(HCM.VN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đồng thời là một nhà báo cách mạng vĩ đại, người khai sinh và đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Với Bác Hồ, nhà cách mạng và nhà báo hoà quyện làm một, hoạt động cách mạng và hoạt động báo chí luôn song hành với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo điều kiện và hỗ trợ lẫn nhau.
|
Nguyễn Ái Quốc và Báo Người cùng khổ. (Ảnh tư liệu)
|
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những ngày đầu Người đã nhận thức sâu sắc về hoạt động báo chí là rất cần thiết. Người cho rằng: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; để làm cách mạng cần phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tập hợp và tổ chức quần chúng, một trong những phương thức hiệu quả nhất là thông qua và bằng hoạt động báo chí; ngược lại, hoạt động báo chí luôn đặt ra những yêu cầu đổi mới, sáng tạo và hiệu quả của hoạt động cách mạng. Chính vì vậy, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ luôn gắn liền với hoạt động báo chí và chính Người đã sáng lập, lãnh đạo, dẫn dắt, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà cách mạng, nhà báo Hồ Chí Minh là một. Người coi báo chí là một phương tiện không thể thiếu trong các hoạt động cách mạng, nhất là trong điều kiện tiến hành vận động quần chúng làm cách mạng mà mình chưa nắm được chính quyền trong tay. Hoạt động báo chí là một trong những cách thức có hiệu quả để thực hiện lý tưởng, hoài bão và các nhiệm vụ cách mạng.
Bác Hồ mở đầu cuộc đời cách mạng bằng viết báo, rồi lập các cơ quan báo chí do chính mình và cộng sự trực tiếp chỉ đạo để triển khai những chủ trương, đường lối, chính sách và công việc theo tôn chỉ, mục đích của tổ chức cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn dành thời gian, tâm huyết cho hoạt động báo chí. Điều đó được minh chứng bằng số liệu thống kê sau đây: kể từ tác phẩm đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” (Báo Nhân đạo, Pháp, ngày 18-6-1919) đến bài cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ R.M.Nich-xơn” (Báo Nhân Dân, ngày 25-8-1969), nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta và bạn bè thế giới hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký… với khoảng 150 bút danh, viết bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Hán… Bác sáng lập ra 9 tờ báo trong và ngoài nước và cộng tác với nhiều tờ báo danh tiếng nước ngoài, nhất là những nơi Người đã tham gia hoạt động cách mạng như Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc…
Ngay những năm tháng bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức sâu sắc về vai trò to lớn của báo chí tiến bộ trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước chân chính và truyền bá học thuyết Mác-Lênin vào nước ta. Người coi báo chí là một phương tiện nhạy bén và đầy hiệu quả trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tại Diễn đàn Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản (7- 1924) Người đã chỉ rõ: "Báo chí chủ nghĩa cộng sản có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng lao động của các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao tầm quan trọng của báo chí - một vũ khí sắc bén, một bộ phận không thể thiếu của công tác cách mạng và "ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh". Vì vậy, Người coi viết báo là để hoạt động cách mạng và vì hoạt động cách mạng mà viết báo. Đối với Người, mọi bài viết, việc làm đều vì một mục đích là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bác coi báo chí là phương tiện để vận động, tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng, hiệu quả nhất. Chính vì vậy, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu và bất cứ giai đoạn, tình thế nào, Bác cũng vẫn quyết sáng lập, chỉ đạo, phát hành những tờ báo cách mạng. Từ tháng 3/1922 lúc còn ở Pháp đến khi về nước tháng 1/1941, Bác đã sáng lập, trực tiếp tổ chức, biên tập nội dung, trình bày hình thức và phát hành 8 tờ báo chủ lực: Le Paria (Người cùng khổ), Thanh niên, Công nông, Lính kách mệnh, Thân ái, Đỏ, Việt Nam độc lập và Cứu quốc. Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác tiếp tục cộng tác, tổ chức và cho ra đời một số tờ báo mới. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2/1951, Báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) ngừng xuất bản, Bác chỉ đạo thành lập Báo Nhân Dân - một cơ quan ngôn luận thiết thực hơn, gần gũi hơn, sâu rộng hơn. Số đầu tiên ra ngày 11/3/1951. Ngoài việc sáng lập, chỉ đạo hoạt động, Bác còn là cộng tác viên rất nhiệt tình: từ số 1 ngày 11/3/1951 đến số 5526 ngày 1/6/1969, Bác đã gửi tới và được đăng 1.206 bài viết trên Báo Nhân Dân với 23 bút danh khác nhau.
***
Cuộc đời hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những bài viết và phong cách làm báo của Người đã để lại cho nền báo chí cách mạng việt nam và những người làm báo chân chính một di sản vô giá về tư tưởng chỉ đạo và những kinh nghiệm thực tiễn, những lời dạy cốt yếu. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh không thể không học và làm theo tư tưởng và phong cách làm báo cách mạng của Người.
Trước hết, điều căn cốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam, là tính Đảng của báo chí. Đây chính là cơ sở để phân biệt báo chí cách mạng với báo chí phản cách mạng. Người cho rằng, báo chí chỉ đúng về chính trị khi nó được lãnh đạo của một đảng, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với dân tộc, với nhân dân. Người luôn nhấn mạnh: Báo chí phục vụ ai? Báo chí vì cách mạng, vì Đảng, vì nhân dân - đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí; đó cũng là tính đảng của báo chí, là biểu hiện sự trung thành của báo chí đối với Đảng, là cống hiến của báo chí vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng. Về phần mình, hướng dẫn để báo chí và đội ngũ các nhà báo thực hiện đắc lực cho cách mạng, phục vụ tốt nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân tức là Đảng đã làm tốt vai trò lãnh đạo báo chí. Trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của Đảng, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; coi trọng phát tiển toàn diện báo chí, coi báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng. Người khẳng định: báo chí của ta phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho hoà bình thế giới; báo chí là công cụ và phương tiện tuyên truyền, giáo dục, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ đắc lực và hiệu quả cho mục tiêu, lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng. Để thực hiện tính đảng của báo chí cách mạng thì phải đảm bảo và giữ vững nguyên tắc: Đảng phải lãnh đạo báo chí. Ngay từ rất sớm Người khẳng định nguyên tắc bất di, bất dịch ấy: “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”. Theo đó, Người yêu cầu “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Để nâng cao tính Đảng, trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng”, Người huấn thị: “Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính: 1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: 3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy: 4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì: 5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và: 6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa. Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây: Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều”.
|
Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén… (8/9/1962). (Ảnh: Tư liệu)
|
Thứ hai, báo chí cách mạng Việt Nam cần có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”, suy rộng ra là phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới vì mục tiêu của thời đại là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, theo Người, đề tài xuyên suốt và nguồn cảm hứng vô tận để báo chí cách mạng Việt Nam khai thác và tuyên truyền đó là: “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Ở mỗi giai đoạn khác nhau của lịch sử, báo chí có những tôn chỉ, mục đích khác nhau, nhưng xuyên suốt vẫn là: Phục vụ cách mạng, phục vụ mục tiêu nhất quán, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phục vụ nhân dân lao động, bảo vệ quyền làm chủ và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; bảo vệ quan điểm, đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xã hội chủ nghĩa, cổ vũ, đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bảo vệ thành quả cách mạng của dân tộc Việt Nam; bảo vệ, đóng góp và cổ vũ các phong trào thi đua, hoạt động sáng tạo của nhân dân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội của nghĩa, xây dựng một xã hội giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hiện đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm tiến bộ và sự ổn định, hòa bình của nhân loại.
Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ rõ và yêu cầu báo chí cách mạng Việt Nam cần làm tròn vai trò, nhiệm vụ của mình. Người cho rằng: báo chí có vai trò vô cùng to lớn trong việc truyền bá tư tưởng của Đảng, tuyên truyền, vận động, lôi cuốn, hướng dẫn và tổ chức nhân dân thực hiện các phong trào cách mạng; khi có chính quyền thì góp phần phổ biến, hướng dẫn nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; báo chí là cầu nối giữa quan điểm của Đảng, chương trình, kế hoạch, chính sách, pháp luật của Nhà nước với nhân dân; là kênh thông tin quan trọng để nhân dân thực hiện quyền được biết, quyền được bàn, quyền được kiểm tra và quyền làm chủ của Nhân dân. Mặt khác, báo chí còn có vai trò là người phản biện xã hội, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân; phản ánh hơi thở, sức sống của thời đại, chủ động tiếp cận, phản ánh, phân tích, bình luận về những vấn đề trong nước với quốc tế và ngược lại. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác Hồ một lần nữa khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Tất cả những nhiệm vụ cách mạng đều là nhiệm vụ của báo chí, nhiệm vụ ấy báo trùm toàn bộ cuộc cách mạng, phục vụ mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, an ninh quốc phòng, quan hệ quốc tế. Nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh có thể tóm tắt thành mấy vấn đề cơ bản sau: 1) Báo chí là công cụ đấu tranh giai cấp, là vũ khí đấu tranh cách mạng; là phương tiện, kênh thông tin để Đảng và Nhà nước thực hiện truyền thông nhà nước, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như đưa quan điểm, đường lối, chủ trương,chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và cộng đồng quốc tế; đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, cái độc hại, tiêu cực trong xã hội, đi ngược lại với lợi ích của Đảng, nhân dân và dân tộc, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù của dân tộc. 2) Báo chí là công cụ bảo đảm thực hiện quyền công dân, quyền tự do ngôn luận theo pháp luật; là công cụ để người dân thảo luận, bày tỏ chính kiến của mình trước vận mệnh của đất nước, dân tộc; thông qua hoạt động của báo chí, cơ quan báo chí, nhà báo, nhân dân gián tiếp thực hiện quyền được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được hưởng thụ. 3) Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội về tổ chức, hoạt động của cơ quan Nhà nước nói chung, yêu cầu Nhà nước phải thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình đối với những nội dung phải công minh nhưng chưa công minh. 4) Báo chí là kênh thông tin quan trọng kết nối mọi mặt của đời sống xã hội trong nước với quốc tế, thực hiện chức năng kết nối thông tin, định hướng dư luận xã hội, đoàn kết xã hội. 5) Báo chí cách mạng phải góp phần phát hiện, cổ vũ, nhân rộng cái tốt, các điển hình tiên tiến, những sáng kiến hay trong phong trào thi đua ái quốc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Người yêu cầu “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”. Trong biểu dương, phải rút ra được kinh nghiệm có ý nghĩa phổ biến. Biểu dương phải đi đôi với phê bình, phê phán khuyết nhược điểm, phê bình phải cụ thể, rõ ràng. Phê bình và tự phê bình là biện pháp tăng cường tính chiến đấu của báo chí, vì “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy”.
Thứ tư, một trong những tư tưởng cốt yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là xây dựng đội ngũ các nhà báo vừa “hồng” vừa “chuyên”. Nói đến báo chí là phải nói đến những người làm báo. Người cho rằng: "Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đấu tranh...". Đây thực sự là lời dạy quý báu của Người đối với những người làm báo cách mạng, đồng thời cũng là bài học "cốt tử" được đúc kết từ trong suốt cuộc đời lao động không mệt mỏi của vị lãnh tụ vĩ đại, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, nhà văn hóa, nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh. Là một nhà báo lỗi lạc, Bác sử dụng báo chí là một công cụ, một phương tiện, phương thức hoạt động cách mạng. Theo Người, đối với người làm báo cách mạng, “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, do đó “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Người dẫn lời của Lênin để căn dặn: “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”.
Bằng tấm gương hoạt động báo chí phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng và xuất phát từ vai trò, nhiệm vụ của báo chí cách mạng, Bác Hồ - nhà báo cách mạng vĩ đại đã có những lời dạy qúy báu và yêu cầu rất cao đối với những người làm báo, cả các nhà báo, các nhà quản lý báo chí và phục vụ hoạt động báo chí. Có thể tóm tắt bằng 4 phương diện sau đây:
Trước hết, người làm báo cách mạng phải có lập trường chính trị vững vàng.
Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959, Người căn dặn “... Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,v.v…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng:“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải “Cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Theo Người, đó chính là tính giai cấp, tính định hướng chính trị, ý thức hệ của người làm báo. Bất cứ viết một bài báo, một chuyên đề nào, một tác phẩm nào về một đề tài nào đều luôn xác định rõ mục đích chính trị là gì, có phục vụ cho lợi ích của Đảng, của nhân dân không, có đáp ứng nhu cầu của đối tượng nghe, nhìn là quần chúng nhân dân lao động không, có góp phần đấu tranh chống mọi việc làm gây tổn hại, tiêu cực cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân không?. Lập trường và bản lĩnh chính trị của người làm báo quy định phẩm chất, đạo đức và trình độ nghề nghiệp của người làm báo; quy định chất lượng và giá trị hoạt động của các nhà báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu những người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, phải luôn nâng cao trình độ văn hoá, rèn giũa nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình; nhất là phải trau dồi lập trường chính trị vững chắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở những người làm báo, khi viết phải trả lời rõ: “Thế thì viết cái gì? Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng”.
