Học Bác để làm tốt sứ mệnh của người làm báo cách mạng


Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959 . Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam

Trong quá trình tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã thấy rõ sức mạnh to lớn, diệu kỳ của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, trong đời sống xã hội và trong việc nâng cao dân đức, dân trí. Bên cạnh viết báo, Người đã trực tiếp tổ chức và sáng lập các tờ báo Le Paria ở Pháp, Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh ở Trung Quốc, Thân ái ở Thái Lan, Đỏ ở Hương Cảng (Hồng Kông)… Người vừa làm tổng biên tập, vừa tổ chức bài vở, in ấn, phát hành các tờ báo với mục đích truyền bá những tư tưởng cách mạng vào trong nước, thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong Nhân dân, chuẩn bị đội ngũ đấu tranh cho cách mạng Việt Nam.

Tiêu biểu là dấu mốc ra đời “tờ Thanh niên”, số 1 ra ngày 21/6/1925, đây chính là cột mốc lịch sử mở đầu của báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã trực tiếp chỉ đạo 88 số đầu báo Thanh niên trong khoảng thời gian từ tháng 6/1925 đến tháng 4/1927. Những số báo Thanh niên đã gây sự chú ý lớn đối với Giám đốc Sở mật thám Đông Dương lúc này là Louis Marty, ông ta đã nhận xét trong một bản báo cáo gửi Bộ thuộc địa Pháp như sau: Nguyễn Ái Quốc, người chủ biên báo Thanh niên, tỏ ra kiên nhẫn, suốt hơn 60 số báo đầu để cho bạn đọc chuẩn bị tinh thần và tình cảm rồi sau cùng mới bày tỏ công khai chủ trương của mình: Chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể đem lại hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

Ở thời kỳ này, hoạt động báo chí của Người tập trung vào hai chủ đề lớn: Tố cáo, lên án sự thối nát, bất công sự vô nhân đạo của chủ nghĩa thực dân Pháp đối với các dân tộc thuộc địa của chúng; tuyên truyền giới thiệu chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, động viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tập hợp chuẩn bị tổ chức lực lượng chuẩn bị cho cuộc cách mạng trong tương lai.

Sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Không chỉ là người đặt nền móng và sáng lập ra tờ báo cách mạng đầu tiên, mà dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Người, báo chí cách mạng Việt Nam đã thể hiện rõ sứ mệnh của mình. Phục vụ Nhân dân, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Người coi báo chí là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Người làm báo là để làm cách mạng và để làm cách mạng Người đã trở thành một nhà báo.

Theo Người, báo chí cách mạng chỉ có một đề tài xuyên suốt là: “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Hồ Chí Minh chỉ rõ tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ Nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”.

Do đó, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc được.

Đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù của Nhân dân, của đất nước

Theo Người, nhiệm vụ báo chí cách mạng là phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù của dân tộc: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”. Tính chiến đấu của báo chí không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia cách mạng.

Người yêu cầu “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”. Người cũng đề nghị báo nên có mục “ý kiến bạn đọc”, coi ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Trong biểu dương, phải rút ra được kinh nghiệm có ý nghĩa phổ biến, phê bình phải cụ thể, rõ ràng. Phê bình và tự phê bình là biện pháp tăng cường tính chiến đấu, vì “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ.". Người đòi hỏi những người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, luôn nâng cao trình độ văn hoá, rèn giũa nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình để phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Giữ vững và không ngừng nâng cao tính Đảng của báo chí cách mạng

Đây là điều căn cốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam, là cơ sở để phân biệt báo chí cách mạng với báo chí phản cách mạng. Người cho rằng, báo chí chỉ đúng về chính trị khi được sự lãnh đạo của một đảng, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với dân tộc, với Nhân dân. Người luôn nhấn mạnh: Báo chí phục vụ ai? Đằng sau lời chỉ dẫn của Người: báo chí của ta phải phục vụ Nhân dân lao động, phục vụ cho đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho hoà bình thế giới là nguyên tắc: Đảng phải lãnh đạo báo chí. Vì vậy, Ngay từ rất sớm Người khẳng định nguyên tắc bất di, bất dịch ấy: “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”. Theo đó, Người yêu cầu “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ Nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu” .

Để nâng cao tính Đảng của báo chí cách mạng, Người huấn thị: “Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính: 1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. 3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. 4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì: 5. Nội dung các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. 6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa. Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây: Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều” .

Người nhấn mạnh, báo chí vì cách mạng, vì Đảng, vì Nhân dân - đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí; đó cũng là tính đảng của báo chí, là biểu hiện sự trung thành của báo chí đối với Đảng, là cống hiến của báo chí vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng.

Báo chí cách mạng phải vì sự cường thịnh của đất nước, hạnh phúc, ấm no của Nhân dân

Trong bối cảnh hiện nay, thời cơ đan xen với thách thức, thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm báo phải có ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để làm tròn nhiệm vụ. Người làm báo chân chính phải có trách nhiệm với Nhân dân, với dân tộc, phải cùng với toàn Đảng, toàn dân lo nỗi lo chung trước mỗi thử thách, khó khăn của xã hội, của đất nước.

Do đó, hơn lúc nào hết, cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với báo chí cách mạng theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và quyền tự do dân chủ của Nhân dân. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan, báo chí, các cấp hội nhà báo. Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng – văn hóa của Đảng. Những người làm báo cần học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách viết, cách dùng từ, lối tư duy làm báo, học được tinh thần lạc quan để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong bất cứ hoàn cảnh nào. Với tinh thần lạc quan, những người đang và sẽ chọn nghề báo sẽ có thêm sự tin tưởng và động lực để cống hiến, làm tròn bổn phận của mình đối với sự phát triển đổi mới của đất nước. 

Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hoá, là công cụ thông tin nhanh nhất, phổ cập nhất, là phương tiện thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân và giải đáp những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra, đấu tranh hàng ngày, hàng giờ chống những âm mưu, thủ đoạn đen tối của các thế lực thù địch, chống các khuynh hướng tư tưởng sai lầm, chống biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, “thương mại hóa”, góp phần tổ chức, phát động phong trào hành động cách mạng của Nhân dân.

Để xứng đáng với vinh dự và làm tròn trách nhiệm đó, báo chí cách mạng phải hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của mình, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Báo chí nhất thiết phải phản ánh trung thực thông tin của đời sống xã hội, cung cấp tri thức hữu ích cho người dùng, là cầu nối giữa người dân với Đảng và Nhà nước. Hoạt động báo chí phải hướng vào mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, từng bước xây dựng con người mới, lối sống mới, làm cho những nguyên lý cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội.  

Năm 2023 là năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo cả nước đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, luôn giữ vững vai trò, sứ mệnh tiên phong trong việc cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận xã hội; làm sao cho mỗi tác phẩm báo chí sẽ mang sứ mệnh lan tỏa niềm tin, truyền cảm hứng, thúc đẩy động lực, thắp sáng những điều tốt đẹp để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website