Hiệp định Genève và thắng lợi của ngoại giao Việt Nam
Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sĩ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương (Ảnh tư liệu)

Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sĩ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương (Ảnh tư liệu)

Từ toàn quốc kháng chiến đến chiến thắng Điện Biên Phủ

Kiên định bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xây dựng nền cộng hòa dân chủ, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nỗ lực, linh hoạt trong từng quyết sách về đối nội, đối ngoại để vừa ổn định tình hình trong nước, vừa tập trung đối phó với âm mưu của giặc ngoại xâm, trong đó có dã tâm tái xâm lược Việt Nam một lần nữa của thực dân Pháp. Tuy nhiên, hoà bình, độc lập, tự do vừa giành được bị đe dọa, kiếp sống nô lệ có nguy cơ quay trở lại với dân tộc ta, nhân dân ta khi chiến tranh ngày càng lan rộng từ Nam Bộ đến Nam Trung Bộ, rồi Trung Bộ và lan rộng ra miền Bắc; khi quân Pháp không ngừng khiêu khích, gây chiến và sau đó đã liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải phá bỏ công sự trong thành phố, giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng vào ngày 18 - 19/12/1946...

Mùa đông năm 1946, mọi cố gắng, nhân nhượng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (đã ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946…) để bảo vệ hòa bình, tranh thủ quỹ thời gian hòa bình xây dựng, củng cố lực lượng đã đi đến giới hạn cuối cùng khi kẻ thù công khai tuyên bố sẽ hành động vào sáng ngày 20/12/1946, nếu ta khước từ những điểm nêu trong tối hậu thư của chúng… Vì lịch sử buộc ta phải lựa chọn, nên đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”[2]. Yêu chuộng hòa bình, khát khao độc lập, tự do nên nhân dân Việt Nam đã phải cầm súng; phải chiến đấu để bảo vệ những gì vừa giành lại được sau hơn 80 năm trời đắm chìm trong đêm trường nô lệ. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, dựa vào sức mình là chính, cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Việt Nam đã được triển khai trên địa bàn cả nước theo lời hiệu triệu của Người/theo tiếng gọi của non sông/theo lời hịch cứu quốc: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!... Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”…

Bắt đầu tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong điều kiện tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch, song với đường lối kháng chiến đúng, lại được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần yêu nước nồng nàn, sự bền gan, quyết chí của đồng bào, chiến sĩ cả nước tụ lại, quân dân ta đã không những đập tan âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của quân Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài với quân ta, mà còn tạo tiền đề để quân dân ta từng bước giành được thắng lợi trên các chiến trường (chiến thắng Việt Bắc Thu đông 1947, chiến thắng Biên giới 1950, chiến thắng Tây Bắc 1952…). Đến năm 1953, cục diện chiến trường đã có nhiều thay đổi. Thế và lực của quân ta ngày càng lớn mạnh. Những toan tính của Pháp khi có lực lượng quân đội thiện chiến, tinh nhuệ, vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại… sẽ giúp quân Pháp nhanh chóng giành, thiết lập được chính quyền cai trị tại Việt Nam và Đông Dương đã không thể trở thành hiện thực. Bởi vì trong khi quân dân Việt Nam càng đánh càng mạnh, từ thế bị động phòng ngự dần chuyển sang thế chủ động tiến công và phản công, thì quân Pháp càng đánh càng thua, từ thế chủ động tiến công dần chuyển sang thế bị động phòng ngự. Thực tế, những thành tựu của sự nghiệp vừa kháng chiến để bảo vệ nền độc lập dân tộc, vừa kiến quốc để xây dựng đất nước trong 8 năm (1945-1953) đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi ở tiền tuyến.

Mùa hè năm 1953, thực dân Pháp được Mỹ tăng cường viện trợ, tiếp sức đã chủ trương đẩy mạnh quy mô, cường độ cuộc chiến tranh xâm lược bằng việc đưa tướng Henri Navarre sang Đông Dương và thực thi kế hoạch Navarre, nhằm tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho một cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh (vừa chấm dứt cuộc chiến trong điều kiện chấp nhận được, vừa có thể tiếp tục duy trì quyền lợi của Pháp tại Đông Dương). Tuy nhiên, kế hoạch Navarre đầy mưu mô, quỷ quyệt, tưởng chừng có thể mang lại “phần thắng” cho quân Pháp đến nơi lại bỗng trở thành “án tử” trước việc Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân năm 1953 - 1954; trước quyết tâm tiến công địch và chủ trương mở những cuộc tấn công vào các hướng địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một phần sinh lực, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó với ta; trước việc chiến tranh du kích sau lưng địch được đẩy mạnh… Những thất bại ở chiến trường Đông Dương đã khiến chính quyền thực dân Pháp rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, ngày càng vấp phải sự phản đối của nhân dân tiến bộ trên thế giới và của nhân dân yêu chuộng hòa bình ở nước Pháp. Đến cuối năm 1953 đầu năm 1954, việc tập trung lực lượng cơ động tiến công Bắc Bộ, đánh đòn quyết định vào Thu Đông 1954 của kế hoạch Navarre bị thất bại hoàn toàn… Vì thế, sau khi ta giải phóng Lai Châu, để giữ vững Tây Bắc và bảo vệ được Thượng Lào, tướng Henri Navarre buộc phải ra chỉ lệnh “chấp nhận tiến hành trận giao chiến ngoài dự kiến tại Điện Biên Phủ” để quyết chiến với quân ta và từ đó Điện Biên Phủ/“một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất từ trước đến lúc đó” đã trở thành “trung tâm” của kế hoạch Navarre. Trong khi tướng Henri Navarre chọn cứ điểm Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến với quân ta, nhằm lật ngược thế cờ đang trên đà thua trận thì ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị “họp thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, quyết định mở chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ”[3]

