Có thể nói, luận điểm này của V.I. Lê-nin đã giải tỏa những trăn trở bấy lâu của Nguyễn Ái Quốc về con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Khi nói về điều này, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!””(2). Như vậy, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định, chính “Sơ thảo Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lê-nin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc: từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản. Qua đó, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cách mạng chân chính cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc - con đường cách mạng vô sản. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã đi theo V.I. Lê-nin, đi theo Quốc tế III và Người khẳng định một cách chắc chắn rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(3).
Từ việc đi theo chủ nghĩa Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc còn tích cực truyền bá chủ nghĩa ấy vào Việt Nam, đầu tiên là thông qua tờ báo Thanh niên (ra đời năm 1925). Người không chỉ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cốt cán, mà còn trực tiếp truyền thụ những nội dung về chủ nghĩa Mác - Lê-nin; bởi vì, theo Người, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(4). Hơn ai hết, Nguyễn Ái Quốc là người rất hiểu giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với cách mạng Việt Nam nên Người luôn kiên định, vững vàng trong việc bảo vệ, phát triển học thuyết ấy: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(5).
Những đánh giá của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với cách mạng Việt Nam không mang tính chủ quan, mà hoàn toàn khách quan, bởi xuất phát từ thực tiễn phát triển cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tính cách là lý luận khoa học, cách mạng, vũ khí sắc bén của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế khi được truyền bá vào Việt Nam đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cách mạng; đồng thời, tạo ra bước phát triển về nhận thức, tư tưởng và quan trọng hơn, đã tạo ra một đội ngũ cán bộ cách mạng được trang bị lý luận tiên tiến. Do đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên định, vững vàng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, coi đó là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, là “kim chỉ nam” cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kiên định, vững vàng với thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà còn vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết này vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Trong “Sơ thảo Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa”, V.I. Lê-nin cho rằng, các nước thuộc địa thường là nước nghèo nàn, lạc hậu, đang bị các nước tư bản nô dịch, thống trị. Do đó, giai cấp vô sản ở chính quốc phải ủng hộ tích cực nhất phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa. Bằng việc nghiên cứu rất kỹ lưỡng tình hình các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã phát triển hơn nữa quan điểm của V.I. Lê-nin về vấn đề này, khi khẳng định cách mạng ở các nước thuộc địa có thể tiến hành trước ở các nước chính quốc, và đến lượt mình sẽ có thể giúp đỡ cách mạng ở các nước chính quốc tiến lên. Đây là sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc khi vận dụng quan điểm của V.I. Lê-nin về vai trò của cách mạng ở các nước thuộc địa so với cách mạng ở chính quốc. Nhận định về điều này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Luận điểm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mới mẻ đến kỳ lạ,... nó nằm trong dòng sáng tạo cách mạng của những con người mà cống hiến lý luận và sự nghiệp đấu tranh vạch đường cho thời đại”(6). Ngoài ra, tư tưởng về khả năng đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa của V.I. Lê-nin (bỏ qua gián tiếp) đã được Nguyễn Ái Quốc phát triển thành tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và ngày nay, tư tưởng ấy vẫn là “kim chỉ nam” cho cách mạng nước ta.
Khi xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mặc dù ở thời điểm chủ nghĩa xã hội đang hiển hiện ở Liên Xô và các nước Đông Âu, nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thể áp dụng một cách máy móc vào thực tiễn Việt Nam; bởi lẽ: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”(7). Với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần học tập kinh nghiệm của các nước một cách sáng tạo và vận dụng linh hoạt cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Người chỉ rõ: “Phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo. Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta”(8).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quán triệt rất sâu sắc lời chỉ dạy của Ph. Ăng-ghen khi vận dụng chủ nghĩa Mác vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Theo Ph. Ăng-ghen, học thuyết của Mác là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc. Tư tưởng về con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là quá độ từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, có trình độ phát triển nghèo nàn, lạc hậu đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; hay độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội chính là những dẫn chứng thuyết phục cho sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, làm cho học thuyết ấy được nảy nở, phát triển trên cơ sở vận dụng phù hợp với điều kiện của một nước phương Đông như Việt Nam.
