong đó có phong cách lãnh đạo rất đặc biệt của Người.
Phong cách nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh không chỉ gây nên những xúc cảm mạnh mẽ, tích cực ở những người tiếp xúc, tìm hiểu; mà còn gợi mở hình mẫu có giá trị tham khảo quý báu về một nhà lãnh đạo chính trị trong thế giới hiện đại và cả tương lai, không chỉ cho giới nghiên cứu Chính trị học, mà còn cho chính những nhà lãnh đạo chính trị trong hiện thực. Jawaharlan Nehru, một nhà lãnh đạo chính trị tầm cỡ thế giới đã từng viết về Hồ Chí Minh với đầy lòng kính trọng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật rất vĩ đại của thế giới trong lịch sử 50 năm gần đây: một người hoà nhã, thân ái, dễ mến, không phô trương, khiêm tốn, một người của quần chúng, một người chân thực”; “Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng của lịch sử. Do đó chúng ta không chỉ được nâng tầm tư tưởng, suy nghĩ mà còn được lớn lên ở bên Người”(1).
Trong phong cách nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh, có một nét đặc sắc, độc đáo, đó là sự khoan dung, độ lượng. Nói đến lãnh đạo là nói đến quan hệ giữa người lãnh đạo và đối tượng được lãnh đạo, trong đó vai trò của người lãnh đạo là dẫn đường cho đối tượng được lãnh đạo. Quan hệ lãnh đạo không loại trừ quyền lực cứng, nhưng chủ yếu dựa trên quyền lực mềm, trên sức mạnh của sự thuyết phục của người lãnh đạo và tinh thần tự nguyện của người được lãnh đạo. Chính vì thế, khoan dung, độ lượng để nhìn khắp, thấy hết, không bỏ sót ai, mở rộng tối đa đối tượng được lãnh đạo; đồng thời nhân ái, bao dung để chấp nhận cái khác biệt, để giáo dục, bồi dưỡng, nâng đỡ những đối tượng còn yếu kém, thậm chí đã từng lạc lối lầm đường; để công tâm, khách quan sử dụng, phát huy nhiều kiểu người tài; ngăn chặn, loại bỏ những tật bệnh có thể làm hỏng công tác cán bộ; v.v., qua đó phát triển cả về lượng và chất đối tượng được lãnh đạo, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng thành công. Khoan dung, độ lượng một cách khoa học, cách mạng và nhân văn như thế còn tạo nên, củng cố, tăng cường sức hấp dẫn, cảm hóa của người lãnh đạo, và vì thế thực sự là một giá trị cốt lõi trong văn hóa lãnh đạo, một bí quyết thành công trong lãnh đạo.
Trong thực tiễn, phong cách khoa dung, độ lượng của nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh đã trở thành một nguồn sức mạnh quy tụ, chuyển hóa, giúp Người và Đảng Cộng sản Việt Nam do Người lãnh đạo có thể tập hợp và phát huy mạnh mẽ nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam. Đây thật sự là một tài nguyên vô cùng quý báu, cần tiếp tục được đi sâu nghiên cứu, khai thác, nhất là đối với đội ngũ những người lãnh đạo.
KHOAN DUNG, ĐỘ LƯỢNG – NÉT ĐẶC SẮC TRONG PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO HỒ CHÍ MINH
Trước hết, phong cách khoan dung, độ lượng của nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh là sự kết tinh tinh hoa tư tưởng – văn hóa chính trị Đông – Tây.
Phong cách khoan dung, độ lượng của Hồ Chí Minh đặc biệt bắt nguồn từ truyền thống khoan hòa trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ta nhìn thấy trong phong cách Hồ Chí Minh tấm lòng rộng lượng của con người Việt Nam trong các ứng xử xã hội, thấy triết lý khoan giản an lạc của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thấy kế sách khoan thư sức dân của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, thấy đạo nghĩa khoan dung, vị tha của Nguyễn Trãi, Quang Trung, v.v… Chính truyền thống khoan hòa, hiện thân của đức Chí Nhân của dân tộc Việt Nam, là mạch nguồn chủ yếu dung dưỡng nên phong cách khoan dung, độ lượng Hồ Chí Minh.
