Ngày 29/3 vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Nghệ An, đoàn đại biểu nước Cộng hòa Chile do cựu Tổng thống Chile Michelle Bachelet Jeria dẫn đầu đã đến Quảng trường Hồ Chí Minh với niềm mong mỏi được dâng lên Người lẵng hoa tươi thắm nhất. Chi Lê cách Việt Nam cả nửa bán cầu, thế nhưng trong khoảnh khắc đầy thiêng liêng, xúc động dưới tượng đài Người, khoảng cách ấy dường như được xóa nhòa phút chốc. Có thể nói, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ từ lâu đã là sợi chỉ đỏ đóng vai trò thiêng liêng, cao cả trong lòng những người con yêu Bác. Trải qua 20 năm, nơi đây đã đón nhận hơn 70 triệu lượt khách trong, ngoài nước đến tham quan, tưởng niệm. Sau mỗi chuyến viếng thăm đầy ý nghĩa đó, những con người xa lạ lại thêm yêu mảnh đất xứ Nghệ và mang trong lòng ấn tượng tốt đẹp về công trình ý nghĩa này.
Ít ai biết rằng, Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh tọa lạc trên khu đất rộng gần 12ha xưa kia dưới triều đại Vua Lê Thánh Tông là Trường thi Hương Nghệ An. Trường thi Hương Nghệ An là 1 trong 13 trường của cả nước đào tạo nên nhiều hiền tài nguyên khí quốc gia. Từ vị trí mang ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, lịch sử đó, công trình được xem là khởi nguồn của văn hóa xứ Nghệ. Để có được công trình này là cả một quá trình tâm huyết của Bộ Chính trị, các nhà quản lý, các nhà văn hóa, các nhà điêu khắc và các tầng lớp nhân dân mọi miền đất nước từ việc lên ý tưởng, lựa chọn địa điểm, mẫu sáng tác phác thảo cho tới quá trình thi công.
Công trình được khởi công xây dựng ngày 19/5/2000 nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau 3 năm khẩn trương làm việc, với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, toàn bộ các hạng mục công trình chính ở Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 18/5/2003. Nổi bật uy nghi nhất giữa Quảng trường là Tượng đài Bác Hồ cao 12m gồm 9 thớt, 32 phiến đá ghép lại, bằng đá granit Bình Định, được đặt trên đế và bệ cao 6m, dựa lưng vào dãy núi Chung, mô phỏng theo ngọn núi Chung ở Kim Liên, Nam Đàn – một di tích lịch sử – văn hóa quốc gia gắn liền với những kỷ niệm thời niên thiếu của Bác Hồ.
Quảng trường Hồ Chí Minh là địa điểm thường được lựa chọn để tổ chức các sự kiện chính trị lớn, những buổi biểu diễn nghệ thuật đặc sắc như: Lễ hội Làng Sen cấp tỉnh và cấp toàn quốc, chương trình đón nhận Bằng công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ UNESCO và nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao quan trọng khác như Lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An; Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Danh nhân văn hóa thế giới; Chương trình nghệ thuật của tỉnh đón chào năm mới, cầu truyền hình trực tiếp đêm Giao thừa; Đại hội TDTT của tỉnh; Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh…
Cùng với gần 700 di tích, công trình, địa điểm lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mọi miền Tổ quốc, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ trên mảnh đất Nghệ An là “địa chỉ đỏ” trong công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây đã trở thành một phần thiết yếu, không thể tách rời của nhân dân.
Thời gian qua, các trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chọn làm điểm đến tổ chức tham quan học tập kết hợp với sinh hoạt chính trị, là nơi cử hành các lễ nghi quan trọng của tổ chức như lễ kết nạp đảng, kết nạp đoàn, kết nạp đội. Đặc biệt hơn, nhiều cặp uyên ương trên mảnh đất xứ Nghệ trước khi làm lễ thành hôn đã về đây dâng vòng hoa lên Bác để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước vị lãnh tụ đã hy sinh cả cuộc đời mình để họ được sống trong hòa bình, được yêu và có một cuộc đời ý nghĩa.
Có thể thấy, công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ có vị trí vô cùng quan trọng trong lòng nhân dân. Công trình đã và đang phát huy tác dụng to lớn trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng của Người thấm sâu, lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế.
Cùng với việc xây dựng Quảng trường và Tượng đài Bác Hồ, ngày 10/4/2003, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thành lập Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ. Nhận thức đầy đủ về giá trị đặc biệt và nhiệm vụ chính trị của đơn vị, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Trưởng ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ cho biết, tập thể ban lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động của đơn vị luôn giữ vững tâm niệm không quản ngại khó khăn, vất vả, tận tụy với công việc nhằm giữ gìn và phát huy giá trị công trình qua các hoạt động chính trị – văn hóa – xã hội. Cho dù là thứ Bảy, Chủ nhật hay các ngày lễ – Tết, mọi người luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh về quân số, tác phong, vững vàng trong chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.
20 năm qua, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của mảnh đất xứ Nghệ, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ vẫn giữ được sự trang nghiêm và là địa điểm xanh – sạch – đẹp tiêu biểu của thành Vinh. Tất cả các hạng mục công trình đều được duy tu bảo dưỡng thường xuyên, nhất là Tượng đài Bác Hồ, đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động chính trị – xã hội trong mọi thời điểm, mọi tình huống. Mỗi nhành hoa, nụ mầm, mỗi vuông cỏ, hàng gạch lát… đều được chăm sóc, xới vun. Núi Chung mô phỏng giờ đây đã trở thành một rừng cây lưu niệm tươi tốt, là lá phổi xanh giữa lòng thành phố. Mùa nào hoa ấy, khuôn viên quảng trường trăm hoa đua sắc rực rỡ níu chân du khách muôn phương.
Bình quân mỗi năm, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đón tiếp và phục vụ một số lượng lớn lên tới 3,5 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Mỗi du khách khi đến đây đều hòa mình vào trong không gian văn hóa đặc sắc, thẩm nhận các giá trị văn hóa của vùng quê xứ Nghệ. Trong sự nồng hậu đón tiếp của những người làm việc nơi đây, du khách và nhân dân được hiểu hơn, thấm nhuần hơn những giá trị văn hóa Hồ Chí Minh.
Có thể thấy rằng, Ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ là những người góp phần quan trọng để gìn giữ và nâng tầm giá trị công trình một cách bền vững theo thời gian. Nhiều năm là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, cán bộ và nhân viên, người lao động nơi đây đã góp phần gìn giữ bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh.
Hoạt động của Ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ.
Ghi nhận những nỗ lực đó, Ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với nhiều phần thưởng cao quý khác như: Thành tích xuất sắc tham gia tổ chức thành công Lễ hội Làng Sen toàn quốc năm 2010; thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo và tổ chức Lễ hội Làng Sen toàn quốc năm 2015 tại tỉnh Nghệ An; thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động văn hóa và thể thao tại địa phương năm 2019; thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động di sản văn hóa tại địa phương năm 2021, là đơn vị nhiều năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển, đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có “Thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc” cùng với nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nói về Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ trong định hướng phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh trên quê hương Người, bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An khẳng định, trong chặng đường tiếp theo, Ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ cần có những định hướng cụ thể hơn cho việc tổ chức các hoạt động để những giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh được lan tỏa, phát huy hiệu quả. Muốn đạt được điều đó, đầu tiên cần tiếp tục tổ chức, lan tỏa hơn nữa các hoạt động tri ân, tưởng niệm và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Quảng trường. Ngoài các hoạt động đã được tổ chức thường xuyên lâu nay, cần nghiên cứu tổ chức thêm một số hoạt động trải nghiệm tập thể theo các chủ đề, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về Bác kết hợp dâng hoa, báo công với Bác; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Quảng trường Hồ Chí Minh, hệ thống di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tỉnh; tổ chức lao động trồng cây, dọn vệ sinh môi trường… Những hoạt động này sẽ góp phần lan tỏa, nâng tầm các giá trị tốt đẹp của văn hóa Hồ Chí Minh đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thứ hai, xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Với các hạng mục công trình đã được xây dựng là cơ sở cho việc quy hoạch một không gian văn hóa đồng bộ, kết hợp xây dựng thêm không gian trưng bày các tư liệu, hiện vật, hình ảnh về quá trình hình thành, phát triển của công trình, về tư tưởng Hồ Chí Minh và Bác Hồ với quê hương, quê hương với Bác. Với không gian văn hóa Hồ Chí Minh được định hình, mỗi người dân, du khách khi đến với Quảng trường Hồ Chí Minh ở mọi không gian, mọi góc nhìn đều được tiếp cận với các giá trị vật thể và phi vật thể gắn với di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ ba, kết nối Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ trong hệ thống điểm đến du lịch về nguồn. Việc kết nối Quảng trường Hồ Chí Minh trong hệ thống các di tích, các điểm đến về nguồn là rất cần thiết. Việc kết nối này bắt đầu từ các điểm di tích trong tỉnh, đến việc mở rộng kết nối với hệ thống các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước, từ Pác Bó, Cao Bằng đến Thủ đô Hà Nội, về với quê hương Người ở xứ Nghệ để tiếp nối vào phương Nam, tạo thành một hành trình theo dấu chân Bác trên mọi miền Tổ quốc. Đây sẽ là nền tảng để Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ tiếp tục có những hướng đi mới, phát huy hơn nữa giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh trên quê hương của Người.
Bước vào những ngày tháng Năm ý nghĩa, mỗi sớm mai, hình ảnh Bác lại sáng bừng uy nghiêm mà gần gũi tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Đứng dưới chân tượng Bác, lòng ta lại nhớ về dòng lưu bút của đồng chí Trần Đức Lương – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước khi đến thăm Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ rằng: “Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại tỏa sáng rực rỡ nhất của dân tộc Việt Nam suốt nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước oanh liệt. Tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn đuốc chỉ đường cho dân tộc hôm qua, hôm nay và cho mai sau. Nhân dân Việt Nam đời đời biết ơn và kính yêu Người. Cảm ơn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, các ngành, các nhà xây dựng và văn hóa đã xây nên công viên tưởng niệm xứng đáng về Người”./.