Báo chí với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ​

Với lý luận của chủ nghĩa Mác được Lênin vận dụng thành công ở Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, đến lượt mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tiếp thu một cách sáng tạo vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định một điều cốt lõi bất di bất dịch là lợi ích của giai cấp công nhân với lợi ích của nhân dân lao động, lợi ích của dân tộc là thống nhất. Bởi vậy, Đảng ta không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của nhân dân lao động, đại diện cho lợi ích của dân tộc Việt Nam. Đây là cống hiến lý luận đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và điều này định hướng, là ánh sáng soi đường cho toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng nước ta từ trước tới nay.

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo.

Vào những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, trong bối cảnh Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu mất quyền lãnh đạo đất nước, hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin ở nhiều nơi rơi vào khủng hoảng. Các thế lực thù địch, phản động hý hửng rằng, Đảng Cộng sản và chế độ xã hội XHCN ở Việt Nam cũng sẽ sụp đổ theo. Ấy vậy mà tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), chẳng những tiếp tục khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin mà đến lượt mình, Đảng ta còn bổ sung tư tưởng Hồ Chí Minh vào NTTT của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) đã khẳng định: “...Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”. Đây là một trong những điểm mới nổi bật của Đại hội VII của Đảng. Sau đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn kiện các kỳ Đại hội Đảng tiếp tục khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Gần đây, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định và tiếp tục cụ thể hóa: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Nghị quyết cũng chỉ ra rằng: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam trong thời đại ngày nay, trước hết là trong xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thể chế, nguyên tắc tổ chức hoạt động của toàn hệ thống chính trị”. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra bảy nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là: “Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao”. Đó là nội dung cơ bản, hệ trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng làm công tác tuyên giáo, hệ thống báo chí... đóng vai trò nòng cốt; là công việc thường xuyên của cả hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và đấu tranh bảo vệ NTTT của Đảng nói riêng, được thường xuyên coi trọng và không ngừng đổi mới, tăng cường. Đấu tranh bảo vệ NTTT của Đảng là một phần của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động. Tất nhiên, không phải lúc nào cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” với bảo vệ NTTT của Đảng cũng tách bạch, nhưng xét môt cách tương đối, dưới góc độ báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ NTTT của Đảng, nổi lên một số thành tích nổi bật sau đây:

1). Trên cơ sở thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động báo chí, các cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý báo chí, internet, mạng xã hội, hoạt động xuất bản, đấu tranh yêu cầu các tập đoàn truyền thông gỡ bỏ các clip, tài khoản có nội dung sai trái, độc hại;

2). Báo chí đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tuyên truyền Cương lĩnh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; khẳng định những thành tựu, tính ưu việt của chế độ, sự đúng đắn và tương lai của con đường mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã lựa chọn;

3). Quảng bá những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, hình ảnh, uy tín của đất nước, con người Việt Nam ra bạn bè thế giới và đồng bào ta ở nước ngoài;

4). Báo chí không ngừng đổi mới, sáng tạo, tích cực trong tuyên truyền những vấn đề lớn, sự kiện quan trọng của đất nước, định hướng văn hóa, thẩm mỹ, giá trị của cuộc sống mới do công cuộc đổi mới mang lại, phản ánh thực tiễn sinh động đời sống xã hội, góp phần nâng cao dân trí, mở rộng dân chủ, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng;

5). Tùy theo chức năng, tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ của mình, báo chí tích cực tham gia, tiên phong trong công tác đấu tranh trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ NTTT của Đảng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm của nhân; 6). Trong hệ thống báo chí đã và đang hình thành lực lượng, cơ quan báo chí, các nhà báo chuyên sâu về bảo vệ NTTT của Đảng, những cây bút có quyền uy, những bài viết có tính chiến đấu, thuyết phục cao...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích nổi trội nói trên, trong bối cảnh tình hình trong nước có nhiều sự kiện, khó khăn và phức tạp hiện nay: Tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19; đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII là cơ hội để kẻ địch phá hoại, các phần tử phản động, cơ hội chính trị trỗi dậy; hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên vẫn diễn biến phức tạp; xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự phát triển bùng nổ của mạng internet, các mạng xã hội toàn cầu; những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường... Công tác đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, nhiệm vụ bảo vệ NTTT của Đảng đứng trước nhiều thử thách và bất cập. Tính đến ngày 30/11/2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo; 648 tạp chí; 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh-truyền hình với 2 đài quốc gia; 64 đài địa phương; 5 kênh truyền hình; hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí (cả 4 loại hình), trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo.

