Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân trong bối cảnh mới

Bác Hồ với nhân dân (Tác phẩm: Nghe lời Bác dạy của họa sĩ Vương Trình, được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Ảnh: Tư liệu

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân thể hiện những quyền cơ bản thiêng liêng của con người, đó là: Con người sinh ra có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Con người được an toàn sinh sống và được bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm sẽ chỉ có trong điều kiện đất nước độc lập, tự do, bình đẳng, không có áp bức bất công, mọi người dân được ấm no, hạnh phúc.

Khát vọng độc lập cho dân tộc và hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (1911) và được thể hiện sớm nhất, có tiếng vang trên trường quốc tế trong bản Yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versaille năm 1919. Đây là văn kiện mang tính chất chính trị, pháp lý, thể hiện đòi hỏi cấp bách của một dân tộc tại một Hội nghị quốc tế, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đòi quyền được sống, được tự do, được bình đẳng của dân tộc, của con người.

Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công (1945), mặc dù bộn bề công việc, Chính phủ lâm thời vừa mới được thành lập, Người đề xuất những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đó là: Chống giặc đói; chống giặc dốt; soạn thảo Hiến pháp dân chủ, chuẩn bị Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội; giáo dục lại nhân dân, làm cho dân tộc trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập; thuế thân, thuế chợ, thuế đò là một lối bóc lột vô nhân đạo, phải bỏ ngay ba thứ thuế ấy và tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết.

Ngày 21-1-1946, trả lời phỏng vấn nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1].

Theo Người, để nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trước hết phải xây dựng Nhà nước thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính phủ phải là công bộc của dân. Công việc của Chính phủ phải nhằm một mục đích duy nhất là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, để gánh vác việc chung cho dân. Chính phủ đã hứa với dân sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc, bởi lẽ “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[2]. Do đó, Người nêu rõ “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[3].Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng phải có trách nhiệm chăm lo cho nhân dân: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.[4] Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bản Di chúc thiêng liêng, căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[5]. Sự quan tâm, chăm lo cho ấm no, hạnh của nhân dân là bổn phận, trách nhiệm của Đảng, bởi lợi ích của Đảng không nằm ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới có niềm tin vững chắc vào Đảng; một lòng một dạ đi theo Đảng để cuộc sống càng ngày càng tốt đẹp hơn.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong bối cảnh mới

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội, Đảng từng bước lãnh đạo thực hiện đổi mới toàn diện đất nước gắn với đổi mới chính sách xã hội. Phát triển quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng về “Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt cuộc sống con người”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định “thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”[6].

Trong hơn 30 năm đổi mới, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Nhận thức, quan điểm, chủ trương của Đảng về thực hiện chính sách an sinh xã hội đã được hoàn thiện qua từng kỳ đại hội; từng chủ trương, chính sách phát triển, Đảng luôn gắn chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội với phát triển kinh tế, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động của nhân dân. Nhờ đó, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo: Tỷ lệ nghèo trên đầu người (tính theo chi tiêu thu nhập) giảm mạnh từ trên 70% (năm 1990) xuống còn 58,1% (năm 1993), 28,9% (năm 2002), 14,5% (năm 2008) và 13,5% (năm 2014). Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm một cách ấn tượng, từ 9,2% (năm 2016) xuống 6,8% (năm 2018) và xuống còn 2,75% (năm 2020)[7]. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN; nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội được tăng cường và đạt nhiều kết quả lạc quan khác. Đặc biệt, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã và đang trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, khi tỷ lệ bao phủ tăng nhanh; chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng…Hiện nay, giáo dục, y tế, nước sạch, nhà ở, thông tin, là các dịch vụ xã hội cơ bản được Nhà nước đẩy mạnh cung cấp, nâng cao chất lượng và được đưa vào thành các tiêu chuẩn trong chuẩn nghèo đa chiều. Nhà nước có nhiều chính sách phát triển hạ tầng dịch vụ xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp nâng cao khả năng tiếp cận trường học, trạm y tế, nước sạch và thông tin. Việt Nam là nước có chỉ số phát triển con người (HDI) cao, giảm nghèo nói chung và nghèo đa chiều nói riêng đạt quả ấn tượng. Theo khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, niềm tin của nhân dân về chính sách xã hội, đảm bảo an sinh, chính sách người có công có tỷ lệ đánh giá “Tốt” chiếm 72%; về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm có tỷ lệ đánh giá “Tốt” chiếm 68%, tăng 13 bậc. Bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội trở thành lưới an sinh xã hội quan trọng, hỗ trợ người dân vượt qua các rủi ro ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, thất nghiệp, hết tuổi lao động... Bảo hiểm y tế giúp giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, vượt mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, là đến năm 2021 đạt 1% cho khu vực này và cũng tăng gần gấp năm lần so với năm 2015; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 90,7% vượt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020[8].

Vận dụng và phát huy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân, trong hơn 35 năm đổi mới, Đảng luôn coi trọng thực hiện bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân trong lãnh đạo đất nước. Mục đích cơ bản của quá trinh lãnh đạo thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước là nhằm đảm bảo đời sống nhân dân và ổn định chính trị - xã hội. Do đó, đất nước ta đã cơ bản xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ, nhất là các chính sách về tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân; cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, chính sách ưu đãi đối với người có công... 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 187.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 64.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 64.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr 518.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr 622

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr 336.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr160-161.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website