Học Bác cách làm việc “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa 1954. (Ảnh tư liệu)

Quá trình lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng, Hồ Chí Minh là lãnh tụ mẫu mực trong thực hành cách làm việc “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”, trở thành tấm gương sáng để mọi cán bộ, đảng viên học tập và làm theo. Nhờ cách làm việc đó mà Hồ Chí Minh và Đảng ta đã “đưa chính trị vào giữa dân gian” một cách hiệu quả nhất; huy động được sức mạnh to lớn của toàn dân, làm nên những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do đó, cách làm việc “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” của Hồ Chí Minh mang giá trị sâu sắc, phổ biến, có sức lan tỏa lâu bền và là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập và làm theo để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mà họ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Thực hiện học và làm theo Bác về cách làm việc nêu trên, cán bộ, đảng viên hiện nay cần nắm thực chất về cách làm việc khoa học, sâu sát quần chúng của Người:

“Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” là cách làm việc mà Bác lấy quần chúng làm điểm xuất phát đồng thời là mục đích của mọi chủ trương, chính sách. Bác viết: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Từ đó, Bác chỉ rõ: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng” và yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn xem xét, nhận thức rõ “cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng, thì phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại...”. Theo đó thì cách làm việc nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải mạnh dạn đề nghị lên cấp trên mà đặt ra.

“Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”, là cách làm việc mà Bác đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải gần dân, đi sâu trong đời sống sản xuất, chiến đấu và sinh hoạt của quần chúng nhân dân, luôn quan tâm và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. “Về sâu trong quần chúng” là yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thành tâm, tin yêu, tôn trọng quần chúng, học hỏi, cầu thị lắng nghe ý kiến góp ý, phê bình của quần chúng, phải khéo léo khơi gợi thì quần chúng mới bày tỏ thật ý kiến của mình. Bác căn dặn: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành” (2). Người khẳng định: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của quần chúng, cán bộ, đảng viên phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự, theo nghĩa tổng hợp, phân tích, khái quát rút ra kết luận để cùng quần chúng thực hiện. Vấn đề nào vượt quá thẩm quyền thì cán bộ “phải có gan đề nghị cấp trên” giải quyết. Các kết luận được tổng hợp từ nguyện vọng, ý kiến của quần chúng có giá trị quan trọng, trở thành cơ sở cho Đảng, Chính phủ hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách. Trí tuệ của quần chúng là rất lớn, cán bộ, đảng viên cần đi sâu khai thác, học hỏi, song “học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”, “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo” mà cần có chọn lọc. Thực chất đây là bước lựa chọn, tổng hợp, phân tích, khái quát nguyện vọng, ý kiến của quần chúng để hiện thực hóa thành đường lối lãnh đạo quần chúng.

“Từ trong quần chúng ra”. Về sâu trong quần chúng”, cách làm việc đó của Bác cũng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải đi sâu phải nắm vững tình hình chất lượng của quần chúng, phân loại các mức hạng khác nhau để có biện pháp làm việc cho hiệu quả. Bác yêu cầu: “Phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng, của Nhà nước”. Bác nhấn mạnh: “Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”(3). Cách làm việc như vậy cho phép cán bộ, đảng viên dựa chắc vào quần chúng để xây dựng kế hoạch cho sát, đúng, quan trọng hơn là giúp cho công tác tổ chức, động viên, huy động được tiềm năng, sức mạnh to lớn của quần chúng để thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra.

“Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”, đây cũng là cách mà Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tránh xa tệ quan liêu xa rời quần chúng. Với quan điểm cán bộ, đảng viên là: “Công bộc”, “đày tớ thật trung thành của dân”, Người luôn nghiêm khắc phê phán thói lên mặt làm “quan cách mạng”, cửa quyền, mệnh lệnh, ức hiếp nhân dân theo kiểu “thích làm việc bằng giấy tờ, ngồi một nơi chỉ tay năm ngón, không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác”, việc gì cũng từ “trên dội xuống”, dùng mệnh lệnh, chỉ thị để lãnh đạo, dẫn đến “những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến”. Hệ quả của cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi, đến chốn. Từ đó Người chỉ rõ: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát”. Công tác kiểm soát nếu được thực hiện tốt thì sẽ biết được ưu điểm, khuyết điểm của từng cá nhân và tập thể đơn vị, “mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”.

Từ phân tích trên, có thể khái quát nội dung mà cán bộ, đảng viên cần học tập Bác về cách làm việc “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”, gồm 4 bước cơ bản sau: Bước 1: Từ nguyện vọng, sáng kiến của quần chúng khái quát thành các luận cứ khoa học, giữ vị trí là cơ sở xuất phát cho Đảng, Chính phủ hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách. Bước 2: Đưa đường lối, chủ trương, chính sách trở lại về sâu trong quần chúng để chuyển thành nhận thức tự giác của quần chúng. Bước 3: Tổ chức, hướng dẫn quần chúng triển khai, hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách. Bước 4: Bám sát phong trào quần chúng để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra; phát hiện và nhân điển hình tiên tiến; kịp thời tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách.

Để thực hiện hiệu quả nội dung học tập và làm theo Bác về cách làm việc “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” trong tình hình hiện nay, chúng ta cần thực hiện tốt một số biện pháp chủ yếu:

Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc học tập và làm theo cách làm việc “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” của Bác.

