Có thể kể đến một số tác giả với các công trình tiêu biểu sau đây: Nguyễn Đăng Mạnh (Mấy vấn đề tìm hiểu, phân tích thơ văn Hồ Chí Minh; Văn thơ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; Vài suy nghĩ về tư tưởng mĩ học Hồ Chí Minh qua sáng tác thơ; Truyện ngắn Nguyễn Ái Quốc, những sáng tạo nghệ thuật đặc biệt, phong phú, độc đáo); Hà Minh Đức (Văn thơ Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh - nhà báo; Tác phẩm Hồ Chí Minh - cẩm nang của cách mạng Việt Nam); Phong Lê (Thơ văn Hồ Chí Minh - những giá trị vĩnh cửu); Lê Xuân Đức (Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh; Đọc thơ Hồ Chí Minh; Thi hứng thêm nồng; Nay ở trong thơ; Tinh hoa thơ Hồ Chí Minh…); Đoàn Trọng Huy (Hồ Chí Minh - hồn cách mạng, hồn thơ; Hồ Chí Minh - thơ toàn tập; Hồ Chí Minh - niềm thơ cao cả); Nguyễn Thanh Tú (Một tâm hồn vĩ đại và tinh tế - cảm nhận về thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; Tiếng cười trào phúng Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh - những mạch nguồn văn hóa; Hồ Chí Minh - nhà ngụ ngôn kiệt xuất; Hồ Chí Minh - một tâm hồn nghệ sĩ)… Một kiểm kê ngắn, dĩ nhiên là chưa thể đầy đủ, nhưng cũng gợi lên được sức hấp dẫn và tầm quan trọng của di sản văn chương Hồ Chí Minh - hiện thân của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người - đối với giới nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam.
GS Phong Lê (nguyên Viện trưởng Viện Văn học), trong công trình Thơ văn Hồ Chí Minh - những giá trị vĩnh cửu, đã nhận định: “Nói đến Hồ Chí Minh là nói đến một cách sống hài hòa với tự nhiên, hòa ái với con người; nói đến tư thế ung dung tự tại; nói đến khả năng làm chủ bản thân và ngoại cảnh... Văn hóa nhân cách, văn hóa đạo đức, văn hóa lối sống - đó cũng là một khía cạnh quan trọng, dẫu chỉ là bộ phận trong cuộc đời danh nhân Hồ Chí Minh.”(1) Cách sống nói lên rất rõ tinh thần, đạo đức, tác phong của con người. Nhìn lại cuộc đời Bác, từ lúc sinh ra đến khi trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, thành biểu tượng của hòa bình và tiến bộ nhân loại, có thể thấy nhận định của Phong Lê đã chạm đến cái gốc của vấn đề: bản chất giá trị tồn tại của con người. Phong Lê đã dành khá nhiều thời gian cho việc nghiên cứu thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Ông cho rằng: “Có một sự nghiệp văn thơ và phẩm chất nghệ sĩ ở Bác Hồ”; “Từ thơ văn Bác, ánh sáng còn tỏa rộng xa hơn việc soi tỏ chân dung một con người, một dân tộc và một thời đại.”(2) Góc nhìn và quan điểm đó đã được Phong Lê hình thành và suy ngẫm từ hơn ba mươi năm trước. Trong một bài báo năm 1990, ông đã sớm khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một sự nghiệp văn thơ không chỉ là tấm gương soi của một con người xuất chúng, mà còn in đậm tinh thần thời đại, kết tinh khát vọng tinh thần, tình yêu và lẽ sống của một dân tộc.”(3) Trong một công trình khác, khi đánh giá về hành trình đi đến giá trị chân - thiện - mĩ của Hồ Chí Minh, Phong Lê nhấn mạnh: “Hồ Chí Minh như là một sự hiện thân, sự hóa thân tuyệt đẹp của những khả năng bên trong ở một con người, có dễ là hiếm hoi trên thế giới này và trong thế kỉ này đã đi được đến cùng cuộc hành trình chân - thiện - mĩ.”