Trên nền tảng văn hóa dân tộc, ta còn có thể thấy dấu ấn của tư tưởng – văn hóa chính trị Nho giáo trong phong cách khoan dung, độ lượng Hồ Chí Minh. Sách Luận Ngữ - công trình phản ánh tư tưởng của Khổng tử, người sáng lập nên Nho giáo – đã rất coi trọng chữ “Khoan”. Thiên Dương Hóa trong sách Luận Ngữ chép, khi học trò của Khổng tử là Tử Trương hỏi về đức Nhân, Khổng tử đã trả lời rằng: “có thể thực hiện 5 điều sau đây trong thiên hạ, đó là Nhân”, và ông giải thích 5 điều đó là: “cung, khoan, tín, mẫn, huệ: cung thì không khinh mạn, khoan tất sẽ được lòng người, tín thì được mọi người gửi gắm, mẫn thì có công lao, huệ thì đủ để sai khiến người”. Như vậy, cùng với cung kính, tín nhiệm, cần mẫn và ân huệ, sự khoan hậu là một hiện thân của đức Nhân, một đức tính của người lãnh đạo, một giá trị cần được phổ quát hóa trong xã hội. Hệ quả của Khoan, theo Khổng tử, chính là được lòng người, quy tụ được lực lượng đông đảo – “khoan tắc đắc chúng”. Khổng tử từng nói rõ với những người lãnh đạo: "Kẻ ở trên mà không rộng lượng, hành lễ mà không có sự kính trọng, đến chỗ tang tế mà không bi ai – những kẻ đó còn gì đáng để mắt đến?". Là một người xuất thân trong gia đình Nho học, từ bé đã được giáo dục “kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử” của Nho gia, có thể khẳng định tinh thần “khoan tắc đắc chúng” của các bậc chân Nho ưu thời mẫn thế, không chỉ qua sách vở, mà còn qua phong cách hiện thực của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cùng bao nhà Nho yêu nước Việt Nam khác, đã sớm thấm sâu vào cậu bé Nguyễn Sinh Cung, để rồi sau này trở thành một nét đặc sắc trong phong cách của Hồ Chí Minh.
Không chỉ tư tưởng – văn hóa phương Đông, mà nhiều giá trị văn hóa phương Tây cũng góp phần hình thành nên phong cách khoan dung, độ lượng của Hồ Chí Minh. Chính Hồ Chí Minh đã nhiều lần ca ngợi “lòng nhân ái cao cả” trong tôn giáo do Đức Chúa Giê-su sáng lập, ca ngợi lý tưởng Bác ái của Đại Cách mạng Pháp, v.v., và cả phong cách “dũng cảm và rộng lượng” của các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong bài Lênin và các dân tộc thuộc địa (21/7/1924), Hồ Chí Minh đã dùng những chữ “dũng cảm và rộng lượng” để viết về phong cách mẫu mực của Lênin - người thầy của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế(2).
Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 7/1957
Tiếp đó, phong cách khoan dung, độ lượng của Hồ Chí Minh còn là ánh phản của sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam đại nghĩa, chính nghĩa, quang minh chính đại, văn minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính Hồ Chí Minh, trong bức thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 26/9/1945, đã nói rõ: "Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”(3). Thấu hiểu sâu sắc sức mạnh vĩ đại của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, tận mắt chứng kiến các tầng lớp người Việt Nam, từ các vị vua quan yêu nước, đến mọi giai tầng trong xã hội, đều xả thân vì đại nghiệp giải phóng và phát triển của đất nước, Hồ Chí Minh đã đúc rút một chân lý rằng: "Đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc"(4), đều có mầm Thiện ở trong lòng, vấn đề chỉ là người lãnh đạo có thấy được và có tìm ra cách khơi dậy, phát huy những giá trị đó hay không, và sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ là sự nghiệp của đại đoàn kết toàn dân, chứ không phải sự nghiệp của riêng ai. Nói cách khác, khoan dung, độ lượng là một đòi hỏi khách quan của chính hiện thực sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, đã được Hồ Chí Minh nhận thức, và vì thế, chuyển hoá thành tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.
Nhất là, phong cách khoan dung, độ lượng chính là hiện thân của tâm hồn, khí phách, nhân cách cao đẹp của nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh - bậc Đại Nhân, Đại Chí, Đại Dũng. Ngay từ năm 1923, nhà báo Ôxíp Manđenxtam đã nhận ra điều này khi tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai… Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”(5).
