Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua của công nhân
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam. Người cho rằng: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(1). Thi đua là thể hiện tình yêu nước một cách thiết thực và tích cực. Thi đua không chỉ phát huy truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc, mà còn tạo ra sức mạnh tinh thần vô song để mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có giai cấp công nhân, cống hiến tinh thần và sức lực vì sự phát triển của đất nước.
Gắn kết phong trào thi đua với sự trưởng thành về mọi mặt của giai cấp công nhân
Thi đua là đua tài, đua sức giữa các cá nhân, các tập thể trong quá trình lao động, sản xuất, thôi thúc mỗi cá nhân phát huy hết tiềm năng sáng tạo để đạt kết quả cao hơn. Từ thực tiễn các phong trào thi đua đã xuất hiện những tấm gương “người mới”, “việc mới”, “người tốt”, “việc tốt”, những công nhân ưu tú làm rực rỡ thêm vườn hoa thi đua ái quốc của đất nước.
Thi đua lao động, sản xuất là một biểu hiện của tinh thần làm chủ của giai cấp công nhân; “thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ”(2), vì thi đua là môi trường để phát triển con người. Thực tiễn các phong trào thi đua sẽ tạo điều kiện, bồi dưỡng công nhân trở thành những người có lý tưởng, lao động, sản xuất giỏi, có tác phong làm việc chuyên nghiệp. Phong trào thi đua cũng giúp giai cấp công nhân thực hiện vai trò của mình trong việc lãnh đạo xã hội, xứng đáng là giai cấp tiên phong trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Như vậy, thi đua là một phương pháp hiệu quả để giáo dục và rèn luyện ý thức chính trị cho giai cấp công nhân.
Giai cấp công nhân giữ vai trò tiên phong trong phong trào thi đua
Dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam. Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân đã chứng tỏ khả năng, bản lĩnh lãnh đạo tiến trình cách mạng Việt Nam; vì vậy, Người nhấn mạnh, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, giáo dục, động viên giai cấp công nhân phát huy tính tiên phong trong đấu tranh cách mạng, hăng hái vươn lên đi đầu trong phong trào thi đua lao động, sản xuất và thực hành tiết kiệm. Người chỉ rõ: “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, muốn xứng đáng là giai cấp lãnh đạo thì phải gương mẫu trong công tác. Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, muốn nước nhà mau chóng thống nhất, muốn được tự do sung sướng, mọi người phải khắc phục khó khăn, thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”(3); đồng thời, Người đặt ra yêu cầu công nhân phải hăng hái thi đua chế tạo, nâng cao năng suất lao động, thi đua tiết kiệm nguyên, vật liệu, tiết kiệm điện... cho nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, trong thời kỳ đất nước vừa dựng xây cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, vừa đấu tranh thống nhất nước nhà, thì nhiệm vụ trước mắt của công nhân là phải lấy xây dựng kinh tế làm mặt trận hàng đầu; muốn vậy, công nhân phải thi đua để phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giúp cho nhà máy, xí nghiệp, đất nước đi lên. Biểu hiện rõ nét của thi đua là việc công nhân nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, tiết kiệm của công, chống lại chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức, có tinh thần lao động sáng tạo, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, có phương pháp, phong cách làm việc tiên tiến. Công nhân phải nhận thức rằng, để nêu gương và xứng đáng với sứ mệnh vẻ vang của giai cấp mình, họ phải thường xuyên tự rèn luyện, tự cải tạo mình để giữ vững vai trò tiên phong trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, “muốn lãnh đạo thì phải gương mẫu. Vì vậy cần phải khắc phục khuyết điểm, phát triển ưu điểm sẵn có, hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho để xứng đáng là ông chủ, bà chủ, xứng đáng là vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam”(4).
Để thực hiện được vai trò lãnh đạo trong phong trào thi đua, giai cấp công nhân cần đoàn kết với tất cả các đối tượng quần chúng nhân dân khác, như nông dân, trí thức... nhằm đưa thi đua yêu nước trở thành một phong trào rộng lớn trong toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “thi đua phải rộng rãi, phải phổ biến. Có thành tích đột xuất là tốt, nhưng phải kéo tất cả đều thi đua, nếu không thì không có ích lợi mấy”(5). Người định hướng: Giai cấp công nhân phải tổ chức, hướng dẫn các lực lượng xã hội khác thi đua lao động, sản xuất, đồng thời cũng phải học tập kinh nghiệm từ họ. Liên minh công - nông có vai trò quan trọng chiến lược, quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi khối liên minh công nhân và nông dân tích cực thi đua trong lao động, sản xuất; công nhân làm ra máy móc, phân bón... cung cấp cho sản xuất nông nghiệp của nông dân, còn nông dân làm ra lương thực, thực phẩm, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt cho công nhân để công nhân yên tâm lao động, sản xuất.
