Phụ nữ dân tộc thiểu số giúp nhau thoát nghèo

Phát huy tinh thần tương thân, tương ái

Sơn Động có gần 26 nghìn hội viên phụ nữ, trong đó hội viên DTTS chiếm 73,8%. Để giúp nhau phát triển kinh tế, các cấp hội trong huyện đã phát động phong trào thi đua “Phụ nữ làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Đều đặn hằng ngày, bà Bùi Thị Ngà, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 3 (thị trấn An Châu) lại dành chút tiền lẻ khi đi chợ về bỏ vào lợn tiết kiệm gây quỹ giúp đỡ chị em hoàn cảnh khó khăn.

 

 Lợn đất tiết kiệm gây quỹ giúp hội viên nghèo của phụ nữ tổ dân phố số 3, thị trấn An Châu.

Cũng như bà Ngà, hơn 200 hội viên phụ nữ trong tổ dân phố đều tích cực “nuôi” lợn đất. Tùy vào khả năng của từng người, mỗi chị có một con lợn riêng để đút tiền tiết kiệm. Từ những đồng tiền lẻ hằng ngày góp lại, tổng kết một năm vào dịp tháng 3 vừa qua, các chị tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng.

Chị Mè Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn cho biết: “Các chị em đã tích góp những đồng tiền lẻ trong chi tiêu hàng ngày của mình để nuôi mô hình. Số tiền, gạo tiết kiệm được các chi hội bàn bạc, thống nhất để lựa chọn trường hợp, phương án giúp đỡ, cho vay vốn không lãi suất”. Với sức lan tỏa của mô hình, đến nay 100% hội viên trên địa bàn thị trấn An Châu đều tích cực hưởng ứng. Nhờ lợn đất tiết kiệm, 5 năm qua, Hội LHPN thị trấn đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 8 nhà “Mái ấm tình thương” với mức hỗ trợ từ 20 - 80 triệu đồng/trường hợp. Bên cạnh đó, các chi hội còn tặng giống cây trồng, vật nuôi, quà và hỗ trợ kinh phí chữa bệnh cho hàng trăm lượt hộ nghèo, ốm đau, tai nạn đột xuất.

Hai năm qua, Hội LHPN huyện Sơn Động duy trì 95 mô hình học tập tấm gương của Bác với gần 5 nghìn thành viên. Tổng số tiền tiết kiệm từ các mô hình gần 8,6 tỷ đồng, hơn 14 tấn gạo. Hàng nghìn lượt phụ nữ được giúp đỡ về sinh kế, vốn sản xuất và lương thực, thực phẩm. 

Để giúp nhau giảm nghèo, phụ nữ các DTTS trong huyện có nhiều mô hình hay, nổi bật như mô hình: “Nuôi lợn đất tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Vườn rau sạch tiết kiệm”, “Quỹ tiết kiệm tiền”, “Tiết kiệm điện”... Đến nay, toàn huyện duy trì 95 mô hình tiết kiệm của phụ nữ với gần 5 nghìn người tham gia. Nhiều hộ đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn từ các mô hình tiết kiệm này. Năm 2022, Hội LHPN huyện Sơn Động đã giúp được 168 hộ thoát nghèo, trong đó 55 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững.

Theo chị Đinh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Động, một trong những yếu tố tạo sức lan tỏa của phong trào thi đua “Làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững” trên địa bàn huyện là việc nêu gương của người đứng đầu. Theo đó, mỗi tập thể, đảng viên đăng ký từ 1 -2 việc làm theo Bác gắn với cuộc vận động “Ba trách nhiệm”. Bên cạnh đó, Hội LHPN cấp huyện thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo Bác cho hội viên. Hằng năm, Hội LHPN huyện tham mưu với UBND huyện, Huyện ủy tổ chức khen thưởng, biểu dương phụ nữ DTTS điển hình về học tập và làm theo Bác.

Lựa chọn mô hình phù hợp

Không chỉ xây dựng, nhân rộng các mô hình tiết kiệm, các cấp hội phụ nữ huyện Sơn Động chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất nông nghiệp, tư vấn mô hình kinh doanh phù hợp cho hội viên. Cách đây vài năm, chị Chu Thị Vui, dân tộc Nùng ở thôn Rộc Nẩy (xã Cẩm Đàn) loay hoay không biết lựa chọn phương thức sản xuất sao cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Với diện tích đất rừng gần 10 ha, chị được Hội LHPN huyện tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn kỹ thuật canh tác rừng sản xuất.

 Phụ nữ thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo góp gạo tặng hội viên nghèo.

Nhờ cán bộ khuyến nông xã tư vấn và tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, chị Vui chọn nấm lim xanh để trồng dưới tán rừng. Đi đúng hướng, chọn đúng cây trồng, mỗi năm, gia đình chị lãi từ 100-200 triệu đồng nhờ thu hoạch nấm lim. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Vui còn tạo việc làm cho 5 - 7 chị em trong thôn. Với mong muốn giúp đỡ các chị em hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, chị Vui thường xuyên hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, cách lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp và vận động các hội viên khác cùng tiết kiệm gây quỹ giúp đỡ nhau khi cần thiết.

Với địa bàn đặc biệt khó khăn, có hơn 200 hộ nghèo là DTTS sinh sống rác rải trên các sườn đồi như xã Dương Hưu, Hội LHPN xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân vốn vay ưu đãi cho các hộ phát triển rừng keo, thông lấy gỗ và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp theo mô hình kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, Hội LHPN xã vận động hội viên áp dụng kỹ thuật vào canh tác.

Với việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế, nhiều chị em ở xã Dương Hưu đã vươn lên làm giàu với thu nhập từ 100 đến vài trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần tích cực vào việc phát triển KT - XH địa phương. Điển hình như: Chị Trần Thị Phượng ở thôn Đồng Làng, Trương Thị Thu ở thôn Mùng trồng rừng; chị Chiêu Thị Hương ở thôn Thoi là chủ xưởng băm, bóc gỗ.

Để giúp phụ nữ DTTS có thêm điều kiện xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, Hội LHPN các cấp huyện Sơn Động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tranh thủ tối đa các nguồn hỗ trợ từ những đề án, chương trình, chính sách của Nhà nước.

Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”; chỉ đạo cấp hội cơ sở duy trì và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo của tập thể, cá nhân. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng các tấm gương điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc. Từ đó thúc đẩy phụ nữ hăng say lao động, sản xuất, tích cực học tập, nâng cao nhận thức để thoát nghèo và làm giàu./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website