Có thể thấy rằng phong cách lãnh đạo khoan dung, độ lượng Hồ Chí Minh là sự kết tinh tinh hoa tư tưởng - văn hóa dân tộc và nhân loại, phán ánh đúng và đáp ứng được đòi hòi của thực tiễn sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, là một hiện thân của nhân cách Hồ Chí Minh, vì thế, có giá trị to lớn, cần được trân trọng nghiên cứu, học tập.
HỒ CHÍ MINH - TẤM GƯƠNG TU DƯỠNG, THỰC HÀNH PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO KHOAN DUNG ĐỘ LƯỢNG
Hồ Chí Minh là con người thống nhất giữa tri và hành, giữa nói và làm, giữa tư tưởng, đạo đức và phong cách. Điều này cũng được thấy rõ khi nghiên cứu phong cách lãnh đạo khoan dung, độ lượng Hồ Chí Minh.
Trên bình diện tư tưởng, Hồ Chí Minh luôn chỉ rõ, khoan dung, độ lượng là một phẩm chất của người cách mạng, đặc biệt là của cán bộ lãnh đạo cách mạng. Quan điểm này của người là nhất quán, kiên trì trong mọi tình huống cách mạng khác nhau. Tùy từng hoàn cảnh, đối tượng, sắc thái nội dung, Hồ Chí Minh sử dụng nhiều từ khác nhau để nói đến phong cách này: khoan thứ, khoan hòa, khoan dung, khoan hồng…
Ngay trong những bài giảng tại Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1925, sau này được in thành sách Đường Kách mệnh (1927), khi nói đến tư cách một người cách mệnh, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Với từng người thì khoan thứ”(6). Khoan thứ ở đây bao gồm: (1) khoan hòa, tức là rộng rãi, hòa hợp với mọi người, và (2) lượng thứ, tức là rộng lòng tha thứ cho người. Quan niệm này tiếp tục được Hồ Chí Minh nhắc lại trong bài Người cách mạng mẫu mực (18/9/1926): “Người cách mạng mẫu mực phải khiêm tốn, khoan hoà, lượng thứ…”(7). Năm 1957, trong bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp của các tổng cục, Người nhấn mạnh: “Khiêm tốn và rộng lượng, đó là hai đức tính mà người cách mạng nào cũng phải có”(8). Điều đặt biệt là, đối với người lãnh đạo, Hồ Chí Minh càng khẳng định cần phải có đức Khoan. Nhân luận bàn về cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trọng người hiền tốt, ưa người lẽ phải, khoan hồng và cương trực, dũng cảm và nhiều mưu, đó là đại tướng”(9).
Để giúp hiểu đúng về đức tính khoan dung, độ lượng, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mặt đối lập của nó là sự hẹp hòi – biểu hiện của tính tự kiêu, tự mãn; và nhiều lần Người đã dùng hình ảnh so sánh để làm nổi bật sự đối lập giữa hai tính cách này. Chẳng hạn, trong bài nói về bệnh tự kiêu, tự ái, Hồ Chí Minh viết: “Tự kiêu là hẹp hòi… Thí dụ một cái cốc, vì hẹp hòi mà chỉ đựng được rất ít nước, thêm một chút nước nữa, là phải tràn. Trái với cái độ lượng rộng lớn của bể, bao nhiêu nước cũng vẫn chứa được”(10). Trong bài Cần, kiệm, liêm, chính, Người nói rõ thêm: “Sông to, biển rộng, thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén, cái đĩa cạn”(11). Và Người rút ra kết luận: “Như sông như bể mới gọi là độ lượng của người cách mạng”(12).
Như vậy, có thể thấy, nếu phong cách là những đức tính bên trong, thể hiện ra bên ngoài ở cách sống, cách hành xử, được thực hiện trước sau như một, trở thành nét nổi bật, đặc trưng ở chủ thể hành động, thì với Hồ Chí Minh, khi Người luôn nhấn mạnh, luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là cá bộ lãnh đạo phải luôn trau dồi và thực hành khoan dung, độ lượng, thì khoan dung, độ lượng chính là một phong cách của người cách mạng, trong đó có người cán bộ lãnh đạo cách mạng.
