Công tác tư tưởng của Đảng trong Quân đội: Bài học từ Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu)

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời, phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Đây là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, biết đánh và biết thắng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc… Chiến thắng đó “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”(1).

Thực tiễn Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về công tác tư tưởng của Đảng trong Quân đội, thể hiện ở những nội dung chủ yếu như sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị.

Trên thực tế, để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cần phải có một quyết tâm rất lớn và niềm tin vào chiến thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Vì vậy, công tác giáo dục chính trị có vai trò quan trọng. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên quân ta đánh vào một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp, lại phải chiến đấu kéo dài, liên tục trong những điều kiện gian khổ, thiếu thốn về nhiều mặt, cùng với thời tiết không thuận lợi khiến một bộ phận cán bộ, chiến sĩ xuất hiện tâm lý hoang mang, dao động, giảm sút ý chí tiến công, thiếu tích cực tiêu diệt địch, bi quan, hoài nghi vào thắng lợi... Khắc phục tình trạng đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp tham gia Chiến dịch tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng tại tất cả các đơn vị trong và ngoài mặt trận, đến toàn bộ cán bộ, chiến sĩ nhằm đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực. Với tinh thần phê bình và tự phê bình nghiêm khắc, thẳng thắn, cấp trên làm gương cho cấp dưới, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhau, tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực từng bước được đẩy lùi, tinh thần hăng hái xung phong của quân nhân được xốc lại, là nhân tố quan trọng giúp cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vận dụng kinh nghiệm này, công tác giáo dục chính trị thời kỳ mới phải trang bị cho cán bộ, chiến sĩ những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc và Quân đội; chú trọng giáo dục về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, v.v… Qua đó, xây dựng lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, khả năng “miễn dịch” trước sự chống phá của các thế lực thù địch và các tác động tiêu cực của xã hội; có động cơ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải tích cực đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị sát với yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị và Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, phù hợp với từng đối tượng. Gắn giáo dục chính trị với phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức tốt hoạt động thực tiễn trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, thực hiện công tác dân vận, đẩy mạnh rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy. Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chủ động làm tốt công tác định hướng, quản lý, giải quyết tư tưởng; nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh hậu phương, gia đình của cán bộ, chiến sĩ, kịp thời có biện pháp động viên, uốn nắn, không để ảnh hưởng đến sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cổ động.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị các cấp rất coi trọng công tác tuyên truyền, cổ động chiến trường, thường xuyên cổ động các đơn vị, các lực lượng tham gia chiến dịch, động viên bộ đội dũng cảm chiến đấu. Bám sát thực tiễn chiến đấu với những nội dung thiết thực, công tác tuyên truyền, cổ động chiến trường diễn ra sôi nổi, rộng khắp qua từng tình huống chiến đấu, từng trận đánh và trong suốt chiến dịch. Nội dung công tác tuyên truyền, cổ động tập trung vào tuyên truyền, phổ biến kịp thời những bức thư của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Ban Chỉ huy mặt trận và của đoàn thể; những thắng lợi của ta, sự nguy khốn của địch, những thành tích chiến đấu của đơn vị, tấm gương anh dũng của các cá nhân, tinh thần vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ … Hình thức, phương pháp tuyên truyền, cổ động hết sức đa dạng, phong phú, mang đậm tính quần chúng như: phát huy hoạt động truyền đơn, khẩu hiệu, bảng tin, tranh cổ động với những nội dung: “Tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”, “Địch cố thủ ta quyết đánh”, “Địch bỏ chạy ta quyết truy”, “Kiên quyết cắm cờ “Quyết chiến, quyết thắng” lên sở chỉ huy của địch tại Điện Biên Phủ”… Đặc biệt, trong công tác địch vận, việc tăng cường kêu gọi những người Việt đi lính cho Pháp “Không theo giặc Pháp bắn đồng bào”, “Không làm bia đỡ đạn cho giặc Pháp”, “Anh em Khố đỏ hãy quay súng bắn lại giặc Pháp”, “Bỏ hàng ngũ giặc Pháp quay về với Tổ quốc”,v.v.. đã đem lại hiệu quả thiết thực và tạo nên những thắng lợi trên chiến trường.

Vận dụng kinh nghiệm này, trong bối cảnh hiện nay, công tác tuyên truyền, cổ động trong Quân đội phải đúng đắn, kịp thời trên tất cả các lĩnh vực. Chú trọng phổ biến, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị; những vấn đề thời sự nổi bật trong nước và quốc tế; kết quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng…; tích cực đấu tranh với những nhận thức hạn chế, biểu hiện tiêu cực, sai trái, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong đơn vị. Bên cạnh đó, thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, cổ động; khắc phục tình trạng thông tin một chiều, áp đặt, thiếu tính thuyết phục. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, linh hoạt, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, cổ động; tăng tính hấp dẫn; thực hiện tốt thông báo thời sự, nói chuyện, kể chuyện, tọa đàm, trao đổi kết hợp trình chiếu, chiếu phim và các phương tiện kỹ thuật khác... Chủ động phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Quân đội tổ chức tốt các hình thức cung cấp thông tin chính thống đến các đối tượng.