(4) Từ suy nghĩ đó, đặt văn thơ Hồ Chí Minh mà rộng hơn là tư tưởng của Người trong quá trình xây dựng đường lối văn hóa - văn nghệ, xây dựng nền tảng tinh thần, tư tưởng của dân tộc, Phong Lê viết: “Từ cuộc đời và thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, cả một dân tộc, một thời đại còn có thể tìm thấy những điểm tựa vững chắc làm nền tảng để xây dựng chính nền văn hóa mới, văn nghệ mới cho mình.”(5) Nhìn lại hành trình ra đi từ làng Sen của Bác, con đường đến với chân lí cách mạng, con đường hình thành tư tưởng, đạo đức và phong cách, tầm ảnh hưởng cũng như khả năng lan tỏa một cách sâu rộng, bền vững các giá trị từ Hồ Chí Minh, Phong Lê đã viết những dòng đầy tâm huyết: “… Hình ảnh Hồ Chí Minh một mặt sẽ lớn cao lên, và mặt khác sẽ hòa vào hình ảnh chung của dân tộc, sẽ trở thành một biểu tượng chung cho khí phách của nhân dân Việt Nam. Hồ Chí Minh vĩ đại vì sức mạnh Người đem lại cho hiện tại và mai sau. Ở Hồ Chí Minh, một sự nghiệp lớn đã được thực hiện, đang được tiếp tục và nhân lên, vì nói như Xuân Diệu, cả dân tộc đang được tạo theo hình của Bác.”(6)
GS.NGND Nguyễn Đăng Mạnh đưa ra nhận định: “Có nhiều căn cứ để tìm hiểu tư tưởng của Người. Trong các căn cứ ấy, thơ văn của Người để lại có một vị trí và tầm quan trọng đặc biệt. Bởi vì xét về thực chất, thơ văn là một hoạt động tư tưởng, trực tiếp, sâu sắc, toàn diện, sinh động và tinh tế nhất.”(7) Có thể nói, xét trên phương diện tư tưởng học thuật, đóng góp khoa học, Nguyễn Đăng Mạnh là một nhà nghiên cứu nổi bật về Hồ Chí Minh. Những công trình nghiên cứu - phê bình của ông cùng nhiều thế hệ học trò đã in thành sách, giáo trình giảng dạy về văn thơ Hồ Chí Minh nói lên điều đó. Qua các công trình này, chúng ta thấy được sự khách quan, tôn trọng của Nguyễn Đăng Mạnh đối với di sản văn chương Hồ Chí Minh.
GS.NGND Hà Minh Đức (nguyên Viện trưởng Viện Văn học; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật) cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về văn thơ Hồ Chí Minh. Ông đưa ra nhận xét: “Hồ Chí Minh am hiểu và rất yêu thích những sáng tác trong kho tàng văn học dân gian, những giá trị văn học cổ điển… Trong thơ ca của mình, Hồ Chí Minh khai thác nhiều tứ thơ, nhiều câu thơ từ trong thơ ca dân gian, thơ ca cổ điển, để thể hiện một tư tưởng mới, một ý tứ mới.”(8) Những công trình của Hà Minh Đức cho thấy trữ lượng vấn đề, nội dung, tư tưởng, giá trị của văn chương Hồ Chí Minh, đồng thời cũng cho thấy sức hấp dẫn bền bỉ, lâu dài của Người đối với giới nghiên cứu. Hà Minh Đức đã dành cả đời mình nghiên cứu, giảng dạy và hướng dẫn rất nhiều thế hệ học trò nghiên cứu về Bác. Qua đó, người đọc, trong và ngoài giới, trong và ngoài nước, có thể nhận ra đâu là chân lí, lẽ phải. Không có cách đấu tranh, bảo vệ hình tượng và di sản Hồ Chí Minh nào hiệu quả hơn việc làm sáng thêm lên tư tưởng của Người, từ đó cảm hóa, giáo dục, tăng cường nhận thức, hiểu biết về chân lí, lẽ phải trường tồn ấy.