Yêu cầu đặt ra phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên thấu hiểu sâu sắc việc học tập và làm theo Bác về cách làm việc “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với củng cố tăng cường sự thống nhất giữa Đảng - Nhà nước - Nhân dân, góp phần xây dựng củng cố “thế trận lòng dân”, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức như đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị; lồng ghép với sinh hoạt đảng, chính quyền, đoàn thể; gắn với các phong trào thi đua... Đồng thời, bản thân cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần chủ động tích cực nghiên cứu, học tập, nhận thức rõ thực chất nội dung, ý nghĩa của việc học tập và làm theo Bác về cách làm việc “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” đối với sự nghiệp cách mạng nói chung cũng như đối với chức trách nhiệm vụ mà mình được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Hai là, cán bộ, đảng viên phải nắm vững và vận dụng sáng tạo cách làm việc “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện tốt biện pháp này, mỗi cán bộ, đảng viên cần nắm vững nội dung thực chất và vận dụng sáng tạo trong học tập, nhất là làm theo cách làm việc quần chúng đó của Người, thông qua quy trình gồm 4 bước như đã trình bày trên. Trong điều kiện mới hiện nay, cần chú trọng mấy vấn đề sau:

Về ban hành các quyết định lãnh đạo, quản lý theo thẩm quyền: Cán bộ, đảng viên theo chức trách, nhiệm vụ được phân công, phải luôn xuất phát từ nguyện vọng, ý kiến đồng thuận của đa số và lợi ích chính đáng của quần chúng. Để làm được điều đó, cán bộ, đảng viên phải sâu sát cơ sở, bám sát đời sống sản xuất, sinh hoạt của quần chúng; luôn biết lắng nghe ý kiến của cấp dưới và quần chúng; phải thực hành, mở rộng dân chủ, nhất là thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bởi: “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo” (4). Cán bộ, đảng viên phải luôn ghi nhớ lời căn dặn của Người đối cán bộ lãnh đạo, quản lý là phải “khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hoá nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng”.

Về tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách: Do quan hệ lợi ích phức tạp trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trình độ nhận thức của quần chúng không đồng đều, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải đi sâu trong quần chúng, kiên trì giải thích, thuyết phục với nhiều hình thức thích hợp với từng đối tượng quần chúng cụ thể. Qua đó chuyển nhận thức của quần chúng lên thành tự giác và tạo sự đồng thuận trong quần chúng đối với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Về lãnh đạo, chỉ đạo: Cán bộ, đảng viên phải thực sự bám sát, đi sâu trong phong trào quần chúng để tổ chức, kiểm tra, giám sát quá trình thực tiễn hóa đường lối, chủ trương, chính sách, các quyết định, kế hoạch; kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền. Đây là một mặt rất quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(5). Trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực tiễn cán bộ, đảng viên cần nhạy bén phát hiện điển hình tiên tiến với những cách làm hay để động viên, khen thưởng và nhân điển hình tiên tiến để đẩy mạnh phong trào.

Về tham mưu, đề xuất: Cán bộ, đảng viên trong quá trình tổ chức thực tiễn theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải luôn nhạy bén phát hiện “cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng, thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại”.

Về tổng kết thực tiễn rút ra bài học: Cán bộ, đảng viên phải luôn bám sát phong trào quần chúng, từ thực tiễn phong trào quần chúng kịp thời rút kinh nghiệm, tổng kết các bài học để chỉ đạo thực tiễn tiếp theo, đồng thời cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách.

Ba là, cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tích cực đấu tranh chống những biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn quán triệt và thực hiện tốt lời căn dặn của Hồ Chí Minh là các tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải luôn tin vào quần chúng, coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, phải luôn thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân. Đồng thời, Người nhiều lần phê phán tệ quan liêu, xa rời quần chúng, nhất là những cán bộ, đảng viên lên mặt “làm quan cách mạng”, “quan nhân dân” không thấy mình là đầy tớ, người học trò của nhân dân. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải luôn tự nghiêm khắc với bản thân mình, đối chiếu mình trong con mắt quần chúng; tích cực thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung 4, khóa XIII của Đảng, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biến mình thành đối lập với quần chúng, như Người cảnh tỉnh “làm thành một bức tường để tách rời Đảng và Chính phủ với nhân dân, tách rời lợi ích của nhân dân với chính sách của Đảng và Chính phủ”(6) . Đó là nguy cơ Đảng tự đánh mất vai trò lãnh đạo cách mạng, nguy cơ mất còn của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”, chính là cách thức làm việc giúp cho cán bộ, đảng viên trong hoạt động tổ chức lãnh đạo tránh được sai lầm, vấp váp. Bởi khi mà mọi suy nghĩ, mọi cách làm của cán bộ, đảng viên được bắt đầu từ ý kiến, nguyện vọng chính đáng của quần chúng được tập trung lại, được nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng, khái quát thành những chủ trương, chính sách, phản ánh được lợi ích căn bản của quần chúng, rồi tuyên truyền để quần chúng hiểu rõ thì quần chúng sẽ tin và làm theo Đảng, Chính phủ. Người còn nhấn mạnh, cứ nhiều lần như vậy, rồi rút kinh nghiệm, bổ cứu, sửa chữa hệ thống hóa, thì “lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước”. Nhận thức đầy đủ, sâu sắc cách làm đó có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó hiện nay cũng như trong các chặng đường tiếp theo của sự nghiệp cách mạng./.

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 288.

[2]  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 233.

[3]  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 337.

[4]  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 284.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 290.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 334.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website