Ngay từ những ngày đầu ấy, chính quyền non trẻ của nước Việt Nam mới đã phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy đến từ thù trong, giặc ngoài. Nhờ ứng xử ngoại giao tài tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hóa giải thành công những tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nước ta đã tránh được chiến tranh, đổ máu với nhiều kẻ thù, đồng thời tranh thủ thời gian củng cố lực lượng cách mạng và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc kéo dài suốt 09 năm sau đó. Những giá trị ngoại giao Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong thời kỳ gian nan này được kế thừa, phát triển từ truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, từng bước dựng xây nên văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh - cơ sở, nền tảng cho ngoại giao nước nhà và để lại nhiều bài học quý cho mai sau.
Trong Cách mạng Tháng Tám, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét ở mục tiêu cao đẹp giải phóng dân tộc, giải phóng con người và đấu tranh vì những giá trị tốt đẹp của nhân loại; ở nghệ thuật tận dụng thời cơ; ở việc tiếp nối truyền thống hòa hiếu, nhân đạo; ở phương châm ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và ở phong cách ngoại giao tinh tế, giản dị, chân thành, giàu lòng nhân ái, dùng trái tim để thu phục lòng người.
Mục tiêu cao nhất mà Hồ Chủ tịch hướng đến trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình là nhân dân được sống trong hạnh phúc, no đủ. Mục tiêu cháy bỏng này được thể hiện rõ nét trong câu nói bất hủ của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Việc giành được chính quyền, đất nước được độc lập chính là những viên gạch đầu tiên trên con đường xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Thực vậy, Người khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(2). Như vậy, suy cho cùng, độc lập dân tộc là mục tiêu chính trị, nhưng cũng là mục tiêu văn hóa, bởi giá trị cao nhất của văn hóa là con người được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa nước ta thoát khỏi ách áp bức và nỗi đau mất nước kéo dài gần một thế kỷ, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Đất nước được độc lập, người dân được tự quyết định vận mệnh của mình, được đáp ứng những quyền con người cơ bản là “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(3).
Vượt ra khỏi phạm vi trong nước, thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám đã truyền cảm hứng tới nhân dân toàn thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của các quốc gia thuộc địa và nửa thuộc địa. Đối với các nước vẫn đang phải chịu ách áp bức, bóc lột của thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cách mạng Tháng Tám tại Việt Nam là tấm gương về bản lĩnh vùng lên đập tan xiềng xích thực dân, giành và giữ vững nền độc lập dân tộc. Được thực hiện với mục tiêu đầy nhân văn do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, Cách mạng Tháng Tám không chỉ là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, mà còn là cuộc đấu tranh giải phóng con người, bảo vệ những quyền cơ bản nhất của con người trên toàn thế giới.
Trong những nguyên nhân đưa tới thành công của Cách mạng Tháng Tám có nghệ thuật lợi dụng thời cơ, một thành tố quan trọng trong văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh. Bối cảnh lịch sử năm 1945 đặt ra cho dân tộc Việt Nam những cơ hội chiến lược “ngàn năm có một” để giành chính quyền. Tháng 7/1945, Chiến tranh thế giới lần thứ 2 sắp kết thúc, phát xít Đức, Ý thua trận trên chiến trường châu Âu. Phát xít Nhật bại trận trên chiến trường châu Á và ngày 12/8/1945 buộc phải đầu hàng vô điều kiện trước phe Đồng minh. Đây là thời điểm hiếm hoi khi quân Anh chưa vào miền Nam và quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật. Bằng nhãn quan chính trị sắc sảo, sự nhanh nhạy và quyết đoán của mình, Người đã tận dụng rất nhanh cơ hội để lãnh đạo toàn dân đứng lên thực hiện thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giải phóng dân tộc. Người nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(4).
Hồ Chủ tịch và Bộ trưởng Marius Moutet tại Paris ngày 14/9/1946. Ảnh tư liệu
Thể hiện đậm nét trong văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh thời kỳ Cách mạng Tháng Tám còn là truyền thống hòa bình, hòa hiếu, nhân đạo, tránh chiến tranh. Trước những kẻ thù hiếu chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên định con đường hòa bình, bởi Người đã quá thấu hiểu nỗi thống khổ mà chiến tranh gây ra cho con người. Sau khi Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Người, chính quyền Việt Nam non trẻ đã chủ động đàm phán với Pháp để tránh chiến tranh (ký với Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 và sau đó là Tạm ước ngày 14/9/1946). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gửi thư tới nguyên thủ các nước Anh, Mỹ, Liên Xô và các thành viên Liên hợp quốc khẳng định thiện chí hòa bình, mong các nước ủng hộ những nhu cầu chính đáng của nhân dân Việt Nam. Đồng thời, Người đã gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và cử phái viên đến gặp người đứng đầu đại diện cho chính quyền Pháp ở Đông Dương để cứu vãn hòa bình, tránh chiến tranh, đổ máu.
Giới cầm quyền thực dân đã khước từ thiện chí, nỗ lực của chính quyền Việt Nam. Dân tộc ta đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp sau khi chúng phá bỏ Tạm ước 14/9/1946, bộc lộ rõ dã tâm cướp nước ta lần nữa. Dù chiến tranh đang diễn ra khốc liệt, Hồ Chí Minh vẫn luôn tìm kiếm hòa bình. Trong thư gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp ngày 07/01/1947, Người viết: “Chính phủ và nhân dân Pháp chỉ cần có một cử chỉ công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là chấm dứt được những tai biến này; hòa bình và trật tự sẽ trở lại ngay tức khắc. Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”(5).
Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám còn được đặc trưng bởi phương châm ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, lấy cái không thay đổi để ứng phó với cái luôn biến đổi. “Cái bất biến” là lợi ích cốt lõi của quốc gia - dân tộc: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; còn “cái vạn biến” là những vấn đề mang tính sách lược, chiến thuật. Sau Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Việt Nam non trẻ cùng lúc phải xử lý quan hệ với quân đội Tưởng cùng âm mưu “diệt Cộng, cầm Hồ” và quân đội Pháp lăm le cướp nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khôn khéo đề ra chủ trương hòa hoãn với hai kẻ thù, đồng thời xác định rõ “lằn ranh đỏ” trong quan hệ với hai thế lực này là độc lập, chủ quyền quốc gia.
Thời kỳ Cách mạng Tháng Tám cũng để lại nhiều câu chuyện, bài học đáng nhớ về văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh, đặc biệt là phong cách ngoại giao của Người, rất tinh tế, nhân văn, thấm đẫm tình người, góp phần củng cố chính quyền non trẻ, bảo vệ những thành quả cách mạng vừa mới có được. Năm 1946, khi tàu chở Bác từ Pháp về đi qua vùng thuộc quyền kiểm soát của Anh, nhận thấy đây là cơ hội để quảng bá vị thế nước Việt Nam mới, Người đã yêu cầu thuyền trưởng người Pháp kéo cờ Việt Nam, song ông ta thoái thác. Bác đáp lời nhẹ nhàng nhưng cương quyết: “Thưa Ngài, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hiện là một nước tự do, là một thành viên trong liên bang Đông Dương. Hơn ai hết, các Ngài phải hiểu rằng, lá quốc kỳ của chúng tôi phải được kéo lên để cho người Anh và những thực dân khác ở Châu Á biết sự hiện diện của nước Việt Nam”(6). Trước yêu cầu và lập luận vô cùng chính đáng đó, dù khó chịu, nhưng Pháp phải chấp thuận.
Là một chính trị gia nhân hậu, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh luôn thấm đẫm lòng bao dung, yêu thương con người. Không chỉ có tình yêu sâu sắc đối với đồng bào, đồng chí mình, Người còn độ lượng và chủ trương khoan hồng đối với tù binh chiến tranh. Người xót thương những người lính phải chết oan uổng trong các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân, những phụ nữ Pháp mất chồng trong bom đạn. Có thể cảm nhận sâu sắc sự đau lòng qua những dòng Bác viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”(7).
Ngay sau cách mạng mùa thu hào hùng của dân tộc năm 1945, ngành Ngoại giao vinh dự và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên. Nền ngoại giao Việt Nam với 75 năm trưởng thành và phát triển đã thấm đẫm văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh. Chính nhờ sự vận dụng những giá trị văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần duy trì môi trường hòa bình, thu hút các nguồn lực cho phát triển, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nâng cao vị thế quốc tế của nước ta.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao rộng mở với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với 30 nước trên thế giới. Việt Nam là “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế quốc tế với 17 Hiệp định thương mại tự do đã đàm phán, ký kết. Hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng và các lĩnh vực khác ngày càng sâu rộng.
Không chỉ phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, với thế và lực mới, Việt Nam đã nỗ lực đấu tranh vì những vấn đề của nhân loại, đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đồng thời, tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách và hiện đang phát huy hiệu quả vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Trên bình diện toàn cầu, Việt Nam ngày càng đóng góp tích cực trong một số vấn đề quốc tế, khu vực, như: bảo đảm an ninh lương thực, phát triển bền vững, thúc đẩy hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, cử cán bộ, sĩ quan quân đội tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, v.v. Đặc biệt, các hoạt động “ngoại giao Covid”, chia sẻ vật tư y tế, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh với nhiều nước trên thế giới thể hiện sâu sắc giá trị nhân văn của văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh trong ngoại giao Việt Nam, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhờ cách ứng xử tinh tế, chân thành, ngoại giao Việt Nam đã thành công trong đối thoại với các đối tác, gia tăng tin cậy lẫn nhau và thu hẹp khác biệt, qua đó góp phần đưa vị thế đất nước không ngừng được nâng cao.
Trước những phức tạp nảy sinh, trong đó có vấn đề Biển Đông và những hành vi lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá nước ta, chúng ta đã đánh giá đúng tình hình, đấu tranh, xử lý kịp thời, tỉnh táo, sáng suốt, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền, lợi ích chính đáng và chế độ chính trị của nước ta.
Trong thời kỳ đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng với những cơ đồ to lớn, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị và có ý nghĩa thực tiễn lớn lao; trong đó, có những bài học về nghệ thuật lợi dụng thời cơ, truyền thống hòa hiếu, nhân đạo, phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” cũng như phong cách ngoại giao hòa hiếu, tinh tế, giản dị và nhân văn. Ứng xử trong một thế giới đang biến động nhanh, khó dự báo với những thách thức và cơ hội chưa từng có, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh sẽ là nền tảng, hành trang để ngành Đối ngoại với các “binh chủng”: đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh phát huy vai trò là “một mặt trận” tiên phong, góp phần quan trọng vào củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho phát triển và nâng cao vị thế đất nước, đồng thời bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy.
____________
1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 187.
2. Hồ Chí Minh - Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945.
3. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 01.
4. Chỉ thị của Hồ Chí Minh phát lệnh khởi nghĩa, tại Lán Nà Lừa cuối tháng 7/1945.
5. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 24.
6. Bác Hồ với ngoại giao, Mẩu chuyện nhỏ bài học lớn, Nxb CTQG, H. 2010, tr. 39.
7. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 510.
Phạm Bình Minh,
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân