Những chỉ dẫn đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân

Những luận điểm đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội nhân dân mang tính cách mạng và khoa học sâu sắc, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân vào điều kiện cụ thể của nước ta; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa trong xây dựng quân đội của các nước xã hội chủ nghĩa cùng với hoạt động thực tiễn phong phú của Người trong tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta. Những luận điểm đó không những đã được kiểm chứng tính đúng đắn qua thực tiễn xây dựng Quân đội nhân dân trước đây, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị và vẫn là kim chỉ nam cho sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị bộ đội Phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội, ngày 25/9/1966. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trước hết, về tính tất yếu phải xây dựng Quân đội nhân dân. Luận giải đầy đủ cả cơ sở lý luận và thực tiễn, Người cho rằng: xây dựng Quân đội nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cần kíp nhất, điều kiện tiên quyết để kháng chiến thắng lợi. Do đó, khi nói về nhiệm vụ của nhà nước dân chủ mới, Người chỉ rõ nhiệm vụ cấp bách, đặt lên hàng đầu: “Để kháng chiến thắng lợi, nước nhà phải xây dựng nhiều mặt: Xây dựng quân đội - Một quân đội nhân dân thật mạnh, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng”(1). Bước sang giai đoạn cách mạng mới, cần tiếp tục thi đua xây dựng Quân đội hùng mạnh để bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn hòa bình, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Người căn dặn: “... phải thi đua xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, làm hậu thuẫn mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”(2).

Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta không những sớm tổ chức ra Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, mà còn không ngừng chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện. Hiện nay, Đảng ta chủ trương: “Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân,... cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội,... tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân,... cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”(3).

Hai là, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh là nhằm thực hiện mục tiêu chính trị của Đảng. Trước mắt là tạo ra lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu, công cụ bạo lực cách mạng sắc bén để giành, giữ chính quyền, kiến tạo hòa bình, loại bỏ nguy cơ chiến tranh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Người chỉ rõ: “Để đánh thắng thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ và lũ Việt gian bù nhìn... ta phải có một quân đội nhân dân thật mạnh và luôn luôn tiến bộ”(4). Khi mục tiêu giành và giữ chính quyền đã hoàn thành, Người khẳng định mục đích cuối cùng của việc: “Xây dựng quân đội cách mạng do Đảng lãnh đạo, tiến hành chiến tranh cách mạng chính là chuẩn bị điều kiện để tiêu diệt hết thảy chiến tranh”(5), để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc.

Từ chỉ dẫn quý báu trên của Người, trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, để Quân đội làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 khẳng định: “Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang được đổi mới về tổ chức, trang bị, nghệ thuật quân sự; sức mạnh tổng hợp tiếp tục được tăng cường; khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng cao; thực sự là quân đội của nhân dân, lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”(6).

Ba là, về nội dung, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân, Người chỉ rõ phải xuất phát từ mục đích xây dựng Quân đội và phải căn cứ vào tình hình nhiệm vụ của cách mạng quy định nên rất toàn diện. Vì vậy, theo Người “... một mặt phải tiếp tục thực hiện kế hoạch huấn luyện cho quân đội, một mặt phải chuẩn bị thực hiện các chế độ chính quy và phải nghiên cứu giải quyết dần các vấn đề củng cố hậu phương. Đó là nhiệm vụ rất to lớn, rất quan trọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta”(7). Nhất quán và làm rõ hơn tính toàn diện về nội dung, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, Người khẳng định: Quân đội nhân dân phải được xây dựng hùng mạnh để thực hiện ba chức năng: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Các chức năng đó đều vẻ vang và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, Người nhấn mạnh: “Đảng và Chính phủ giao cho quân đội ta hai nhiệm vụ: 1. Xây dựng quân đội nhân dân ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu. 2. Thiết thực tham gia lao động sản xuất để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là hai nhiệm vụ rất vẻ vang; hai nhiệm vụ đó nhất trí với nhau. Các chú cần phải ra sức học tập và công tác để xây dựng quân đội; đồng thời, phải ra sức tham gia sản xuất và tiết kiệm, ủng hộ những đơn vị chuyển sang sản xuất”(8).

Bốn là, về nguyên tắc xây dựng Quân đội nhân dân. Trung thành với học thuyết Mác - Lênin về tổ chức lãnh đạo, xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, vận dụng vào điều kiện cụ thể của cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “lấy chính trị làm gốc” là một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(9).

