Đoàn Công giáo Thủ đô vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng ngày 22/11/2022.
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Vấn đề đoàn kết tôn giáo có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội và tác động mạnh mẽ đến tiến trình cách mạng. Trong thực hiện đoàn kết tôn giáo, Hồ Chí Minh chú trọng cả đoàn kết giữa những người cộng sản với đồng bào các tôn giáo. Theo Người, mặc dù thế giới quan của những người cộng sản và những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, song đều có điểm chung về lợi ích của quốc gia, dân tộc, do đó phải sát cánh cùng nhau để đấu tranh cho mục tiêu chung của dân tộc. Hơn nữa, là người lãnh đạo cách mạng, những người cộng sản phải là hạt nhân để quy tụ, tập hợp, thu hút quần chúng, trong đó có quần chúng theo đạo tham gia cách mạng.
Từ tư tưởng của Bác
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam - nơi có nhiều cộng đồng cư dân cùng sinh sống, nơi tín ngưỡng giữa đạo và đời luôn đồng hành ngự trị trong đời sống tâm linh của người dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy và biết gạn lọc những tinh hoa trong kho tàng giá trị cần thiết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Và cũng chính Người đã không chỉ giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, thực hiện sự tôn trọng tự do tôn giáo, mà còn luôn thực hiện đoàn kết với đồng bào các dân tộc, các tín ngưỡng tôn giáo trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Cho đến nay, những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo đã và đang là kim chỉ nam soi đường, chỉ lối để Đảng và Nhà nước ta đã và đang tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách về tôn giáo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa năm 1960.
Là một vị lãnh tụ cách mạng từng đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá phương Đông và phương Tây, Hồ Chí Minh đã không chỉ tiếp thu, kế thừa, mà Người còn chắt lọc những giọt tinh tuý của từng học thuyết tôn giáo khi thâm nhập đời sống thực tế, nghiên cứu các học thuyết chính trị, các giáo lý tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Dân tộc có giải phóng thì tôn giáo mới giải phóng được. Lúc này chỉ có quốc gia, và không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam, và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”(1).
Tôn giáo và tín ngưỡng được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xét dưới góc độ văn hóa, triết học và đạo đức. Ngay từ năm 1943, trong mục đọc sách của tập Nhật ký trong tù, Người đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá”. Tuy khẳng định “tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật”, nhưng theo Người, trong văn hóa và đạo đức tôn giáo “Cái gì tốt thì ta nên khôi phục và phát triển, còn cái gì xấu, thì ta phải bỏ đi”, điều này đã thể hiện sâu sắc quan điểm lịch sử cụ thể trong xem xét, đánh giá về tôn giáo của Người.
Trong những năm cả nước đồng thời thực hiện xây dựng chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhằm ngăn chặn âm mưu của các thế lực phản động, lợi dụng tôn giáo hòng chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến vấn đề tôn giáo. Trong nhiều bức thư, nhiều bài viết của mình, Người thể hiện rõ lòng mong muốn, động viên các giáo dân hãy sống tốt đời đẹp đạo, hãy “sống theo Đảng, chết theo Chúa”, bởi trong tư tưởng của Người thì lòng yêu quê hương đất nước, yêu chủ nghĩa xã hội không đối lập. Và mỗi người dân sống trên mảnh đất Việt Nam, cùng là “con Rồng, cháu Lạc” đều có thể vừa là công dân tốt, vừa là tín đồ chân chính.
Đối với tín ngưỡng truyền thống của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Người dân An Nam không có linh mục, không có tôn giáo theo cách nghĩ của Châu Âu. Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội… Những người già trong gia đình hay các già bản là người thực hiện những nghi lễ tưởng niệm”(2). Tuy một số chức sắc, tín đồ tôn giáo có những hành động làm phương hại đến khối đại đoàn kết dân tộc, nhưng “phần lớn đồng bào tôn giáo… đều yêu nước kháng chiến” và dù là lương hay giáo thì Nhân dân ta đều tốt cả.
Hồ Chí Minh từng nói: Đức Phật dạy tín đồ, con người thông hiểu, tu hành từ muôn vàn giáo lý, đặng kết đọng hướng tới sống theo đức hạnh cao nhất: Hãy gấp làm điều thiện, ngăn tâm làm điều ác. Qua lăng kính về giáo lý của Phật giáo, cho chúng ta thấy, những ảnh hưởng của Hồ Chí Minh về tư tưởng giáo lý nhà Phật rất rõ nét. Người đã gạn lọc, kế thừa, cách mạng hóa những hạt nhân hợp lý trong triết lý đạo Phật, nhất là triết lý đề cao nếp sống đạo đức trong sáng, chủ trương bình đẳng, yêu thương đồng loại, chống điều ác. Người đã nâng nó lên thành ngọn lửa hun đúc cho truyền thống yêu nước, nhân ái của dân tộc, động viên khích lệ đồng bào theo đạo Phật đồng lòng xây dựng đất nước. Đó là lòng yêu thương con người, quên mình vì mọi người, mình vì người khác… Trong giáo lý nhà Phật, “từ bi” là ước vọng mãnh liệt để giải thoát con người thoát khỏi đau khổ. “Bác ái” là lòng thương yêu của mọi người. “Vị tha”, sống vì người khác”,“kết tinh bằng từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, hướng dẫn chúng sinh đạt tới mục đích giác ngộ và giải thoát, chuyển cõi sa bà này thành cõi Tịnh độ và cuộc đời cơ cực này thành nếp sống cực lạc”. Từ triết lý, giáo lý của nhà Phật, Hồ Chí Minh đã tích lũy và hình thành cho mình tư tưởng mang giá trị triết lý nhân văn sâu sắc.