Hai là, cần có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, có vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Trách nhiệm chính trị đòi hỏi nhà báo phải là người có trí thức rộng và sâu về nhiều phương diện cả chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, có như vậy thì công việc, sản phẩm của mình mới có hiệu quả thực tiễn. Nhưng có kiến thức chưa đủ, người làm báo cần có vốn sống, vốn thực tiễn, sát thực tiễn luôn vận động của cuộc sống; đồng thời phải có trình độ nghiệp vụ cao. Trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, Người viết: “Muốn viết báo khá thì cần: (1) Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; (2) Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người; (3) Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; (4) Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ...” Kiến thức và vốn sống của người làm báo quy định tính chân thực và chính xác, tính đúng đắn và thuyết phục của các sản phẩm báo chí. Người dạy rằng: Chân thực là sức mạnh vì nó có lòng tin. Mỗi bài viết của phóng viên phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Bài viết phải đem lại cho người đọc lượng thông tin cao và chính xác. Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nên nói ẩu, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Ngày 8/1/1946, Bác căn dặn các cán bộ tuyên truyền: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực”.
Ba là, về cách viết cụ thể một tác phẩm báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người làm báo phải có trình độ kỹ thuật, kỹ năng tốt: bố cục ngắn gọn, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dể hiểu; tin ngắn, bài sâu. Đối với công việc viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng để những người làm báo noi theo, Người đã có nhiều bài viết, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp hoặc cán bộ cấp dưới rất mộc mạc nhưng rất cụ thể. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Người nói: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”. Báo chí là một hình thức giao tiếp bằng ngôn ngữ đặc biệt, do đó Người xác định: “(1) Viết cái gì? Viết những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn bè ta. Đồng thời để phê bình khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, nhân dân, bộ đội; (2) Viết cho ai? Viết cho công - nông - binh, viết cho mọi tầng lớp người Việt Nam, không phân biệt già trẻ, nam nữ, tôn giáo, đảng phái; (3) Viết để làm gì? Viết để tuyên truyền, để giác ngộ, để đoàn kết, để thức tỉnh quần chúng; (4) Viết thế nào? Viết phải gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu có đuôi, có nội dung”, dù chỉ một câu cũng làm cho người dân bình thường nhất hiểu và làm theo được.
Về cách viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Thứ nhất, phải “ngắn gọn” “… trình độ của đại đa số đồng bào ta không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thời giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm không cho phép xem lâu. Vì vậy nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy”. Ngắn gọn không có nghĩa là cộc lốc mà ngắn gọn là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn. Thứ hai, ngôn ngữ phải “trong sáng - giản dị - dễ hiểu”. Muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, trước hết nhà báo phải học cách nói của quần chúng. Người luôn đòi hỏi báo chí phải xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin: “… là đại đa số dân chúng”. Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài; viết “phục vụ nhân dân” thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Vì vậy, Người nhắc nhở: “Bác biết các chú văn hay chữ tốt, nhưng dù sao, nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn. Không riêng gì viết sách viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”.
Bốn là, phải luôn quan tâm đến chất lượng báo chí cả hình thức và nội dung. Bằng chính tấm gương của mình và xuất phát từ tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và yêu cầu những người làm báo phải quan tâm hàng đầu và không ngừng nâng cao chất lượng báo chí cả hình thức và nội dung phù hợp với yêu cầu của cách mạng trong từng giai đoạn khác nhau, không chạy theo số lượng, không chạy theo thị hiếu rẻ tiền của một bộ phận công chúng, không thương mại hoá báo chí; báo chí phải hấp dẫn người đọc, người nghe, người xem chính bằng chất lượng của các loại hình cụ thể. Người nhắc nhở: “Các báo thường có ảnh và tranh vẽ. Đó là một tiến bộ nhưng ảnh thì thường lèm nhèm, vẽ thì chưa khéo lắm. Cần phải cố gắng nhiều hơn nữa”, bởi “... Cần nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí để nó làm tròn nhiệm vụ cao cả của nó... Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.
Những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người làm báo đã và đang có tác dụng rất to lớn đối với các thế hệ nhà báo trước đây, hôm nay và cho cả mai sau.
