Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nếu trồng nhiều cây “thì con đường từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản càng thêm xanh tươi”.
Ngay từ khi mới về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong bài “Năm mới, công việc mới” viết cho Báo Việt Nam độc lập, số 114, ngày 01 tháng 01 năm 1942, Người đã sớm nhận thấy tính tất yếu phải trồng cây: “Muốn ăn quả thì phải trồng cây” (2). Theo Người, trồng cây là để giải quyết nhiệm vụ trước mắt là lấy gỗ làm nhà, ổn định cuộc sống. Vì thế, ngày 30/5/1959, với bút danh Trần Lực, Bác đã viết bài: “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở”, đăng trên Báo Nhân dân số 1901 có căn dặn: “Ngay từ bây giờ, đồng bào nông dân phải bắt tay vào việc chuẩn bị vật liệu làm nhà: Mỗi người (trong mỗi gia đình, tính cả già, trẻ, gái, trai) phải trồng ít nhất là 5 cây (cây xoan và các thứ cây khác có thể làm kèo, làm cột). Và mỗi gia đình phải trồng một bụi tre” (3); đồng thời, Người có thơ khích lệ nhân dân:
“Muốn làm nhà cửa tốt,
Phải ra sức trồng cây.
Chúng ta chuẩn bị từ rày,
Dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà” (4).
Sau cải cách ruộng đất, trên mặt trận kinh tế, trong điều kiện miền Bắc vừa ra khỏi chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò của sản xuất nông nghiệp: “Hiện nay, Đảng và Chính phủ có quyết định khôi phục kinh tế, mà sản xuất nông nghiệp là chính”(5), bước đầu giải quyết vấn đề lương thực, cung cấp nguyên vật liệu để khôi phục thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp, công nghiệp và cung cấp nông, lâm, thổ sản để mở rộng quan hệ buôn bán với nước ngoài. Nhằm thực hiện mục tiêu này, Người luôn nhắc nhở Đảng và Chính phủ phải có chính sách đúng đắn động viên bà con nông dân tích cực trồng thêm lúa và hoa màu; tăng năng suất và mở rộng diện tích trồng trọt; trồng thêm vụ; cấy hết ruộng hoang hóa và khai khẩn đất hoang; khôi phục diện tích và phát triển cây công nghiệp; chăn nuôi thêm nhiều gia súc, gia cầm; khôi phục và phát triển nghề cá, làm muối; khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây gây rừng ven biển; tích cực phòng, chống thiên tai, hạn hán, bão tố, úng lụt; đề phòng địch phá hoại. Trong Lời kêu gọi đồng bào nông dân thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1956, Người chỉ rõ: “Khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây gây rừng ở bờ biển” (6). Người giải thích rõ “Công cuộc xây dựng lại đất nước ngày nay như đào một cái giếng uống nước, trồng cái cây ăn quả: Người đào giếng phải chịu khát rồi mới có nước. Người trồng cây phải cố gắng vun trồng thì cây mới chóng có quả” (7).
Do đó, Người chủ trương: “chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều” (8) nhằm lập thành tích chúc mừng Đảng 30 tuổi. Ngày 28-11-1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” và nêu rõ mục đích trước mắt và lâu dài của việc trồng cây: “Từ năm 1960 - 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta” (9).
Không dừng lại ở đó, Người cho rằng thi đua trồng nhiều cây nhằm mục đích lớn lao đó là làm cho “con đường từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản càng thêm xanh tươi”; bởi theo Người “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây, chăm sóc cho thật tốt, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Hãy tính giá rẻ mỗi cây 3 đồng thôi, sau 5 năm sức lao động của các cháu bỏ ra sẽ thu hoạch được một số tiền rất lớn là 360 triệu đồng, có thể xây dựng được 8 nhà máy cơ khí loại khá. Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên đường nối liền Hà Nội - Mátxcơva thì con đường từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản càng thêm xanh tươi” (10). Điều đó có thể thấy, ý nghĩa của “Tết trồng cây” là hết sức thiết thực và lớn lao. Luận giải sâu sắc ý nghĩa của Tết trồng cây, Người cho rằng, đó là cách để phân biệt tính ưu việt của chế độ ta so với chế độ cũ, nhất là so với bọn Mỹ - Diệm: “Trong lúc bọn Mỹ - Diệm dã man bỏ thuốc độc phá hoại cây cối núi rừng ở miền Nam, thì ở miền Bắc nhân dân ta thi đua trồng cây gây rừng. Chỉ một việc đó cũng đủ làm cho người ta so sánh giữa hai chế độ ta và địch, và nhận rõ sự tốt đẹp của chế độ ta. Ta trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa” (11).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ cách thức tổ chức và phương pháp trồng cây.
