Cách mạng Việt Nam kiên định đi theo con đường Bác chọn

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển đất nước. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy ô tô Vinfast (thành phố Hải Phòng). Ảnh: Gia Linh

Đầu thế kỷ XX, giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, ngày 5-6-1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho đất nước. Nguyễn Tất Thành đã bất chấp mọi hiểm nguy, gian khổ, đi qua nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và Người đã bắt gặp ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra con đường cứu nước.

Nguyễn Ái Quốc đã xác định con đường cứu nước muốn thành công phải kết hợp phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế. Ngày 3-2-1930, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế cộng sản chủ trì hội nghị tại Hồng Kông để hợp nhất ba tổ chức cộng sản trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ ngày có Đảng lãnh đạo, cả dân tộc đoàn kết lập nên những kỳ tích vang dội trong hơn 90 năm qua.

Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng với niềm tin của dân tộc và sự giao phó của lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vang dội trong thế kỷ XX và hơn hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lật đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp và xóa bỏ triều đình phong kiến, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đó là thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Ngày 2-9-1969, Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta và để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc mang tầm tư tưởng và trí tuệ của thời đại. Thực hiện bản Di chúc bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn nửa thế kỷ qua cách mạng Việt Nam đã không ngừng tiến lên giành được nhiều kỳ tích vĩ đại.

Sau 21 năm chiến đấu gian khổ, oanh liệt, ngày 30-4-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã thực hiện lời dạy của Bác: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đảng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tiến hành thắng lợi sự nghiệp đổi mới, kinh tế ngày càng phát triển, từ hơn 10 năm nay đã ra khỏi nhóm nước nghèo và trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đời sống của nhân dân ngày một nâng cao. Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo tiến hành sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đảng ta thường xuyên tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng và quan tâm xây dựng thế hệ cách mạng cho đời sau.

Thực hiện Di chúc của Bác: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”, Đảng ta luôn chú ý đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ làm người kế tục sự nghiệp cách mạng của thế hệ cha anh. Đồng thời luôn chú trọng phát huy tinh thần quốc tế vô sản chân chính, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, không ngừng nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay trong bối cảnh tình hình quốc tế có thuận lợi là hợp tác, hòa bình và phát triển vẫn là xu thế lớn, kinh tế thế giới tiếp tục có những tín hiệu tích cực trên đà phục hồi, tăng trưởng ở một số nền kinh tế sau thời kỳ “đỉnh” của đại dịch Covid-19, nhất là với hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều cơ hội cho các quốc gia đang tìm kiếm con đường phát triển. Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là hai khu vực năng động, có nhiều dư địa để phát triển hơn. Những nỗ lực giảm căng thẳng và hòa giải ở một số khu vực có bước tiến khả quan. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh cho hòa bình, ổn định, bình đẳng trên phạm vi toàn cầu còn nhiều khó khăn, thách thức gay gắt; nhân loại luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, khó lường, gây bất an, bất ổn ở nhiều nước, nhiều khu vực.

Nguyên nhân chủ yếu bởi các siêu cường không ngừng gia tăng cạnh tranh chiến lược toàn cầu, leo thang chạy đua vũ trang và chiến tranh thương mại. Điển hình nhất là quan hệ giữa Mỹ và Nga rơi vào tình trạng thấp nhất từ sau thời kỳ chiến tranh lạnh đến nay; căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy làm phát sinh một số trào lưu xã hội rất đáng lo ngại, dung dưỡng cho cái gọi là “dân chủ”, “nhân quyền” theo kiểu phương Tây để kích động, gây rối loạn xã hội ở nhiều nước.

Ở trong nước, thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng đem lại niềm tin tưởng và khát vọng mới cho nhân dân cả nước. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động, sáng tạo, ra sức thi đua yêu nước để thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép": Vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Việt Nam ngày càng thể hiện rõ uy tín, vị thế không ngừng nâng cao trong khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, tính bền vững trong phát triển kinh tế, xã hội chưa cao; khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và cạnh tranh quốc tế chưa mạnh. Biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Bốn nguy cơ: Chệch hướng xã hội chủ nghĩa; tụt hậu xa hơn về kinh tế; tham nhũng, quan liêu và “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu về kinh tế, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn.

Bên cạnh đó, bốn vấn đề bức xúc còn diễn biến phức tạp: An toàn thông tin mạng, an toàn giao thông, an toàn môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm đang hằng ngày, hằng giờ tác động đến tư tưởng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của cán bộ, nhân dân.

2. Trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức nêu trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng theo phương châm: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[1].

Để đạt được các mục tiêu trên, cần phải nhận thức đầy đủ và vận dụng đúng các quy luật phát triển, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để phân bổ và sử dụng có hiệu quả được các nguồn lực của đất nước mà trước hết, quan trọng nhất là nguồn lực con người. Phải có lộ trình, kế hoạch để thực hiện từng bước có hiệu quả cao nhất trong việc đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển nền kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đảng có thực sự vững mạnh thì mới tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng thành công trong giai đoạn mới. Trên tinh thần đó, phải ngăn chặn, đấu tranh, xử lý triệt để, đúng pháp luật các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ, bè phái, chạy chức, chạy quyền… Trước mắt, cần tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm những vụ tham nhũng phức tạp đang gây bức xúc trong xã hội, bất bình trong nhân dân. Đặc biệt, cần công khai các vụ việc phức tạp đã xử lý như V.I. Lênin đã dạy: “Tính công khai như thanh bảo kiếm, nó phanh phui cắt bỏ những ung nhọt, đồng thời làm lành vết thương của chúng ta”.

Tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hòa giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội… Chủ động dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đưa đất nước tiếp tục phát triển. Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại.

Toàn Đảng triển khai Nghị quyết Đại hội XIII trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước đã, đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tổng thư ký Liên hợp quốc đã nhận định “đây là kẻ thù chung của nhân loại”. Đảng và Nhà nước ta xác định “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”, đến nay về cơ bản việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục triển khai có hiệu quả.

Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên định đi theo con đường Bác chọn, thực hiện những lời dạy của Người, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng vươn lên mãnh liệt và ý chí, quyết tâm chính trị cao, nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, cường thịnh để đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. Hà Nội, 2021. Tr.57.

TIẾN SĨ BÙI THẾ ĐỨC

Theo http://hanoimoi.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website