Vận dụng tư tưởng tác phẩm “Đường cách mệnh” trong xây dựng đội ngũ giảng viên trường Đảng

 PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III phát biểu tại Hội thảo.

Nói về tác phẩm “Đường cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà cho biết: “Đường cách mệnh” là một trong số những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước chính thức xếp hạng là Bảo vật quốc gia.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà dẫn lời đồng chí Trường Chinh viết trong lời giới thiệu cuốn sách xuất bản năm 1982 rằng: “Đường kách mệnh” chẳng những có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong thời kỳ đã qua mà còn soi sáng con đường cho nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong giai đoạn mới.

“Với lối diễn đạt giản dị, thường thức nhưng tác phẩm “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc chứa đựng những giá trị đặc sắc về tư tưởng, đạo đức khoa học và cách mạng. Tác phẩm ra đời năm 1927 là sự chuẩn bị trực tiếp về chính trị, tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua 95 năm kể từ thời điểm tác phẩm được xuất bản, những giá trị cốt lõi được kết tinh trong “Đường cách mệnh” đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị lý luận và thực tiễn. Đọc lại, suy ngẫm và nghiên cứu tác phẩm là cách để cho chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh, hiểu thêm được nhân cách chính trị, nhân cách văn hóa của một lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà nhận định.

Khẳng định về những giá trị của tác phẩm “Đường cách mệnh”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà chia sẻ: Tác phẩm nói về chủ đề cách mạng, lịch sử các cuộc cách mạng, vai trò của quốc tế, của các giai cấp như công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên... Trong tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng đầu tư cách một người cách mệnh. Với 23 điểm về tư cách một người cách mạng trong xử lý đúng đắn mối quan hệ về chính bản thân, đối với người khác và đối với công việc, tổ chức. “Đó là những chuẩn mực về đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh và phong cách cần có ở người cách mạng như: cần, kiệm, cả quyết sửa lỗi mình, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, ít lòng ham muốn về vật chất .v.v.. Những phẩm chất, tư cách đó bảo đảm có được những chiến sĩ cách mạng và Đảng chân chính cách mạng suốt đời vì lợi ích của dân tộc, đất nước và nhân dân”- PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà nhận định thêm.

Riêng với đội ngũ giảng viên trường Đảng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà cho rằng: Nếu soi chiếu với từng nhiệm vụ được giao của người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở trường Đảng trong bối cảnh hiện nay với những tiêu chí trong tư cách một người cách mệnh, chúng ta vẫn thấy có nhiều điều phải suy ngẫm, nhiều điều phải học tập.

“Trong tư cách một người cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đưa ra 3 nhóm vấn đề về cách ứng xử của người cách mạng. Đó là đối với mình thì phải thế nào? Đối với người thì phải ra sao? Làm việc thì phải thế nào? Phải nhớ rằng từ “phải” được nêu trong từng mối quan hệ như là sự bắt buộc, tuân thủ của người cách mạng. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là với một giảng viên trường Đảng thì mình phải như thế nào trong giảng dạy mới được xem là người cách mạng? Với những nội dung trong tác phẩm, một giảng viên trường Đảng được soi chiếu ở các góc độ chính là tư tưởng, đạo đức, lối sống và năng lực. Tài và đức nằm trong những phẩm chất này, nằm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà phân tích.

 

 Hội thảo khoa học Tác phẩm “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc - Giá trị lý luận và thực tiễn.

“Tư cách người giảng viên trường Đảng được thể hiện trong giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết là giữ chủ nghĩa cho vững. “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Muốn giữ chủ nghĩa cho vững, mỗi giảng viên trường Đảng trước hết phải có niềm tin vào chủ nghĩa. Chính niềm tin cho giảng viên thái độ và sự nghiêm túc khi giảng dạy lý luận chính trị. Niềm tin tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa giá trị chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào học viên một cách bền vững.

Giữ chủ nghĩa cho vững không chỉ có chuyên môn giỏi mà còn có niềm tin thật sự. Thực tế cho thấy, có một số giảng viên trường Đảng có chuyên môn sâu, năng lực giảng dạy tốt nhưng chưa có niềm tin tuyệt đối. Chỉ cần một biểu hiện nhỏ về thiếu niềm tin của giảng viên là làm dao động học viên về giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà nhận định.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà còn cho rằng: Một vấn đề hiện nay đặt ra hết sức cấp thiết là làm sao giữ chủ nghĩa cho vững khi các thế lực thù địch đang tìm mọi cách để chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá quyết liệt nền tảng tư tưởng của Đảng. Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” được ban hành không chỉ xuất phát chủ yếu từ sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch mà còn có lý do từ trong nội bộ đảng viên. Đó là một bộ phận không nhỏ đảng viên, trong đó có giảng viên trường Đảng có biểu hiện dao động, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây chính là kết quả của niềm tin vào hệ tư tưởng đã bị lung lay. Giảng viên lý luận chính trị là một trong những đội ngũ đi đầu trong việc giữ chủ nghĩa cho vững. Đó chính là biểu hiện rõ ràng nhất của tư cách người cách mạng trong tình hình mới.