Không chỉ phát động Tết trồng cây, Người thường xuyên chỉ đạo cán bộ các cấp có kế hoạch trồng cây rất sớm “Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho "Tết trồng cây", ví dụ: Bộ Nông lâm, các Ty Nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây; Uỷ ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu, v.v..” (12) và phải trồng cây sao hiệu quả “Cán bộ cần phải có kế hoạch chu đáo, hướng dẫn chặt chẽ. Trồng cây nào chắc cây ấy” (13).Trong bài viết “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu”, Người còn căn dặn: “Đó là thắng lợi bước đầu. Để phát triển thắng lợi ấy, chúng ta cần phải chú ý mấy điều sau đây:
- Phải liên hệ chặt chẽ "Tết trồng cây" với kế hoạch trồng cây gây rừng của Nhà nước. Nhưng không nên lẫn lộn số cây "Tết" với số cây của kế hoạch.
- Phải nắm đúng nguyên tắc xem trọng chất lượng, nghĩa là trồng cây nào chắc cây ấy, không nên tham trồng quá nhiều, mà không ra sức bảo vệ và chăm nom cây. Chúng ta thực hiện "Tết trồng cây" (cùng với kế hoạch trồng cây gây rừng của Nhà nước) một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc, thì độ trong 5, 7 năm sau, khi kinh tế và văn hóa miền Bắc nước ta đã tiến đến chủ nghĩa xã hội, đồng thời phong cảnh của ta cũng thật sự là non sông gấm vóc, tươi đẹp vô cùng”(14).
Để hoàn thành kế hoạch trồng cây hàng năm, Người yêu cầu phải phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng, trong đó chỉ ra lực lượng nòng cốt là thanh niên: “Thanh niên nên phụ trách việc trồng cây. Đồng thời phải kết hợp với lực lượng các cụ phụ lão và các cháu thiếu nhi. Nhiều cụ trồng cây rất giỏi. Phải giáo dục cho các cháu thiếu nhi bảo vệ và chăm sóc cây cối. Cần có kế hoạch làm cho mọi người tham gia trồng cây. Làm sao cho người trồng cây cũng có lợi. Như vậy mọi người sẽ phấn khởi trồng cây. Thanh niên nên chuẩn bị một kế hoạch trồng cây: Trồng ở đâu? Trồng bao nhiêu? Trồng cây gì, v.v., bàn bạc với các địa phương để thực hiện kế hoạch cho tốt” (15). Người cũng đánh giá cao vai trò của các cụ và các cháu thiếu nhi trong trồng cây “Kinh nghiệm cho thấy rằng: Mọi người đều nên tham gia trồng cây, nhưng lực lượng các cụ phụ lão có tổ chức là quan trọng và các cháu thiếu nhi là lực lượng góp phần đắc lực. Năm nay, chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải bảo đảm trồng cây nào tốt cây ấy, tổ chức “một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”” (16).
Người không những chỉ đạo phải trồng nhiều cây mà còn hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ cây: “Mọi người cố gắng trồng nhiều cây, thì trong sáu, bảy năm nữa, cả làng sẽ có đủ cây để làm nhà mới. Trồng cây rồi thì phải ra sức chăm sóc cây, trồng cây nào phải chăm sóc cho cây ấy sống và tươi tốt. Trồng nhiều mà không chịu khó chăm sóc, để cây chết thì tốn công, vô ích. Cần phải có kế hoạch trồng cây và chăm sóc cây ở đường cái. Cần giáo dục các em thiếu nhi có ý thức bảo vệ cây, chớ để trâu bò phá hoại cây” (17). Trong "Bài nói chuyện với cán bộ và công nhân nông trường Đông Hiếu (Nghệ An)”, Người căn dặn: “Phải cải tiến công cụ làm cỏ, cải tiến cách trồng cây và sử dụng hết công suất máy móc. Cày bừa rồi, mà không làm cỏ cũng không được. Trồng cây, nhưng không cải tiến cách trồng cũng không được” (18).
Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở phải rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào Tết trồng cây: “Một thành tích nữa, là chúng ta đã thu được một số kinh nghiệm tốt. Kinh nghiệm tập thể tốt như hợp tác xã Lạc Trung (Vĩnh Phúc), hợp tác xã Yên Trường (Thanh Hóa), v.v.. Kinh nghiệm tốt của cá nhân các cụ phụ lão như cụ Chuẩn (84 tuổi, xã Yên Hòa, tỉnh Quảng Bình), chị em phụ nữ như bà Nhàn (xã Chi Lăng, Phú Thọ), của thanh niên như anh Trần Văn Ngõ (cụt một tay, xã Thái Đô, Hà Nội), v.v. đều là “kiện tướng” trồng cây. Những kinh nghiệm ấy chúng ta cần phải phổ biến cho rộng khắp” (19).
“Mùa xuân là Tết trồng cây Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”
Sớm có nhận thức đúng đắn về sự phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên một quan niệm mới về mùa xuân: “Mùa xuân là Tết trồng cây Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” (20). Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, Bác vẫn không quên nhắc nhở Đảng bộ Nghệ An cần “có kế hoạch trồng cây bảo vệ rừng”. Di chúc của Người cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng, Người viết: “Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp” (21).
Là con người của hành động cách mạng thực sự, dù việc nước có bận đến đâu, dù sức khỏe Bác như thế nào, Bác cũng luôn nêu gương trong trồng và chăm sóc cây. Vào buổi sáng ngày 11/1/1960, không khí Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân thật sôi nổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại nơi đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Trồng cây xong, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Người nói đại ý rằng, mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau.
Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức “Tết trồng cây”. Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng, “trồng cây nào, chắc cây ấy”. Người còn lưu ý: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục” (22), và Người giải thích: “Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó” (23).
Mùa Xuân năm 1969, sức khỏe của Bác yếu nhiều, việc bố trí để Bác trồng cây ở một địa phương nào đó theo ý của Bác là một vấn đề hết sức khó khăn. Những người tham mưu, giúp việc Bác rất lo lắng nên nhiều lần đề nghị Bác hoãn lại việc trồng cây. Nhưng Bác rất kiên quyết và nói: Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động Tết trồng cây nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích.... Sau đó, Bác gợi ý chọn xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) là nơi có phong trào trồng cây tốt.
Theo kế hoạch đã chuẩn bị, Bác đến địa điểm trồng cây. Đông đảo các đại biểu, các tầng lớp nhân dân đã đứng trên những đồi cây đón Bác. Bác trực tiếp trồng thêm một cây đa. Nhìn những xẻng đất, bình nước Bác tưới mát cho cây, mọi người ai cũng xúc động. Trồng cây xong, Bác cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn và thân mật hỏi chuyện, chúc Tết mọi người.
Hình ảnh bình dị của Bác hàng ngày chăm sóc cây và hòa mình vào thiên nhiên tại Phủ Chủ tịch là tấm gương có sức lay động, và động viên lớn đến phong trào Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Vì thế, trong bài thơ “Bác ơi”, nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa”.
Bác Hồ kính yêu đã đi xa, đất trời đã bước vào nhiều mùa xuân mới. Sự nêu gương mẫu mực của Bác trong thực hành trồng cây là nguồn cảm hứng vô tận để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Từ lời Người dạy, Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta gìn giữ qua nhiều đời; trong đó, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau./.
-----------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, 15 tập.
(2)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.251.
(3), (4), (8), (9), (10), (12), (13), (14), (22)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 226-227; tr.227;tr.337; tr.337-338; tr.541; tr.337; tr.437; tr.442-443; tr.536
(5), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.184; tr.213; tr.559
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.20-21
(15), (23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 472; tr.22
(16, (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 551; tr.615;
(17), (18), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.17; tr.285; tr.302
(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.445
Nguyễn Bảo Minh