1.Từ Cách mạng Tháng Mười Nga và sơ thảo Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc tin rằng chỉ đi theo con đường cách mạng vô sản mới giải phóng được dân tộc mình.
Năm 1848, Tuyên ngôn Đảng Cộng sản do Các Mác và Ăng Ghen phát minh, đó là chân lý cho các nô lệ trên thế gian vùng lên phá tan xiềng xích áp bức, bất công. Năm 1870 - 1871, lịch sử cận đại thế giới chứng kiến Công xã Pa ri - một cuộc “tấn công lên trời” của các tầng lớp không thuộc giới thượng lưu ở nước Pháp và châu Âu; tuy bất thành, song đó là tiếng súng báo hiệu một thời đại mới đang đến gần. Đó là thời đại mà giai cấp bị áp bức bóc lột không cam chịu thân phận nô lệ ở đáy cùng xã hội, cùng đoàn kết vùng lên lật đổ ách thống trị của chế độ Tư bản áp bức, bóc lột, là nguồn cảm hứng cho các cuộc cách mạng về sau. Nước Pháp, một trong những chiếc nôi văn minh nhân loại, một trong những nơi có được thắng lợi của cách mạng Tư sản, lật đổ nền chuyên chế quân chủ, mở ra nền dân chủ Tư sản, đưa ra tuyên ngôn dân chủ và nhân quyền cho thế giới. Chính những lời tuyên ngôn bất hủ từ nước Pháp và nước Mỹ (trước đó), nhất là những khái niệm hoàn toàn mới lạ (tự do, bình đẳng, bác ái) đã cuốn hút tâm trí của Nguyễn Tất Thành, cùng với đó là lòng yêu nước thương dân vô hạn đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Suốt 30 năm bôn ba hải ngoại, Người đã đi qua nhiều nước, đến nhiều địa danh nổi tiếng, nhưng không phải là để tìm kế mưu sinh cho riêng mình, mà là dấn thân vào cuộc trường chinh đi tìm nguồn sáng thời đại, đem ánh sáng lý luận cách mạng để soi rọi cho dân tộc mình, đồng bào mình đi theo, tự cứu sống, tự thay đổi vận mệnh của cả dân tộc, của mỗi kiếp đời lầm than, nô lệ, mang lại quyền tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái. Trên lộ trình lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc đã đến nước Nga lần đầu vào đúng những ngày đông giá buốt khi mà nước Nga và những người vô sản chân chính trên thế giới đang phải chịu nỗi đau mất đi một con người vĩ đại của phong trào cộng sản thế giới. Mặc dù Nguyễn Ái Quốc không kịp gặp để học hỏi lý luận cách mạng từ Lênin - linh hồn Cách mạng Tháng Mười Nga; nhưng với những gì mà Nguyễn Ái Quốc hiểu được từ sơ thảo Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đặc biệt là cùng với những giá trị thiêng liêng do Cách mạng Tháng Mười Nga mang lại, đã giúp Người có được quyết định đúng xu thế thời đại, khẳng định Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng xã hội triệt để nhất so với các cuộc Cách mạng Tư sản trước đó, Việt Nam chắc chắn sẽ đi theo con đường Cách mạng Vô sản như vậy mới mong thành công. Đây là sự đột phá trong lập trường tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc, có ý nghĩa như hòn đá tảng trong lập trường tư tưởng chính trị của Đảng ta sau này. Từ nhận thức như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã bộc bạch với những người bạn quốc tế cùng tham gia hoạt động trong phong trào quốc tế vô sản rằng, đối với tôi mọi việc đã rõ ràng, bây giờ tôi phải trở về Tổ quốc để giúp đồng bào mình. Trên đường trở về Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở các lớp huấn luyện lý luận cách mạng, những giá trị lý luận khai sáng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo trong các bài giảng ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm 1925 - 1927, sau được xuất bản thành tác phẩm “Đường Kách mệnh” chính là kết tinh giá trị tư tưởng thời đại với yêu cầu lịch sử Việt Nam, là khởi nguyên nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam mãi về sau. Những hạt giống đỏ được Nguyễn Ái Quốc huấn luyện ở Quảng Châu là lớp tiền bối tiêu biểu của cách mạng nước ta, nhờ được tiếp thu lý luận cách mạng đúng từ gốc bởi một vị lãnh tụ thiên tài, nên dựa vào đó mà các bậc tiền bối cách mạng đã xả thân vì lý tưởng giải phóng dân tộc, nhiều đồng chí trở thành lãnh tụ xuất sắc của Đảng.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp,
ủng hộ Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập
Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. (Ảnh tư liệu).
2. Một số giá trị lý luận và thực tiễn từ Chủ nghĩa Mác - Lê nin và Cách mạng Tháng Mười Nga đã và vẫn mãi là cốt lõi trong nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tác phẩm “Đường Kách mệnh” cùng với những văn bản quan trọng được Nguyễn Ái Quốc viết vào dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là những cẩm nang về đường lối chiến lược của Đảng ta. Qua những kiệt tác nêu trên, chúng ta lĩnh hội được những giá trị duy nhất đúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc tiếp cận, chắt lọc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh lịch sử trong nước và thế giới để định hướng chiến lược cho cách mạng Việt Nam: Xác định mục tiêu tối thượng của cách mạng nước ta là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là đánh đổ thực dân, đế quốc và phong kiến tay sai, thực hiện người cày có ruộng và công nhân làm chủ nhà máy, công xưởng, đồn điền, hầm mỏ; điều kiện tiên quyết bảo đảm cho hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là phải có chính đảng vô sản lãnh đạo, đảng phải lấy lý luận Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho đường lối và hành động, tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân, nòng cốt là công nhân liên minh với nông dân và các tầng lớp xã hội có tinh thần dân tộc, đồng thời giữ mối liên hệ chặt chẽ với cách mạng thế giới; kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, biết phân hóa làm suy yếu kẻ thù; biết tạo thời cơ và chớp lấy thời cơ cách mạng. Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua được những hạn chế trong tư duy cứu nước của các bậc tiền bối hoặc những người hoạt động cứu nước cùng thời (giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp), mục tiêu này là sự thay đổi về tính chất, thể hiện tính triệt để trong cách mạng xã hội so với mục tiêu các cuộc cách mạng Tư sản ở Anh, Mỹ, Pháp. Tính triệt để của cách mạng Việt Nam còn được thể hiện ở bước đi tiếp theo sau khi giành được độc lập là tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Nhìn lại 90 năm có Đảng lãnh đạo, đối chiếu với Chánh cương sách lược vắn tắt của Đảng (do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và được đưa ra tại Hội nghị thành lập Đảng), với Cương lĩnh chính trị năm 1930, Cương lĩnh năm 1991 (sửa đổi bổ sung năm 2011) cùng với các nghị quyết của Đảng đã được ban hành, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ II và Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, cho thấy Đảng ta luôn trung thành, kiên định, nhất quán, vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển và làm sâu sắc thêm những giá trị cốt lõi mà Nguyễn Ái Quốc đã lĩnh hội từ Chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga.