Thực tế cho thấy “thế của giặc ngày càng yếu, phe đế quốc Pháp - Mỹ cũng ngày càng yếu”[4], song Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng: “Chúng ta bao giờ cũng chủ trương hòa bình. Nhưng chúng ta biết rằng cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ có thắng lợi mới tranh được hòa bình. Chỉ có thống nhất và độc lập thật sự mới có hòa bình”[5]. Vì thế, khi được hỏi về vấn đề “một số lớn người chính trị Pháp muốn dàn xếp một cách hòa bình vấn đề xung đột ở Việt Nam bằng cách thương lượng trực tiếp với Chính phủ Việt Nam” (báo Expressen, Thụy Điển, ngày 26/11/1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra. Nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu bảy, tám năm nay chống kẻ xâm lược chính để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống hòa bình. Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó… Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam”[6].

Trong khi đó, cuối năm 1953, trước những chuyển biến mạnh mẽ của cục diện chiến trường ở Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã không chỉ hạ quyết tâm tập trung lực lượng mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mà còn đồng thời chủ trương mở cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã mở màn bằng thắng lợi của đợt tiến công tiêu diệt trung tâm đề kháng/cụm cứ điểm Him Lam (13/3/1954), đồi Độc lập (đêm 14 rạng ngày 15/3/1954) và toàn bộ phân khu phía Bắc… Đêm 30/3/1954, đợt tiến công thứ 2 bắt đầu với cuộc tiến công của quân ta vào 5 cao điểm phòng ngự phía đông của phân khu trung tâm (Mường Thanh); trong đó có các ngọn đồi C1, A1, D, D2… Đợt tiến công thứ 3 của quân ta bắt đầu đêm 1/5/1954 “trong điều kiện tình hình quân địch đã trở nên trầm trọng; về phía ta, thì tinh thần chiến đấu của bộ đội rất cao, các khó khăn về cung cấp vừa được khắc phục”[7]... 15g ngày 7/5/1954, quân ta mở cuộc tổng công kích và tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17g30 ngày 7/5/1954, toàn bộ bộ tham mưu của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ bị bắt sống, quân địch còn lại đầu hàng,v.v... Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) kéo dài 9 năm dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kết thúc thắng lợi, tạo cơ sở quan trọng cho việc ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Hội nghị Genève và thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Với âm hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Genève với lập trường 8 điểm: “1- Pháp phải công nhận chủ quyền, độc lập của Việt Nam trên khắp lãnh thổ Việt Nam và chủ quyền, độc lập của hai nước Lào, Campuchia. 2- Ký một hiệp định về việc rút quân đội ngoại quốc ra khỏi ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. 3- Tổ chức tổng tuyển cử tự do ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. 4- Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Pathét Lào và Campuchia xem xét vấn đề gia nhập Liên hiệp Pháp. 5- Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Pathét Lào và Campuchia công nhận quyền lợi kinh tế và văn hoá của Pháp, quan hệ kinh tế giữa ba nước với Pháp sẽ được quy định trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng quyền lợi lẫn nhau. 6- Hai bên cam kết không truy tố những người hợp tác với bên kia trong chiến tranh. 7- Trao đổi tù binh. 8- Ngừng bắn toàn Đông Dương”.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định hết sức phức tạp trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường, nhất là phía Mỹ luôn tìm mọi cách vận động, đe dọa, can thiệp nhằm phá Hội nghị và xúc tiến chuẩn bị nhảy vào Đông Dương thay thế thực dân Pháp. Mục tiêu bất biến của phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thực hiện một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, cho nên khi chưa thể đạt được mục tiêu cuối cùng thì trong đàm phán cần phải linh hoạt, phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để từng bước đạt được mục tiêu đó. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”[8], mà còn nhấn mạnh rằng “chúng ta phải có tinh thần cảnh giác rất cao đối với âm mưu của đế quốc Mỹ định cản trở hai bên đi đến hiệp định đình chiến và mưu mô lập khối liên minh quân sự có tính chất xâm lược, chia châu Á thành những tập đoàn đối lập để dễ xâm lược và khống chế Đông Dương và Đông Nam Á”[9].

