Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đài Tiếng nói Việt Nam

Bác Hồ với cán bộ, phóng viên, nghệ sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1967 (Ảnh tư liệu)

 

Người sáng lập và phát triển Đài Tiếng nói Việt Nam

 

 Ngay sau cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Xuân Thủy và Bộ Tuyên truyền gấp rút thành lập Đài Phát thanh Quốc gia. Người chỉ rõ nội dung quan trọng của Đài Phát thanh là: “Về đối nội, truyền bá những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, phản ánh kịp thời tình hình trong nước và thế giới; là cầu nối giữa trung ương với địa phương, chính quyền với nhân dân. Về đối ngoại, đập tan những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cách mạng Việt Nam"(1).

 

 Với nhiệt huyết cách mạng đang sục sôi, các trí thức trẻ như Trần Kim Xuyến, Trần Lâm, Chu Văn Tích, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Dự, Lê Quang Lân và một số đông chí khác hăng hái bắt tay gây dựng Đài phát thanh quốc gia.

 

 Chỉ trong một thời gian ngắn với 16 ngày (từ ngày 22/8 đến ngày 7/9/1945), sau khi nhận được chỉ đạo của Bác, Đài Tiếng nói Việt Nam được phát sóng trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện. Thành công to lớn của lần phát sóng đầu tiên ngày 7/9/1945 là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Bác, Người luôn trăn trở về Đài phát thanh của một quốc gia độc lập, đồng thời cũng là sự cố gắng, nhiệt huyết cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu nghề của những cán bộ đầu tiên của Đài.

 

 Đúng 11 giờ 30 phút ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam ra mắt với lời xướng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” trên nền ca khúc hùng tráng “Diệt phát xít” của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Lời xướng huyền thoại ấy của bản tin đặc biệt đầu tiên được truyền đi từ Trạm Vô tuyến điện báo ở địa chỉ số 128C Đại La – Hà Nội, được thể hiện bởi giọng đọc trong trẻo của nữ phát thanh viên Dương Thị Ngân. Chương trình phát thanh đầu tiên dài 90 phút, bao gồm nội dung đối nội, đối ngoại, ca nhạc và trọng tâm đặc biệt là long trọng phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình chiều ngày 2/9/1945. Tiếp đó là tin tức thời sự phát bằng ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh. Đài cũng truyền đi thông tin về phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945 với việc đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ và nhân dân: Tập trung tăng gia sản xuất để chống đói; mở ngay chiến dịch chống nạn mù chữ; tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử; mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ thói hư, tật xấu do chế độ thực dân để lại; bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết.

 

 Buổi phát thanh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, để lại những ấn tượng khó quên trong những thế hệ cán bộ đầu tiên của Đài và trong lòng nhân dân cả nước. Thủ tướng Phạm Văn Đồng xúc động nhớ lại: “Khoảnh khắc thời gian ấy, giờ phút lịch sử ấy chỉ diễn ra trong 90 phút, nhưng mãi mãi in đậm vào ký ức của người Việt Nam”(2).

 

 Là người khởi xướng thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều sự quan tâm đến sự phát triển của Đài. Sinh thời, Người đã 6 lần đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam và mỗi lần đến thăm, Người lại giao một nhiệm vụ mới, đưa ra những lời khuyên nhủ mới cho cán bộ, công nhân viên của Đài.

 

 Trong lần đầu tiên đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam vào trưa ngày 9/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Phòng bá âm của Đài (tại số 4 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội) nói chuyện trực tiếp với đồng bào, chiến sĩ cả nước, giải thích Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp ký ngày 6/3/1946. Người khẳng định: “Đồng bào hãy tin rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”(3) như các đảng phái phản động xuyên tạc. Lời căn dặn đầu tiên của Người đối với cán bộ, nhân viên của Đài là tuyên truyền cốt yếu phải giữ vững nguyên tắc, nhằm mục tiêu bất di bất dịch là bảo vệ cho được nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc, đồng thời phải bình tĩnh, biết vận dụng sách lược mềm dẻo.

 

 Ngày 23/10/1946, vừa ở Pháp về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ngay Phòng bá âm của Đài Tiếng nói Việt Nam nói chuyện trực tiếp với đồng bào, chiến sỹ. Người xúc động nói: “Hỡi đồng bào toàn quốc, Tôi đi vắng đã hơn 4 tháng. Hôm nay về đến nước nhà. Trông thấy Tổ quốc, trông thấy đồng bào, tôi thật là vui vẻ”(4). Người giải thích về Tạm ước ngày 14/9/1946 vừa ký với Chính phủ Pháp nhằm tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng chiến. Cuối cùng, Người nghẹn ngào nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”(5).

 

 Vào đêm Giao thừa Tết Đinh Hợi (21/1/1947), Bác Hồ đến thăm, chúc Tết cán bộ, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam đang sơ tán tại Chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Tại đây, Đài đã ghi âm bài thơ chúc Tết của Người gửi đồng bào, chiến sĩ trong nước, kiều bào ở nước ngoài và phát vào chương trình 6 giờ sáng ngày mùng một Tết Đinh Hợi (22/1/1947):

 

 “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sỹ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông,
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”(6).

