Đạo đức và nêu gương về đạo đức như Hồ Chí Minh

Năm 2019, kỷ niệm 50 năm tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, đặc biệt kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong dịp này, chúng ta cùng suy ngẫm về vấn đề đạo đức và nêu gương về đạo đức như Hồ Chí Minh.

Đạo đức và giáo dục đạo đức theo Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh lúc còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung ở làng Sen (Nghệ An) đã bắt đầu những năm đầu đèn sách bằng bài vỡ lòng “nhân chi sơ tính bản thiện” (con người sinh ra vốn bản tính thiện). Người khẳng định, thiện ác ở con người phần nhiều do giáo dục mà nên. Xuất phát từ quan điểm về đạo đức đó, Hồ Chí Minh cũng khẳng định giáo dục không quyết định tất cả phẩm chất của con người, giáo dục là quá trình cảm hóa chịu sự tác động của môi trường, các yếu tố gia đình, cá nhân. Do đó, Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi người dân, mỗi cán bộ phải siêng học. Học phải có mục đích, như một người thợ làm nhà, trước khi làm đã biết cái nhà sẽ ra sao, không phải như con ong, làm tổ theo thói quen bản nhiên. Mục đích của sự học là thành nhân, là chỉnh tâm, là trau dồi lý trí. Người cán bộ trước phải biết chỉnh mình, sau mới chỉnh người khác, mình không chỉnh thì còn mong chỉnh ai? Đã trau dồi lý thuyết, còn phải trau dồi tình cảm nữa, phải lo xây dựng nhân cách của mình, phải biết ăn ở xử thế có tình, có nghĩa, tình nghĩa giữa người và người, tình nghĩa đồng bào đồng chí…

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục và rèn luyện đạo đức và đạo đức cách mạng. Thế giới có những nhà tư tưởng lớn như Arixtôt, Khổng Tử xem đạo đức là vấn đề số một trong triết học. Về mặt này, Hồ Chí Minh cũng vậy, chú trọng đặc biệt đến đạo đức, đặt vấn đề giáo dục đạo đức lên hàng đầu trong xây dựng thiết chế tinh thần xã hội. Người có kế thừa giá trị đạo đức Khổng Tử, Mạnh Tử và có sự biến hóa, phát triển. Trong đạo đức truyền thống Nho giáo thì cương thường là cốt lõi. Trong đạo đức Hồ Chí Minh thì cốt lõi là: Trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nhân ái, vị tha. Người cho rằng đạo đức là yêu cầu đầu tiên, là phẩm chất quan trọng bậc nhất của những người cách mạng và mỗi con người.

Nêu gương đạo đức như Hồ Chí Minh

Sức cảm hóa giáo dục đạo đức của Hồ Chí Minh phần lớn là ở chỗ Người suốt đời nêu gương tốt đẹp, nói và làm như một, tư tưởng và nhân cách đều vẹn toàn thống nhất.Chính Người là một tấm gương về thực hành đạo đức cách mạng. Theo Người, một tấm gương sống có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Điều này được thể hiện trước hết ở việc nói đi đôi với làm, nhất là đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh phê phán tình trạng nói mà không làm, thậm chí nói một đường làm một nẻo; nói thì hay làm thì dở; nói thì “đầy đạo đức”, nhưng trong thực tế cuộc sống thì buông thả, xa hoa, gian dối... Thứ hai, Người thường căn dặn chúng ta nên nói ít làm nhiều chứ không phải nói nhiều làm ít. Hiệu quả công việc là thước đo và là minh chứng hùng hồn cho tư tưởng. Thứ ba, ở Hồ Chí Minh, nhiều khi không biểu lộ bằng lời nói, mà mỗi hành vi, việc làm của Người đều tiềm ẩn những tư tưởng đạo đức cách mạng. Người dạy rằng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”. Trong Di chúc để lại, Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân ”. Người đã nhấn mạnh 4 lần dùng từ “thật sự” và “thật” trong Di chúc! Rèn luyện thật sự là để chống lại thói nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói ít làm ít, nói ít không làm, nói một đằng làm một nẻo!

Từ gia đình tới trường học, công sở, ra xã hội, đạo đức được bàn tới và xây dựng như một “thiết chế tinh thần” của xã hội để ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng phi đạo đức, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, trường học, công sở, cộng đồng, xã hội. Bên cạnh việc tăng cường giáo dục đạo đức, xã hội nào cũng phải có pháp luật để trừng trị những kẻ cố tình vi phạm trật tự xã hội, tham nhũng, hối lộ, không chịu tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức văn hóa… Theo Hồ Chí Minh, tham ô, tham nhũng là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất của con người. Và muốn chống tham nhũng, thực hành chữ liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì! Trong kháng chiến chống Pháp (tháng 9/1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã y án tử hình đối với Trần Dụ Châu, đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bớt xén phần cơm áo của bộ đội để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.

Đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân là một yêu cầu của quá trình nâng cao đạo đức cách mạng

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ và cảnh báo nguy cơ suy thoái đạo đức cách mạng do chủ nghĩa cá nhân gây ra. “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành…”. Người khẳng định “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng…”- là “…một việc làm cần thiết để giúp tất cả cán bộ, đảng viên đều tiến bộ…” và “…xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công”. Hơn 50 năm qua, giá trị tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.

Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân. Trong đó, theo Hồ Chí Minh, chống được tham nhũng là xóa đi một trở lực trên con đường phát triển của dân tộc, thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, ý thức quyết tâm chính trị của Đảng cầm quyền. Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang quyết liệt triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng với nguyên tắc “không có vùng cấm” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy nhà nước. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xác định 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để mỗi cán bộ, đảng viên tự nhận thức và phòng, chống, đóng góp tích cực vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Những chủ trương, biện pháp về trách nhiệm nêu gương về thực hành đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân của mỗi cán bộ, đảng viên được ban hành, tổ chức thực hiện, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong vấn đề yêu cầu trách nhiệm cá nhân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2019 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất ban hành Quy định số 08-Qđi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, trong đó đề cập cụ thể trách nhiệm nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, đề cao trách nhiệm nêu gương với những quy định cụ thể, khả thi.

Đồng thời, thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng đã được Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu cao quyết tâm, kiên quyết chỉ đạo thực hiện. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã, đang tích cực chỉ đạo điều tra, xử lý đối với các vụ đại án trong đó đã có một số vụ được đưa ra xét xử, nhận được sự đồng tình cao của dư luận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân.

Có thể nói, thực hành đạo đức cách mạng và việc nêu gương “nói đi đôi với làm” luôn là yêu cầu hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước bền vững, là cuộc đấu tranh gian khổ, lâu dài, là “công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, được Đảng và nhân dân ta đã, đang kiên trì thực hiện, nhằm hiện thực hóa “một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.  

Ths. Nguyễn Thị Ánh

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website