Người luôn ca ngợi tấm lòng bác ái cao cả của Chúa, tinh thần từ bi, hỷ xả, cứu độ chúng sinh của Phật và cho rằng mục đích cao cả của các vị ấy giống nhau ở chỗ họ đều muốn “mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”. Người nhận thức rõ những điểm khác biệt của từng tôn giáo và chấp nhận nó như một phần tất yếu của sự nghiệp cách mạng; đồng thời đã khai thác và phát huy triệt để những điểm tương đồng trong quan điểm tư tưởng của các bậc “chí tôn” để thu hút, động viên, tập hợp quần chúng theo đạo cùng đoàn kết để tiến hành sự nghiệp cách mạng. Người đã gắn nhiệm vụ cách mạng với lý tưởng của những người sáng lập ra các tôn giáo một cách hài hòa, tự nhiên, thể hiện một phương pháp cách mạng độc đáo mang đậm phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam (ngày 03/01/1957).
Người đã nêu rõ những giá trị đạo đức và văn hóa nhất định của tôn giáo, và tìm thấy trong đó điểm chung của các vị hiền nhân là mưu cầu hạnh phúc cho loài người:
"Chúa Giê-su dạy: Đạo đức là bác ái.
Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi.
Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa"(3)
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật nên quan điểm về lợi ích, về vị trí, vai trò và cách thức giải quyết các loại lợi ích, giữa những người theo tôn giáo và những người không theo tôn giáo không tránh khỏi khác nhau. Song nếu sự khác biệt đó không trái với lợi ích chung, không làm tổn hại tới lợi ích quốc gia, dân tộc, thì sự khác biệt ấy cần được tôn trọng, thậm chí trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định phải biết “chấp nhận” để củng cố và tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc.
Đoàn kết tôn giáo hiện nay
Đoàn kết tôn giáo là một bộ phận khăng khít trong đường lối chiến lược của Đảng ta trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào. Trong từng điều kiện cụ thể của mỗi giai đoạn cách mạng, tôn giáo vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm trong đời sống chính trị, tinh thần của nhân dân ta. Thực hiện đoàn kết tôn giáo bằng cách “luôn luôn coi tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng..., thực hiện đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau và trong nội bộ từng tôn giáo, đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”, để “tập hợp đông đảo các tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước”(4) theo những kinh nghiệm, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Với chủ trương “tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, về cơ bản, tình hình tôn giáo ổn định, các tổ chức tôn giáo và đại bộ phận chức sắc hoạt động đúng quy định pháp luật, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, do mặt trái của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường, âm mưu “chính trị hóa tôn giáo” của các thế lực thù địch đã làm cho đời sống tôn giáo chịu tác động tiêu cực, tiềm ẩn nhiều “nguy cơ”. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực phản động với âm mưu “diễn biến hòa bình” đang lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để kích động đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào theo đạo, hỗ trợ các thế lực phản động, cực đoan trong nước gây mất ổn định chính trị - xã hội, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ nước ta. Trước tình hình tôn giáo đang diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc những quan điểm, chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo để giải quyết có hiệu quả vấn đề dân tộc - tôn giáo, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
Vấn đề đoàn kết tôn giáo nằm trong tổng thể các nội dung của công tác tôn giáo, công tác xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đảng nêu ra. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới là: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ “sống tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo và hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc”(5).
Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự. 16 tôn giáo gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bà-la-môn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương. |
Thực hiện theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, hiện nay Lăng Bác, Khu K9 tổ chức đón tiếp tận tình đồng bào về Lăng viếng Bác, tham quan khu K9 không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng… Tất cả đồng bào đến với Bác bằng tình yêu, sự biết ơn những công lao trời biển mà Bác đã dành cho dân tộc, cho từng kiếp người. Như Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chia sẻ tại buổi tiếp sáng ngày 27/11 nhân dịp Đoàn đại biểu tham dự Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027 vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh (tại Nhà khách số 8 Hùng Vương): “Đời sống của Bác Hồ đơn giản như đời sống của những người tu hành, tất cả vì Nước vì Dân, vì những người nghèo khổ, vì những người bị áp bức ở trên trái đất. Ý tưởng đó phù hợp với ý tưởng của Đức Phật, cho nên chúng ta coi Bác Hồ là gạch nối giữa chủ nghĩa xã hội và Phật giáo. Từ đó, ở trong mọi hoàn cảnh, trong lòng địch cũng như ở ngoài chiến khu, tăng ni, phật tử luôn luôn sát cánh, sống chết với cách mạng cho đến ngày thành công… Bác Hồ luôn ở trong trái tim tăng ni, phật tử cũng như ở trong trái tim của nhân dân Việt Nam trải qua nhiều thế hệ. Vì vậy, Người tuy đã đi xa nhưng đến hôm nay, toàn dân chúng ta còn khắc ngưỡng hình ảnh của Người là một vị cứu tinh của dân tộc Việt Nam, một vị cứu tinh của nhân loại”.
Đoàn đại biểu tham dự Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027
vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giờ đây, khi dân tộc ta đã giành được độc lập, tự do, Bác đã đi xa nhưng các thế hệ người dân Việt Nam vẫn luôn nhớ về Bác, nhớ về những tư tưởng của Người. Trái tim của đồng bào cả nước vẫn hàng ngày hướng về Lăng Bác để tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, cùng nhau đoàn kết, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đúng như Bác hằng mong ước./.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H, 2006, t.3, tr.10.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.463.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 225.
(4) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 7-BCHTW khoá IX, Hà Nội 2003, tr89, tr46.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. I, tr. 171.