 

 Cuối buổi chiều một ngày đầu năm 1955, Bác Hồ đến thăm cán bộ nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại số 56-58 phố Quán Sứ, Hà Nội. Người căn dặn kháng chiến đã thành công, nhưng mới giành được độc lập, tự do cho nửa nước. Nhiệm vụ cách mạng còn lâu dài, gian khổ, cán bộ phải giữ vững ý chí cách mạng, đề phòng những viên đạn bọc đường; đất nước còn nghèo nên phải tự lực tự cường, phải làm việc theo kiểu con nhà nghèo, chứ đừng đòi hỏi nhiều ở Nhà nước.

 

 Sáng ngày 5/9/1960, trong giờ giải lao, Bác Hồ đến tận xe thu thanh lưu động của Đài thăm cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên đang ghi âm lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Người dạy: Muốn làm phát thanh tốt thì tay nghề phải cao.

 

 Khoảng 20 giờ một ngày đầu năm 1961, lần thứ 6 Bác Hồ đến thăm cán bộ, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam đang làm việc tại Phòng bá âm (nay là Trung tâm Âm thanh) ở 37 Bà Triệu, Hà Nội. Tại đây Bác nhắc nhở: Nước còn nghèo nên phải biết tiết kiệm, tự lực, tự cường. Về rèn luyện nghề phát thanh, Bác chỉ rõ: Các cô, các chú phải luôn luôn nhớ mình làm báo nói, chứ không phải là báo in trên giấy trắng mực đen. Báo nói hay báo viết thì cũng phải luôn luôn đặt cho mình câu hỏi: Viết cho ai? Viết nhằm mục đích gì? Viết về cái gì và viết như thế nào? Làm báo nói thì phải chú ý viết như thế nào, nói như thế nào để người nghe thoáng qua lại hiểu được đúng điều mình muốn truyền đạt, làm sao cho người nghe dễ nhớ, dễ làm theo.

Sinh viên Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xem hiện vật của Đài Tiếng nói Việt Nam trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ngày 14/4/2021 (Ảnh: ĐT)

Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện lời dạy của Bác

76 năm ra đời và phát triển, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn làm theo những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; luôn nỗ lực phát huy truyền thống vẻ vang, năng động, sáng tạo, đổi mới xây dựng Đài là cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện hiện đại, vững mạnh, luôn đảm bảo định hướng chính trị, là cơ quan báo chí chủ lực, quan trọng của Đảng và Nhà nước; nhịp cầu lan tỏa thông tin, diễn đàn tin tưởng của nhân dân trong và ngoài nước, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam là đơn vị báo chí quốc gia duy nhất phát triển mô hình truyền thông đa phương tiện với đầy đủ cả 4 loại hình báo chí là báo nói, báo hình, báo điện tử và báo in. Đội ngũ  lực lượng hùng hậu của Đài với gần 2.700 cán bộ, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, nghệ sỹ và nhân viên. Từ một kênh sóng và 3 chương trình phát thanh đầu tiên bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp trên máy sóng 300W và cả tín hiệu Mooc xơ, đến nay, Đài đã lớn mạnh, hiện đại có 8 kênh phát thanh, trong đó có 2 kênh phát 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số và 13 thứ tiếng nước ngoài; 17 kênh truyền hình; 2 báo điện tử; 1 báo in; 6 cơ quan thường trú ở trong nước và 13 cơ quan thường trú ở các nước trên thế giới; 1 nhà hát ca múa nhạc; 2 trường cao đẳng phát thanh truyền hình(7).

Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng và những đóng góp to lớn cho đất nước, Đài Tiếng nói Việt Nam được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao; được trao những phần thưởng cao quý như: Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Đài Tiếng nói Việt Nam được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; Ban Thời sự VOV1 được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất; Ban Đối ngoại VOV5 được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; 10 nhà văn, nghệ sỹ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 25 nhà văn, nghệ sỹ được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật; 12 nghệ sỹ nhân dân; hơn 40 nghệ sỹ ưu tú(8).

Vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng thành lập và dành nhiều sự quan tâm trong mỗi chặng đường phát triển, Đài Tiếng nói Việt Nam ra đời gắn liền với Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, với sự hiện diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hơn 70 năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam xứng đáng là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; đồng hành cùng dân tộc trong mỗi chặng đường lịch sử, từ khói lửa chiến tranh, đến những ngày hòa bình hạnh phúc, luôn có những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định vị thế là một trong những cơ quan ngôn luận hàng đầu của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa cộng đồng người Việt Nam trong nước và trên thế giới, luôn lan tỏa sự kết nối yêu thương, tin tưởng.

 -------------------

(1) Dẫn theo: vovworld.vn › vi-VN › vov-chuyen-nguoi-chuyen-nghe, ngày 6-9-2014

(2) Phạm Văn Đồng: Lời tựa cuốn sách “Nửa thế kỷ Tiếng nói Việt Nam”, Nxb CTQGST, H, 1995, tr 3.

(3) “70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam” (1945-2015), Nxb CTQG, H, 2015, tr 38.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 4, tr.467.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 4, tr.470.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, tr 20.

(7) https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/dai-tieng-noi-viet-nam-75-nam-hinh-thanh-va-phat-trien, ngày 8-9-2020.

(8) https://tuoitre.vn/day-la-tieng-noi-viet-nam-loi-xuong-danh-dau-su-ra-doi-cua-dai-tieng-noi-viet-nam, ngày 6-9-2020.      

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website