Không chỉ khẳng định người cán bộ lãnh đạo cách mạng cần có đức tính, phong cách khoan dung, độ lượng, Hồ Chí Minh còn luận giải sâu về giá trị mà đức tính, phong cách này mang lại, xét trên cả hai phương diện:
Thứ nhất, với mình, là hoàn thiện bản thân. Người chỉ rõ: “Tài đức độ lượng nhỏ nhen, không bao dung được những ý kiến và những phê bình của người khác”(13). Rõ ràng, những người không có khả năng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình, kể cả của cấp dưới, thì những người đó không thể tiến bộ được. Trái lại, biết tôn trọng, chấp nhận cái khác biệt, cầu đồng tồn dị, thì không những thể hiện đức khoan dung, độ lượng, mà còn có khả năng không ngừng bồi dưỡng đạo đức, nhân cách của mình, qua đó mà trưởng thành thêm.
Thứ hai, với người, là tập hợp, giáo dục, sử dụng và phát huy được cán bộ, hay rộng hơn là các lực lượng cách mạng.
Theo Hồ Chí Minh, “mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi”; “Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gụi những người mình không ưa”(14). Như thế, khoan dung, độ lượng chính là để “cán bộ không bị bỏ rơi”, để tập hợp rộng rãi lực lượng. Những người lãnh đạo càng cao, càng cần có đức tính, phong cách này, có như vậy với thành đại đoàn kết. Có đại đoàn kết cách mạng mới đại thành công, tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang. Quan điểm này của Hồ Chí Minh thể hiện rõ tính nhân văn, tính cách mạng sâu sắc.
Người còn chỉ rõ, có khoan dung, độ lượng mới có thể không chỉ tập hợp rộng rãi, đông đảo lực lượng, mà còn có thể giáo dục, bồi dưỡng những đối tượng còn kém, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng của lực lượng cách mạng. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, “phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ”(15); “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa”(16).
Khoan dung, độ lượng, theo Hồ Chí Minh, còn là cơ sở để sử dụng cán bộ, sử dụng các lực lượng cách mạng. Người nhấn mạnh: “Khoan hồng là biết dùng người”(17). Mà biết dùng người, khéo dùng người, thì người tài ngày một nhiều thêm, lực lượng cách mạng ngày một đông đảo và được phát huy. Đó là gốc của thành công.
Như vậy, có thể thấy rằng, nếu công tác cán bộ là công tác gốc của Đảng, thì khoan dung, độ lượng, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, chính là một cơ sở, điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện thành công nhiều khâu của công tác cán bộ, đồng thời, giúp tránh được nhiều tật bệnh liên quan đến cán bộ, đến lực lượng cách mạng như cánh hẩu, đố kị, coi khinh quần chúng, v.v… Chính vì quan trọng như vậy, nên theo Hồ Chí Minh, khoan dung, độ lượng phải trở thành cách nhìn thế giới, cách nhìn đời, nhìn người của người cách mạng: “Cái nhìn của người cách mạng phải rộng rãi, thái độ phải khiêm tốn”(18). Cách nhìn độ lượng, rộng rãi, để thấy sức mạnh vĩ đại của thế giới, của cuộc đời, của con người, từ đó mà nhìn lại chính mình, để trở nên khiêm tốn. Khoan dung, độ lượng khi hướng ra bên ngoài như thế, có sức tạo sinh mạnh mẽ những phẩm chất tốt đẹp trong chủ thể, khi chủ thể hướng cách nhìn đó trở lại chính mình. Giá trị với người, với mình của đức tính, phong cách khoan dung, độ lượng hòa quyện chặt chẽ với nhau.
Trên bình diện đạo đức, phong cách, rõ ràng, Hồ Chí Minh không chỉ nói về khoan dung, độ lượng, mà bản thân Người luôn trau dồi, thực hành đức tính đó một cách kiên trì, bền bỉ, từ đó hình thành nên phong cách của Người. Có thể đưa ra biết bao nhiêu dẫn chứng về phong cách khoan dung, độ lượng của nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh, từ cách nhìn đến cách ứng xử của Người đối với các đối tượng khác nhau trong suốt cuộc đời cách mạng của Người. Đúng như đánh giá của Jawaharlan Nehru: “Hồ Chủ tịch là một người có độ lượng rộng rãi”(19).
Tóm lại, có thể thấy rằng, Hồ Chí Minh đã để lại nhiều quan điểm sâu sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn về đức tính, phong cách khoan dung, độ lượng và bản thân Người, trong suốt cuộc đời đã luôn tu dưỡng, thực hành đức tính này, để từ đó hình thành nên một phong cách lãnh đạo khoan dung, độ lượng độc đáo, đặc sắc, có giá trị gợi mở to lớn đối với hiện nay.
