Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta hệ thống di sản lý luận vô giá trên mọi phương diện - trong đó có những chỉ dẫn, nhắc nhở về việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện nhân cách con người nói chung; với lực lượng Công an nhân dân nói riêng. Những chỉ dẫn đó của Người đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động thực tiễn của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân không chỉ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, mà còn trong việc tạo dựng và giữ vững hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong lòng Nhân dân, qua đó góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
1. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân
Phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân là những quan điểm mang tính chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách thức, biện pháp xây dựng lực lượng Công an nhân dân của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; giữ vững bản lĩnh chính trị, niềm tin vào sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, luôn phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Những chỉ dẫn đó của Người được thể hiện thông qua những bài viết, nói chuyện, gặp gỡ, thư gửi cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân. Qua đó, Người trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ bảo, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên hết. Người khẳng định: “Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân”(1).
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thể hiện ở những nội dung cơ bản sau đây:
Một là, những yêu cầu chuẩn mực về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
Những yêu cầu chuẩn mực về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được thể hiện khái quát nhất trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII vào tháng 3/1948. Trong bức thư này, Người nhấn mạnh: “Tư cách người Công an cách mạng là: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ. Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”(2).
Sáu điều dạy nêu trên của Người hàm chứa những nội dung rất toàn diện, sâu sắc, phản ánh nét đặc trưng, bản chất cốt lõi về phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Đây cũng là cơ sở thực tiễn rất quan trọng để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân soi chiếu vào từng hành động, việc làm của mình với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ mà ngành Công an đặt ra. Để rèn luyện đạo đức, lối sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải có đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải thật sự gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của Nhân dân, không vì những lợi ích vật chất trước mắt, hoặc vì động cơ không trong sáng mà ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
Những yêu cầu chuẩn mực về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân chính là đòi hỏi, yêu cầu những công việc, nhiệm vụ hàng ngày thường xuyên phải làm, ở cương vị nào, nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một điều rất quan trọng là phải biết luôn luôn dựa vào lực lượng của nhân dân, có quyết tâm khắc phục mọi khó khăn thì nhất định làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó”(3). Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, Người đã chỉ rõ cách thức, phương pháp để cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân hoàn thành, đó là “phải học tập cho tốt, giữ gìn kỷ luật cho nghiêm, lúc không có địch cũng coi như có địch, lúc có địch cũng coi như không có địch... phải dũng cảm, bình tĩnh, không lộn xộn, vội vàng khi sự việc xảy ra”(4).
Hai là, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải luôn giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, pháp luật, có ý thức tự mình phấn đấu vươn lên để từng bước hoàn thiện nhân cách, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Đây là một trong những hình thức, biện pháp rất quan trọng để phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”(5). Đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Người luôn nhấn mạnh đến tính kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh, tự giác, đặt ra yêu cầu cao cho bản thân. Bởi vì, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng công an gặp rất nhiều hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, nếu không giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật thì rất dễ bị sa ngã và như vậy sẽ không hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng “phải giữ gìn kỷ luật của chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân”(6).
Do đó, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phải phục tùng đường lối, chính sách của Đảng. Người nhấn mạnh: “Công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng, thì dù khéo mấy cũng không kết quả”(7); “Đảng có lãnh đạo chính trị đúng, thì chuyên môn mới đúng”(8).
Phẩm chất, nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được biểu hiện thông qua việc chấp hành các chế độ, quy định, điều lệ của lực lượng Công an nhân dân, ở những mối quan hệ, ứng xử, giải quyết với đồng chí, đồng đội và đặc biệt là đối với Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, hình thức, biện pháp để cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật là phải có ý thức tự mình phấn đấu vươn lên trong mọi lúc, mọi nơi, không được đứng trên tổ chức, ở ngoài tổ chức, làm cho tổ chức ngày càng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, nhất là về công tác chính trị, tư tưởng.