 Gần bảy thập kỷ trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 vẫn là dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam. Những bài học được đúc kết từ Chiến dịch này, đặc biệt là bài học về công tác tư tưởng của Đảng trong Quân đội vẫn vẹn nguyên giá trị, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được chắt lọc, vận dụng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, trước mắt là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần vào vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Thứ ba, luôn giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, việc giải quyết những vướng mắc về tư tưởng trong đội ngũ cán bộ về sự thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” là vấn đề cực kỳ quan trọng. Để cán bộ, chiến sĩ thông suốt, công tác tư tưởng được các cấp ủy và cơ quan chính trị từ Bộ Chỉ huy Chiến dịch xuống đến cơ sở tiến hành kiên trì, từng bước làm chuyển biến nhận thức ở từng cấp, trước hết là cấp ủy và chỉ huy các đại đoàn. Khi cấp đại đoàn thông suốt, tin tưởng thì giáo dục, động viên cho cấp trung đoàn thông suốt, tin tưởng để hành động một cách tích cực, tự giác trong toàn đơn vị… Nhờ sự nỗ lực giáo dục, thuyết phục, động viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhất là với cán bộ chủ chốt, tư tưởng phân vân, hoài nghi, vướng mắc giữa hai phương châm tác chiến Chiến dịch được giải quyết, nhờ vậy, trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội được giữ vững.

Trong thời kỳ mới, bài học giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội trong mọi tình huống cũng chính là yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bởi một trong những thủ đoạn nguy hiểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá Đảng và cách mạng nước ta là thúc đẩy “phi chính trị hóa” Quân đội. Mục tiêu của các thế lực thù địch là nhằm tách Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm cho Quân đội ta mất phương hướng về chính trị, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, thiếu quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, xa rời quần chúng, nhân dân. Đồng thời, chia rẽ Đảng với Quân đội và nhân dân; xuyên tạc Chiến thắng Điện Biên Phủ và những thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xuyên tạc phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội ta,v.v... Hiện nay, sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng ráo riết, quyết liệt hơn. Bởi vậy, cùng với đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, nhiệm vụ phòng, chống “phi chính trị hóa” Quân đội, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội là yêu cầu hết sức quan trọng, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, cả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nắm vững quan điểm, nội dung Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và Đề án Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình tình mới. Trong quá trình đấu tranh, phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” với “chống”, lấy “xây” là chính; giữ vững ổn định, không để xảy ra biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo đảm toàn quân là một khối thống nhất về ý chí, tư tưởng và hành động, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; kiên định, vững vàng về lập trường tư tưởng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, chuyên sâu, nhất là lực lượng đấu tranh trên không gian mạng, chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Cùng với đó, các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng phải vào cuộcchủ động, tích cực, nhận diện kịp thời, chính xác những hành động chống phá để có những bài viết sắc sảo, tính chiến đấu cao, đấu tranh trực diện với những mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị; qua đó, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội trong bối cảnh hiện nay.

Thứ tư, thường xuyên làm tốt công tác thi đua, khen thưởng.

Trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ, phong trào thi đua lập công, thưởng phạt kịp thời luôn được chú trọng, phát huy được chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong tiến công tiêu diệt địch. Trên thực tế, trong Chiến dịch có những trường hợp tác chiến gặp khó khăn, cấp ủy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp đã tăng cường công tác động viên tư tưởng chính trị gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua. Sau khi kết thúc Chiến dịch, theo Chỉ thị của Đảng ủy Chiến dịch, các đơn vị tiến hành công tác bình công khen thưởng với tinh thần “dân chủ, khách quan, khen thưởng đúng đối tượng và đúng thành tích”. Thông qua công tác bình công khen thưởng tuyên dương những đồng chí có thành tích, đồng thời cũng chỉ rõ những mặt chưa đạt được để mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phấn đấu.

Vận dụng kinh nghiệm này, trong giai đoạn mới, các cơ quan, đơn vị, trước hết là cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 34-CT/TW khóa XI về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; Chỉ thị 507-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Kế hoạch 510/KH-CT của Tổng cục Chính trị về “Xây dựng và nhân điển hình tiên tiến trong Quân đội”; Kế hoạch 471/KH-CT của Tổng cục Chính trị về “Tuyên truyền các phong trào thi đua, điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng”,… đảm bảo cho công tác thi đua, khen thưởng đi đúng hướng, mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp về công tác thi đua, khen thưởng và phong trào “Thi đua quyết thắng”; làm cho thi đua trở thành việc làm thường xuyên của mỗi người, mỗi tổ chức với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Qua đó, đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành biện pháp công tác đảng, công tác chính trị, nghệ thuật vận động, tổ chức phong trào hành động cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

PGS. TS. Nguyễn Danh Tiên

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

TS. Lê Văn Phong

Viện Sử học Việt Nam

Theo https://www.tuyengiao.vn

_____________________ 

(1) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, H, 1970, tr.50.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website