Hạt Kiểm lâm Đoan Hùng kiểm tra cây giống tại vườn ươm ở xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, phục vụ trồng cây, trồng rừng.
Nhân lên màu xanh của rừng
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, như một lời hẹn ước, khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh, người người nô nức trồng cây, mở đầu một năm mới nhân lên màu xanh của môi trường sinh thái. Mỗi cây xanh được trồng đều là những ước mong, kỳ vọng gửi gắm, đón đợi những điều tốt lành cho cuộc sống.
Về xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn chúng tôi được biết, những năm qua, cùng với các huyện, thị, thành trong tỉnh, phong trào trồng cây, gây rừng nơi đây được đẩy mạnh, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2022, xã Tân Minh có kế hoạch trồng gần 80ha rừng tập trung. Để đảm bảo tốt các điều kiện cho việc trồng rừng đạt kết quả cao nhất, ngay từ đầu năm, xã đã tập trung chỉ đạo bà con nhân dân phát dọn thực bì, đào hố để triển khai việc trồng rừng.
Đồng chí Triệu Xuân Hiếu- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Những năm qua, được sự quan tâm của huyện, ngành chuyên môn sát sao chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, diện tích trồng rừng của người dân ngày càng tăng. Sau khi được giao kế hoạch, xã đã có văn bản hướng dẫn các khu dân cư tổ chức cho các hộ dân đăng ký trồng rừng, trồng cây phân tán. Đồng thời, hướng dẫn các chủ hộ trồng rừng phát dọn thực bì, đào hố, chuẩn bị cây giống để triển khai việc trồng rừng năm 2023 và các hoạt động hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão được đông đảo nhân dân tích cực tham gia”.
Cũng như xã Tân Minh, các xã có diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Sơn cũng đang tích cực tuyên truyền, triển khai đến người dân kế hoạch, chuẩn bị thực địa bắt tay vào trồng rừng đầu Xuân mới. Năm nay, toàn huyện Thanh Sơn phấn đấu trồng trên 2.500ha rừng tập trung, 380.000 cây phân tán. Để hoàn thành kế hoạch, huyện đã chỉ đạo các địa phương tổ chức phát dọn thực bì, đào hố phục vụ công tác trồng rừng. Nhằm chủ động cung cấp nguồn cây giống phục vụ trồng rừng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn huyện đã sản xuất cây giống các loại phục vụ cho bà con. Các cây trồng thường xuyên được kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ vật liệu giống, gieo ươm cho đến xuất vườn nên đã hạn chế tình trạng sử dụng giống không rõ nguồn gốc đưa vào sản xuất, góp phần cải thiện chất lượng rừng trồng. Bên cạnh đó, huyện cũng ban hành các văn bản hướng dẫn cơ cấu cây trồng cho các địa phương, phân công cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời nắm bắt khó khăn để giải quyết ngay tại cơ sở.
Đến huyện Tân Sơn, chúng tôi đi giữa màu xanh ngút ngàn của rừng núi. Hiểu rõ giá trị và ý nghĩa lời dạy của Bác Hồ, huyện Tân Sơn chuẩn bị rất chu đáo cho lễ phát động Tết trồng cây và đặt mục tiêu phấn đấu cho cả năm. Tết trồng cây năm nay, huyện Tân Sơn có kế hoạch trồng trên 25.000 cây phân tán, 13,5ha rừng tập trung. Riêng ngày mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão 2023, huyện dự kiến trồng 45 cây lát và 100 cây hoa ban tại trụ sở UBND xã Tân Phú. Các loại cây được trồng ở ven đường, khuôn viên trụ sở cơ quan, nhà văn hóa… ưu tiên lựa chọn những khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới, khu dân cư dự kiến xây dựng khu nông thôn mới để tổ chức lễ hưởng ứng, tạo không khí sôi nổi, thi đua ngay từ đầu năm.
Hơn nửa thế kỷ thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, phong trào trồng cây, trồng rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Khoảng 10 năm trở lại đây, mỗi năm toàn tỉnh trồng mới gần 10 nghìn ha rừng. Trồng cây vào dịp đầu Xuân đã trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một mỹ tục truyền thống tốt đẹp của người Việt. Ngày nay, việc trồng cây được tổ chức quy mô, khoa học, thực sự trở thành ngày hội náo nức, được mọi người dân coi là trách nhiệm của mình để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tham gia trồng cây hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Tổ chức Tết trồng cây thiết thực, hiệu quả
Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh trồng 893,6 nghìn phân tán, 675,2ha rừng tập trung. Năm nay, lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão năm 2023 cấp tỉnh tổ chức tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì vào 8 giờ ngày 27/1/2023 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão).
Phú Thọ là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển rừng với diện tích rừng và đất rừng lớn, gần 180.000ha, chiếm phần lớn tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Công tác trồng và phát triển rừng luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ. Đặc biệt, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” được các cấp, các ngành, các địa phương luôn quan tâm triển khai thực hiện thiết thực và hiệu quả.
Cẩm Khê là một trong những huyện có số lượng trồng cây phân tán và trồng rừng tập trung tương đối lớn. Bà Trần Thị Thu Hưởng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để đảm bảo việc trồng cây, trồng rừng đúng kế hoạch, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát hiện trạng quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn và trên cơ sở kế hoạch về trồng cây, trồng rừng phân bổ chỉ tiêu cho các xã, thị trấn khẩn trương thực hiện các bước khảo sát, thiết kế, lập dự toán, xử lý thực bì, cuốc hố, chuẩn bị đầy đủ về cây giống, vật tư phân bón, nhân lực... cũng như tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, đảm bảo mật độ, chăm sóc đủ lần, đủ lượt.
Để “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đảm bảo trang trọng, thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả, theo ông Trần Ngọc Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão 2023; giao kế hoạch trồng rừng đến UBND các huyện, thị, thành, các đơn vị cơ sở nhằm chủ động công tác chuẩn bị hiện trường, cây giống để ngay từ đầu năm thời tiết thuận lợi tổ chức ra quân trồng rừng.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; động viên sự tham gia của toàn xã hội chung sức, đồng lòng, tham gia trồng cây, trồng rừng. Đồng thời, quy hoạch các nguồn giống, hệ thống vườn ươm, bảo đảm đủ cây giống lâm nghiệp chất lượng phục vụ trồng rừng; hướng dẫn kỹ thuật trồng mới, chỉ đạo hoàn thành tốt công tác thiết kế kỹ thuật các công trình lâm sinh; chuẩn bị hiện trường, cây giống, khuyến khích người dân sử dụng cây giống chất lượng cao, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trồng rừng thâm canh, góp phần thúc đẩy phát triển lâm nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.
Hoàng Hương
Theo https://baophutho.vn