Chiến thắng mùa Xuân 1975 - Bản hùng ca vẫn vang vọng mãi

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ, song khát vọng và tư tưởng của Người về một nước Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất vẫn trường tồn. 48 năm sau Đại thắng mùa xuân năm 1975 - Đại thắng của sức mạnh, niềm tin và ý chí thống nhất Tổ quốc của đồng bào và chiến sĩ cả nước vẫn “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm vóc quan trọng quốc tế lớn lao và có tính thời đại sâu sắc”[1] .

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. (Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân)

1. Độc lập, tự do, hoà bình và thống nhất đất nước là khát vọng của mọi người dân Việt Nam yêu nước

Sinh ra và lớn lên khi đất nước đang đắm chìm trong đêm trường nô lệ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành không chỉ kế thừa và mang theo trong hành trang tìm đường cứu nước của mình truyền thống yêu nước, hòa bình, độc lập, tự do của cha ông, mà Người nỗ lực thực hiện để khát khao: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[2] và “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho  nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[3] trở thành hiện thực.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về khát vọng, niềm tin để “làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập” (2/1930); “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (9/1945); “kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước” (1946); “31 triệu đồng bào ta ở cả hai miền, bất kỳ già, trẻ, gái, trai, phải là 31 triệu chiến sĩ anh dũng diệt Mỹ cứu nước, quyết giành thắng lợi cuối cùng” (1966); “dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt tất cả mọi khó khăn và thực hiện kỳ được thống nhất đất nước, Nam, Bắc một nhà”; “không có gì quý hơn độc lập, tự do” (7/1966) và “Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/Bắc Nam sum họp/Xuân nào vui hơn” (Thơ mừng xuân 1969); “dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định thống nhất. Đồng bào Nam - Bắc nhất định sum họp một nhà” (Di chúc, 1969) … đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, không quản ngại gian khó, hy sinh để đạt được.

Đó chính là khát vọng về một đất nước độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là hành trình Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể có tính quyết định như: Đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên của Đảng; thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; tập hợp, cổ vũ, động viên quần chúng nhân dân tham gia cách mạng trong Mặt trận, trong các đoàn thể chính trị, các hình thức hội phù hợp yêu cầu từng giai đoạn lịch sử để nhân nguồn sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc; để kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được khẳng định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, tháng 2/1930.

Cụ thể là, với đường lối, chủ trương đúng đắn, Người và Đảng không chỉ tập hợp quần chúng, đưa quần chúng ra đấu tranh với tinh thần “toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, mà còn lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để sáng lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đưa tên đất nước Việt Nam trở lại bản đồ chính trị thế giới; đưa những thần dân, người nô lệ An Nam trở thành chủ nhân của nước Việt Nam độc lập, tự do. Tuy nhiên, khi nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc bị đe dọa, khi kẻ thù vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược thì quyết tâm bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám của cả dân tộc hội tụ trong lời thề “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”; trong tinh thần và ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; trong chân lý vĩnh hằng của nhân loại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã nhân lên nguồn sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa cả dân tộc vững vàng bước vào cuộc trường chinh kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). 

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội/kiên định với sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam từ mùa Xuân năm 1930, nên sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là khi đế quốc Mỹ cam tâm phá hoại Hiệp định Genève (7/1954) can thiệp vào miền Nam Việt Nam thì đồng bào và chiến sĩ cả nước lại tiếp tục thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân để vừa chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, vừa bảo vệ miền Bắc và thống nhất Tổ quốc với tinh thần “nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất. Đồng bào Nam và Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà… Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”[4]; với ý chí “miền Nam là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam” và “đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”[5]; với quyết tâm không để vĩ tuyến 17, bờ Bắc, bờ Nam, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải… vĩnh viễn chia cắt đất nước làm hai miền, với hai chế độ chính trị.

Hướng đến một ngày mai tươi đẹp, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng quyết định tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền để vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, để miền Bắc trở thành hậu phương lớn, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, vừa đấu tranh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội III của Đảng (9/1960). Vì thế mà, trong khi đế quốc Mỹ liên tục thay đổi thực hiện các chiến lược chiến tranh ở miền Nam, âm mưu và tìm mọi cách chia rẽ hai miền Nam - Bắc bằng các chiến lược Chiến tranh đơn phương, Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh để ngày càng mở rộng quy mô chiến tranh, tăng cường xây dựng chế độ ngụy quyền Sài Gòn, xây dựng quân đội ngụy và tăng cường đội quân của các nước chư hầu vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam và đã tăng cường đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, nhằm hủy diệt cơ sở vật chất và tinh thần của miền Bắc xã hội chủ nghĩa thì ở Việt Nam, cả nước cùng chung sức, đồng lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng để vừa nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong việc hoạch định, thực thi đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; vừa phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại, tranh thủ sự giúp đỡ, sẻ chia của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân loại tiến bộ để tạo nguồn sức mạnh tổng hợp, quyết tâm đánh và quyết tâm thắng đế quốc Mỹ xâm lược.  