Điều kiện tổ chức phong trào thi đua cho công nhân
Phong trào thi đua muốn đạt hiệu quả thì phải phù hợp với đối tượng và mục đích. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra nhiều điều kiện tổ chức phong trào thi đua lao động, sản xuất cho công nhân, trong đó phải hướng tới mục tiêu nâng cao cả chất lượng và số lượng. Người cho rằng: “Bất cứ làm gì cũng phải làm mau, nhưng làm mau mà xấu thì không ăn thua gì, vậy phải làm tốt. Nhưng làm tốt mà ít thì không đủ cho nhân dân dùng, vậy phải làm nhiều. Làm nhiều mà đắt, nhân dân không có tiền mua, vậy phải làm rẻ”(6).
Thi đua là để vừa nâng cao năng suất lao động, sản xuất, vừa rèn luyện đức tính cần cù, chăm chỉ và tiết kiệm; vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt thi đua sản xuất gắn liền với tiết kiệm, vì “thi đua sản xuất tốt chưa đủ, tăng gia sản xuất phải đi đôi với tiết kiệm. Nếu không cũng như gió vào nhà trống... Phải tiết kiệm thì giờ, nguyên vật liệu và tiền bạc”(7). Như vậy, tiết kiệm là một biểu hiện của thi đua và cũng là điều kiện cần để phong trào thi đua đi đến thành công. Để tiết kiệm thì công nhân phải hăng hái chống tham ô, lãng phí; do vậy, Người cảnh báo: “Công nhân thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, nhưng có bọn tham ô lãng phí, nên các cô, các chú tiết kiệm được chừng nào chúng tham ô lãng phí chừng ấy; phải chống tham ô lãng phí cũng như cảnh giác chống địch phá hoại”(8).
Thi đua phải được hiểu theo nghĩa tích cực, theo đó thi đua chính là việc cùng nhau phấn đấu, cố gắng chứ không phải là ganh đua, giấu nghề. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ... Người này thi đua với người khác, tổ này thi đua với tổ khác, nhà máy này thi đua với nhà máy khác”(9). Để thực hiện thi đua tích cực, giúp nhau cùng tiến bộ, công nhân “phải đưa sáng kiến của mình phổ biến cho nhóm, cho xưởng, cho ngành mình cùng theo. Và phải học kinh nghiệm sáng kiến của người khác. Đây là điều kiện cần thiết trong thi đua”(10). Muốn vậy, mọi người phải có tinh thần cầu thị, ham học điều hay, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè thì thi đua sẽ ngày càng phát huy tác dụng.
Vai trò của tổ chức công đoàn trong phong trào thi đua của công nhân
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn Lao động là đi sát với toàn thể công nhân, tổ chức và huấn luyện toàn thể công nhân làm cho giai cấp công nhân thành lực lượng vô địch trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc”(11). Ngày 18-7-1969, gặp gỡ với đại biểu lãnh đạo Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ lãnh đạo công đoàn phải “làm tốt công tác vận động, tổ chức, giáo dục quần chúng công nhân, viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng... tự nguyện tự giác giữ kỷ luật lao động..., giữ gìn của công và thực hành tiết kiệm”(12). Những yêu cầu của Người với tổ chức công đoàn cho thấy, Công đoàn Việt Nam phải là chủ thể trong tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát phong trào thi đua cho công nhân.
Bên cạnh vai trò tổ chức, hướng dẫn phong trào thi đua cho công nhân, Công đoàn Việt Nam còn thực hiện nhiệm vụ tổ chức khuyến khích, động viên, giúp đỡ để công nhân nhiệt tình tham gia phong trào. Tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là một vấn đề quan trọng. Phải nhận rằng đại đa số công nhân ta đều cần cù, thông minh và có nhiều sáng kiến hay... Nếu công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến, và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy, thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”(13). Để tổ chức công đoàn thực hiện tốt vai trò của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn là phải tiên phong, gương mẫu thi đua để công nhân noi theo và muốn nêu gương tốt thì “phải thực hiện bốn cùng với công nhân: cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc”(14).
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi đời sống của công nhân lao động các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VGP
Thực trạng phong trào thi đua của công nhân Việt Nam hiện nay
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua của công nhân, Công đoàn Việt Nam đã rất quan tâm phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, người lao động với nhiều phong trào hiệu quả, thiết thực, lôi cuốn đông đảo công nhân tham gia. Theo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI, “Các cấp công đoàn đã cụ thể hóa các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào “Văn hóa, thể thao”; động viên, cổ vũ đoàn viên, người lao động đăng ký hoàn thành 77.753 đề tài nghiên cứu khoa học với giá trị làm lợi là 336.777 tỷ đồng; phát huy 1.170.884 sáng kiến với giá trị làm lợi 203.579 tỷ đồng..., góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”(15).
