Bác Hồ với mong ước Tết vui tươi, tiết kiệm
Vào dịp tết cổ truyền của dân tộc, ai ai cũng háo hức mong muốn một cái tết sung túc, vui vầy. Cũng chính vì đó, cái tết luôn được người người, nhà nhà chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, nhà ai cũng phải mua sắm, trang trí để nhà cửa, xóm làng thật đẹp, thật tươi vui, nó tạo ra một niềm hứng khởi với ước vọng một năm mới thuận lợi, hanh thông. Không khí tươi đẹp đó cũng được Bác Hồ giới thiệu với bạn bè quốc tế trong bài viết trên Tạp chí "Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân" vào đầu năm 1952: "Đó là ngày Tết theo tục lệ cổ truyền của nhân dân... Trong những ngày Tết này, mọi người đều mặc những quần áo đẹp nhất mà họ có. Gia đình nào cũng nấu nướng, sửa soạn những thức ăn ngon nhất. Người ta làm lễ trước bàn thờ tổ tiên. Bạn hữu đi chúc mừng thăm hỏi lẫn nhau. Người lớn tặng quà cho trẻ con. Nhân dân gửi tặng phẩm ủng hộ bộ đội... ".
Mỗi dịp tết đến xuân về, tình cảm của Bác Hồ lại hướng về mỗi người dân
Hòa trong mùa Xuân của trời của đất, của cây cối nảy lộc đâm chồi, của vạn vật, thì lòng người dường như cũng phơi phới hơn, do vậy, việc chuẩn bị một cái tết đầy đủ và đẹp đẽ càng tạo nên không khí vui tươi phấn khởi. Để tạo nên một mùa xuân ấm áp yêu thương và ngày Tết càng thêm có nhiều ý nghĩa, Bác luôn căn dặn nhân dân ta: "Chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ, tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí" (bài "Mừng Xuân vĩ đại" đăng trên Báo Nhân Dân số 2141 ngày 27-1-1960). Vậy "Mừng Tết Nguyên đán thế nào?", Bác viết: "Chúng ta nên mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân”.
Trong cuốn sách "Thanh Hóa khắc sâu lời Bác" (1975), Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Thanh Hóa có ghi lại lời dặn dò của Bác Hồ với cán bộ và nhân dân trong tỉnh nhân dịp Bác về thăm (1957): "Chúng ta làm việc suốt năm, vui ngày Tết là xứng đáng, nhưng vui một cách lành mạnh thì nên vui. Tôi mong các cụ các bà chống lãng phí, vì lãng phí chỉ có hại cho dân, cho nước, cho nhà, vì nó đưa đến phong tục hủ bại, rượu chè, hút xách...".
Từ đó, trên Báo Nhân dân ngày 18/1/1960, Người dùng những vần thơ giản dị mà vô cùng sâu sắc nhắc nhở đồng bào tiết kiệm trong ngày Tết:
“Trăm năm trong cõi người ta,
Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan,
Mừng Xuân, Xuân cả thế gian
Phải đâu lãng phí, cỗ bàn mới Xuân”.
Thay đổi nhận thức và hành động về việc vui xuân, đón Tết
Hơn 60 năm trước, khi đất nước vẫn còn nghèo, nhiều người dân vẫn còn khổ cực, đói rét, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn ra sự lãng phí của con người những dịp lễ tết, hội hè. Thực ra, đây là tâm lý chung của bất kể ai, ai cũng mong muốn dành mọi sự tốt đẹp nhất, đủ đầy nhất trong dịp lễ tết, từ đó có những chi tiêu mất kiểm soát, và vô hình chung, dẫn đến sự lạm chi cho cả gia đình và xã hội.
Bác Hồ thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh (phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 30-1-1957. Ảnh tư liệu
Ngày nay, đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cũng từ đó, việc chuẩn bị những cái tết càng thêm chu đáo, trang trọng. Tuy nhiên, cũng từ đó, sự lãng phí cũng xuất hiện ngày càng nhiều, từ việc mua sắm thừa mứa đồ ăn thức uống, tiệc tùng xa hoa lãng phí, trang trí lộng lẫy. Không hiếm những cái tết của gia đình giàu có tốn cả trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Thậm chí, nhiều gia đình điều kiện kinh tế không tốt lắm cũng chi một khoản tiền lớn để mua thực phẩm dự trữ cho kỳ nghỉ Tết, mua những thứ không thực sự cần thiết gây lãng phí và tạo ra áp lực kinh tế lớn cho các gia đình.
Không chỉ nguy cơ lãng phí tiền bạc, thực phẩm, nhiều người còn lãng phí cả thời gian, công sức cho việc ăn chơi tết, nhậu nhẹt ăn uống triền miên, dông dài với các lễ hội, thậm chí còn tốn kém với mâm lễ lớn, tổ chức hầu đồng mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn tốn kém hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Rõ ràng, những cái tết xa hoa, lãng phí không thể coi là cái tết văn minh. Dù rằng nền kinh tế nước ta phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên một bước, nhưng những lãng phí đó thực sự không mang lại hiệu quả cả về kinh tế lẫn sức khỏe. Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm đến vấn đề này, mỗi dịp tết đến xuân về đều có những chỉ đạo về việc tổ chức đón xuân tiết kiệm, an toàn; không phô trương lãng phí, đặc biệt là từ nguồn tiền ngân sách. Tại Chỉ thị 19 ngày 18/11/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu việc đón xuân 2023, các địa phương không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; chỉ dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải thật sự nêu gương trong việc thực hiện vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Cùng với đó, Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
|
Vui xuân an toàn, tiết kiệm, đầm ấm
Chỉ thị năm nào cũng có, nhưng việc tổ chức tết rình rang, lãng phí vẫn còn tồn tại, thậm chí có chiều hướng gia tăng, sự biến tướng của phong tục văn hóa, sự sai lệch trong thực hành phong tục tết dẫn đến những hệ lụy là ảnh hưởng đến cả nền kinh tế của đất nước. Để có cái Tết văn minh, giữ được những nét đẹp cổ truyền, cần sự nhận thức của toàn xã hội để loại bỏ thói khoa trương, hình thức trong tổ chức các hoạt động tết. Chỉ khi chúng ta nhận thức được đầy đủ, đúng đắn về việc tổ chức vui xuân đón tết, thì những cái tết dân tộc mới thực sự vui tươi, an toàn, văn minh.
Thương Huyền