Có thể nói, số lượng báo chí cũng như những người làm báo ở nước ta hiện nay như vậy là đông, nhưng đứng ở góc độ đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và bảo vệ NTTT của Đảng, như thế là chưa mạnh. Hình như các cơ quan chức năng hay từng cơ quan báo chí chưa có một cuộc khảo sát, đánh giá cụ thể tỷ mỷ về công tác đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” nói chung và bảo vệ NTTT của Đảng nói riêng. Người viết bài này thấy hiện nay trong lĩnh vực báo chí bộc lộ một số hiện tượng sau đây: Nhận thức của không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan chủ quản báo chí, của các tổng biên tập, biên tập viên, nhà báo... về cuộc đấu tranh này còn chưa thường xuyên, đầy đủ và sâu sắc, thậm chí là thờ ơ, hời hợt, coi đó là “việc của cơ quan khác, của người khác”; không phải tờ báo, tạp chí, trang thông tin điện tử nào cũng có chuyên mục, bài vở về chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ NTTT của Đảng. Bài viết cho chuyên mục này chưa xác định rõ đối tượng mình hướng đến để đấu tranh, loại bỏ những kẻ thù địch hay lôi kéo, thuyết phục đồng chí, đồng bào thiếu thông tin, lầm đường, lạc lối; hiện tượng “bắn chỉ thiên” trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” bảo vệ NTTT của Đảng, nhiều khi chẳng những không “trúng đích” mà vô hình chung lại trở thành “tuyên truyền không công” cho các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực phá hoại, phản động. Lực lượng viết bài bảo vệ NTTT của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn mỏng, nhận thức chưa đồng đều, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, đang có nguy cơ “già hóa”, việc nắm bắt thông tin, tiếp cận công nghệ thông tin còn chậm, khả năng sử dụng ngoại ngữ còn hạn chế... chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Các cơ quan chức năng chưa hoàn toàn chủ động định hướng, cung cấp thông tin kịp thời để làm chủ thông tin, lấy thông tin tích cực, chính thống đấu tranh chống lại các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, phản động trên mạng xã hội, internet. Công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý những đối tượng phá hoại, phản động, bất mãn, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phát ngôn, cung cấp, phát tán thông tin phản động, sai lệch... trên lĩnh vực báo chí chưa thường xuyên, nghiêm túc; các cơ quan chức năng cũng như báo chí dường như chưa có sự phân công, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, thường xuyên trong cuộc đấu tranh này...

Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta đã đưa ra khá đầy đủ, toàn diện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ NTTT của Đảng. Cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ NTTT của Đảng còn lâu dài, diễn biến phức tạp. Các lực lượng, cơ quan, chức năng, báo chí còn rất nhiều việc phải làm. Trong khuôn khổ một bài báo ngắn, xin bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp góp phần gợi mở để báo chí nước ta làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bào vệ NTTT của Đảng trong tình hình hiện nay:

Xác định rõ quan điểm phá hoại, đối lập, các nhóm đối tượng để viết bài cho đúng, cho trúng và hiệu quả cao. Chẳng hạn, hiện nay có các nhóm đối tượng chính sau đây: 1). Nhóm đối tượng đối lập về hệ tư tưởng của Đảng ta (nhóm đối tượng này thường đưa ra quan điểm tấn công vào chủ nghĩa Mác-Lênin, đời tư của C.Mác, Ph.Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh nhằm bôi nhọ, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, đặt sai bối cảnh lịch sử); 2). Nhóm đối tượng là các thế lực thù địch về chính trị luôn chống lại chế độ XHCN với mục đích làm con đường phát triển đất nước của Đảng chệch hướng, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam, nhóm đối tượng này thường đưa ra những quan điểm đánh đồng sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực với học thuyết, lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã vạch ra); 3). Nhóm đối tượng là những người vốn là đảng viên cộng sản nhưng không chịu rèn luyện, tu dưỡng, học tập, nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới tới tha hóa về tư tưởng chính trị, xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí là phai nhạt lý tưởng, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong nội; 4). Nhóm đối tượng do trình độ nhận thức, thiếu thông tin chính thống hoặc thông tin thiếu chính xác, bị kẻ xấu lôi kéo, nên cần giải thích, vận động, thuyết phục, không để  các thể lực phá hoại, phản động lôi kéo.

Trên cơ sở xác định, phân loại các nhóm đối tượng, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đối tượng bạn đọc của mỗi tờ báo, tạp chí mà viết bài cho phù hợp với đối tượng ấy. Ở đây rất cần có sự phân công một cách tương đối rõ ràng, cụ thể của các cơ quan chức năng, đồng thời có sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với nhau thì mới đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền. 

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ NTTT của Đảng ta, đồng thời với những bài viết phản bác những luận điểm sai trái, xuyên tạc, báo chí rất cần khẳng định những thành tựu, những kinh nghiệm, những giá trị, tính ưu việt của chế độ chúng ta cũng như những điển hình tiên tiến, tích cực, người tốt việc tốt trong cuộc sống hằng ngày. Đó chính là thực hiện quan điểm “xây” đi đôi với “chống” của Đảng ta, trong đó “xây” là chính. Mọi lý luận, lý thuyết dù hay đến mấy cũng không thể chứng minh hùng hồn bằng thực tế đời sống hằng ngày đang diễn ra với những thành tựu và những đổi mới, những điều tai nghe, mắt thấy. Qua thực tế cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua ở nước ta, không cần nói nhiều, thế giới, kể cả các thế lực thù địch với chế độ ta, cũng phải thừa nhận tính ưu việt, thành công của thể chế chính trị dưới sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước ta. Qua cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế càng tăng lên rất nhiều, niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta được củng cố tăng cường gấp bội.    

Một trong những công tác vô cùng quan trọng góp phần cùng báo chí bảo vệ NTTT của Đảng là công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật. Nếu không có công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, nghiêm túc thì nhiệm vụ này của báo chí cũng không thể thành công. Công tác kiểm tra, giám sát ở đây được thực hiện dưới ba góc độ: 1). Kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; 2). Kiểm tra, giám sát, rà soát, phát hiện, xử lý những cá nhân có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phát hiện, ngăn chặn, khoanh vùng những đối tượng chống đối, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, phê phán, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vu khống và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh, đặc biệt không để lọt vào cấp ủy đảng những cá nhân có một trong những biểu hiện như trên; 3). Bản thân các cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí và cấp trên cần thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ NTTT của Đảng ta./.

Vũ Lân

Theo http://ubkttw.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website