Theo tư liệu lịch sử ghi chép trong cuốn sách “Bác Hồ với Phú Thọ, Phú Thọ làm theo lời Bác” (NXB Chính trị Quốc gia, 2005), đêm 19, rạng sáng ngày 20/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 04/3/1947, Người rời tỉnh Hà Tây, đặt chân lên đất Phú Thọ trên đường di chuyển lên căn cứ Việt Bắc. Nơi đầu tiên Bác đến tỉnh Phú Thọ là xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông. Tại Cổ Tiết, Bác đã ở hai gia đình thuộc hai xóm là xóm Ghềnh (Ba Triệu) và xóm Đồi. Trong những ngày lưu lại đây, Bác đã dành thời gian đọc lịch sử Việt Nam (cuốn Việt Nam sử lược), nghiên cứu cách đánh giặc của các vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung...

Đối với các đồng chí phục vụ, tại xã Vạn Xuân, niềm vinh dự lớn lao là được Bác đặt tên cho từng người theo thứ tự: “Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi”. Thời gian ở Vạn Xuân, Bác đã biên soạn nhiều văn kiện, sắc lệnh, thư điện quan trọng như Thư gửi “Đồng bào toàn quốc” sau trận giặc Pháp tấn công ra các khu vực xung quanh Hà Nội; Thư gửi “Đồng bào hậu phương” nhắc mọi người giúp đỡ đồng bào tản cư đến địa phương mình; Thư gửi “Quốc hội và nhân dân Pháp” trình bày sự thật về vấn đề Việt Nam nhân dịp Quốc hội Pháp sắp họp thảo luận về Việt Nam; Trả lời phỏng vấn của các nhà báo Việt Nam ý kiến của Người về “Lời tuyên bố của Thủ tướng Pháp Ra-ma-đi-ê"; Ký Sắc lệnh số 28/SL về sửa địa giới hành chính huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) và của thị xã Vinh - Bến Thủy; Sắc lệnh số 29/SL gồm 10 chương, 187 khoản, quy định mối quan hệ giữa chủ (Người Việt Nam hay người nước ngoài) với công nhân Việt Nam tại các nhà máy, hầm mỏ, thương điếm và các nhà làm nghề tự do…

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Vạn Xuân là di tích lịch sử, văn  hóa ghi dấu ấn hình ảnh Bác Hồ trong lòng Nhân dân Đất Tổ Phú Thọ, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thể hiện tình cảm thiêng liêng của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ đối với Bác Hồ kính yêu.

 Đường về xã Vạn Xuân thênh thang, rộng mở 
 Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh toạ lạc tạc tại khu 12, xã Vạn Xuân là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống của vùng Đất Tổ Phú Thọ. 
 Cổng vào khu lưu niệm là con đường lát gạch thẳng tắp, hai bên là hai hàng cau và hoa dâm bụt gợi lên sắc màu của làng quê trung du thanh bình, yên ả. 
 Khu lưu niệm gồm hai công trình quan trọng là nhà lưu niệm và ngôi nhà gỗ của cụ Hoàng Văn Nguyện - nơi Bác Hồ ở những ngày tại Vạn Xuân. 
 Tới đây, mỗi người dân vùng Đất Tổ và mọi miền Tổ quốc luôn hướng về Bác Hồ bằng tình cảm thiêng liêng, kính trọng
 Ban thờ Bác Hồ trong nhà lưu niệm là nơi Nhân dân thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Người. 
 Ông Hoàng Văn Vinh, Trưởng khu dân cư số 12 xã Vạn Xuân, cán bộ Ban quản lý khu di tích giới thiệu về khẩu hiệu "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" của Bác Hồ và kể câu chuyện về việc Bác lấy khẩu hiệu này đặt tên cho các đồng chí cận vệ những ngày ở Vạn Xuân. 
 Căn nhà gỗ của cụ Hoàng Văn Nguyện - nơi Bác Hồ dừng chân nghỉ trong những ngày ở Vạn Xuân.
 Gian bên cạnh còn lưu giữ chiếc giường gỗ mộc mạc, đơn sơ Bác Hồ đã từng nằm ngủ. 
...Và trưng bày, lưu giữ các bức thư, sắc lệnh, tài liệu mang bút tích của Bác những ngày ở Vạn Xuân.  
 Ở giữa ngôi nhà gỗ và nhà lưu niệm có cây thị, nơi có bia đá ghi lại thông tin vị trí Bác Hồ tập thể dục mỗi buổi sáng trong những ngày ở Vạn Xuân. 
 Trải qua hằng trăm năm, cây thị vẫn xanh tốt, toả bóng rợp mát.
 Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hoá được treo trang trọng trong nhà lưu niệm. 
 Các em học sinh chăm sóc Khu lưu niệm Bác Hồ. 
 Các em học sinh đọc sách về tư tưởng, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ.