“Tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà”. Lời dạy đầu tiên trong Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang cách đây 60 năm vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Với các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh, lời dạy của Người chính là ngọn nguồn sức mạnh kết tinh những giá trị nhân văn sâu sắc.
Được hỗ trợ 60 triệu đồng xây nhà ở khang trang, gia đình CCB Nguyễn Văn Hón,
xã Việt Lâm (Vị Xuyên) đã “an cư, lạc nghiệp”.
Là người lính tôi luyện, trưởng thành trong quân đội, từng kinh qua “mưa bom, bão đạn”, đối diện sự sống – cái chết chỉ trong gang tấc và trở về cuộc sống thường nhật sau các cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại; có lẽ, họ thấu hiểu hơn ai hết sự khó khăn của không ít đồng chí, đồng đội về: Sức khỏe, chưa qua đào tạo nghề, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, nguồn vốn tích lũy hạn chế, khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học, kỹ thuật chậm hơn so với thế hệ trẻ…
Xuất phát từ thực tế trên, bằng trái tim yêu thương, lòng nhiệt tình cách mạng cùng trí tuệ tập thể trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, Hội CCB các cấp đã có nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ hội viên “như anh em một nhà”. Trong sinh hoạt, Hội CCB các cấp duy trì tốt 3 nội dung: Bàn thực hiện việc nước, việc Hội và việc nhà của hội viên. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện hỗ trợ xây nhà ở cho người có công, CCB nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Qua đó, góp phần làm mới 482 nhà cho hội viên CCB nghèo với số tiền xã hội hóa lên đến 28 tỷ 920 triệu đồng. Trong đó, Hội CCB tỉnh đã vận động hội viên, doanh nghiệp ủng hộ 420 triệu đồng, hỗ trợ làm nhà cho 7 hội viên CCB nghèo tại các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Hoàng Su Phì... Riêng Hội CCB cơ sở vận động trên 22 nghìn ngày công hỗ trợ san nền, vận chuyển vật liệu xây dựng và trực tiếp làm nhà ở cho CCB nghèo.
|
Nuôi ong lấy mật giúp gia đình cựu chiến binh Tạ Đức Toán, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang)
nâng cao thu nhập. Ảnh: THU PHƯƠNG
Không chỉ giúp đỡ hội viên “an cư” mà công tác “lạc nghiệp” được các cấp Hội đặc biệt quan tâm. Trong thi đua xóa đói, giảm nghèo (XĐGN), giúp nhau làm kinh tế giỏi, Hội CCB tỉnh tập trung giải quyết 4 “nút thắt”: Xóa cho hội viên nào, ở đâu, bằng cách nào, vào thời gian nào? Từ đây, Hội CCB xác định: XĐGN trước hết là dựa và nội lực, kết hợp với các chính sách, chương trình, dự án của nhà nước, vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp; mạnh dạn vay vốn kết hợp với các nguồn quỹ Hội cho nhau vay không lãi, giúp đỡ ngày công, vật liệu, cây, con giống; vận động hội viên có điều kiện về kinh tế tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề, thu hút lao động, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống và làm giàu chính đáng… Tiêu biểu có thể kể đến hội viên Nguyễn Trọng Thiên - Chi hội CCB thôn Chung, xã Việt Lâm (Vị Xuyên). Năm 2017, anh xây dựng thành công Hợp tác xã Thiên Phượng, chuyên chế biến lá Giang xuất khẩu, thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương với thu nhập từ 5 – 9 triệu đồng/người/tháng; trong đó, nhiều người là hội viên, gia đình CCB có việc làm thường xuyên.
Đến nay, phong trào “Giúp nhau phát triển kinh tế, XĐGN vươn lên làm giàu chính đáng” được các cấp Hội duy trì hiệu quả, trở thành một trong những phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn Hội. Tiêu biểu có thể kể đến mô hình: “10+1” của Hội CCB 23/23 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang. Với mô hình này, cứ 10 hội viên tập trung giúp đỡ 1 CCB nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, nhiều CCB đã thoát nghèo bền vững, đưa tỷ lệ hộ CCB nghèo toàn huyện chỉ còn 2,26%. Riêng mô hình “Xây dựng quỹ Hội”, “Quỹ nghĩa tình đồng đội”, các cấp Hội đã có hơn 14 tỷ đồng để giúp đỡ hội viên nghèo, khó khăn, phát triển sản xuất, làm nhà, sửa nhà... với hình thức vay không lãi suất. Đặc biệt, tháng 11.2020, Câu lạc bộ (CLB) CCB giúp nhau làm kinh tế hiệu quả cấp tỉnh ra đời, thu hút 103 thành viên tham gia. “Đây đều là những hội viên tiêu biểu của 11/11 huyện, thành phố nhằm làm nòng cốt cho phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; tạo sân chơi để hội viên trao đổi, học tập kinh nghiệm, hỗ trợ, liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho con em CCB và lao động địa phương” – Chủ tịch CLB, Tạ Đức Toán (phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang) chia sẻ.
Không dừng ở kết quả trên, các cấp Hội còn quản lý tốt nguồn vốn vay ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội trên 716 tỷ đồng cho 19.541 hộ vay, góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho hơn 40 nghìn hội viên và nhân dân. Hơn nữa, từ nguồn vốn giải quyết việc làm hơn 1 tỷ đồng của T.Ư Hội CCB Việt Nam và nguồn vốn hỗ trợ địa phương, các cấp Hội đã hỗ trợ phát triển 44 dự án chăn nuôi, trồng rừng, dịch vụ… cho hội viên. Thêm một ấn tượng khác, thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; “Tri ân đồng đội”, giai đoạn 2018 – 2020, Hội CCB tỉnh đã phối hợp với Làng Hữu nghĩ Việt Nam đưa 45 CCB, thanh niên xung phong và con CCB bị nhiễm chất độc hóa học đi điều dưỡng, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với Đội Tìm kiếm – Quy tập hài cốt liệt sĩ (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) tìm kiếm, quy tập 41 hài cốt liệt sĩ tại xã Thanh Thủy, Minh Tân (Vị Xuyên). Còn phong trào “Ngày vì đồng đội” của một số đơn vị, như: Hội CCB huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên đi vào cuộc sống với nhiều ý nghĩa nhân văn.
Thông qua các phong trào thi đua yêu nước cùng với ý chí, nghị lực của người quân nhân cách mạng, đã góp phần hạ tỷ lệ hộ CCB nghèo bình quân 4%/năm, hiện còn 9,1%; thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Theo http://baohagiang.vn