Một hội nghị quốc tế về lập lại hòa bình ở Đông Dương, song thực chất lại là nơi diễn ra những cuộc dàn xếp lợi ích quốc gia giữa các nước lớn, nên sự tiến triển trong đàm phán về những vấn đề rất quan trọng, diễn ra hết sức phức tạp của Hội nghị Genève chính là vấn đề về phân vùng đóng quân, về hiệp thương tổng tuyển cử và thống nhất nước Việt Nam, về các lực lượng kháng chiến ở Lào và Campuchia... Hội nghị Genève chính là nơi diễn ra cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt của phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước những mục tiêu và toan tính khác nhau của các nước lớn. Trả lời Thông tấn xã Việt Nam ngày 6/7/1954 về “sự tiến triển” và “tiền đồ của Hội nghị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hội nghị Giơnevơ thảo luận vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương tiến triển tuy chậm, nhưng với những vấn đề được thỏa thuận, Hội nghị cũng đã mở đường cho việc lập lại hoà bình ở Đông Dương. Trên cơ sở đó, nếu đối phương cũng thành thật muốn đàm phán như chúng ta mà cũng cố gắng để lập lại hoà bình ở Đông Dương, thì hoà bình Đông Dương có thể thực hiện. Theo đúng lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc”[10]. Khẳng định của Người không chỉ thể hiện rõ lập trường của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn cho thấy sự kiên quyết nhưng phải nhân nhượng trong suốt tiến trình tham dự, tiếp xúc, đàm phán tại Hội nghị. Kết quả của sự kiên định nhưng mềm dẻo, linh hoạt nhưng kiên trì trong 75 ngày đêm đàm phán, với 31 phiên họp (các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn cùng các cuộc tiếp xúc song phương và đa phương) là Hiệp định Geneve đã được ký kết ngày 21/7/1954, với các nội dung chung cho ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và cho riêng Việt Nam.

Với Việt Nam, những điều khoản như: ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong thời hạn 300 ngày; lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự (sông Bến Hải); không coi vĩ tuyến 17 là ranh giới chính trị hay lãnh thổ; cấm tăng viện nhân viên quân sự, bộ đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh khác vào Việt Nam; cấm xây dựng căn cứ quân sự mới; cấm hai miền không được gia nhập liên minh quân sự nào; cấm sử dụng mỗi miền để phục vụ cho bất kỳ chính sách quân sự nào và nhất là tổng tuyển cử để thống nhất đất nước và hiệp thương hai miền vào tháng 7/1955, tổng tuyển cử vào tháng 7/1956; tự do chọn vùng sinh sống; trong khi chờ đợi không khủng bố, trả thù hay phân biệt đối xử với những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh… của Hiệp định Genève chính là một thắng lợi của đường lối đối ngoại Việt Nam, của mặt trận ngoại giao (đạt được một hiệp định toàn diện có ý nghĩa về quân sự, chính trị và pháp lý). Đúng là, hiệp định Genève về Đông Dương “đã ghi nhận thắng lợi to lớn có tính chất bước ngoặt của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Hiệp định xác nhận trên phạm vi quốc tế sự thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, chấm dứt sự nô dịch của thực dân Pháp ở Việt Nam, cũng như trên toàn bán đảo Đông Dương”[11]. Vì thế, một ngày sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”[12] và thắng lợi đó đã khẳng định sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối, đúng đắn của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, mặt trận ngoại giao nói riêng.

70 năm sau khi Hiệp định Genève được ký kết (1954-2024), ý nghĩa lịch sử và giá trị hiện thực của việc kết hợp đối nội với đối ngoại/thực lực với ngoại giao; sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại/đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế để nhân nguồn sức mạnh vô địch của đất nước trong quá trình đấu tranh, đàm phán, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Sự kiên định mục tiêu bất biến nhưng linh hoạt trong từng sách lược; sự kiên trì nhưng mềm dẻo thích ứng trong từng phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn và những cuộc tiếp xúc song phương, đa phương tại Hội nghị Genève ngày ấy… đã không chỉ kế thừa truyền thống ngoại giao Việt Nam, góp phần bồi đắp để làm nên một trường phái ngoại giao “cây tre” đậm đà bản sắc dân tộc Việt, mà còn cho thấy sự biết nhu - biết cương, biết thời - biết thế, biết mình - biết người là rất quan trọng trong giải quyết hòa bình các bất đồng, xung đột của khu vực và quốc tế./. 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.147

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.534

[3] Lịch sử quân sự Việt Nam (cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, t.10, tr.224

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.227

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.228

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.340

[7] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.237

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.555

[9]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.537

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.537

[11] Lưu Văn Lợi: 50 năm ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, t.1, tr.575

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.1

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website