Là người quán triệt sâu sắc phương pháp luận duy vật biện chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán rất nghiêm khắc cả hai khuynh hướng sai lầm khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn. Đó là “chủ nghĩa giáo điều” và “chủ nghĩa xét lại”. Người chỉ rõ: “Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều. Nhưng nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại”(9). Vì thế, khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn, Người luôn yêu cầu vừa coi trọng việc học tập, nghiên cứu lý luận, vừa gắn lý luận với thực tiễn và phải khắc phục bệnh giáo điều, đề phòng chủ nghĩa xét lại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng phi mác-xít để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin
Không chỉ thấm nhuần, kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng phi mác-xít để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người am hiểu hơn ai hết giá trị của những quan điểm về dân tộc và thuộc địa mà V.I. Lê-nin đã đưa ra, nên khi đi theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Người cũng đi theo Quốc tế III. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy sự phức tạp, nguy hiểm của những tư tưởng cơ hội, xét lại, dân túy xuất hiện ở Nga những năm sau Cách mạng Tháng Mười, nên Người đã luôn nêu cao tinh thần “tiến công mạnh mẽ những kẻ chống lại Lê-nin và Quốc tế thứ ba”. Là thành viên của Quốc tế Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh “không chỉ tranh luận trong chi bộ”, mà còn đi đến các chi bộ khác để đặt câu hỏi: “Nếu các đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu các đồng chí không đoàn kết với các dân tộc thuộc địa, thì các đồng chí làm thứ cách mạng gì?”(10).
Một trong những tư tưởng phi mác-xít mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đấu tranh một cách trực diện, kiên quyết chính là tư tưởng của những phần tử tờ-rốt-xkít. Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động quốc tế và sự nhạy bén về chính trị, ngay từ sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ bản chất và mưu đồ của các phần tử tờ-rốt-xkít; bởi, bọn họ luôn có tư tưởng phá hoại phong trào cách mạng ở nhiều nước, như Liên Xô, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha... và cài cắm các phần tử chống phá vào trong nội bộ tổ chức Quốc tế Cộng sản. Ngày 23-6-1939, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Về chủ nghĩa Tờ-rốt-xkít” đăng trên báo Notre Voix để vạch trần bản chất của các phần tử tờ-rốt-xkít. Người viết: “Bọn tờ-rốt-xkít không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ. Đó là bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất”(11). Người còn chỉ rõ thêm: “Trong tất cả các nước, bọn tờ-rốt-xkít đều dùng những tên gọi hoa mỹ để che giấu những công việc kẻ cướp bẩn thỉu của chúng”(12). Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đấu tranh một cách trực diện với những phần tử tờ-rốt-xkít bằng những ngôn ngữ rất gay gắt. Điều đó cho thấy tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của người cộng sản kiên trung với những tư tưởng phi mác-xít.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đấu tranh với chủ nghĩa Tờ-rốt-xkít trên thế giới, mà còn kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng tờ-rốt-xkít ở Việt Nam. Trong giai đoạn 1936 - 1939, trước tình trạng những phần tử tờ-rốt-xkít công khai phá hoại đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, lôi kéo, lừa bịp nhân dân bằng những lời lẽ hoa mỹ; từ nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đề nghị các đồng chí trong Đảng cảnh giác đối với những phần tử này: “Đối với bọn tờrốtxkít, không thể có thoả hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”(13). Như vậy, nhóm tờ-rốt-xkít không chỉ phá hoại nền hòa bình, dân chủ trên thế giới, mà còn là tay sai cho chủ nghĩa phát xít. Điều này đi ngược lại với lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản mà chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã gây dựng, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết cho rằng không thể có một sự “thỏa hiệp” hay “nhượng bộ” nào!
Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn cảnh giác và đấu tranh không khoan nhượng với khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa để bảo vệ thành quả cách mạng cũng như bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Tại Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa (tháng 11-1957), Người nhắc lại tinh thần của Bản Tuyên bố của Hội nghị: “Chúng ta cần phải tăng cường giáo dục theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin và đấu tranh chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại, đặc biệt là chủ nghĩa xét lại”(14). Đây chính là lời cảnh tỉnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những người cộng sản, nhằm giữ vững lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và nêu cao tinh thần cảnh giác trước sự chống phá của những khuynh hướng tư tưởng phi mác-xít lúc bấy giờ.
Sau này, khi nói về nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta luôn luôn đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và của nhân dân, biết vận dụng lý luận Mác - Lênin vào tình hình thực tế của nước ta và đề ra đường lối, chính sách đúng đắn. Đảng ta không ngừng đấu tranh chống những khuynh hướng cải lương của giai cấp tư sản và những khuynh hướng manh động của tầng lớp tiểu tư sản trong phong trào dân tộc; chống luận điệu “tả” của bọn tơrốtxkít trong phong trào công nhân; chống những khuynh hướng hữu và “tả” trong Đảng khi quy định và chấp hành chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng ở mỗi thời kỳ”(15). Có thể thấy rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra hai yếu tố cơ bản mang lại những thắng lợi của cách mạng Việt Nam: Đó là luôn vững vàng với lập trường giai cấp vô sản, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng; đồng thời, đấu tranh không khoan nhượng với những khuynh hướng tư tưởng phi mác-xít, như khuynh hướng cải lương của giai cấp tư sản, khuynh hướng manh động của tầng lớp tiểu tư sản và các khuynh hướng cơ hội, xét lại khác... Đây là nhận định vừa mang tính lý luận, vừa mang tính tổng kết thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp sự nghiệp cách mạng nước ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để đạt được những thành quả to lớn ở thế kỷ XX.
Có thể khẳng định, việc kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng như kiên quyết đấu tranh chống những khuynh hướng tư tưởng phi mác-xít không chỉ nằm trong quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn được Người thực hành một cách nghiêm túc, thường xuyên trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng. Do đó, ở Người, lý luận và thực tiễn, “tri” và “hành” có sự thống nhất với nhau rất đặc sắc.
Hiện nay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đây được coi là nhiệm vụ cơ bản, xuyên suốt, sống còn, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng phản mác-xít có ý nghĩa phương pháp luận rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị khóa XII, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Điều đó nhắc nhở mỗi chúng ta phải thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa những nội dung, giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị ở trong nước và nước ngoài. “Bảo vệ” và “đấu tranh” có mối quan hệ biện chứng với nhau, có sự tác động qua lại nhau; bởi lẽ, muốn bảo vệ tốt phải đấu tranh hiệu quả và ngược lại, đấu tranh hiệu quả góp phần bảo vệ tốt hơn, vững chắc hơn.
Trong những năm qua, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường với sự leo thang của các cuộc xung đột vũ trang, quân sự trên quy mô lớn. Ở trong nước, bên cạnh những thành tựu to lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội còn chậm, chưa vững chắc; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn nhiều diễn biến phức tạp... Điều này đòi hỏi chúng ta tiếp tục kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; đồng thời, thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Điều này cũng phù hợp với phương châm kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống” mà Đảng ta đã xác định rõ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn hiện nay.
Là người cộng sản kiên trung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quán triệt rất sâu sắc di huấn của V.I. Lê-nin: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(16). Sự kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và sự kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những tư tưởng phản mác-xít của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cho chúng ta một phương pháp luận quan trọng, mà còn tiếp tục cổ vũ, động viên, khích lệ chúng ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay./.
-----------------------
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 41, tr. 295
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 562
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 289
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 563
(6) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - chân dung một con người, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1996, tr. 26
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 391
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 92
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 97 - 98
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 585
(11), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 154
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 167
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 189 - 190
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 416
(16) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 4, tr. 232