75 năm tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh

1. Những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Đời sống mới

Tháng 3-1947, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đời sống mới”. Ra đời cách đây 75 năm nhưng “Đời sống mới” vẫn là tác phẩm mang tính thời sự nóng hổi, sâu sắc, vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Mở đầu tác phẩm, Người nêu rõ nhiệm vụ cần thiết trong lúc kháng chiến kiến quốc là phải thực hành đời sống mới. Mục đích của đời sống mới là làm cho đời sống của nhân dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn, để đời sống toàn thể đồng bào ta có thể phong lưu, dồi dào và xây dựng một nước Việt Nam phú cường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ việc thực hành đời sống mới là nhiệm vụ của mọi ngành, mọi giới và mọi người: “… thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Quân đội phải siêng tập, siêng đánh. Nhân dân tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi, thế cho nên phải Cần. Binh sĩ phải tiết kiệm đạn dược, mỗi viên đạn một tên thù. Nhân dân phải tiết kiệm vật liệu, mới giúp được bộ đội và đồng bào tản cư. Thế cho nên phải Kiệm. Mọi người đều trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Cho nên ai cũng phải Liêm. Mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập. Thế là Chính”[1].

Về cách thức thực hiện đời sống mới, Người cho rằng: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý”[2]. Trong qaun niệm của Người, tiến hành đời sống mới “không phải cao xa gì, cũng không phải khó khăn gì. Nó không bảo ai phải hy sinh chút gì. Nó chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc. Sửa đổi được những điều đó, thì mọi người đều được hưởng hạnh phúc. Mà chắc sửa đổi được, vì nó không có gì là gay go, khó làm”[3].Đời sống mới bao gồm đời sống mới riêng cho từng người và đời sống mới chung cho cộng đồng, tập thể như các gia đình, làng xã, bộ đội, các nhà máy, trường học, công sở,... Đời sống mới không tách rời tăng gia sản xuất, cần, kiệm, liêm, chính.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới” không chỉ có giá trị to lớn trong việc xây dựng con người, xã hội Việt Nam mới, góp phần kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, mà còn có ý nghĩa thời sự đối với sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay, là kim chỉ nam đối với phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay, soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đời sống mới trong xây dựng nông thôn mới hiện nay

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đời sống mới, trong lý luận và thực tiễn, hơn 35 năm đổi mới, Đảng luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng, coi đó là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngày 5-8-2008, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, về “Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn”. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới, ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn (2010-2020) gồm 11 nội dung, 19 tiêu chí là: “Xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Phấn đấu đến năm 2015: 20% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới; năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới)[4].

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng của toàn dân, sau hơn 10 năm (2010-2021), Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng: Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng được cải thiện.... Nông nghiệp trở thành trụ đỡ của để nền kinh tế quốc dân vượt qua suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đời sống của nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn mỗi năm một tăng. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới về đích trước gần 2 năm so với kế hoạch. Đến hết năm 2020, cả nước có 62,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 12,4% so với mục tiêu đặt ra của Chương trình đến năm 2020 là 50%); đến tháng 7-2021, tăng lên 64,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 04 tỉnh đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016[5].

Theo tinh thần của “Đời sống mới”, quá trình xây dựng nông thôn mới đã triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố; 664 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và 8.902 xã trong cả nước. Đến tháng 02/2020, cả nước đã có 4.947 xã (55,6%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 38,4% so với cuối năm 2015 (là thời điểm tổng kết giai đoạn 1) và vượt 5,6% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020). Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng (đạt 88,89%), Miền núi phía Bắc (đạt 31,6%), Đồng bằng sông Cửu Long (đạt 51,2%) đã hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao; có 37/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao; có 09 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ). Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đã có 109/125 xã đặc biệt khó khăn hoàn thành Chương trình 135 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả nước đạt 15,66 tiêu chí/xã, hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, có 02/7 vùng và 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành và vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao. Cả nước đã có 115 đơn vị cấp huyện của 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020[6].

Với những kết quả đã đạt được, Chương trình đã hoàn thành và vượt mục tiêu kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương giao hơn 01 năm. Sau hơn 9 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, có thể khẳng định Chương trình đã làm thay đổi nhận thức sâu sắc của cán bộ, đảng viên, của nhân dân và toàn xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn, nhiều vùng nông thôn trở thành nơi “đáng sống”. Chính vì vậy, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thay đổi đáng kể: xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn. Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục và việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và những nội dung của “Đời sống mới” sẽ tiếp tục được kế thừa, phát huy và ngày càng sáng tạo, linh hoạt hơn, phù hợp với bối cảnh mới.

Từ thực tiễn đất nước hiện nay, có thể thấy, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đời sống mới từ 75 năm qua không chỉ tạo nên động lực to lớn thúc đẩy kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, mà đến ngày nay, vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng đất nước ta trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng.

-------------------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 112.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 113.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 112.

[4] Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05-4-2016 về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Hà Nội, tr.1.

[5]http://baochinhphu.vn/Xay-dung-nong-thon-moi/Xay-dung-nong-thon-moi-dat-ket-qua-to-lon-toan-dien-va-mang-tinh-lich-su/439590.vgp, ngày 23-7-2021.

[6]http://baochinhphu.vn/Xay-dung-nong-thon-moi/Xay-dung-nong-thon-moi-dat-ket-qua-to-lon-toan-dien-va-mang-tinh-lich-su/439590.vgp, ngày 23-7-2021.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website