Phụ nữ xã Thiệu Nguyên học và làm theo Bác

Phụ nữ xã Thiệu Nguyên học và làm theo BácMô hình trồng hoa thay thế cỏ dại ven đường của phụ nữ xã Thiệu Nguyên góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp.

Với mong muốn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ, chị Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Thiệu Nguyên sau nhiều trăn trở đã chủ động đi học nghề sản xuất lông mi giả về dạy cho chị em. Nơi chị học khá xa, nhưng vì bản thân say mê hoạt động công tác hội, chị tranh thủ thu xếp công việc gia đình để học nghề, sau đó nhận nguyên liệu về làm, rồi hướng dẫn cho một số chị em cùng làm. Chị tham mưu với Thường trực Đảng ủy xã và Ban Thường vụ Hội LHPN huyện xây dựng phương án dạy nghề và nhận được sự ủng hộ. Sau đó, tổ liên kết sản xuất lông mi giả được thành lập, ban đầu với 10 thành viên là hội viên phụ nữ, đến nay đã có 60 thành viên tham gia. Các chị em tham gia sản xuất lông mi giả tranh thủ làm nghề lúc nông nhàn, vừa có điều kiện chăm sóc gia đình, thu nhập từ 2 đến 6 triệu đồng/tháng.

Với phương châm thi đua làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, lời nói đi đôi với việc làm, Hội LHPN xã Thiệu Nguyên đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới; xây dựng người phụ nữ có sức khỏe, tri thức; năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc; phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới... Hội chỉ đạo các chi hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền; quán triệt tới từng cán bộ, hội viên và phụ nữ về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh; đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt hằng tháng gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của hội. Bên cạnh đó, hội gắn việc thực hiện Chỉ thị 05 với các cuộc vận động, các phong trào thi đua do hội phụ nữ các cấp phát động như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”; “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”... Qua đó, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động và ý thức tự giác của hội viên, phụ nữ trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, hội đã xây dựng kế hoạch, phân công hội viên có điều kiện kinh tế giúp đỡ hội viên nghèo; xây dựng quỹ hội; phối hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật; tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Hội LHPN xã đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 208 hộ vay vốn để phát triển kinh tế, với tổng số tiền 6,4 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay, hội phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng xã mở 35 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng lúa năng suất, hiệu quả cao, cách sử dụng phân bón, kỹ thuật về trồng cây ớt xuất khẩu và trồng cây khoai tây cho 600 lượt phụ nữ; 6 lớp tư vấn xuất khẩu lao động cho 385 cán bộ, hội viên... Có vốn và kiến thức, nhiều gia đình hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi gà của chị Nguyễn Thị Vậy, thôn Nguyên Trung; mô hình nuôi chim bồ câu của chị Nguyễn Thị Nhân, thôn Nguyên Tiến; mô hình kinh doanh dịch vụ của chị Nguyễn Thị Thanh, thôn Nguyên Trung...

Học Bác về tinh thần tương thân, tương ái, hàng năm, hội LHPN xã đã vận động hội viên giúp đỡ những trường hợp khó khăn, rủi ro đột xuất. Từ năm 2018 đến nay, hội phối hợp với các đoàn thể tổ chức tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 21 cháu tàn tật và mồ côi vào dịp Tết Nguyên đán. Duy trì hoạt động các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ phụ nữ giảm nghèo với 28 thành viên, số quỹ là 10 triệu đồng cho 5 thành viên vay. 9 câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc với 450 thành viên, số quỹ là 185 triệu đồng cho 40 thành viên vay. Với tinh thần “tương thân tương ái”, nhiều năm qua, hội LHPN xã đặc biệt quan tâm giúp phụ nữ nghèo, trong đó có phụ nữ nghèo làm chủ hộ vươn lên trong cuộc sống. Hàng năm, hội tổ chức khảo sát các trường hợp phụ nữ nghèo và phụ nữ nghèo làm chủ hộ để có biện pháp trợ giúp phù hợp như tư vấn về kỹ thuật, tạo vốn, hỗ trợ ngày công, hướng dẫn cách thức quản lý trong gia đình. Hội đã trao bê cho các chị Nguyễn Thị Phương (thôn Nguyên Trung), Nguyễn Thị Tậy (thôn Nguyên Tiến), Đỗ Thị Hiền (thôn Nguyên Hưng) là hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 39 triệu đồng...

Có thể nói, việc học và làm theo Bác đã được cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Thiệu Nguyên cụ thể hóa bằng những việc làm và hành động thiết thực. Từ đó, khơi dậy tinh thần hăng hái thi đua của phụ nữ trên mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động hội và đời sống hội viên.

Bài và ảnh: Thanh Huê

Theo https://baothanhhoa.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website