Tân Sửu năm ấy còn ấm hơi Người

Chúng ta nhớ giọng Bác vẫn ấm áp, vui mừng truyền qua sóng phát thanh lời thơ chúc Tết:

Mừng năm mới, mừng xuân mới,

Mừng Việt Nam, mừng thế giới!

Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh,

Kế hoạch 5 năm thêm phấn khởi.

Chúc miền Bắc hăng hái thi đua;

Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới!

Chúc hòa bình thống nhất thành công!

Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi!

(Hồ Chí Minh toàn tập, t10, 1996, tr.280)

Mùa Xuân năm ấy, tuy tuổi đã cao nhưng Bác vẫn làm việc như bình thường, ngày đêm lo việc nước, việc dân không ngưng nghỉ.

 

Bác Hồ về thăm Pác Bó, Cao Bằng, ngày 20-2-1961. Ảnh tư liệu.

Phải nói thật với nhân dân

Ngày 07-01-1961, Bác dự và phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa III). Người chỉ rõ: “Dân ta rất tốt, nhưng không phải có nhân dân tốt là làm được tất cả. Phải làm cho nhân dân hiểu: Đảng và Chính phủ ta luôn luôn phục vụ nhân dân; phải nói thật với nhân dân những thắng lợi cũng như những khó khăn. Có thế nhân dân mới hăng hái sản xuất. Bây giờ nhân dân chưa hăng hái vì chính sách ta có khuyết điểm...” (Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, t8, tr.4).

Ngày 1-2-1961, Bác nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội, Người lưu ý nhiều nội dung quan trọng, trong đó có:

“Cần phải sắp xếp thời giờ họp và thời giờ học cho hợp lý. Hiện nay ở đâu cũng có nạn khai hội quá nhiều và quá lâu.

... Trước hết là Đảng ta phải chuyển mạnh. Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu.

... Kết luận là cần phải ra sức củng cố các chi bộ, để tất cả các chi bộ trở nên thật sự là hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở mọi bộ, mọi ngành, mọi nghề, mọi nơi”.

Trong bài phát biểu này, Người còn nói về chủ nghĩa xã hội:

“Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì?

Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động” (Hồ Chí Minh toàn tập, t10, 1996, tr.268 - 272).

Sao lại phải đón tôi!

Ngày 20-2-1961, Bác về thăm lại Pác Bó, Cao Bằng, đồng bào ra đón rất đông. Người vui vẻ nói: “Tôi về thăm nhà mà sao lại phải đón tôi!”. Thăm những gia đình có công với cách mạng, thăm lại hang Cốc Bó, ngắm núi Các Mác, suối Lênin, chiếc bàn đá và trồng 4 cây trúc non bên bờ suối, Người xúc động đọc 4 câu:

Hai mươi năm trước nơi này,

Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây.

Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu,

Non sông gấm vóc có ngày nay

(Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, t8, tr.24 - 25)

Phê bình việc in thiếp riêng

Ngày 2-3-1961, bài “Tếu” của Người đăng Báo Nhân Dân số 2538, Bác phê phán bệnh hình thức của một số người nhân dịp Tết đã in thiếp chúc Tết riêng rồi gửi đi lung tung, gây lãng phí. Người có lời khuyên:

Có gì Tếu bằng Tếu này?

Cái bệnh hình thức từ nay nên chừa!

(Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, t8, tr.29)

Ngày 20-3-1961, Người về thăm tỉnh Tuyên Quang, nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh. Người nói giản dị, dễ hiểu với đồng bào: “Chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng” (Hồ Chí Minh toàn tập, t10, 1996, tr.317).

Ngày 24-3-1961, Bác thăm và nói chuyện với Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Người căn dặn: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức... Phải thực hiện khẩu hiệu “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm” (Hồ Chí Minh toàn tập, t10, tr.304-308).

Không phải hễ cứ bố là cán bộ thì con là “cậu ấm”

Mùa xuân Tân Sửu 1961, Bác đặc biệt nhắc nhở mọi người phải coi trọng việc học. Học để làm việc chứ không phải học để lấy bằng cấp cho nhiều. Do vậy phải lấy tự học làm chính, học thường xuyên. Bác nói: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già... Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt. Bệt là không tốt. Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế, nhưng không có tư tưởng thụt lùi, nạnh kẹ... Có đồng chí nói thế này: Đưa lớp trẻ vào mới làm được việc. Nhưng thâm tâm lại mong muốn là con cháu của mình kia.

Con cháu mình là ai? Con cháu mình là tất cả, là thanh niên Việt Nam. Chứ không phải như thời phong kiến: Cha làm quan, con là cậu ấm. Con mình xấu thì đề bạt sao được. Đảng là Đảng của giai cấp, của nhân dân, của thế giới, chứ không riêng cho con cháu mình...

- Còn vấn đề lo cho con cháu của các đồng chí. Cái đó là đúng. Nhưng, nếu là con tôi - à, tôi không có con - mà nó không có khả năng, nó xấu cũng phải dẹp lại. Không phải hễ cứ bố là cán bộ thì con là “cậu ấm”. Bố có việc của bố, con có việc của con... Nói Đảng cất nhắc là thế nào? Đảng là dân chủ, do dưới bầu lên. Các đồng chí trong chi bộ bầu, cấp trên chuẩn y. Cấp trên không có quyền bầu.

Trong lãnh đạo cần có già, có trẻ. Công việc ngày càng mới. Càng về sau này, càng nhiều cái mới, càng ít cái cũ... Có người nay còn lãnh đạo đó, nhưng sau này tiến lên máy móc, nếu không biết kỹ thuật, có lãnh đạo được không? Nếu không biết, phải mời anh ra, cho người khác giỏi hơn vào làm... chớ không phải như ngày xưa mà tưởng rằng: “sống lâu lên lão làng” (Hồ Chí Minh toàn tập, t10, 1996, tr.462-469).

Năm Tân Sửu (1961) cũng là năm Sửu cuối cùng của Bác, nhưng những lời Người nói, những việc Người làm thì mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, núi sông. Tư tưởng của Người mãi mãi vẫn là vẻ đẹp tâm hồn và sức Xuân của dân tộc Việt Nam và là ánh sáng cho quốc dân đi tới tương lai huy hoàng./.

PGS, TS TRẦN ĐÌNH HUỲNH

Theo Báo Quân đội nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website