“Đối với nghiên cứu khoa học, mỗi một phát hiện mới đều là sự bồi đắp tri thức cho mỗi giảng viên cho dù phát hiện đó đã có cách đây hàng ngàn năm với một hình thức tư duy khác. Chính vì vậy, trong không gian học thuật, trong nghiên cứu khoa học mỗi giảng viên cần mạnh dạn bộc lộ những ý tưởng của mình. Đó là sự cẩn thận mà không nhút nhát”. “Một trong những tư cách đạo đức của người cách mạng đối với giảng viên trường Đảng là “ít lòng ham muốn vật chất”. Sự cám dỗ của vật chất không từ một ai, song một người cách mạng cần có sức đề kháng cao để chống lại sự cám dỗ này...Thực tế cho thấy, đối tượng giảng dạy của giảng viên trường Đảng là những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều kinh nghiệm, một số ít có “kỹ năng” trong việc thay đổi sự lựa chọn của giảng viên bằng những cám dỗ vật chất. Bóng dáng, hình hài của “ham muốn vật chất” đôi khi được hiện ra dưới vỏ bọc của ngày sinh nhật, hoàn cảnh gia đình, người thân, thông tin về bài thi... Một sự thỏa hiệp nhỏ có thể nói đến sự rủi ro về nhân phẩm của một giảng viên trường Đảng, tư cách của người cách mạng” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà chia sẻ thêm.

 

Hội thảo là diễn đàn để góp phần tiếp tục làm rõ giá trị trường tồn của Tác phẩm “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc.

Một vấn đề khác đối với người giảng viên trường Đảng cần phải lưu ý khi đọc và suy ngẫm những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã răn là “Cả quyết sửa lỗi mình” cũng là đức tính không thể thiếu. Ai mà chẳng sai lầm, ai mà chẳng gặp phải rủi ro khi tác nghiệp nhưng biết nhận ra và sửa lỗi mới là quan trọng. Trong giảng dạy đôi khi quá lời, đôi khi vô tình dẫn đến tổn thương học viên hoặc mua vui cho nhóm học viên này nhưng lại làm đau lòng nhóm học viên khác...Tư duy của chúng ta có thể thiện lành nhưng rủi ro trong diễn đạt là điều thường xảy ra dễ dẫn đến ngộ nhận và mất kiểm soát. “Chính vì vậy, cần phải “Cả quyết sửa lỗi mình” nếu như còn xem mình là giảng viên trường Đảng” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà nhấn mạnh và cho rằng: Không hiếu danh, không kiêu ngạo là hành vi, biểu hiện được gọi tên để cảnh giác đối với tư cách người cách mạng, tư cách giảng viên trường Đảng. Trong hành trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học, giảng viên “không tránh khỏi” những lời khen tặng cho những thành quả của mình, tuy nhiên ứng xử với những lời khen tặng đó như thế nào để không rơi vào trạng thái ảo tưởng hay tự huyễn hoặc. Lời khen của học viên và đồng nghiệp đôi khi làm cho một số ít giảng viên mất cảnh giác. Hãy cẩn thận và khắc kỷ với chính mình, nếu không sẽ “tỏ ra kiêu ngạo”. Bởi lẽ tự tin và tự kiêu là hai cách gọi thừa nhận và không thừa nhận của mọi người về một thái độ, trình độ của giảng viên, song độ chân xác và chân lý của nó sẽ được kiểm định qua thời gian không chỉ 1 năm, 5 năm... mà cả hành trình của một giảng viên trường Đảng.

“Hiếu học phải được hoan nghênh, tôn vinh, nhưng “không hiếu danh”. Giảng viên trường Đảng cần học hỏi, nghiên cứu không ngừng để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhất là giảng dạy lý luận để “giữ chủ nghĩa cho vững”, đó là hiếu học mà không hiếu danh. Ngược lại, giảng viên trường Đảng không chuyên tâm nghiên cứu, nâng cao trình độ mà bằng nhiều cách để có được bằng cấp là “hiếu danh mà không hiếu học”. Mặt khác, giảng viên trường Đảng không nên máy móc với ý nghĩ “không hiếu danh” mà không chịu học hỏi, nâng cao trình độ.

Bàn về những ứng xử và đức tính đối với mọi người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trong “Đường cách mệnh” khi nói về “tư cách một người cách mệnh”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà nhắc lại 5 ứng xử gồm: “Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người”. Với 4 đức tính phải thực hiện khi làm việc là: “Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà: Những ứng xử, đức tính này vẫn còn nguyên giá trị vì tính phổ biến của nó. Điều quan trọng là những ứng xử, đức tính này được thể hiện trong môi trường, không gian trường Đảng như thế nào để mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học đối với giảng viên trường Đảng, đặc biệt là cán bộ trường Đảng mẫu mực./.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website