Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Nói đến bản Di chúc thì trước hết phải nói đến Người viết ra nó. Ðó là một con người suốt đời phấn đấu vì một lý tưởng cao đẹp bậc nhất trong thời đại ngày nay mà Lê-nin đánh giá rất đúng rằng đó là trí tuệ, lương tri và vinh dự của thời đại”(1). Với trí tuệ mẫn tiệp và tình cảm cách mạng trong sáng, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ 1000 từ, nhưng hầu như đã chứa đựng toàn vẹn: không thiếu việc gì, không sót một ai; trong đó, Bác Hồ luôn dành tình yêu vô hạn và đặt ra yêu cầu cao trong thực hiện chính sách đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và coi đây là chính sách cấp bách trước mắt, cũng như là nhiệm vụ chính trị lâu dài của Đảng, Nhà nước ta - “Đầu tiên là công việc đối với con người”.
Thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh Vũ Đình Tụng nhân
Ngày Thương binh, tử sĩ 27-7. (Báo Cứu quốc, số 1305 ra ngày 27/7/1949).
Khắc ghi lời Bác Hồ dạy
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra tính tất yếu phải thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng chính sách thương binh, liệt sỹ lên ngang tầm một hoạt động văn hóa, như là một sự kế tục, ở quy mô toàn xã hội, truyền thống nhân nghĩa “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Sự cần thiết phải thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, theo Người là nhằm chia sẻ nỗi đau của hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Vì vậy, ngày 7/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” nhằm: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”(2).
Hiện thực hóa chủ trương lớn trên, tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với đất nước. Thực hiện Chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, ban, ngành ở trung ương và địa phương đã họp ở xã Phú Minh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) bàn bạc, nhất trí đề nghị lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày thương binh, liệt sỹ”. Từ đó, ngày 27/7 hằng năm trở thành “Ngày thương binh, liệt sỹ” trong cả nước. Theo Người, đây chính là một hình thức xây dựng “tượng đài kỷ niệm” trong lòng dân chúng để các thế hệ kế tiếp ghi nhớ công ơn, chiến công của những con người ưu tú đã ngã xuống vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người giải thích: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”(3).
Thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh nhân Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1953) nhờ Bộ trưởng chuyển tới anh em thương binh một tháng lương của Người và 50 chiếc khăn tay do phụ nữ dân tộc Thái gửi biếu Người.
Về chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình thương binh, liệt sĩ
Dù không hề mong muốn, nhưng từ đau đớn tới tận tâm can, với lòng thương tiếc vô hạn và trân trọng với những hi sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đối tượng thụ hưởng chính sách thương binh, liệt sĩ - đó là những người “… quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản của họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”(4). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình thương binh, liệt sĩ là một loại chính sách xã hội đặc thù, cho nên, trong Di chúc, Người căn dặn phải thực hiện hết sức cụ thể và phù hợp với từng đối tượng. Cụ thể:
Một là, chính sách đối với thương binh. Đây là đối tượng đặc biệt trong thụ hưởng chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, cho nên trong Di chúc, Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh"” (5). Luận điểm này cho thấy tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện chính sách đối với thương binh, đây chính là tư tưởng phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong thực hiện chính sách đối với thương binh. Đồng thời, lời dặn của Người không chỉ giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt là “nơi ăn chốn ở yên ổn” để “an cư lập nghiệp”; mà còn giải quyết vấn đề lâu dài là tạo kế sinh nhai bền vững cho thương binh thông qua đào tạo nghề phù hợp cho họ để họ “tự lực cánh sinh”, chẳng những giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn tạo ra công ăn, việc làm và thu nhập cho xã hội theo đúng tinh thần “thương binh tàn nhưng không phế”. Một mặt, Người căn dặn Đảng, Chính phủ và đồng bào phải chăm lo mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh; mặt khác, Người cũng yêu cầu mỗi thương binh phải kiên quyết khắc phục bệnh “công thần”, “địa vị”.
Hai là, chính sách đối với liệt sĩ. Với tình cảm tiếc thương vô hạn, để tri ân các liệt sĩ và để giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho mọi người dân; do đó, Người yêu cầu mỗi địa phương, theo phân cấp quản lý nhà nước nhất thiết phải xây dựng các công trình nhằm tôn vinh sự hi sinh của các liệt sĩ: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta” (6).
Ba là, chính sách đối với thân nhân của thương binh, liệt sĩ. Là những người không tiếc sức người, sức của và cả sự “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”(7).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí thương binh hỏng mắt,năm 1956.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa”
Năm mươi năm qua, thấm nhuần sâu sắc đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện lời dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện chính sách đối với chính sách thương binh, liệt sỹ trong Di chúc, Đảng và Nhà nước ta luôn coi chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn và coi đây là một vấn đề chính trị - xã hội của quốc gia, dân tộc. Trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn quan tâm và dành những tình cảm, trách nhiệm để chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công bằng những chính sách cụ thể, thiết thực và phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng. Nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện chính sách đối với chính sách thương binh, liệt sỹ trong Di chúc và chủ trương: “Quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, coi đó vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân; sớm ban hành chế độ toàn dân đóng góp vào quỹ đền ơn, trả nghĩa để chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng”(8). Hiện nay, nhất quán với chủ trương đó, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên”(9) và đến Đại hội XII, Đảng ta yêu cầu: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân”(10).
Thể chế hóa các quan điểm trên của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách và luật pháp bảo đảm thực hiện chính sách đối với chính sách thương binh, liệt sỹ và người có công, tiêu biểu như: ngày 18-6-2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi người có công lần thứ ba; ngày 15/11/2007, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn bổ sung việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tiếp đó, để đánh giá toàn diện, đầy đủ việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng chương trình phối hợp, triển khai rà soát đối với 7 đối tượng, bao gồm: liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng và cựu thanh niên xung phong…
Trong những năm qua, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng. Trong 72 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã chăm lo rất tốt cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Mới đây nhất, năm 2017, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 14 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội để làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; hoạt động chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công đã có nhiều chuyển biến cả về lượng và chất.
Theo số liệu thống kê của Cục Người có công – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 12/2018 cả nước có tổng số 393.707 hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở (gồm 184.695 hộ xây mới và 209.012 hộ sửa chữa) đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra, tương ứng với tổng số kinh phí cần cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 10.654 tỷ đồng. Theo báo của các địa phương, tính từ đầu chương trình đến hết tháng 12/2018, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ cho 291.067 hộ (gồm 138.651 hộ xây mới và 152.416 hộ sửa chữa), đang triển khai hỗ trợ cho 24.107 hộ (gồm 12.496 hộ xây mới và 11.611 hộ sửa chữa). Tổng số hộ đã và đang thực hiện hỗ trợ nhà ở của cả nước là 315.174hộ, đạt tỷ lệ 80% kế hoạch…
Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thương binh, liệt sỹ là một loạt chính sách xã hội đặc biệt, thu hút sự tham gia của mọi đối tượng dân cư, mọi ngành, mọi giới; không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tình cảm, lương tri sống ở đời và làm người, nói lên bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, nét đẹp văn hóa ứng xử, đạo lý sống của người Việt Nam. Điều đó thể hiện đạo lý và truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn trong Di chúc của Người 50 năm về trước./.
Chú thích:
(1) 35 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 275-282
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội 2011, tr.486
(3) Sđd, tập 12, tr.401
(4) Sđd, tập 5, tr.579
(5) (6) (7) Sđd, tập 15, tr.616; tr.616; tr.616
(8) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 51, tr.102
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 229 - 230
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.31.
Nguyễn Bảo Minh