Ba là, phải quan tâm chú trọng đến vấn đề nêu gương của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
Phẩm chất, nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được hình thành, phát triển qua nhiều nhân tố hợp thành, trong đó có sự nêu gương của mỗi cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là của những người giữ vai trò lãnh đạo, chỉ huy. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua những hoạt động thi đua, phát huy gương điển hình tiên tiến, ưu tú của tập thể, cá nhân “người tốt, việc tốt” sẽ thúc đẩy phong trào và cổ vũ từng cá nhân hoàn thiện nhân cách của mình. Trong thi đua phải thật sự đề cao tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là đối với nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị cần có sự phối hợp, hiệp đồng giữa cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân để không những trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm, mà còn bảo đảm cho sự an toàn của chính bản thân mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân không chỉ chú trọng giáo dục ý thức, nhận thức; mà còn phải coi trọng các yêu cầu trong đối đãi, cư xử với nhau; chống bệnh hẹp hòi, chủ quan, định kiến, chống quan liêu, hành chính, mệnh lệnh; chống những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa “ích mình, hại người”, bè phái, phe nhóm, “lối dùng người theo cánh hẩu”. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh đến những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải gương mẫu trong lời nói và hành động; thật sự trong sáng về đạo đức, lối sống làm mực thước cho cấp dưới noi gương học tập và làm theo; phải thực sự là hiện thân của tài - đức, của lòng vị tha, nhân ái, khoan dung, có sức lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ đến với người khác. Đó sẽ là những nhân tố quan trọng để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân ra sức học tập, rèn luyện về mọi mặt, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Sự nỗ lực, phấn đấu vượt lên chính mình của mỗi người là tiền đề, điều kiện để từng bước hoàn thiện nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong thời kỳ mới.
2. Thực trạng phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân hiện nay
Quán triệt và vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, thời gian qua cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, người đứng đầu các đơn vị của lực lượng Công an nhân dân đã nghiêm túc thực hiện có hiệu quả “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”; đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệnh, điều lệ của ngành Công an.
Việc phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được thực hiện gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; với thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XI, khóa XII) của Đảng và Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về nhận thức và hành động trong công tác xây dựng lực lượng Công an nói chung và phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng. Đa số cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân tiêu biểu, tận tụy “Vì nhân dân phục vụ”; nhiều hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp, nhân văn của lực lượng Công an nhân dân được khen ngợi, cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao.
Qua thực tiễn triển khai thực hiện, đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ Công an dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; giúp đỡ Nhân dân trong phòng, chống đại dịch COVID-19, nhất là trong giúp đỡ Nhân dân phòng, chống và khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra. Qua đó đã thể hiện vai trò “gương mẫu, đi đầu” của lực lượng Công an trong triển khai, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là: một bộ phận cán bộ, chiến sĩ Công an thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, coi thường kỷ cương, kỷ luật của ngành Công an; trong quan hệ với nhân dân thì hách dịch, làm trái những quy định của pháp luật, của ngành, thiếu trung thực trong làm việc, trong quan hệ ứng xử; gây khó khăn, cản trở công việc của doanh nghiệp và người dân… Tình trạng đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của ngành Công an. Vì vậy, trong thời gian qua, ngành Công an đã xử lý rất kiên quyết, mạnh mẽ đối với tập thể, cá nhân vi phạm đạo đức, lối sống để phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời, tiếp tục xây dựng hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Bên cạnh đó, tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước ra sức chống phá cách mạng Việt Nam bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, nham hiểm, đặc biệt thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đòi “phi chính trị hóa” lực lượng Công an. Mặt trái của nền kinh tế thị trường, của hội nhập quốc tế đang từng ngày, từng giờ tác động đến cuộc sống của người dân và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân...
Thực trạng trên đã và đang đặt ra cho lực lượng Công an nhân dân những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề trong việc giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ngày 21/9/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Lực lượng Công an phải có chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa giữ cho được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiếp tục chấn chỉnh tổ chức, kiện toàn bộ máy tinh, gọn, mạnh… Xây dựng tổ chức, xây dựng lực lượng, xây dựng con người trong sạch, gương mẫu, liêm chính, đừng vì chức, vì quyền, vì tiền mà làm việc xấu; nội bộ phải đoàn kết, không để mất uy tín, danh dự Công an nhân dân, vì danh dự là thiêng liêng, cao quý”(9).
3. Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm “Sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an nhân dân”.
“Sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an nhân dân” đã trở thành tài sản tinh thần vô giá, nền tảng tư tưởng quan trọng để cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “tự soi”, “tự sửa” suy ngẫm về những hành động, việc làm của mình. Theo đó, từng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thấm nhuần sâu sắc “Sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an nhân dân”, tự mình giữ cho được trong sạch; vượt qua mọi cám dỗ của mặt trái kinh tế thị trường, không sa vào suy thoái tư tưởng đạo đức, lối sống. Đặc biệt, phải ứng xử đúng mực với nhân dân; tự rèn luyện bản thân, tăng cường đoàn kết nội bộ, phục tùng tổ chức, tận tâm với công việc, kiên quyết, khôn khéo với kẻ thù.
Hai là, thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng năng lực công tác, phẩm chất về đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
Cấp ủy đảng các cấp, người lãnh đạo đơn vị phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng năng lực công tác chuyên môn nghiệp vụ, nhất là về đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, khi được phân công, giao nhiệm vụ phải tận tâm, tận lực, đặt lợi ích của cơ quan, tập thể đơn vị lên trên hết, không vì lợi ích cá nhân mà đánh mất đi uy tín, danh dự của cán bộ, chiến sĩ Công an nói chung và của đơn vị nói riêng.
Người đứng đầu cơ quan Công an các cấp, nhất là ở các địa phương cần nắm chắc địa bàn hoạt động để có sự phân công, giao nhiệm vụ, phối hợp và kết hợp với các bộ phận, lực lượng khác bảo đảm an toàn trước hết cho chính bản thân cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nắm vững Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng; quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong thời kỳ mới, trọng tâm là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; 5 lời thề, 10 điều kỷ luật của ngành Công an nhân dân… Với tính chất đặc thù công tác của ngành, phải chú trọng giữ gìn tư cách đạo đức, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, kiên định về lập trường quan điểm và nguyên tắc, đồng thời linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong phương pháp, biện pháp công tác, trong ứng xử với người, với việc, với tổ chức.
Ba là, kiên quyết xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm đạo đức, lối sống ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ngành Công an.
Đây là vấn đề rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay để giữ vững uy tín, danh dự của ngành Công an. Vì vậy, trong điều kiện, hoàn cảnh nào và ở cương vị, chức trách nào nếu cán bộ, chiến sĩ Công an vi phạm đều phải bị xử lý, không có trường hợp ngoại lệ, không có vùng cấm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, nhất là cấp cơ sở; phát huy vai trò phát hiện, phản ánh của quần chúng nhân dân và các cơ quan, bộ phận, lực lượng của toàn xã hội; ban hành những chế tài, quy định cho ngành Công an, bảo đảm khách quan, công bằng, dân chủ trong quá trình hoạt động cũng như trong giao tiếp, ứng xử với Nhân dân và doanh nghiệp.
Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong quá trình phát triển nhân cách.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân cần có ý thức tự mình phấn đấu vươn lên trong công việc, cuộc sống, tự mình điều chỉnh hành vi phù hợp với môi trường công tác và đặc biệt là việc tiếp xúc với người dân. Cụ thể, cần học tập và làm theo các chuẩn mực của ngành Công an nhân dân, tạo thành nhu cầu văn hóa, từ đó có năng lực tư duy sáng tạo, có cơ hội thường xuyên được trải nghiệm trong thực tiễn với những tình huống nảy sinh để chủ động khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, từng bước hoàn thiện nhân cách, xây dựng lối sống, tác phong giản dị, khiêm tốn, trung thực, có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đó là hệ thống những tiêu chí, quy định đặt ra cho mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải phấn đấu vươn lên trưởng thành về mọi mặt, thực sự là chỗ dựa tin cậy vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong giữ gìn trật tự an ninh Tổ quốc. Những chỉ dẫn của Người là kim chỉ nam định hướng hành động cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải không ngừng trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, lối sống, giữ vững hình ảnh tốt đẹp của cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng Nhân dân./.
----------------------------------------
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.269.
(2),(6) Sđd, tập 5, tr.406-407.
(3) Sđd, tập 13, tr.47.
(4) Sđd, tập 14, tr.685-686.
(5) Sđd, tập 10, tr.311.
(7)Sđd, tập 15, tr.139.
(8),(10) Sđd, tập 12, tr.153, tr.153.
(9) Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Cho ý kiến về dự thảo các văn kiện và công tác nhân sự trình Đại hội Đảng bộ Công an lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ngày 21/9/2020.
ThS Lê Anh Dũng - Học viện An ninh nhân dân
Theo https://tcnn.vn