“Lòng dân” - điểm tựa vững chắc để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, việc xây dựng và phát huy “lòng dân” luôn được ông cha ta đặt lên vị trí hàng đầu và có nhiều tư tưởng, giải pháp bồi dưỡng sức dân, tiêu biểu như “khoan thư sức dân”, “chúng chí thành thành”, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”... Đó là cơ sở, tiền đề tạo “rễ sâu, gốc bền” để quốc gia, dân tộc trường tồn. Thực tiễn lịch sử dân tộc cũng đã minh chứng, ở những triều đại mà khi đất nước thanh bình không quan tâm, chăm lo bồi dưỡng sức dân, tất dẫn đến “sức nước suy yếu, thế nước lung lay, vận nước nguy ngập”, thậm chí “thế người cũng suy”, dẫn đến không bảo vệ được nền độc lập dân tộc trước sự xâm lăng của ngoại bang.

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp (27-5-1957). Ảnh tư liệu

Phát huy truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, nhất là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Cách mạng là việc chung của cả dân chúng”, “nước lấy dân làm gốc”, “dân là chủ”, “lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”, “có dân là có tất cả”...; nhưng nhân dân cần phải được tổ chức chặt chẽ, đặt dưới sự lãnh đạo của một Đảng với nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Người nhắc nhở: “Muôn người như một. Quân tốt dân tốt, muôn sự đều nên. Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(2).

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm và chú trọng yếu tố lòng dân. Bởi được lòng dân là có tất cả, mất lòng dân là mất hết. Người luôn yêu cầu: Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh dù khó khăn đến đâu cũng phải hết sức chăm lo, bồi dưỡng sức dân, luôn luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Đây là chân lý, bí quyết thành công của cách mạng Vỉệt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện những chỉ dạy quý báu của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên chăm lo, bồi dưỡng nâng cao dân trí, nhất là với thế hệ trẻ. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của quốc gia, dân tộc, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt.

Trước đây, với “chính sách ngu dân”, bọn thực dân, đế quốc làm cho dân ta không có đủ tri thức nhận biết thời cuộc, truyền thống hào hùng của dân tộc, tiếp cận văn hóa thế giới... hòng biến dân ta chấp nhận cuộc đời nô lệ, triệt tiêu đấu tranh để dễ bề cai trị. Ý thức sâu sắc điều đó, ngay sau cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến nhiệm vụ “diệt giặc dốt” nhằm nâng cao dân trí, tạo nguồn lực, động lực kiến quốc. Theo Người, “muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”(3).

Thực hiện những chỉ dạy của Người, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với nền giáo dục; xác định đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là một trong ba khâu đột phá. Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan khẩn trương xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ, tạo động lực then chốt xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Cùng với đó, chúng ta cần tiếp tục thực hiện đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong giáo dục - đào tạo, chú trọng một số vấn đề, như đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao xe đạp và học bổng cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Ảnh: TTXVN

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này phải không ngừng đổi mới, hoàn thiện nội dung, phương pháp bồi dưỡng, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, chú trọng thể hệ trẻ. Trước hết, cần tập trung đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, xây dựng xã hội học tập, từng bước hình thành triết lý giáo dục Việt Nam, trên cơ sở, nền tảng triết lý giáo dục Hồ Chí Minh. Nội dung giáo dục cần tập trung vào tri thức khoa học hiện đại, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống nghìn năm văn hiến, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thành quả cách mạng, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật,... Trong giáo dục cần kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội, lấy nhà trường làm trung tâm, nhằm không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, tri thức khoa học hiện đại, lòng yêu nước... của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Hai là, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” - “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Để phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Đảng ta chủ động xây dựng Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943), thế hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về văn hóa. Có văn hóa soi đường và sự chèo lái vĩ đại của Đảng, nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ từ chiến tranh cách mạng đến đổi mới, xây dựng đất nước và gần đây trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Việt Nam đã viết lên “Bản hùng ca thời đại”. Những thắng lợi đó bắt nguồn từ sức mạnh văn hóa Việt Nam - văn hóa chính trị vì con người mà Đảng, Bác Hồ tìm tòi, vận dụng từ kho báu truyền thống dân tộc và thẩm thấu từ chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Để xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, phát triển con người Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững. Trước hết, Đảng, Nhà nước cần sớm nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển văn hóa trong tình hình mới. Phát triển văn hóa, xây dựng con người phải được chú trọng tương xứng, hài hòa và đặt ngang hàng với phát triển kinh tế - xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở cần phải đổi mới tư duy lãnh đạo văn hóa, nghệ thuật, xây dựng con người Việt Nam dân chủ, cởi mở, chủ động, sáng tạo, đáp ứng vai trò chủ thể văn hóa; quản lý văn hóa phải bằng Hiến pháp, pháp luật, thông qua các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá thực tiễn. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học đều phải hướng vào xây dựng con người Việt Nam - chủ thể văn hóa phát triển toàn diện, có đạo đức, trí tuệ, sức khỏe, nhân văn, nhân ái; ý thức lao động tự giác, sáng tạo. Đề cao vai trò giáo dục, cảm hóa của văn học, nghệ thuật, hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Đẩy mạnh các chương trình giáo dục nghệ thuật truyền thống làm cho văn hóa Việt Nam thẩm thấu sâu vào tâm hồn và tình cảm của các thế hệ “con Lạc cháu Hồng”, tạo bản lĩnh và khả năng miễn dịch trước mọi sự tấn công, hội nhập và lan tỏa ra ngoài biên giới quốc gia.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển con người Việt Nam đầy đủ phẩm chất: đạo đức, thẩm mỹ, trí tuệ cũng như thể lực, tầm vóc. Chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao để khai thác và phát huy triệt để những tiềm năng, thế mạnh của vãn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị của đất nước, theo đúng quy luật phát triển của công nghiệp văn hóa thế giới, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, thụ hưởng không những của nhân dân trong nước, hướng tới vươn ra thị trường ngoài nước. Để các giá trị văn hóa dân tộc đi vào đời sống chính trị, tinh thần của nhân dân, cần giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa tiêu biểu cả vật thể và phi vật thể, nhất là các di sản được xếp hạng bảo đảm trường tồn phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch, nâng cao đời sống nhân dân.

Đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa tiêu biểu cả vật thể và phi vật thể, nhất là các di sản được xếp hạng bảo đảm trường tồn phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch, nâng cao đời sống nhân dân (Trong ảnh: Ðua ghe ngo trong lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam Bộ). Ảnh: Tư liệu

Ba là, chú trọng phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ngày càng tốt hơn. Suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có “một ham muốn tột bậc”: “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Thực hiện mong ước của Người, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện đậm nét qua các kỳ Đại hội của Đảng, nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cả ở vĩ mô và vi mô, cả kinh tế Nhà nước và tư nhân. Vừa qua, thể hiện rõ nét của thành công trong thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế gắn với bảo đảm xã hội, là việc Việt Nam không những đứng vững trước đại dịch COVID-19 và một loạt biến cố thiên tai dài ngày, như bão chồng bão, lũ chồng lũ ở miền Trung, mà còn là một trong số ít các nền kinh tế có tăng trưởng dương. Đường lối phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được phát triển với yêu cầu cao hơn trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thể hiện rõ qua những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đó, cần tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động; xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật; triển khai nghiêm các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt là các đột phá chiến lược, bảo đảm phát huy lợi thế và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực nâng cao đời sống nhân dân.

Cùng với việc không ngừng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm nhân dân tiếp cận nhanh các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu trong nước, quốc tế, cần thực hiện tốt chính sách đối với người có công; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của nhân dân. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội đều lấy “sức khỏe và tính mạng nhân dân” làm trọng - mục tiêu tối thượng của chế độ chính trị ở nước ta. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là sứ mệnh cao cả của Đảng; mục tiêu và bản chất của Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Để hoàn thành sứ mệnh cao cả này, cấp ủy, chính quyền các cấp cần ghi nhớ thật sâu sắc lời Bác dạy: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(4).

Bốn là, khơi dậy tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bắt nguồn từ tinh thần bất khuất, bản lĩnh, trí tuệ, khí phách, nền văn hiến lâu đời và chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.... Thấy rõ giá trị to lớn của tinh thần ấy, trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta chủ động nghiên cứu nắm chắc tình hình, đòi hỏi của thực tiễn, phát động các phong trào thi đua yêu nước nhằm động viên, cổ vũ cá nhân, tập thể hăng hái tham gia. Trong mỗi phong trào đều biểu dương, khen thưởng kịp thời cá nhân, tập thể có thành tích cao, tạo sự lan tỏa sâu rộng toàn xã hội. Vì thế, phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, tạo động lực quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước. Nhờ đó, nhiều cá nhân, tập thể ở các lĩnh vực, mọi vùng, miền của đất nước ngày, đêm nỗ lực, hăng say lao động sản xuất xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong phòng, chống đại dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ đồng bào, cứu hộ, cứu nạn, ổn định đời sống nhân dân... xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên mọi miền Tổ quốc - ngời sáng tình đồng bào - đồng chí - đồng đội, chất liệu hội tụ cộng đồng các dân tộc và sức sống trường tồn của dân tộc Việt Nam.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng phát miễn phí khẩu trang y tế cho nhân dân bản Hùng Bèng, xã Ma Ly Pho (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN

Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, Đảng, Nhà nước cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Theo đó, cần nghiên cứu phát động một số phong trào để khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới, đột phá mới cho sự phát triển nhanh, bền vững, như: 1- Thi đua phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; 2- Thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; 3- Thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống vãn hóa” và phong trào ở các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng Đảng, Nhà nước. Nội dung các phong trào thi đua cần hướng vào việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, gắn phong trào thi đua với việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, trong đó tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tích cực đổi mới phong trào thi đua của các tổ chức, đoàn thể, ngành, nghề, địa phương nhằm huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; tạo hiệu ứng tích cực xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

Năm là, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Thấm nhuần lời Bác dạy, “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(5), vì thế, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước đều xuất phát vì nhân dân, do nhân dân, phục vụ nhân dân, vì mục tiêu tối thượng là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Muốn hiện thực hóa, cần phải xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xác định rõ vai trò, chức năng của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, bảo vệ cuộc sống bình an của nhân dân. Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Chú trọng xây dựng nền hành chính: dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, quốc gia, dân tộc.

Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng luôn xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Mỗi đảng viên, tổ chức đảng phải thường xuyên tự phê bình và phê bình; tự soi, tự sửa, gột rửa những lỗi lầm, sai phạm, ham muốn tầm thường... xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đầy đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân, thật sự “gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”. Các cơ quan, tổ chức nhà nước phải tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hường”; bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”,... /.

--------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 453

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 502

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 40

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 518

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 51

 

ĐỖ HẢI ÂU

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Theo https://www.tapchicongsan.org.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website