Huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã hình thành vùng trồng dâu nuôi tằm góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. (Trong ảnh: Lãnh đạo xã Việt Thành kiểm tra chất lượng dâu ở thôn Lan Đình. Ảnh: Văn Tuấn)
Người đặc biệt quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân và coi đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Sau này, khi thăm Yên Bái, trong buổi nói chuyện vào sáng ngày 25/9/1958, Người ân cần căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải tăng gia sản xuất để đời sống nhân dân được sướng hơn, được ăn no, mặc ấm. Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng bộ huyện Trấn Yên đã quyết tâm cao độ trong việc đổi mới và phát triển theo hướng nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Khuôn Bổ là thôn vùng cao của xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên. "Với mục tiêu cốt lõi là nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống nhân nhân, những năm qua, Chi bộ thôn Khuôn Bổ đã lãnh đạo thôn tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vận động xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung phù hợp với điều kiện sản xuất và lợi thế của thôn; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn; đồng thời, vận động nhân dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa” - Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bổ Tráng Thị Nhà cho biết.
Đến nay, thôn đã phát triển được 150 ha quế, 70 ha tre Bát độ. Trong chăn nuôi, các hộ duy trì và phát triển các loại giống vật nuôi bản địa của người Mông có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng; trong đó, mô hình phát triển gà Mông quy mô từ 300 - 500 con/lứa/hộ, sản lượng trên 1 tấn/năm; mô hình nuôi lợn đen quy mô từ 20 -40 con/lứa/hộ, sản lượng từ 13 - 15 tấn/năm…
Thôn cũng phát triển được các mô hình kinh tế tập thể như: hợp tác xã du lịch cộng đồng, tổ hợp tác về phát triển sản phẩm tre măng Bát độ, quế để liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm; ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản đối với các sản phẩm chủ lực của địa bàn. Hiện, nhân dân trong thôn còn phát triển cây dược liệu dưới tán rừng trồng như: cây lá khôi, cấy sơn thục, sa nhân…
Việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở Khuôn Bổ đạt 48 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 3,5%, chủ yếu là hộ nghèo bảo trợ. Khuôn Bổ đạt chuẩn thôn NTM năm 2010, đến năm 2021 tiếp tục đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.
Bí thư Huyện ủy Trấn Yên Trần Nhật Tân cho biết: "Là một huyện có thế mạnh về nông nghiệp, với phần đa dân số là nông dân sinh sống ở khu vực nông thôn, khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ huyện đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, gắn với xây dựng NTM bền vững chính là hướng đi đúng đắn, là giải pháp tối ưu giúp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc cho người dân trên địa bàn huyện”.
Nông dân các dân tộc huyện Trấn Yên chung sức xây dựng đường nông thôn.
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng NTM, năm 2011, huyện Trấn Yên bắt tay vào xây dựng NTM trong điều kiện xuất phát điểm rất thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, trình độ phát triển của các xã không đồng đều; còn 6 xã và 46 thôn đặc biệt khó khăn; thu nhập của người dân ở mức thấp; phong tục, tập quán và trình độ sản xuất còn lạc hậu; nhân dân chưa hiểu NTM là gì; chưa biết xây dựng NTM sẽ mang lại những lợi ích gì...
Vận dụng lời dạy của Bác, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, huyện Trấn Yên đã tập trung cao độ cho công tác tập huấn, tuyên truyền, vận động. "Trước hết là tập huấn để cán bộ trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở hiểu, nắm chắc mục tiêu, nhiệm vụ và các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Tiếp đó, mở rộng tuyên truyền đến đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân để mọi người hiểu rõ NTM là gì; xây dựng NTM mang lại lợi ích gì; vai trò của người dân trong xây dựng NTM là gì; mỗi người cần phải làm gì để góp phần xây dựng thành công NTM...
Công tác tuyên truyền, vận động đã thúc đẩy chuyển biến về mặt nhận thức và hành động của người dân. Từ việc hiểu được bản thân chính là chủ thể xây dựng và hưởng thụ các thành quả NTM, người dân đã tích cực, chủ động tham gia thực hiện phong trào” - Bí thư Huyện ủy Trần Nhật Tân cho hay.
Đúng như Hồ Chủ tịch đã dạy: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, khi đã có được sự đồng thuận của nhân dân, công cuộc xây dựng NTM ở Trấn Yên gặp rất nhiều thuận lợi. Dân tham gia bàn bạc, hiến kế, hiến đất; dân góp công, góp của để xây dựng NTM.
Với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đến năm 2019, toàn bộ 20 xã trong huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; huyện Trấn Yên cũng đã hoàn thành toàn bộ các tiêu chí của huyện NTM, được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là huyện NTM, hoàn tất quá trình đưa Trấn Yên từ một vùng quê nghèo nàn, lạc hậu bước sang một trang mới, trở thành một điểm sáng tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh Yên Bái và khu vực Tây Bắc. Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020 đã đem đến cho Trấn Yên sự đột phá thực sự.
"Vẫn là vùng đất ấy, nguồn tài nguyên và con người ấy, từ khi triển khai xây dựng NTM, với mục tiêu rõ ràng, với cách làm khoa học, các tiềm năng, lợi thế được phát huy, giá trị của đất và các loại tài nguyên đã được nhân lên gấp bội lần, kinh tế - xã hội có bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt” - Bí thư Huyện ủy Trần Nhật Tân khẳng định.
Với quan điểm xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 2010 - 2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: "Phấn đấu xây dựng huyện Trấn Yên phát triển toàn diện gắn với mục tiêu trở thành huyện NTM nâng cao”.
Huyện Trấn Yên xác định, trong giai đoạn 2021 - 2025 duy trì 100% số xã đạt chuẩn NTM; 16 xã đạt tiêu chí NTM nâng cao; 6 xã đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu; 90 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; xây dựng ít nhất 2 mô hình xã thông minh; hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn huyện NTM nâng cao và được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024; thực hiện Đề án phát triển các sản phẩm OCOP huyện Trấn Yên giai đoạn 2021 - 2025 gắn với chuyển đổi số; xây dựng thị trấn Cổ Phúc đạt tiêu chí đô thị loại IV; xã Hưng khánh, xã Báo Đáp đạt tiêu chí đô thị loại V. Hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng bộ huyện Trấn Yên đề ra và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhằm thực hiện đổi mới, phát triển theo hướng NTM nâng cao. Đến nay, huyện đã có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 10 xã NTM nâng cao và 108 thôn NTM kiểu mẫu.
Theo lãnh đạo huyện Trấn Yên, trong quá trình triển khai thực hiện phong trào, Đảng bộ huyện Trấn Yên luôn đề cao việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ và phát huy dân chủ; về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân...
"Đây chính là một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng nhất giúp Đảng bộ huyện Trấn Yên huy động được tất thảy tinh thần và lực lượng của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia xây dựng NTM” - Bí thư Huyện ủy Trần Nhật Tân khẳng định.
Thu Hạnh
Theo http://baoyenbai.com.vn