Khắc sâu trong tim lời Bác Hồ dạy năm xưa - Kỳ 1: Nhớ ngày Bác về thăm Hà Giang


 
Bài viết được thể hiện qua giọng đọc của BTV Minh Châu

Từ những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 – 1954, bước chân Bác đã đến nhiều địa phương ở chiến khu Việt Bắc. Năm 1950, khi biết đồng bào Hà Giang rất nỗ lực phục vụ kháng chiến, Người đã gửi thư khen riêng đồng bào các xã Vĩ Thượng, Xuân Giang, Tiên Yên và Bằng Lang của tỉnh ta. Theo thống kê, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, từ 1955 – 1965, giai đoạn mà sức khỏe cho phép, Hồ Chủ tịch có khoảng 700 lượt đi thăm các địa phương, các đơn vị, lực lượng. Bình quân mỗi năm Bác có 60 lượt thăm, kiểm tra cơ sở. Gần như tất cả các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung, Người đã dành thời gian đến thăm, trong đó có Hà Giang, một tỉnh xa xôi, khó khăn nhất miền Bắc khi đó. Công việc bận rộn, tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, chuyến thăm Hà Giang trong 2 ngày 26 – 27.3.1961 là một chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt với Hà Giang ở thời điểm đó cũng như đối với quá trình phát triển, vươn lên của tỉnh cho đến ngày nay và mai sau.

Trong một số dịp hội thảo sách viết về lịch sử của tỉnh, chúng tôi được tâm sự với các đồng chí lãnh đạo, cán bộ có thời gian công tác ở Hà Giang những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Được biết, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang khi đó đã tha thiết đề đạt với Trung ương và Bác nguyện vọng của đồng bào Hà Giang được một lần đón Bác lên thăm. Tình hình đất nước khi đó còn hết sức khó khăn, miền Nam đang bị các thế lực can thiệp, chia cắt. Thời điểm đó, còn có những địa phương khác Bác cũng chưa có thời gian về thăm hết. Do bận việc nước, ngay cả quê hương Nghệ An đến thời điểm tháng 3.1961, Bác cũng mới chỉ có 1 lần được về thăm lại quê hương năm 1957.

  

Cán bộ, nhân dân Hà Giang chụp ảnh với Bác Hồ sáng ngày 27.3 tại khu vực Cầu Mè, thị xã Hà Giang

Năm 1961 thời điểm lên thăm Hà Giang, tháng 3 - mùa Xuân là tháng của tuổi trẻ, khi đó ở nơi biên cương Hà Giang đang có một công trình lịch sử - Công trường thanh niên xung phong mở đường Hà Giang – Đồng Văn (đường Hạnh Phúc). Con đường xuyên Cao nguyên đá hết sức vĩ đại trong công cuộc xây dựng Tổ quốc XHCN của đồng bào Hà Giang nói riêng, của tuổi trẻ miền Bắc nói chung. Thời điểm này, sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Giang đang vượt lên mạnh mẽ trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, xây dựng đời sống mới cho nhân dân. Tháng 3.1961, tỉnh tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ III và Đại hội sản xuất, bắt đầu bước vào thực hiện những kế hoạch lớn cùng miền Bắc xây dựng CNXH, đấu tranh thống nhất đất nước. Thời điểm đặc biệt này, Hồ Chủ tịch lên thăm Hà Giang. Hình ảnh của Bác tại Hà Giang cùng những lời động viên, căn dặn với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc chính là sự thôi thúc tinh thần người Hà Giang vượt qua khó khăn để tiến lên trên con đường xây dựng CNXH.  

Trưa ngày 26.3.1961, Bác Hồ và đoàn công tác T.Ư, lên đến Hà Giang. Trong sự kiện này, cũng có 2 đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng là Chu Văn Tấn, Bí thư Khu ủy Việt Bắc và đồng chí Nguyễn Khai. Đó thực sự là một ngày đặc biệt đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang. Từ khu vực cầu Mè, Bác cùng đoàn công tác di chuyển về trụ sở Tỉnh ủy (Nay là địa điểm cơ quan MTTQ tỉnh). Theo các nhân chứng kể lại, 2 bên đường khi đó rất đông đảo bà con chào đón Người với những tiếng hô vang “Hồ Chủ tịch, Hồ Chủ tịch muôn năm...!”. Đoàn xe đón Bác di chuyển đến trụ sở Tỉnh ủy, nơi tối cùng ngày, Người có buổi nói chuyện cực kỳ quý báu với các đại biểu về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội thi đua sản xuất. Và sáng hôm sau ngày 27.3, Người di chuyển ra sân vận động thị xã Hà Giang để có buổi nói chuyện với khoảng 1,7 vạn đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Trong ký ức của những cán bộ, đảng viên và người dân vinh dự được dự cuộc mít tinh trọng thể của tỉnh Hà Giang chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng ngày 27.3.1961, nhiều người còn nhớ như in không khí đón chờ Bác. Bác Trần Chí Thành, ở tổ 13, phường Nguyễn Trãi, Tp. Hà Giang nhớ lại, ngày ấy tôi làm giáo viên ở Quản Bạ (Địa bàn Quản Bạ lúc đó vẫn còn thuộc huyện Vị Xuyên), rất may mắn cho tôi đã được huyện cử dẫn các em học sinh các dân tộc đi bộ từ Quản Bạ về thị xã Hà Giang trước một hôm để chuẩn bị dự cuộc mít tinh chào đón Bác, đó là một kỷ niệm thật đặc biệt, ai cũng háo hức được tận mắt thấy Bác Hồ.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh trao đổi với bác Trần Chí Thành, người vinh dự có mặt tại buổi nói chuyện của Bác Hồ. Bác Thành cũng là người giữ gìn, trao cho Bảo tàng một số hiện vật liên quan đến chuyến thăm của Bác Hồ tại Hà Giang