NHỮNG GỢI MỞ CHO CÔNG TÁC CÁN BỘ TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động, luôn coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đảng đã rất chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cao nhất là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược. Trong xây dựng đội ngũ, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng nhấn mạnh xây dựng toàn diện cả tư tưởng, đạo đức, phong cách cho cán bộ. Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" ra đời đến nay đã chỉ rõ: "Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu"(20). Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, ngày 19 tháng 5 năm 2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đã chỉ rõ việc đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu(21).
Trong bối cảnh đó, từ nghiên cứu phong cách lãnh đạo khoan dung, độ lượng của Hồ Chí Minh, có thể đúc rút một vài gợi mở như sau:
Thứ nhất, cần phải nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo về sự cần thiết học tập phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách khoan dung, độ lượng. Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, qua kiểm chứng của thực tiễn, không chỉ giúp hoàn thiện người lãnh đạo, mà còn là một bí quyết để lãnh đạo thành công, là một giá trị trong văn hóa lãnh đạo Việt Nam hiện đại.
Thứ hai, phong cách là sự ngoại hiện của tư tưởng và đạo đức. Vì thế, xây dựng phong cách lãnh đạo khoan dung, độ lượng cần phải bắt đầu từ xây dựng tư tưởng và đức tính khoan dung, độ lượng trong cán bộ lãnh đạo, người lãnh đạo phải có tư tưởng sâu sắc về khoan dung, độ lượng và khoan dung, độ lượng phải thực sự là đức tính của người lãnh đạo trong các mối quan hệ.
Thứ ba, hạt nhân quan trọng bậc nhất của khoan dung, độ lượng, đó đức Nhân. Nhân là yêu thương con người, là tình thương yêu của cán bộ lãnh đạo dành cho cấp dưới và nhân dân. Trau dồi đức Nhân là tạo dựng giá trị cốt lõi cho phong cách khoan dung, độ lượng của cán bộ lãnh đạo.
Thứ tư, tư tưởng, đạo đức, phong cách khoan dung, độ lượng liên quan mật thiết đến quá trình tu dưỡng, rèn luyện của bản thân cán bộ lãnh đạo cũng như đến công tác cán bộ, vì thế, việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, phong cách này phải được thực hiện bằng những kế hoạch cụ thể, với quyết tâm cao, gắn liền với công tác kiểm tra, đánh giá từ phía tổ chức, chiến sĩ và nhân dân, trong đó sự nỗ lực tự giác của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy là rất quan trọng.
Tóm lại, phong cách lãnh đạo khoan dung, độ lượng của Hồ Chí Minh là một tài nguyên vô cùng quý báu. Việc đi sâu nghiên cứu và áp dụng một hệ giải pháp đồng bộ để xây dựng phong cách khoan dung, độ lượng nói riêng, phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh nói chung cho cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, là nhiệm vụ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc./.
----------------------------------------
(1) Báo Evening News, ngày 6-2-1958. Trích theo Vũ Dương Ninh: Việt Nam – Thế giới và hội nhập. Nxb Giáo dục, H., 2007, tr. 448.
(2) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Nxb. CTQG, H, 2011, tr. 257, 462-464
(3) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Nxb. CTQG, H, 2011, tr. 29-30, 280
(6) (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Nxb. CTQG, H, 2011, tr. 280, 514
(8) (12) (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10. Nxb. CTQG, H, 2011, tr. 588, 608, 619
(9) (10) (13) (14) (15) (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Nxb. CTQG, H, 2011, tr. 692, 632,632, 319, 319, 696
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6. Nxb. CTQG, H, 2011, tr. 130.
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Nxb. CTQG, H, 2011, tr. 272.
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11. Nxb. CTQG, H, 2011, tr. 317.
(20) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/Chi-thi-05-CT-TW-day-manh-hoc-tap-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-Ho-Chi-Minh-2016-312314.aspx
(21) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-26-NQ-TW-2018-xay-dung-doi-ngu-can-bo-co-nang-luc-va-uy-tin-ngang-tam-nhiem-vu-382179.aspx
PGS.TS. Lại Quốc Khánh
Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo https://www.tuyengiao.vn