3. Tiếp tục kiên định con đường mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lựa chọn theo Chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hồ Chí Minh chưa bao giờ tìm học lý luận chính trị theo lối kinh viện, mà cách học của Người là lăn xả vào hoạt động cách mạng, vừa trải nghiệm thực tiễn, vừa tiếp cận và lĩnh hội những giá trị cốt lõi của lý luận Mác - Lênin, từ đó chắt lọc thành những giá trị riêng có của mình, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử và thực tiễn cách mạng Việt Nam, tiến cùng xu thế thời đại. Vì thế, Người là một trong số các chân dung những người làm nên lịch sử thế giới thế kỷ XX được khắc họa trên bức phù điêu tại Thủ đô Pari. Nhìn lại tiến trình lịch sử Việt Nam từ ngày có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng, Đảng ta luôn biết chắt lọc những giá trị cốt lõi của lý luận chính trị và thực tiễn cách mạng trong nước, quốc tế để hoạch định đường lối sáng suốt, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Công xã Pari thất bại, bởi chưa có được một hệ tư tưởng tiên tiến và một chính đảng vô sản lãnh đạo; Đảng Cộng sản Liên xô mất vị thế cầm quyền lãnh đạo trước hết là chủ quan, mất cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, lại nóng vội trong cải tổ, chưa định được lộ trình cải tổ một cách khoa học, không coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quá thiên về cải tổ kinh tế, mà xem nhẹ cải tổ chính trị, nhất là làm xói mòn lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm mất tính cố kết giữa các dân tộc, các nước cộng hòa trong toàn Liên bang. Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn thách thức như đứng trong tâm bão chính trị trên chính trường thế giới, song nhờ có sự quyết đoán chiến lược, nên Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới đúng đắn, kịp thời, với phương châm có tính mệch lệnh lịch sử “tự cứu mình trước khi trời cứu”, trong đó trước hết là sự xác định “đổi mới nhưng không đổi màu”, tức là không từ bỏ con đường chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, hơn 30 năm qua, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, được Nhân dân tin tưởng thực hiện, nên đất nước mới có được cơ đồ như ngày hôm nay. Tuy nhiên, lịch sử cách mạng thế giới cũng như của Việt Nam luôn đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức, có cả những thử thách nội tại, chủ quan, có cả những thử thách khách quan, bởi đó là cuộc chiến giữa cái mới và cái cũ, giữa văn minh, tiến bộ với phản động, đôi khi có những thử thách sinh tử đối với một chế độ, một chính đảng, nếu không đủ bản lĩnh vượt qua thì chắc chắn chỉ còn lại sự tiếc nuối và hoài niệm với ánh hào quang quá khứ.Trong đó, thử thách lớn nhất của cách mạng Việt Nam hiện nay chính là sự suy thoái tư tưởng chính trị, sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nạn tham nhũng, lãng phí, sự trì trệ tư duy bao cấp, nhân đó các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụng mạng xã hội để gieo rắc tán phát thông tin xấu độc, lôi kéo, kích động, nói xấu, bôi nhọ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Mục tiêu của chúng là hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, xét lại lịch sử dân tộc, xuyên tạc sứ mệnh lịch sử của Đảng, hạ thấp công lao vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh, chia rẽ, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây rối loạn xã hội, bất ổn chính trị, tiến tới bạo loạn lật đổ chế độ. Thế giới từng chứng kiến nhiều sự kiện đau xót bởi tác hại của thông tin ảo phục vụ mưu đồ chính trị. Ngày nay, bàn phím với những cái kích chuột, ấn nút do những bàn tay đen và kẻ đeo mặt nạ chính trị điều hành đã và đang gây bất ổn nhiều thể chế chính trị, trong đó Việt Nam là một mục tiêu trọng điểm. Vì vậy, việc đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng chính là nhiệm vụ cốt tử có tính cấp bách, thường xuyên và lâu dài, liên quan đến sinh mệnh chính trị của Đảng, Nhà nước và chế độ. Trong thực hiện nhiệm vụ này, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, ngành Tuyên giáo là nòng cốt. Mỗi cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải thực sự là một tấm gương trong trui rèn đạo đức cách mạng, tự học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, nói và hành động đúng nghị quyết của Đảng, đồng thời là hạt nhân trong tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng môi trường thông tin an toàn, lành mạnh, nhất là trang bị cho người dân có được khả năng phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ “ngộ độc thông tin”; trong đó báo chí là công cụ đắc lực trên mặt trận tư tưởng của Đảng, định hướng thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh, bảo vệ những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; văn hóa, văn nghệ là những binh chủng đặc biệt, như con thuyền tải đạo đến với lòng người, nuôi dưỡng tình người, làm thanh bạch xã hội./.
PGS.TS. Trần Viết Lưu
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Trung ương