Cùng với đó, để Quân đội ta thực sự là đội quân cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, Người chỉ rõ: Đảng phải lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội. Đây là nguyên tắc “bất di, bất dịch”, được xác định từ rất sớm, ngay trong “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” của Đảng (tháng 02/1930) do Người trực tiếp khởi thảo. Thực tiễn cho thấy, để giữ vững định hướng chính trị trong xây dựng Quân đội, trước sau như một, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng, khẳng định dứt khoát vai trò độc tôn lãnh đạo quân đội công nông, không phân quyền lãnh đạo đó cho một giai cấp, một tổ chức, một đảng phái nào khác, vì thế mà: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(10).

Năm là, phương thức xây dựng Quân đội nhân dân. Theo Người, để xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh, phải vận dụng tổng hợp các cách thức, biện pháp. Trước hết, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; thường xuyên nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng và giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho Quân đội; trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác huấn luyện quân sự và kỹ thuật; phải chấp hành nghiêm chế độ và kỷ luật; phải hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất. Người nhấn mạnh: để Quân đội ta hoàn thành được nhiệm vụ đó thì cán bộ phải nâng cao quyết tâm và phải cẩn thận. Quyết tâm và cẩn thận phải đi đôi với nhau chứ không phải quyết tâm là mạo hiểm. Phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn quân ta và phải biểu hiện cụ thể đối với từng loại hình đơn vị. Đối với các đơn vị bộ đội thường trực, phải tích cực học tập, chấp hành nghiêm chế độ, kỷ luật và sẵn sàng chiến đấu cao. Các đơn vị bộ đội sản xuất phải tích cực lao động hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất. Cán bộ phải có tinh thần trách nhiệm, chấp hành tốt mệnh lệnh và chỉ thị, khắc phục khó khăn, đi sâu đi sát thực tế, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, chống quan liêu đại khái. “Toàn quân phải đoàn kết phấn đấu, quyết tâm xây dựng quân đội ta thành một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, học tập giỏi, công tác giỏi, sản xuất giỏi”(11).

Thấu triệt những chỉ dẫn của Người, trong tiến trình đổi mới từ Đại hội VI đến Đại hội XIII, Đảng ta đều xác định chủ trương giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, đề ra những chủ trương, giải pháp lãnh đạo xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Ngày 20/7/2005, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Đây chính là “chìa khóa vạn năng” để xây dựng Quân đội ta thành Quân đội vừa cách mạng, vừa hùng mạnh. Nhất quán quan điểm này, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh, phải “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân”(12).

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đang đứng trước cả thời cơ và thách thức đan xen, Quân đội đang quyết liệt thực hiện điều chỉnh tổ chức lực lượng tạo tiền đề vững chắc để tiến lên hiện đại. Trước tình hình đó, hơn bao giờ hết, Quân đội nhân dân càng phải thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Để hoàn thành trọng trách vẻ vang, nhiệm vụ thiêng liêng đó, chúng ta cần vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt các nội dung trọng tâm:

Một là, tiếp tục quán triệt, nghiên cứu làm sáng rõ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân, làm cơ sở để vận dụng hiệu quả và phát triển sáng tạo vào quá trình xây dựng Quân đội nhân dân tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Đồng thời, tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chủ trương, cơ chế, chính sách để tạo cơ sở chính trị, hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả quán triệt, vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân trong tình hình mới.

Hai là, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Trọng tâm là Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII); Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo,... gắn với quán triệt và thực hiện những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng Quân đội trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”.

Ba là, kiên định nguyên tắc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân. Trong đó, tập trung giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân; đồng thời, không ngừng tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc của Quân đội ta. Thường xuyên củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Quân đội với Nhân dân - nền tảng vững chắc để xây dựng Quân đội hùng mạnh.

Bốn là, từng cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức, biên chế, trang bị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm là, phải gắn việc đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện - đào tạo, quan tâm, chăm lo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao với nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý tư tưởng, kỷ luật.

Sáu là, thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật; phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội và phát triển kinh tế - xã hội.

Khắc ghi lời dạy của Người, cán bộ, chiến sĩ toàn quân nguyện đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không ngừng phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

 

________________        

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 265.

2 - Sđd, Tập 10, tr. 98.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2019, tr. 48 - 49.

4 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 27.

5 - Sđd, Tập 7, tr. 592.

6 - Bộ Quốc phòng – Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb CTQG, H. 2019, tr. 05.

7 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 548.

8 - Sđd, Tập 10, tr. 378.

9 - Sđd, Tập 7, tr. 217 - 218.

10 - Sđd, Tập 14, tr. 435.

11 - Sđd, Tập 14, tr. 366.

12 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 160.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website