Hà Huy Giáp vốn là một nhà hoạt động cách mạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Ông cũng có thời gian nghiên cứu Hồ Chí Minh với những tác phẩm tiêu biểu như: Một vài suy nghĩ về tư tưởng Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường đưa đất nước đến phồn vinh. Khi chú ý đến thơ văn Hồ Chí Minh, ông khẳng định: “Văn thơ Hồ Chủ tịch đã đóng một vai trò hết sức lớn lao, vai trò hàng đầu trong giới văn nghệ, trong nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.”(9) Rõ ràng, với những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp (văn học và báo chí chính luận) trong thời gian ở nước ngoài, bị tù đày (Nhật kí trong tù), những bài thơ ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh xứng đáng là một trong những cây bút tiên phong của văn học cách mạng, đặt nền móng cho nền văn nghệ chống thực dân, đế quốc. Đánh giá thơ văn của Người như là một đóng góp lớn lao, hàng đầu cho nền văn nghệ cách mạng thể hiện nhãn quan tinh nhạy và xác đáng của Hà Huy Giáp.
GS.NGND Vũ Dương Ninh, trong bài viết Tuyên ngôn độc lập: Từ quyền con người đến quyền dân tộc, đã nhấn mạnh tư tưởng về quyền con người và đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh trong việc “suy rộng ra” đối với mọi người, mọi dân tộc trên toàn thế giới: “Rõ ràng, nhận thức của Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của các dân tộc được đúc kết từ tấm lòng thiết tha với vận mệnh dân tộc Việt Nam đã từng rên xiết dưới ách thực dân, và từ sự thể nghiệm qua cuộc hành trình thế giới trước tình cảnh nhiều dân tộc Á, Phi, Mĩ Latinh vẫn đang bị nô dịch. Trong mỗi dân tộc có nhiều cá nhân song quyền của mỗi cá nhân lại không bao hàm đầy đủ quyền của dân tộc. Cho nên, sự “suy rộng ra…” của Người thật là chí lí, mở rộng khái niệm và nâng cao tầm nhìn về quyền tự nhiên cùng đối tượng được hưởng quyền tự nhiên ấy.”(10) Vũ Dương Ninh cũng dẫn lời học giả Nhật Bản Shingo Shibata để tiếp tục nhấn mạnh: “Đặc điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh là ông đã thừa hưởng tư tưởng về quyền con người và mở rộng quyền đó vào quyền các dân tộc. Sự đóng góp nổi bật của Hồ Chí Minh là trên thực tế, ông đã phát triển quyền con người vào quyền các dân tộc. Từ đó dẫn đến tất cả các dân tộc đều được hưởng quyền quyết định vận mệnh của chính mình, như vậy thì tất cả các dân tộc đều có thể và thực hiện việc tự cai quản nền độc lập của mình.”(11) Không chỉ Vũ Dương Ninh, nhiều học giả trên thế giới cũng ngưỡng mộ tư tưởng này, thấy đó là quan điểm đúng đắn, là đóng góp quan trọng đối với hành trình tư tưởng nhân loại tiến bộ của Hồ Chí Minh.
PGS.TS Đoàn Trọng Huy (cố vấn cao cấp của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) ý thức sâu sắc về giá trị di sản tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh thể hiện trong văn chương, đã tiến hành công việc nghiên cứu về Người một cách “nghiêm cẩn tối đa và tấm lòng kính yêu, biết ơn vô hạn”(12). Cuốn sách Hồ Chí Minh - niềm thơ cao cả của Đoàn Trọng Huy đã làm nổi bật chân dung Hồ Chí Minh - lãnh tụ cách mạng Việt Nam, một tác gia văn học lớn, một nhà tư tưởng vĩ đại mang tầm vóc nhân loại. Trong những nghiên cứu của Đoàn Trọng Huy, Hồ Chí Minh hiện lên vừa gần gũi, ấm áp, vừa kì vĩ, lớn lao. Điểm mấu chốt mà Đoàn Trọng Huy đã ý thức rất rõ là Hồ Chí Minh lớn lao, vĩ đại mà không xa cách. Người sống giữa lòng nhân dân, Tổ quốc, dâng hiến trọn vẹn và cao cả. Đó là lí do khiến mỗi người dân Việt Nam đều như thấy có hình bóng của Bác trong mỗi phút giây đi cùng dân tộc như cách Tố Hữu đã từng viết: Ta bên Người, Người toả sáng trong ta.
