Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước câu kết với nhau, ráo riết đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, kích động chống Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN bằng những chiêu thức, thủ đoạn vô cùng tinh vi, nham hiểm; trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên là đối tượng mà các thế lực thù địch đang tập trung tuyên truyền nhằm lôi kéo, chia rẽ nội bộ, gây kích động tham gia biểu tình, gây rối… Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch và tác động mạnh mẽ mặt trái nền kinh tế thị trường, đã có không ít cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, thậm chí tiếp tay cho các thế lực thù địch tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước… Thực tiễn đó đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên.
Học tập, nghiên cứu lý luận chính trị là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của mỗi cán bộ, đảng viên nhằm trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chiến lược của Đảng, hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng cho bản thân, qua đó vận dụng vào thực tiễn công tác. Hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là nội dung được Đảng ta đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh “Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đi vào nền nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương”[1]. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ rõ: "Nhận thức sai lệch về ý nghĩa tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước"[2].
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, đảng viên tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đảng 03/02/1965. (Ảnh tư liệu).
Để tạo ra môi trường cũng như cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, học tập lý luận chính trị hiệu quả nhất, cần tập trung giải quyết một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, về ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, cũng như công tác tổ chức, triển khai của đội ngũ cán bộ chuyên trách và sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt của cán bộ, đảng viên trong quá trình học tập, công tác của bản thân. Cần xây dựng kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bởi thông qua việc lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong toàn hệ thống chính trị sẽ có được cái nhìn tổng quát, cũng như lộ trình triển khai đào tạo, bồi dưỡng sao cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Thứ hai, xác định đúng vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị, đồng thời luôn luôn tiến hành đổi mới nội dung, hình thức giáo dục lý luận chính trị theo hướng lý luận phải gắn liền với thực tiễn, phục vụ nhu cầu công tác của người học. Việc xác định đúng đắn vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị sẽ giúp cho chủ thể tiến hành công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị định hình được những nội dung liên quan, tiên quyết trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, như việc xác định nội dung giáo dục, đối tượng phù hợp của quá trình giáo dục và lựa chọn hình thức giáo dục sao cho phù hợp nhất. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải coi trọng hơn cả là có sự đổi mởi, cập nhật nội dung và hình thức giáo dục lý luận chính trị; tăng cường phần nội dung về tình hình, nhiệm vụ cụ thể của ngành, địa phương; tăng phần kiến thức về kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tế trong các lĩnh vực công tác, giảm những nội dung lý luận chung, trừu tượng, trùng lặp trong nhiều chương trình đào tạo.
Thứ ba, cùng với việc đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước là việc đề cao trách nhiệm chính trị, tính tự giác, chủ động gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong học tập và tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị; học ở mọi nơi, mọi lúc, “học ở trường, ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong học tập lý luận chính trị, nói và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Kịp thời biểu dương những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện tốt việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị; đồng thời, góp ý, phê bình nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, thiếu nghiêm túc trong học tập lý luận chính trị.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên chuyên trách làm công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, trong đó có đội ngũ giảng viên, báo cao viên, tuyên truyền viên; đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tại các ban đảng, các trường, học viện đào tạo về lý luận chính trị của cả nước. Đây cũng là một giải pháp trọng tâm nên việc nâng cao mặt công tác này cần phải chú trọng cả về đường lối, chủ trương chung, cũng như các chính sách về việc đầu tư thích đáng cho xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận; có chế độ, chính sách thoả đáng nhằm thu hút, trọng dụng các chuyên gia đầu ngành.
Thứ năm, đảm bảo tốt cơ sở vật chất; thường xuyên tiến hành công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Cơ sở vật chất đầy đủ, đạt chuẩn là yếu tố không thể thiếu trong hoạt động đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị, là điều kiện thiết yếu để tổ chức, tiến hành hoạt động đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên giai đoạn hiện nay. Trong những năm qua, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho giáo dục lý luận chính trị đã được chú trọng hơn nhưng vẫn còn thiếu về kinh phí, tài liệu, nguồn thông tin và các phương tiện vật chất cần thiết. Cần tiếp tục tăng cường các nguồn kinh phí, đầu tư cải thiện, tu bổ cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều hơn nữa nhằm đảm bảo phục vụ công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Tóm lại, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên giai đoạn hiện nay là một yêu cầu cấp thiết, cần thực hiện một cách đồng bộ và nhất quán các giải pháp, bên cạnh đó phải có sự đồng lòng, thống nhất thực hiện từ trên xuống dưới, từ chính nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc học tập một cách nghiêm túc, có sự đầu tư và sự chỉnh chu, tâm huyết của đội ngũ cán bộ chuyên trách, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, để chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao nhất./.
------------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, ngày 30/11/2016.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội.
4. Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXBCTQG, H.2002, tr.231-236
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hn 1995, Tập 5, tr234
6. Hoàng Quốc Đạt (2009), “Vài vấn đề về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trong tình hình hiện nay”, Tạp chíTuyên giáo, (12), 29-31, Hà Nội.
ThS. Dương Quốc Thành, Khoa LLCT&KHXHNV - Học viện an ninh nhân dân