Tháng 5, về Đồng Tháp trong không khí chuẩn bị lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, có dịp thăm “Nhà sàn Bác Hồ”, du khách không chỉ được ngắm nhìn kiến trúc nguyên mẫu với ngôi nhà sàn sinh thời Bác sống, sinh hoạt sau giờ làm việc, mà còn được dịp thỏa mắt thưởng ngoạn thế giới sắc màu và ý nghĩa của ngàn hoa vào mùa rực rỡ và những ý tưởng sáng tạo của người dân Đất phương Nam dành cho Người.
Công trình của tấm lòng
Nằm trong khuôn viên Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (tọa lạc tại TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) - thân sinh của Người- khu Nhà sàn Bác Hồ là công trình có ý nghĩa đặc biệt. Nếu như ở Hà Nội, Ngôi nhà sàn Bác Hồ mang lại cho du khách cảm nhận về cuộc đời thanh đạm của vị lãnh tụ tối cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam qua kiến trúc, kết cấu giản dị, vật dụng bình dân... thì ở Đồng Tháp, công trình này như được chấp thêm đôi cánh để bay lên trên bầu trời Đất phương Nam. Bởi ngoài ý nghĩa kết nối tình cảm “phụ - tử tình thâm” giữa Người và thân sinh, công trình còn bao hàm cho đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của người dân Đồng Tháp nói riêng, miền Nam nói chung dành cho Bác cũng như tỉnh cảm Bác luôn dành cho miền Nam ruột thịt với tất cả trái tim: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”.
Sinh thời Bác Hồ luôn đau đáu hướng về miền Nam ruột thịt, cũng như nhân dân miền Nam luôn hết lòng kính yêu và mong đợi một ngày Bác sẽ vô thăm. Tuy nhiên, Bác đã ra đi trước ngày non sông thống nhất. Để giúp nhân dân miền Nam có thể bước vào ngôi nhà sàn Bác ở, những người dân của đồng ruộng, miệt vườn... có dịp “chạm” vào chiếc ghế, tấm rèm sinh thời Bác sử dụng… nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người (1890-1990) tỉnh Đồng Tháp khánh thành Ngôi nhà sàn Bác Hồ nằm cạnh khu mộ Cụ Phó bảng.
Từ cổng vào Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, vào khu vực Ngôi nhà sàn, phải băng qua chiếc cầu vắt mình trên hồ nước 4 mùa ngập tràn sắc sen. Đã trưa muộn, nhưng trên lối nhỏ cặp hàng rào dâm bụt dẫn vào nhà, có cả rừng áo dài thướt tha của nhóm nữ giáo viên mầm non huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), bên kia sông Tiền, tranh thủ sau giờ dạy vào chụp ảnh lưu niệm dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người.
Phía trước ngôi nhà là 2 cây dừa cổ thụ xòe cành lá trước ngõ, trông thật an yên và đậm chất Nam bộ. Ngôi nhà sàn nằm giữa màu xanh của cây cỏ với không gian tĩnh lặng. Vì vậy đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức buổi nhạc đồng quê với tiếng lá non gọi gió, của tiếng chim đập cánh bay lượn và văng vẳng hót... mà còn như ngất ngây theo mùi phơn phớt của hoa thơm, trái ngọt, nhất là mùi của hoa lài quanh quẩn bên hiên nhà ướp hương vào gió...
Ý nghĩa lớn trong công trình giản dị
“Công trình có tỷ lệ 1:1 với Ngôi nhà sàn Bác sống, sinh hoạt sau giờ làm việc tại Phủ Chủ tịch, gồm: Nhà sàn và ao cá”- bà Phan Thị Vũ Quyên – Giám đốc Di tích Nguyễn Sinh Sắc - mở đầu buổi trò chuyện. Trong đó, nhà sàn gồm 2 tầng với vật liệu gỗ có chiều dài 10,5m rộng 6,2m. Tầng trệt được gọi là “Phòng làm việc mùa Hè” với bộ bàn ghế gỗ đơn sơ và ghế nghỉ lưng giản dị bằng mây đan. Góc cạnh cầu thang là chiếc bàn gỗ nhỏ, phía trên có 3 chiếc điện thoại, sinh thời Bác dùng để liên lạc việc quân, việc nước. Tầng trên có hai phòng. Mỗi phòng rộng khoảng 10m2, là phòng ngủ và “Phòng làm việc mùa Đông”. Tất cả được phục dựng đúng nguyên mẫu Ngôi nhà sàn ở Hà Nội, ngoại trừ 3 chuyện. Nếu như ở Hà Nội, chiếc đồng hồ trên bàn làm việc của Bác vẫn luôn chạy đều, như khát vọng của cả dân tộc “Bác còn sống mãi với non sông, đất nước”, thì ở Ngôi nhà sàn của Người trên Đất Sen hồng, Đồng Tháp đã tinh tế khi quyết định cho chiếc đồng hồ dừng lại vào lúc 9 giờ 47 phút - thời khắc Bác đi xa – như lời nhắc nhớ về hoài bão của Người: Vào thăm đồng bào miền Nam, thăm ngôi mộ người cha thân yêu của mình.
Ao cá phía trước, cũng được cách điệu theo hình bản đồ hành chính tỉnh Đồng Tháp, như bày tỏ tấm lòng nhân dân Đồng Tháp nói riêng, ĐBSCL nói chung luôn bên cạnh cụ Phó bảng, bên Bác Hồ... Xung quanh ao, bố trí trồng nhiều cây trái đặc sắc của miền Tây, như: bưởi, dừa, cây đủng đỉnh... đặc biệt là hoa phượng. Và Đồng Tháp thật sự sâu sắc khi thiết kế phía sau Ngôi nhà sàn sắc xanh của màu cây lịch sử gắn liền với dấu son trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, gồm: Khóm trúc được chiết từ rừng Pác Bó (Cao Bằng) gắn liền với địa danh cách mạng: Suối Lê-nin, núi Các Mác. Ngoài ra, còn có thêm cây đa được chiết từ cây đa Tân Trào, (Tuyên Quang) - nơi dưới sự chỉ huy của Bác đã xây dựng “Thủ đô Kháng chiến” gắn với nhiều sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam: Quốc dân đại hội quyết định Tổng khởi nghĩa và 10 quy định lớn, trong đó có quy định về quốc kỳ, quốc ca...
Vì vậy, tháng 5 về thăm Nhà sàn Bác Hồ trên Đất Sen hồng, du khách không chỉ có dịp thỏa mắt thưởng ngoạn thế giới sắc màu của hoa thơm, trái ngọt đang vào mùa rực rỡ, mà còn có thời gian chiêm nghiệm các tầng ý nghĩa sâu sắc từ những khối óc sáng tạo của người dân Đất phương Nam dành cho Người.
Đến Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, chúng tôi như được tiếp thu thêm bài học lịch sử vô cùng quý báu để thêm yêu Tổ quốc, quê hương Việt Nam... Ngoài ra, chúng tôi còn rất cảm động khi nhận ra ở đây tấm lòng của nhân dân Đồng Tháp đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện ước mơ mà sinh thời Bác Hồ chưa thực hiện được. Đó là vào Nam và được gần gũi với nhân dân miền Nam và ngôi mộ cụ thân sinh.
(Trích cảm tưởng của đại diện Đoàn cán bộ phụ nữ TP. Hồ Chí Minh - lưu tại Sổ Lưu niệm Di tích Nguyễn Sinh Sắc)
|
Lục Tùng
Theo http://baodongthap.com.vn