Bác Hồ với các chiến sĩ Cảnh vệ và Công an nhân dân vũ trang sau buổi biểu diễn văn nghệ Tết Kỷ Dậu, 1969 (Ảnh tư liệu).
Mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930 là một sự kiện đặc biệt, đáng nhớ. Từ ngày 03 đến 07/2/1930 (từ ngày 05 đến ngày 9 tháng Giêng năm Canh Ngọ), Nguyễn Ái Quốc triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng tiến hành Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Buổi đầu tổ chức tại một căn phòng của một công nhân nghèo, sau đó chuyển qua một số địa điểm khác ở Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc). Hội nghị nhất trí với đề xuất của Nguyễn Ái Quốc về việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
93 năm nhìn lại, chúng ta vẫn cảm nhận được sự kiện tuy tổ chức rất đơn sơ nhưng tầm vóc, ý nghĩa, giá trị lại vô cùng lớn lao, vượt thời gian, không gian xuyên thế kỷ. Từ đây, cách mạng Việt Nam chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối, tổ chức và phương pháp để lật sang một trang mới dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản. Từ đây dân tộc ta đấu tranh chống áp bức, bóc lột của bọn xâm lược và tay sai để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Sự kiện cũng cho ta một cách nhìn mới mẻ về Đảng, Bác Hồ gắn với mùa Xuân. Mùa Xuân là mùa của đất trời mở đầu chu kỳ Xuân - Hạ - Thu - Đông; mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, tràn đầy nhựa sống. Mùa Xuân đẹp đẽ, tươi rói báo hiệu sự phát triển. Gắn với dân tộc Việt Nam, từ khi Đảng ta ra đời vào mùa Xuân năm 1930, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có những lúc cách mạng nước ta gặp muôn vàn khó khăn, thoái trào, ngàn cân treo sợi tóc, tưởng như không vượt qua được, nhưng nhờ trí tuệ, bản lĩnh, sự sáng tạo và sức mạnh của Đảng từ lòng dân, chúng ta đã có được cơ đồ như ngày nay.
Mùa Xuân Tân Mão năm 1951 đi vào lịch sử dân tộc với ý nghĩa là một sự kiện trọng đại, ghi dấu mốc quan trọng. Đến cuối năm 1950 dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến được 5 năm tức là qua giai đoạn tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công. Để chuẩn bị tổng phản công, Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ II (khai mạc vào ngày 11 tháng 2 năm 1951). Một tuần trước khi khai mạc Đại hội, đúng ngày 29 Tết, Hồ Chí Minh có Thơ chúc Tết đăng báo Cứu quốc, số 1748 với 4 câu thơ:
“Xuân này kháng chiến đã năm xuân,
Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công.
Toàn dân hăng hái một lòng,
Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời”.
Đại hội II của Đảng bàn nhiều vấn đề quan trọng, trong đó đáng chú ý là để thực hiện nhiệm vụ chính, cấp bách, lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng quyết định ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đó phải là một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để. Đảng Lao động Việt Nam phải là người lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, của nhân dân Việt Nam, để đoàn kết và lãnh đạo dân tộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến chủ nghĩa xã hội.
Dưới ánh sáng Đại hội II của Đảng, chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Hơn 3 năm sau Đại hội II, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược toàn thắng, đưa miền Bắc quá độ tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.
Năm 1969, sức khỏe của Bác giảm nhiều, nhưng Người vẫn điều hành, tham dự các cuộc họp và tiến hành mọi công việc bình thường. Như thường lệ, Tết đến Xuân về, Người vẫn có kế hoạch đọc thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước. Còn khoảng mười lăm ngày trước Tết Nguyên đán Kỷ Dậu, Người bị ho nhiều. Thấy giọng nói bị ảnh hưởng kéo dài mà sắp đến lúc phải thu lời chúc mừng năm mới đồng bào và chiến sĩ cả nước, giọng nói không bình thường có thể gây lo lắng cho đồng chí, đồng bào, từ ngày 27 -1 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động đề nghị bác sĩ đến chấm thuốc cho mau khỏi và hằng ngày Người để 15 phút luyện tập tiếng nói cho to dần như trước. Ngày 6- 2 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời chúc mừng năm mới vào máy ghi âm. Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Kỷ Dậu (15 tháng 2 năm 1969), đồng bào và chiến sĩ cả nước xúc động được nghe Thư chúc mừng năm mới của Bác Hồ, trong đó có 6 câu thơ:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!
Trong dịp mùa Xuân năm đó, nhân dịp Đảng ta tròn 39 tuổi, Hồ Chí Minh có bài viết đăng báo Nhân dân với tựa đề: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Thơ Bác và bài báo tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xốc tới, tiến lên, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.
Mười năm sau khi đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, cuối năm 1986, Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Bước vào năm mới 1987, trong không khí của mùa Xuân Đinh Mão, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đón chào Nghị quyết Đại hội VI. Sự kiện đó ghi mốc son chói lọi trong tiến trình cách mạng Việt Nam - toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cả dân tộc hồ hởi, phấn khởi, tự hào, tự tin bước vào mùa Xuân ĐỔI MỚI. Đại hội hướng tới năm 1990, năm kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lần thứ 45 Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Cuối thế kỷ XX, bước sang thế kỷ XXI - Thiên niên kỷ thứ ba, trên thế giới, chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã bị đổ vỡ, hệ thống xã hội chủ nghĩa không còn, chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng, thoái trào. Đầu năm 2001, trong không khí của mùa Xuân Tân Tỵ, Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ IX với khẳng định: “Đảng và nhân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Sự kiên định và quyết tâm đó của Đảng tiếp tục được chuyển tải ở các Đại hội tiếp theo. Vào mùa Xuân Tân mão năm 2011, Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ XI. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Sau 35 năm đổi mới, trong không khí chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đón Xuân Tân sửu, Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ XIII (tháng 1 năm 2021) với niềm tự hào, tin tưởng sâu sắc vào trí tuệ, bản lĩnh, ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân tộc, vào tương lai tươi sáng của đất nước. Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), Đảng ta khẳng định đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển toàn diện, mạnh mẽ so với những năm trước đổi mới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đảng ta tin tưởng và nêu quyết tâm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thuận lợi, thời cơ, phấn đấu đưa nước ta đến giữa thế kỷ XXI trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta đang sống trong không khí Tết - Xuân của năm Quý Mão 2023 khi Đại hội XIII đã đi được nửa chặng đường với nhiều sự bứt phá ngoạn mục, trở thành một điểm sáng của khu vực và trên thế giới. Nửa nhiệm kỳ còn lại còn nhiều gian nan, thử thách, có những thách thức khó dự báo. Tuy nhiên, với kinh nghiệm dày dạn của 93 năm lãnh đạo, đặc biệt trong đó 37 năm đổi mới, vượt qua nhiều sóng to gió lớn, chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, năm 2023 sẽ đạt được nhiều thành công hơn năm 2022 và hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII nêu ra./.
PGS.TS Bùi Đình Phong