2. Bài ca chiến thắng mùa Xuân 1975 vẫn vang vọng mãi

Những thắng lợi của quân, dân miền Nam; những thành tựu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội của đồng bào miền Bắc và sự chi viện về mọi mặt của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam đã chứng minh rằng: Càng trong gian nan, thử thách và sự khắc nghiệt của chiến tranh thì niềm tin tưởng của đồng bào và chiến sĩ cả nước vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tinh thần quyết không sợ hy sinh, gian khổ, chiến đấu đến cùng vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc càng trở thành nguồn sức mạnh nội lực của dân tộc; càng khẳng định thắng lợi tất yếu của tinh thần, ý chí “Bắc - Nam sum họp một nhà” như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong ước. Vì thế, dù đế quốc Mỹ càng đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và phá hoại, hủy diệt miền Bắc thì cũng “không có gì cứu vãn nổi sự sụp đổ hoàn toàn của giặc Mỹ và tay sai” (Điện gửi đồng bào miền Nam, 4/2/1968); đồng thời cũng “quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng”. 

Từ kết quả và bài học kinh nghiệm của cuộc Tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân 1968; từ niềm tin về độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc lịch sử và nhất là với sự đồng tâm, đồng chí, đồng lòng của một dân tộc quyết đánh bại âm mưu chia cắt đất nước của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, lời thề trước anh linh của Người: “Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người”[6] đã nâng bước đồng bào và chiến sĩ cả nước trên hành trình về đích.

Đó chính là trên cơ sở đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch, Đảng đã quyết định tiến lên giành thắng lợi cuối cùng bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 (mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử). Ngày 30/4/1975 - Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải đã không chỉ biến hoài bão, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn dân tộc đã trở thành hiện thực sinh động, mà còn tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam hiện đại, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

48 năm sau ngày 30/4/1975 lịch sử, có thể thấy hành trình đấu tranh đầy gian khó vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là bản anh hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh lịch sử; đồng thời cũng chứng minh trên thực tế một đất nước Việt Nam vươn mình “rũ bùn đứng đạy sáng lòa” đã không chỉ ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong khu vực và trên trường quốc tế, mà còn cho thấy nguồn sức mạnh của ý chí thống nhất cùng khát vọng hòa bình trong mỗi người dân “con Lạc cháu Hồng” đã vượt lên tất cả, đã chiến thắng mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.

Vẹn nguyên giá trị thời sự đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước là minh chứng sinh động nhất cho thấy: Bất chấp mọi khó khăn, thử thách và việc các thế lực phản động, thù địch không ngừng thực hiện âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình” với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc để phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thì Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định xây dựng, bảo vệ và phát triển một đất nước độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trên hành trình đi lên chủ nghĩa xã hội là không thể phủ nhận. Và cũng vì thế, bài ca chiến thắng mùa Xuân năm 1975 năm xưa vẫn luôn vang vọng; vẫn luôn là kết quả của sự đồng tâm, đồng lòng và quyết tâm, quyết chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng; tiếp tục được bồi đắp trong mỗi người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý… Nguồn sức mạnh nội lực của toàn dân tộc được bồi tụ, nhân lên và phát huy trong những năm chiến tranh để chiến thắng giặc ngoại xâm đó cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc trong thời kỳ hòa bình, để chiến thắng mọi trở ngại, mọi lực cản cũng như thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…

48 năm hồi sinh và phát triển sau chiến tranh, các thế hệ người Việt Nam càng cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn giá trị của một nước Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất theo tư tưởng Hồ Chí Minh; càng hiểu rõ hơn “sức mạnh duy nhất của Việt Nam là sức mạnh của con người”[7] luôn đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam./.


[1] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 5-6

[2] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.1, tr.94

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.187

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.359-360

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.280

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.627

[7] Duylơrannut: Làn gió mát từ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1975, tr.73-74

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website