Quảng Ninh khắc ghi lời Bác dạy

Từ lời căn dặn của Người

“Anh em công nhân phải bảo vệ hầm mỏ, nhà máy, kho tàng và nâng cao sản xuất. Anh em nông dân phải bảo vệ súc vật, nông cụ… Bà con công thương phải hăng hái kinh doanh… Các nhà văn hoá, giáo dục phải ra sức duy trì việc học hành cho con cháu… Để khôi phục nhanh chóng đời sống bình thường của nhân dân, toàn thể đồng bào hãy đoàn kết chặt chẽ, thi hành đúng chính sách và kỷ luật của Chính phủ, làm đúng mệnh lệnh của Ủy ban Quân chính… Với quyết tâm của Chính phủ, với sự đồng tâm nhất trí của đồng bào, chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và giành được hoàn toàn thắng lợi”.

Đó là những lời căn dặn tỉ mỉ, ấm áp, những lời động viên chân tình Bác gửi đến đồng bào Hồng Quảng trong lá thư tay, nhân dịp khu mỏ Hòn Gai được giải phóng (25/4/1955).

Lời căn dặn của Người giống như lời hiệu triệu, là động lực để thôi thúc toàn quân, toàn dân Vùng mỏ chiến đấu, lao động và học tập xây dựng quê hương, đất nước. Các thế hệ công nhân, nhân dân Vùng mỏ đã hăng hái, miệt mài lao động sản xuất, từ khôi phục các hoạt động vốn bị đình trệ, thực hiện phong trào thi đua lao động xã hội chủ nghĩa mà sau này trở thành cao trào rộng khắp Vùng than, đến thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, nhân dân khu Hồng Quảng tại SVĐ Hòn Gai, ngày 4/10/1957.

Để rồi, trở lại thăm khu Hồng Quảng vào tháng 10/1957, trước những thành quả mà quân và dân Vùng mỏ đã đạt được chỉ sau 2 năm giải phóng, Bác căn dặn: “Hồng Quảng là nơi rừng vàng, bể bạc rất phong phú. Hồng Quảng có nhân dân rất cần cù, có rất nhiều thuận lợi, nếu Đảng, chính quyền, công đoàn, thanh niên, mặt trận công tác tốt, nhân dân đoàn kết tốt thì Hồng Quảng nhất định có thể trở thành một địa phương kiểu mẫu và như thế thì đồng bào Hồng Quảng sẽ góp phần xứng đáng vào công cuộc củng cố miền Bắc, tiến dần lên xã hội chủ nghĩa, tranh thủ miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòabình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Khắc ghi lời Bác dạy năm xưa, đến hôm nay - 67 năm sau ngày tiếp quản Vùng mỏ 25/4 (1955-2022), diện mạo Quảng Ninh đã hoàn toàn thay đổi. Không còn là tỉnh với nền kinh tế chủ yếu dựa vào công nghiệp khai thác than, Quảng Ninh giờ đây đã trở thành một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, trong đó có trung tâm sản xuất công nghiệp bao gồm: Khai thác than, nhiệt điện, vật liệu xây dựng, đóng tàu, cơ khí chế tạo; là trung tâm du lịch, trung tâm thương mại dịch vụ với các cửa khẩu quốc tế, quốc gia trên bộ, trên biển và hệ thống cảng biển nước sâu.

Quảng Ninh đã bứt phá mạnh mẽ

Cầu Vân Tiên - cây cầu vượt biển dài nhất Quảng Ninh, là điểm nhấn của cả tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đã được hợp long ngày 5/12/2021. Ảnh: Đỗ Phương

67 năm đã trôi qua, những nỗ lực của quân và dân Vùng mỏ đã dần biến những mong muốn của Bác thành hiện thực. Quảng Ninh giờ đây đã trở thành một trong những tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành một điểm sáng về đổi mới của vùng đồng bằng Bắc bộ, một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh ngày 6/4 mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm vụ năm 2021, quý I/2022, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Hơn 2 năm qua, trong điều kiện khó khăn, thách thức chưa từng có, đặc biệt là các đợt bùng phát dịch Covid-19, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương và phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo, Quảng Ninh đã kiên cường giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới, thực hiện tốt mục tiêu kép với đà tăng trưởng GRDP đạt trên 2 con số trong 6 năm liên tiếp (2016-2021).

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự đồng lòng, nhất trí của toàn quân và toàn dân, sự nỗ lực vượt bậc từ tỉnh đến cơ sở, Quảng Ninh đã hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu KT-XH. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 vẫn đạt 10,28% (đứng thứ 2 cả nước). Doanh thu du lịch giảm do tổng lượng khách du lịch giảm đến 49%, tuy nhiên, công nghiệp chế biến, chế tạo đã phát huy vai trò là động lực tăng trưởng chính, tăng 32,19% so với năm 2020. Nhờ đó, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh cả năm 2021 đạt 52.467 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2020. Quy mô nền kinh tế đạt trên 230.000 tỷ đồng. Hết năm 2021, tốc độ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 67,5% (nằm trong 5 địa phương cao nhất cả nước). Bước sang năm 2022, chỉ riêng 3 tháng đầu năm, trên đà khôi phục kinh tế, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 8,01%, tổng thu NSNN ước đạt 13.470 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.

Chế biến hàu tại Vân Đồn.

Toàn tỉnh đến nay có 9/13 địa phương cấp huyện và 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu). Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo tiêu chí đa chiều bền vững chỉ còn 0,1% (so với năm 2010 là 7,65%; năm 2016 là 3,39%).

Với vị thế quan trọng, Quảng Ninh chú trọng xây dựng hệ thống giao thông chiến lược. Tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình chiến lược, dự án động lực như: Cầu Cửa Lục 1(cầu Tình Yêu), đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Trường THPT Hòn Gai, thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái... đảm bảo chất lượng thi công, góp phần quan trọng kết nối Quảng Ninh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, hành lang phát triển mới.

Kiên trì với mục tiêu phát triển chuyển từ "nâu" sang "xanh", Quảng Ninh tiếp tục thúc đẩy phục hồi ngành du lịch, dịch vụ sau đại dịch Covid-19, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo song hành với công nghiệp khai khoáng. Chú trọng kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái để phát triển du lịch bền vững, Quảng Ninh đang tiến hành vận động ngư dân chuyển đổi từ vật liệu phao xốp sang vật liệu nhựa thân thiện với môi trường trong nuôi trồng thủy sản; đối với miền núi, chuyển từ trồng cây ngắn ngày thoát nghèo sang trồng rừng gỗ lớn mang tính bền vững.

Các lực lượng tham gia diễn tập phòng thủ dân sự năm 2021.

Không chỉ bứt phá về kinh tế, thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua, Quảng Ninh đã giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; hợp tác quốc tế chặt chẽ trong phòng, chống dịch tại khu vực cửa khẩu, bảo đảm XNK thông suốt; xử lý kịp thời, thỏa đáng ngay ở cấp địa phương những vấn đề nảy sinh trên biên giới; tuyệt đối không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, duy trì khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Với truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng vẻ vang của quê hương, trên đà những thắng lợi đã đạt được, cùng với ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tinh thần năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc, như lời căn dặn của Bác với nhân dân Vùng mỏ tại TX Hòn Gai, tháng 10/1957.

Khánh Hằng

Theo https://baoquangninh.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website