Bà Vương Thị Sấn, ở tổ 1, phường Quang Trung, Tp. Hà Giang, năm nay đã 81 tuổi, nhớ lại: Người dân thị xã Hà Giang đêm trước buổi mít tinh chào đón Bác, ai cũng hồi hộp, khó ngủ, mong trời mau sáng để nhanh được ra sân vận động thị xã. Khoảng 6h sáng, các đoàn người dân nhiều dân tộc trong trang phục mới, mang theo cờ, hoa, băng biểu kéo về sân vận động vui như ngày hội. Trong không khí như nín thở chờ Bác đến, bỗng có những tiếng hô vang, “Bác Hồ, Bác Hồ!”, kèm theo đó là tiếng hoan hô vang dậy, mọi người hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bà Sấn nhớ lại, qua loa phóng thanh, giọng nói Bác Hồ rất ấm áp, phong cách gần gũi, Bác mặc bộ ka ki bạc, rất giản dị, cách nói chuyện rất uyên bác. Người không nói những điều cao xa, lớn lao, mà tất cả đều là những lời rất dân dã, dễ hiểu, mỗi lần cần dẫn chứng, Bác đều lấy những hình ảnh rất gần gũi với bà con, đó là điều mà không phải cán bộ nào cũng làm được.

Nghiên cứu bài nói chuyện của Bác tại Hà Giang, được Báo Nhân dân ghi lại và đăng tải ngay sau chuyến thăm, một điều dễ nhận thấy là Bác khen rất nhiều những điều Hà Giang làm được, nhưng cũng không quên nhắc những hạn chế của tỉnh trong lãnh đạo sản xuất, trong đổi mới tư duy, trong xây dựng đời sống mới, những hạn chế của bà con nhân dân trong đời sống, sản xuất, trong học tập…

Theo các nhân chứng, trong đó có bà Đinh Thị Khu, nguyên Phó trưởng Công an thị xã Hà Giang, người trực tiếp tham gia bảo vệ chuyến thăm của Bác kể lại, dù là vị lãnh tụ cao cấp, nhưng Bác luôn có sự quan sát, rất quan tâm hỏi thăm, động viên mọi người. Trong các bài nói chuyện, Bác không quên nhắc đến tất cả các tầng lớp nhân dân, từ người nông dân, phụ lão, thanh niên, người già, nhi đồng… Và trong những lời căn dặn, Người cũng không quên nhắc đến những chuyện hàng ngày như cày bừa, cây, con giống, ngô, lúa, phân bón… Sau mỗi một ý nói rất rành mạch, Bác lại hỏi “bà con đã rõ chưa, có làm được không!?”, sau khi bà con, cán bộ, đảng viên hô vang “thưa Bác rõ ạ, làm được ạ”!, Bác lại nhẹ nhàng nói, “bà con rõ rồi thì cố mà thực hiện cho bằng được nhé!”.


Bà Đinh Thị Khu, nguyên Phó trưởng Công an thị xã Hà Giang kể lại lần vinh dự được gặp Bác Hồ

Hình ảnh Bác Hồ xuất hiện trên bục Kỳ đài trong buổi sáng ngày 27.3.1961 thật xúc động. Nhiều người dân thị xã Hà Giang có mặt trong buổi nói chuyện đó đã nhớ lại không khí khi ấy quá đỗi đặc biệt và thật sự vinh dự đối với mỗi người. Với hầu hết người dân Hà Giang, đó là lần đầu tiên trong đời được tận mắt thấy Hồ Chủ tịch, được nghe Người nói chuyện. Giữa không khí đầy xúc động ấy, tiếng nói của Người vang vọng thị xã Hà Giang trong sự chú ý đặc biệt của đồng bào. Tại buổi nói chuyện đặc biệt này, Bác Hồ đã có 8 lời dạy với cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Hà Giang. Những lời dạy quý báu ấy đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh khắc ghi trong tim, trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển của Hà Giang. Hơn 60 năm vươn lên trong gian khó thực hiện 8 lời Bác dạy, tất cả đã cho thấy tinh thần quật cường đầy tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang. Lời Bác dạy đã trở thành nguồn sức mạnh để Hà Giang vượt lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sáng tạo thực hiện công cuộc đổi mới trong suốt hơn 35 năm qua, đem lại cuộc sống ngày càng ấm no cho đồng bào như mong muốn của Bác Hồ.

Tám lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Bác lên thăm Hà Giang năm 1961

Trước hết, tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà.

Hai là, đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no.

Ba là, muốn sản xuất tốt phải có đủ nước, nhiều phân bón và cải tiến nông cụ.

Bốn là, cần phải phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn... là nguồn lợi lớn lại là nguồn phân bón ruộng nương.

Năm là, phải chú ý hơn nữa bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng. Trồng cây ăn quả và cây làm thuốc.

Sáu là, đồng bào phải chú ý vệ sinh. Để giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch, có sức khỏe thì lao động sản xuất mới tốt.

Bảy là, đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ.

Tám là, đời sống của đồng bào rẻo cao còn nhiều khó khăn, còn phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao nhiều hơn nữa. Đối với cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải củng cố tốt các các chi bộ và chi đoàn, phát triển Đảng và đoàn. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải đoàn kết chặt chẽ, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân trên lợi ích riêng của mình, phải gương mẫu trong đoàn kết dân tộc, trong học tập và trong lao động sản xuất, phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu, mệnh lệnh.

Bài tiếp theo: Những lời dạy của Hồ Chủ tịch về công tác cán bộ ở Hà Giang

Huy Toán

Theo http://baohagiang.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website