Tô thắm thêm những dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Italia

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo. 

"Kính thưa đồng chí Mauro Alboresi, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italia, đồng chí Maurizio Acerbo, Tổng Bí thư Đảng Tái lập Cộng sản Italia,

Thưa các đồng chí đại diện Đảng Dân chủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia, Hội hữu nghị Italia - Việt Nam, Văn phòng Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Italia,

Thưa các nhà nghiên cứu, các vị đại biểu, các vị khách quý,

Hôm nay, tôi rất vinh dự thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự và phát biểu tại Hội thảo quốc tế về quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Italia. Lời đầu tiên, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí, các vị đại biểu, khách quý, các nhà nghiên cứu đã dành thời gian tham dự Hội thảo. Chúc các đồng chí, các vị đại biểu, khách quý thật nhiều sức khỏe, thành công và hạnh phúc!

Thưa các đồng chí!

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, cả cuộc đời Người dành trọn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ở Người toát lên tầm tư tưởng vĩ đại: Vì dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người là hiện thân giá trị cao đẹp của chủ nghĩa Mác – Lênin, tuy bình dị mà cao quý, lỗi lạc.  Người để lại cho nhân dân Việt Nam một di sản vô cùng quý báu: Thời đại Hồ Chí Minh; Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những cống hiến vĩ đại của Người đã được UNESCO vinh danh: “Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc; Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”[1].

 Các đại biểu dự Hội thảo.

Trong nhận thức và tình cảm của nhân dân thế giới, Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử đã trở thành huyền thoại ngay khi còn sống. Một nhân vật dù không còn nhưng vẫn luôn hiện hữu trong ý chí của những người cách mạng. Tên tuổi và sự nghiệp Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tưởng khát vọng đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do, tiến bộ xã hội của nhân dân lao động, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Hội thảo hôm nay là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc hướng tới kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), 112 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2023), góp phần quan trọng vào gìn giữ và phát huy các giá trị di sản mà Người để lại, đặc biệt trong việc thúc đẩy quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Italia, quan hệ mật thiết giữa các đảng cộng sản trên thế giới; nhất là trong bối cảnh hai nước Việt Nam và Italia đang đẩy mạnh thực hiện chương trình ngoại giao “Năm Việt Nam - Italia 2023” với chủ đề “Trân trọng - Hiểu biết - Hợp tác”, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023), 10 năm quan hệ đối tác chiến lược (2013 - 2023).

Thưa các đồng chí!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đến các hoạt động ngoại giao văn hóa. Ngay từ những năm đầu bôn ba qua các châu lục, các nước tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Người đã hình thành quan điểm, tầm nhìn về việc kết nối văn hóa, làm nền tảng cho sự hiểu biết và hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, thúc đẩy, thu hút các cá nhân, tổ chức, quốc gia, dân tộc hướng đến mục tiêu chung vì hòa bình, tiến bộ và phát triển trên khắp các châu lục. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng và suốt đời vun đắp cho tình đoàn kết quốc tế giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè năm châu.

Gần một thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sinh sống, làm việc và gặp gỡ các đồng chí Quốc tế cộng sản, những người bạn Italia tại Milan. Người đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân Italia yêu chuộng hòa bình. Những hoạt động cách mạng của Người và sự giúp đỡ của người bạn Italia trong giai đoạn này có ý nghĩa to lớn, góp phần vào sự thành công của cách mạng Việt Nam sau này.

Thưa các đồng chí!

Thời gian qua, được sự ủng hộ các nước trên thế giới, hoạt động ngoại giao văn hóa tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được triển khai rộng rãi thông qua các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài với nhiều hình thức phong phú, giàu hình tượng, cảm xúc, như là: xây dựng tượng đài, khu tưởng niệm, đặt tên đường phố, trường học, lưu trữ tư liệu, nghiên cứu, sáng tác, dịch bản… Riêng ở Italia, có tới 21 đường phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhiều công trình nghiên cứu về Người của các học giả nổi tiếng người Italia được xuất bản, lưu hành… Điều này cho thấy tấm lòng, sự yêu mến đặc biệt của nhân dân Italia đối với nhà lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, như một khẳng định về tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Italia ngày càng tăng cường, gắn bó.

Các đại biểu dự Hội thảo. 

Kết quả của những hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác động vô cùng tích cực, mang lại sự hiểu biết, thấu hiểu, chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đóng góp của Người cho tiến trình đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới. Qua đó, hiểu rõ hơn về truyền thống, ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam; công cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; tinh thần cởi mở, sẵn sàng làm bạn của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Cao hơn hết thảy, thông qua hoạt động có ý nghĩa sâu sắc trên phương diện ngoại giao văn hóa tiêu biểu này, biểu tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vĩ nhân suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp cần lao, những người bị áp bức, bóc lột trên thế giới được giữ gìn, tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt cho các dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng con người, giải phóng xã hội.

Thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới chính quyền, các cơ quan hữu quan và người dân Italia đã hợp tác, giúp đỡ, chủ động có các hình thức vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tiếp tục tạo điều kiện để các hoạt động vinh danh khác được thực hiện trong thời gian tới.

Với ý nghĩa đó, tại Hội thảo này, chúng tôi mong muốn các đồng chí, các nhà nghiên cứu chia sẻ, thảo luận, đóng góp những ý kiến, quan điểm của mình, làm rõ hơn, sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ chí Minh, tập trung ở những điểm:

(1) Những hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Italia trong những năm 1930 - dấu ấn, tư liệu.

(2) Tình cảm của nhân dân Italia đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người dân Italia.

(3) Phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh thông qua hoạt động ngoại giao văn hóa, hoạt động tăng cường quan hệ Việt Nam - Italia.

(4) Những kinh nghiệm và biện pháp tăng cường các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Một lần nữa, thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn các đồng chí đã quan tâm, tham dự và trao đổi tại Hội thảo. Những tình cảm, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của quý vị đại biểu, khách quý hôm nay là thành công của Hội thảo đầy ý nghĩa này.

Kính chúc toàn thể các đồng chí, quý vị đại biểu, quý vị khách quý dồi dào sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc! Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Trân trọng cảm ơn./."

 

[1] Nghị quyết 24C/18.65, Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris, 1987.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website