“Thi đua là phải trường kỳ”

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thi đua là phải trường kỳ” đã được Đảng, Nhà nước ta phát triển và vận dụng sáng tạo. Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta và các cấp, các ngành đều triển khai, phát động những PTTĐ cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Mới đây, tại hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đánh giá: PTTĐ ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, có nhiều đổi mới, sáng tạo, từng bước khắc phục tính hình thức. Các PTTĐ được triển khai bài bản, hình thức đa dạng, phong phú, có tiêu chí và nội dung rõ ràng, bám sát nhiệm vụ chính trị, được nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Tiêu biểu như qua PTTĐ “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, toàn quốc đã có hơn 52% số xã và hơn 16% số huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng năm 2019, từ phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đã có 136.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước lên gần 760.000 doanh nghiệp. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống còn 4%...

 

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn,
huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. Ảnh: Tư liệu.

Để vận dụng một cách toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và để “thi đua là phải trường kỳ”, cần chú trọng rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, yếu kém được Bác chỉ ra trong “Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công” vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn: “Nhiều nơi đặt những kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương. Nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi. Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì đuối sức đi, không tiếp tục thi đua được. Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành đều có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau. Thành thử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhân dân thì bù đầu, không đủ sức mà theo cả các kế hoạch và không biết nên theo kế hoạch nào. Nhiều nơi có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm thành công hoặc kinh nghiệm thất bại, nhưng không biết trao đổi cho nơi khác, để tránh cái dở, học cái hay của nhau. Nơi thì các ban vận động thi đua chỉ biết làm theo chỉ thị cấp trên. Trung ương gửi chỉ thị thế nào, khu cứ nguyên văn gửi xuống tỉnh, tỉnh cứ nguyên văn gửi xuống huyện, huyện cứ như thế gửi xuống xã. Chứ không biết điều tra kỹ lưỡng, áp dụng thiết thực”.

Có rất nhiều biện pháp, phương cách được các cấp, các ngành đưa ra để kịp thời sửa chữa, khắc phục khuyết điểm trong tiến hành các PTTĐ, nhưng tựu trung lại vẫn là sự thấm nhuần lời răn dạy của Người: “Điều cần thiết nhất, là phải giải thích kỹ càng cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc thế nào. Mỗi người dân đều hiểu rõ thì tất cả mọi khó khăn đều giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được”.

ĐÀO HỒNG

Theo https://www.qdnd.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website