*****
Đồng hành cùng tiến trình cách mạng Việt Nam, nền báo chí nước ta đã không ngừng lớn mạnh và thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, báo chí cách mạng đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn đi đầu trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, vận động, cổ vũ các tầng lớp nnnhân dân vững tin theo Đảng, đoàn kết một lòng, tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công (1945), lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Báo chí cách mạng đã đồng hành cùng dân tộc ta liên tiếp giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khởi sắc, phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, phương tiện kỹ thuật, công nghệ, có “vị thế” đặc biệt, tác động sâu sắc trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu rất quan trọng, hoạt động báo chí ở nước ta còn những tồn tại, hạn chế lớn. Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ rõ: “Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập.” Trên thực tế, vẫn còn hiện tượng người làm báo vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, đưa tin xấu, độc, sai sự thật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây bức xúc trong dư luận xã hội. Những hạn chế này đã và đang làm tổn hại đến uy tín, danh dự của người làm báo chân chính, cản trở sự phát triển bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện thống nhất nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối về công tác tư tưởng, báo chí và hoạt động báo chí, bảo đảm tính thống nhất giữa tư tưởng pháp quyền xã hội chủ nghĩa với thực hiện quyền công dân, quyền con người về tư tưởng, báo chí và ngôn luận theo pháp luật. Báo chí phải đồng hành, cổ vũ và huy động các nguồn lực trong toàn xã hội tham gia thực hiện thắng lợi quan điểm, mục tiêu của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xã hội xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; Thực hiện quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn chỉ, mục đích trong hoạt động của báo chí phù hợp với bối cảnh hiện nay, hoạt động báo chí là để phục vụ lợi ích của nhân dân lao động, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân theo pháp luật; phải bảo đảm tính kết nối thông tin trên các mặt của đời sống xã hội trong nước, quốc tế được liên tục, kịp thời và chính xác. Phân tích, dự báo và định hướng xã hội một cách khách quan, khoa học và qua đó kết nối xã hội, đoàn kết dân tộc trong nước và quốc tế, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trong nước, góp phần ổn định hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc. Đây chính là đảm bảo cho báo chí cách mạng nước ta luôn luôn mang tính chính trị, tính Đảng, tính giai cấp. Điều đó cũng có nghĩa là cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là đội ngũ nhà báo và cơ quan báo chí về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của báo chí cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Cần nhận thức rõ, báo chí cách mạng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, là bộ phận cơ hữu trong công tác tuyên giáo của Đảng, là diễn đàn thể hiện tâm tư, ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, là tuyến đầu trong đấu tranh tư tưởng, lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ nhân dân…
Thứ hai, triển khai đồng bộ hệ giải pháp xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng cơ quan báo chí - văn hoá do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phát động. Hoàn thiện quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí, truyền thông, xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục; không để các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” chống phá Đảng, Nhà nước, gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Thứ ba, Nhà nước và các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện đồng bộ pháp luật về báo chí phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng khoa học, công nghệ và điều kiện nước ta. Nhà nước cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí trên cơ sở Hiến pháp 2013, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và pháp chế xã hội chủ nghĩa về hoạt động báo chí. Việc cấp phép và quản lý báo chí theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân, tổ chức có quyền làm những gì Nhà nước không cấm, không đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc. Báo chí phải hoạt động theo pháp luật và tuân thủ pháp luật, phát huy vai trò của báo chí để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin báo chí, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận theo pháp luật, đồng thời là kênh thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước thực hiện truyền thông pháp luật, công bố công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động của cơ quan, tổ chức Nhà nước theo quy định của pháp luật. Chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển theo đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí. Có cơ chế động viên, khen thưởng xứng đáng cho những người làm báo, cơ quan báo chí có thành tích tốt; đồng thời bảo vệ an toàn cho họ trước các thế lực xấu; cùng với đó phải nghiêm trị những cá nhân, tổ chức có hành vi gây tổn hại uy tín của báo chí cách mạng.
Thứ tư, phát triển đội ngũ người làm báo chí chuyên nghiệp có tâm, có tầm, chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp của ngừơi làm báo cách mạng. Theo đó, cùng với những giải pháp phát triển đồng bộ của Đảng, Nhà nước, các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo, mỗi người làm báo phải luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có ý thức đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ Ðảng, phục vụ đất nước và nhân dân, thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ. Mỗi người làm báo - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng phải luôn ghi nhớ lời dạy của Bác về người làm báo vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Lời Bác dạy mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh; luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.. Từng bước đào tạo, đào tạo lại cán bộ quản lý báo chí, lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí, nhà báo bảo đảm tính chuyên nghiệp cho từng đối tượng cụ thể./.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm TCCT QĐNDVN