Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi. (Ảnh tư liệu)
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước sự chứng kiến của hàng chục vạn đồng bào Thủ đô và cả nước cùng nhiều ngoại kiều, nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Người thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".
Để thực hiện quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, ngày 3/9/1945, Người chủ toạ phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tại phiên họp, Người nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách: phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo; mở chiến dịch chống nạn mù chữ; tổ chức ngay càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo hiến pháp dân chủ; mở chiến dịch giáo dục cần kiệm, liêm chính để bài trừ những thói hư tật xấu do chế độ thực dân để lại; bỏ ngay thuế thân, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; ra tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo.
Người nói sau tám mươi nǎm bị áp bức, bị bóc lột và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm. Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công. Hiện nay những vấn đề gì là vấn đề cấp bách hơn cả. Theo ý tôi, có sáu vấn đề: Một là, nhân dân đang đói – Ngoài những kho chứa thóc mà Pháp, Nhật vơ vét của nhân dân, bọn Nhật, Pháp còn bắt đồng bào chúng ta giảm bớt diện tích cấy lúa để trồng thầu dầu, đay và những thứ cây khác cần thiết cho cuộc chiến tranh của chúng. Hơn nữa, chúng ta còn tìm thấy hai kế hoạch của bọn cầm quyền Pháp với mục đích gây nạn đói, để ngǎn trở phong trào yêu nước và bắt buộc đồng bào chúng ta phải làm việc như nô lệ. Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này. Vừa rồi nạn lụt đã phá hoại tám tỉnh sản xuất lúa gạo. Điều đó càng làm cho tình hình trầm trọng hơn. Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống. Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tǎng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ǎn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo.
Vấn đề thứ hai, nạn dốt – Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trǎm đồng bào chúng ta mù chữ. Nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ.
Vấn đề thứ ba – Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...
Vấn đề thứ tư – Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hoá dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.
Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH.
Vấn đề thứ nǎm – Thuế thân, thuế chợ, thuế đò, là một lối bóc lột vô nhân đạo. Tôi đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế ấy. Cuối cùng tôi đề nghị tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.
Vấn đề thứ sáu – Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương Giáo đoàn kết.
Hội đồng Chính phủ đã hoàn tất nhất trí với những đề nghị sáng suốt của Hồ Chủ tịch.
Ngày 8/9/1945, Người thay mặt Đảng và Chính phủ gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước bình tĩnh tuân theo mọi mệnh lệnh của Chính phủ chuẩn bị thực lực về mọi mặt, đoàn kết, nhất trí, sẵn sàng đối phó với tình hình mới. Cùng ngày, Người ký Sắc lệnh số 17 lập Bình dân học vụ để phụ trách việc chống nạn mù chữ trong cả nước. Vài ngày sau, Người lại gửi thư cho học sinh cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Bức thư có đoạn:
Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.
Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà.
Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.
Ðối riêng với các em lớn, tôi khuyên thêm một điều này: chúng ta đã đánh đuổi bọn thực dân, chúng ta đã giành được độc lập. Nhưng giặc Pháp còn lăm le quay lại. Chúng ỷ vào kẻ khác mạnh hơn mà gây sự với ta. Tất nhiên chúng sẽ bị bại, vì tất cả quốc dân ta đoàn kết chặt chẽ và một lòng chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc. Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước.
Tôi đã thành thực khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ. Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.
Những lời thư giản dị, xúc động thấm đẫm tình nhân ái, lòng yêu nước, thương dân của người đứng đầu đất nước cộng hòa non trẻ đã làm xúc động và lay động hàng triệu con tim của cả cả phụ huynh và học sinh biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước kề vai sát cánh đi suốt hành trình đấu tranh cách mạng, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Nhân dịp Chính phủ phát động "Tuần lễ vàng", ngày 17/9/1945, Người gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: "Tôi tin rằng, toàn thể đồng bào, nhất là các nhà giàu có, trong sự quyên giúp này sẽ xứng đáng với sức hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận". Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ kính yêu, trong một thời gian ngắn các tầng lớp nhân dân đã quyên góp được 370 kg vàng, 40 triệu đồng quỹ quốc phòng, 20 triệu đồng quỹ độc lập.
Ngày 20/9/1945, Người ký Sắc lệnh số 34 lập Uỷ ban dự thảo và đệ trình Quốc hội bản dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Cùng ngày, Người gửi thư kêu gọi các cụ phụ lão đoàn kết, gương mẫu, san sẻ kinh nghiệm, phấn đấu làm gương cho thế hệ trẻ noi theo.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp gây hấn trở lại Nam Bộ. Ngày 25/9, Người triệu tập phiên họp Hội đồng Chính phủ thảo luận vấn đề cứu tế, vấn đề kháng chiến ở Nam Bộ và vấn đề quan hệ với Pháp. Ngày hôm sau qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Người gửi thư cho đồng bào Nam Bộ kêu gọi quân và dân Nam Bộ anh dũng đứng lên, kiên quyết kháng chiến đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Người căn dặn đồng bào Nam Bộ phải canh phòng cẩn thận nhưng phải đối đãi khoan hồng với tù binh Pháp làm cho nhân dân Pháp và thế giới biết rằng: "Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước". Trong thư có đoạn: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Tôi chắc và đồng bào Nam bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”. Thư của Bác còn truyền đến cho nhân dân Nam bộ niềm tin vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của ta là chính đáng”. Cùng ngày, Chính phủ lâm thời ra lời hiệu triệu kêu gọi đồng bào cả nước “Hãy ủng hộ phong trào đấu tranh oanh liệt của đồng bào Nam bộ”. Đáp lời kêu gọi của Bác và Trung ương Đảng, cả nước dấy lên phong trào ủng hộ nhân dân Nam bộ kháng chiến chống Pháp. Khắp các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ tổ chức mít-tinh, biểu thị quyết tâm ủng hộ Nam bộ kháng chiến, bảo vệ độc lập dân tộc. Thanh niên các tỉnh miền Bắc nô nức tình nguyện vào các đội quân “Nam tiến” để vào Nam giết giặc. Chiến trường Nam bộ thật sự quy tụ sức mạnh cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày 28/9/1945, Báo Cứu quốc đăng thư của Người kêu gọi đồng bào toàn quốc ra sức cứu đói. Trong thư Người viết: Hỡi đồng bào yêu quý! Từ tháng giêng đến tháng bảy năm nay, ở Bắc Bộ ta đã có hai triệu người chết đói. Kế đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, nhân dân càng khốn khổ. Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc rằng đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn, mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên. Tôi xin thay mặt dân nghèo mà cảm ơn các đồng bào.
Trong sáng mà giản dị, hiệu quả mà thiết thực - tất cả đều VÌ DÂN. Đó là một số việc mà Hồ Chí Minh vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - "Người công dân số một" của nước Việt Nam mới đã làm trong "Tháng độc lập đầu tiên" của "Năm cộng hoà thứ nhất" vì mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam - Đồng bào yêu quý của Người./.
Nguyễn Tuấn Anh