Qua các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cũng như trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới. Có nhiều mô hình tốt, nhiều cách làm hay tại các địa phương, các ngành đã xuất hiện, bộc lộ và trở thành điển hình, lan tỏa tới các cấp, các ngành và mọi người lao động. Các phong trào thi đua đó đã góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, các cấp, các ngành đã có nhiều hình thức tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất. Những sự ghi nhận đó đã góp phần không nhỏ vào việc nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Thực tiễn phong trào thi đua trong lao động, sản xuất của công nhân đã chứng tỏ, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, thi đua vẫn rất cần thiết. Đó là động lực để thúc đẩy mỗi người dân nói chung, mỗi công nhân nói riêng biết vượt qua khó khăn, khắc phục những yếu kém, phát huy sở trường, thế mạnh của mình, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, đổi mới để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Ngoài những thành tích đã đạt được đáng ghi nhận thì vẫn còn những hạn chế cần khắc phục trong phong trào thi đua của công nhân, cụ thể là: Tại các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước, các phong trào thi đua chưa được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng tới mọi đối tượng công nhân, người lao động; việc tìm kiếm, phát hiện các nhân tố mới, các mô hình hay trong lao động, sản xuất chưa được quan tâm thỏa đáng, nên còn để sót nhiều tấm gương lao động, sản xuất giỏi...
Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên được xác định là: Một bộ phận công nhân, người lao động chưa chủ động phát huy vai trò của mình trong phong trào thi đua yêu nước. Ngoài ra, hiện nay công nhân đang phải đối mặt với áp lực về thời gian, định mức lao động, trong khi nội dung, hình thức các phong trào thi đua ở nhiều nơi còn đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn, chưa phù hợp với đặc thù nghề nghiệp. Vẫn còn có tình trạng cán bộ làm công tác thi đua chưa có kinh nghiệm, thiếu am hiểu về đặc điểm công việc, ngành, nghề... nên chất lượng công tác tham mưu còn hạn chế, dẫn đến kết quả không được như mong đợi.
Một số giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả phong trào thi đua cho công nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Năm 2022, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã chuyển về trạng thái “bình thường mới” sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Để khắc phục những khó khăn sau đại dịch, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc nâng cao hiệu quả của phong trào thi đua cho công nhân, cấp ủy, chính quyền, tổ chức công đoàn các cấp và bản thân mỗi người công nhân cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức của công nhân về thi đua. Công nhân hiện nay cần được tuyên truyền sâu rộng để nhận thức rõ thi đua là sự đua tài, đua sức giữa các công nhân, giữa các doanh nghiệp trong quá trình lao động, sản xuất. Chính sự thi đua đó đã tạo ra bước đột phá, làm cho năng suất lao động tăng cao hơn so với khi các chủ thể chưa tham gia thi đua. Thi đua không phải là tranh đua, “đấu đá” để tranh giành phần thắng, mà thi đua phải dựa trên nền tảng của sự hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trên mọi mặt. Thi đua chính là sự tự khẳng định mình trước tập thể, thể hiện lòng tự trọng, ý chí vươn lên của mỗi người. Qua phong trào thi đua, mỗi công nhân sẽ có thêm kiến thức, kinh nghiệm để khắc phục những hạn chế và ngày càng hoàn thiện bản thân, đóng góp tốt hơn, nhiều hơn nữa vào kết quả lao động, sản xuất của đơn vị.
Hai là, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức thi đua trong công nhân. Nội dung cần thiết thực, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như thi đua xây dựng đất nước giàu mạnh; thi đua phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; thi đua đi liền với tiết kiệm, chống lãng phí; thi đua trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại vào phát triển sản xuất... Trong phương pháp thi đua, các chủ thể cần quán triệt bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “dựa vào lực lượng của dân”(16). Hình thức thi đua phải phong phú, đa dạng, khơi dậy được sức dân. Điểm cốt lõi là phải coi trọng việc phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm. Một mặt, thi đua mà không có tổng kết thì không có hiệu quả, vì khi tổng kết sẽ vinh danh được những cá nhân, tập thể tiêu biểu để nhân rộng cho công nhân cả nước biết tới và học tập; mặt khác, qua tổng kết còn rút ra được những sáng kiến, bài học kinh nghiệm quý để lưu truyền, trao đổi và phổ biến rộng rãi.
Ba là, hoàn thiện công tác thi đua, khen thưởng. Thi đua luôn gắn liền với việc biểu dương, khen thưởng, vì hình thức động viên, khuyến khích này luôn tạo nguồn động lực tinh thần to lớn để công nhân ngày càng tích cực tham gia các phong trào thi đua. Trong công tác khen thưởng, cần xác định rõ các tiêu chí đánh giá cho phù hợp với từng đối tượng công nhân; việc biểu dương, khen thưởng cần kịp thời, tránh hình thức hoặc tình trạng chậm trễ gây tâm lý ức chế cho người được khen thưởng. Hiện nay, tổ chức công đoàn có rất nhiều giải thưởng, như giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Đức Thuận... đã phát huy tốt tác dụng; thời gian tới, để tạo thêm động lực cho phong trào thi đua, cũng cần nâng cao giá trị vật chất cho các giải thưởng cao quý đó nhằm thiết thực động viên phong trào, cổ vũ tinh thần hăng hái thi đua của công nhân./.
-----------------------
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 407, 146
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 86
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 111
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 295
(6), (7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 295, 295, 294
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 204
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 294
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 67
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 678
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 53