Trong bài Thụ hưởng tư tưởng Hồ Chí Minh qua thơ chúc tết - mừng xuân, tác giả Trần Công Huyền viết: “Bác là một nhà cách mạng lão luyện, là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, danh nhân văn hóa thế giới. Bác làm thơ là vận động cách mạng, đưa đường lối của Đảng thấm sâu vào quần chúng bằng hình thức rất độc đáo. Thơ là tiếng lòng, tiếng của con tim. Nhịp tim của Người và nhịp tim của nhân dân đã hòa điệu làm một. Bác chọn thời điểm giao thừa, lúc mà mỗi người đang ngây ngất, lâng lâng trạng thái tinh thần phấn chấn để tiễn năm cũ đi và đón chào năm mới. Bác vừa tổng kết những công việc, những thắng lợi của năm cũ và chờ đón định hướng mới, nhiệm vụ mới bằng những vần thơ. Đúng như một nhà báo Mĩ đã cảm nhận là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân Việt Nam kháng chiến bằng những vần thơ.”(13) Thơ chúc tết - mừng xuân của Bác đi vào lòng người vì Bác viết một cách dễ hiểu, sâu sắc, hàm súc về những vấn đề trung tâm của cách mạng, đáp ứng sự chờ đón, khát khao của quần chúng, giải đáp những câu hỏi của thời đại. Những bài thơ đó đều xuất phát từ yêu cầu, từ nhiệm vụ của cách mạng. Chất liệu của thơ Bác là chất liệu của hiện thực được ánh sáng lí tưởng soi rọi nên vừa chân thật, vừa bay bổng. Tất cả đều hài hòa trong cái nhìn toàn diện, thấu đáo. Những bài thơ chúc tết ấy đã đi vào nhân dân, nhân dân nhận thức thấu tỏ đường lối cách mạng, mục tiêu cách mạng và ý thức được nhiệm vụ của mình một cách rõ ràng với quyết tâm cao.
PGS.TS Nguyễn Thanh Tú là đại tá quân đội, có nhiều công trình nghiên cứu về thơ văn Hồ Chí Minh. Khi nghĩ về văn hóa đối thoại như là sản phẩm đặc thù của xã hội người, qua trường hợp Bác Hồ ứng xử với trẻ em, ông viết: “Bác Hồ của chúng ta là thế. Bác đã chứng minh chân lí: phải là một tâm hồn giàu yêu thương, giàu lòng trắc ẩn, khoan dung và luôn tôn trọng con người mới có thể lắng nghe được lòng con trẻ.”(14) Bàn luận về chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trong bài viết Đường kách mệnh - ánh sáng thời đại, Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh: “Hạt nhân của chủ nghĩa nhân văn là yêu thương con người - đã có trong Đường kách mệnh; là quý trọng, nâng đỡ con người - đã có trong Đường kách mệnh.”(15) Trong một bài viết bàn về Giá trị hạnh phúc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nguyễn Thanh Tú chỉ rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ sống mãi cùng nhân loại vì mang giá trị nhân loại phổ quát, gắn liền với nhân loại, mong muốn đưa nhân loại đến cõi hạnh phúc.”(16) Như vậy, cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác, Nguyễn Thanh Tú đã đề cập đến tầm vóc nhân loại, giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Cuộc sống của con người, xét đến cùng là nỗ lực hướng đến sự yêu thương, hướng đến giá trị nhân văn cao cả, giúp con người sống và sống với nhau tốt hơn, như nhà thơ Tố Hữu viết Người yêu người, sống để yêu nhau. Vì thế, tư tưởng nhân văn của Bác phải được xem là di sản chung của nhân loại. Nguyễn Thanh Tú viết: “Hồ Chí Minh đã tạo cho riêng mình một chủ nghĩa nhân văn vừa phương Đông lại rất phương Tây; cổ điển, truyền thống mà mới mẻ, hiện đại; bình dân giản dị mà bác học trí thức; trong sáng hồn nhiên mà sang trọng vương giả.”(17)
Tác giả Lê Cường trong bài viết Ý chí tự do - tư tưởng triết học Hồ Chí Minh qua “Nhật kí trong tù” nhấn mạnh tầm vóc lớn lao của tư tưởng Hồ Chí Minh, xem đó như là di sản của nhân loại tiến bộ. Để giữ khách quan cho nhận định này, Lê Cường đã dẫn lời Modagat Ahmet (Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO) tại Hội thảo quốc tế Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn (Hà Nội, 1990): “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó.”(18)
Có thể nói, qua sáng tác văn chương về Hồ Chí Minh hay nghiên cứu, phê bình văn chương của Người, chúng ta đều nhận thấy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn tỏa sáng. Sự thật là, hiếm có nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc nào trong chiều dài dựng nước, giữ nước của dân tộc ta có được sức hút kì lạ ấy đối với văn chương, nghệ thuật và khoa học xã hội nhân văn. Chân lí tự nó nói lên ý nghĩa tồn tại trong sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, lịch sử.
----------
1. Phong Lê, Thơ văn Hồ Chí Minh - những giá trị vĩnh cửu, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2012, tr. 163.
2. Phong Lê, Thơ văn Hồ Chí Minh - những giá trị vĩnh cửu, sđd, tr. 90.
3. Phong Lê, Suy nghĩ về Bác nhân một cuộc hành hương, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 63.
4. Phong Lê, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, hành trình thơ văn, hành trình dân tộc, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 234.
5. Phong Lê, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, hành trình thơ văn, hành trình dân tộc, sđd, tr. 58.
6. Phong Lê, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, hành trình thơ văn, hành trình dân tộc, sđd, tr. 245.
7. Vũ Kim Xuyến (tuyển chọn), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, tư tưởng và sự nghiệp văn học, Nxb Lí luận Chính trị, Hà Nội, 2005, tr. 313.
8. Vũ Kim Xuyến (tuyển chọn), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, tư tưởng và sự nghiệp văn học, sđd, tr. 75.
9. Nguyễn Như Ý, Nguyễn An, Chu Huy (tuyển chọn), Hồ Chí Minh - tác giả, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr. 126.
10. Vũ Dương Ninh, Tuyên ngôn độc lập: Từ quyền con người đến quyền dân tộc, http://tennguoidepnhat.net.
11. Vũ Dương Ninh, Tuyên ngôn độc lập: Từ quyền con người đến quyền dân tộc, tlđd.
12. Đoàn Trọng Huy, Hồ Chí Minh - niềm thơ cao cả, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2015.
13. Trần Công Huyền, Thụ hưởng tư tưởng Hồ Chí Minh qua thơ chúc tết - mừng xuân, http://baotanghochiminh.vn.
14. Nguyễn Thanh Tú, Đối thoại văn hóa, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 16.
15. Nguyễn Thanh Tú, Đối thoại văn hóa, sđd, tr. 25.
16. Nguyễn Thanh Tú, Đối thoại văn hóa, sđd, tr. 36.
17. Nguyễn Thanh Tú, Đối thoại văn hóa, sđd, tr. 50.
18. Lê Cường, Ý chí tự do - tư tưởng triết học Hồ Chí Minh qua “Nhật kí trong tù”, http://quehuongonline.vn.
L.A.C
Theo http://vannghequandoi.com.vn