Ngày này cách đây 72 năm (11/6/1948), trong bộn bề công việc, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang vào giai đoạn gay go, quyết liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, đặt nền móng cho việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong từng giai đoạn cách mạng của nước ta những năm sau.
Ký giao ước thi đua khối các huyện, thị xã, thành phố năm 2020.
Kể từ sau khi ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều bài viết liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn dân ta tổ chức hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, những di huấn đó vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay. Trong một phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 10/1948, Bác nói rằng: “Trong việc vận động thi đua phải tránh xu hướng “bàn giấy”, “công chức hóa”, cần phải có sự phối hợp thống nhất trong chương trình thi đua thì thi đua mới có kết quả”. Trong “Lời kêu gọi phát động thi đua ái quốc” ngày 1/8/1949, Bác chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong phong trào thi đua: “Có nhiều nơi Nhân dân, mà trước hết là cán bộ chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào thi đua ái quốc... Tưởng lầm rằng, thi đua là một việc khác với công việc hằng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua... Từ trước tới giờ, ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, ở, mặc cho sạch, cho hợp vệ sinh, cho khỏi ốm đau. Xưa nay ta vẫn làm ruộng, nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy”. Đặc biệt, Bác chỉ rõ rằng, thi đua không thể là nhất thời mà phải trường kỳ, thi đua phải sát với hoàn cảnh, sát với địa phương, không đặt kế hoạch to quá rồi làm không nổi, hoặc lúc đầu thì ồ ạt, ít lâu thì đuối sức. Có nơi các đoàn thể, các ngành kế hoạch không ăn khớp với nhau thành thử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; hoặc không đúc rút, trao đổi kinh nghiệm để học cái hay, tránh cái dở. Bác Hồ khẳng định: “Thi đua là phải toàn dân, toàn diện…”. Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Bác vào thực tiễn chính là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong các phong trào thi đua yêu nước ở Lào Cai.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước, trong từng giai đoạn lịch sử của tỉnh, cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, tích cực thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng. Trên cơ sở hệ thống văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn, trong đó chú trọng chỉ đạo nghiên cứu quy trình, cách thức lựa chọn nội dung xây dựng phong trào, thống nhất quan điểm chỉ đạo: “Mỗi nhiệm vụ chính trị và mỗi chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn đều có nội dung, phong trào thi đua”.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định, lựa chọn nhiệm vụ khó thực hiện hoặc nhiệm vụ quan trọng để phát động thi đua; luôn thực hiện dân chủ trong lựa chọn, xác định nội dung, chỉ tiêu của phong trào thi đua; quan tâm công tác kiểm tra, tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng nhằm đem lại hiệu quả cao trong quá trình triển khai thực hiện.
Nhằm không ngừng đổi mới tổ chức phong trào thi đua cho phù hợp với tình hình mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua yêu nước đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và tạo được sự đồng thuận cao giữa cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tỉnh ủy có chỉ thị, chương trình hành động về thi đua, khen thưởng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh; UBND tỉnh ban hành các phong trào thi đua chuyên đề bám sát các đề án, kế hoạch và nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp đều có chương trình, kế hoạch về thi đua, khen thưởng của từng năm và cả giai đoạn...
Do tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước để thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ nên sau gần 30 năm tái lập tỉnh, Lào Cai đã có những bước tiến vượt bậc và toàn diện trên tất cá các lĩnh vực của đời sống xã hội. So với năm 1991, quy mô GRDP tăng 74 lần, GRDP bình quân đầu người gấp 152 lần; sản lượng lương thực bình quân/người gấp 3,7 lần; 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%; an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm và giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng, hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và đối ngoại Nhân dân được kết hợp hài hòa, tạo môi trường thuận lợi để Lào Cai phát triển…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích nổi bật, trong thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước giữa các ngành, địa phương, lĩnh vực vẫn còn những hạn chế và thiếu tính ổn định. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) trong nhiều năm liên tiếp đứng trong tốp 10 của cả nước, đến năm 2019 có mức sụt giảm mạnh so với những năm trước (xếp thứ 25); việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra phong trào tại cơ sở có lúc, có nơi vẫn chưa thường xuyên; một số ít tập thể chưa thực hiện tốt công tác bình xét, suy tôn, vẫn còn trường hợp chưa đúng đối tượng, chưa đảm bảo tiêu chuẩn khen thưởng đề ra…
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn các phong trào thi đua yêu nước, đòi hỏi cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc tổ chức triển khai phong trào thi đua và thực hiện công tác khen thưởng ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó cần có những quy định cụ thể hơn nữa về trách nhiệm của người đứng đầu đối với chất lượng và hiệu quả của phong trào thi đua và công tác khen thưởng ở cơ quan, đơn vị, địa phương, để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực của sự phát triển.
NGUYỄN TRÍ TOÀN
Theo http://www.baolaocai.vn