Tôi biết đến ông Trần Văn Cao qua một người bạn mới quen kể chuyện, vào một chiều trung tuần tháng Tư, dưới tiết trời nắng nhẹ, không hẹn trước tôi tìm đến nhà ông Cao. Khi đến nơi, tôi thấy ông đang đứng bơm chiếc xe đạp đã cũ trước sân nhà. Tôi ngỏ ý xin phép ông được vào tham quan phòng lưu niệm Bác Hồ, nghe vậy, ông dừng tay, đon đả mời tôi vào nhà như người quen đã lâu không gặp.

Bước vào phòng khách nhà ông Cao, tôi thấy có 21 bức ảnh về Bác Hồ được đóng khung và treo trang trọng. Ông Cao tự hào cho biết: “Đây là 21 bức ảnh tôi được tặng khi đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, ngày ấy có trong tay những bức ảnh Bác Hồ là hiếm lắm”.

Dưới những bức ảnh của Bác Hồ, ông Cao đặt tấm gương to để mỗi lần soi gương luôn thấy hình bóng Bác. 

Dưới những bức ảnh của Bác Hồ, ông Cao đặt tấm gương to để mỗi lần soi gương luôn thấy hình bóng Bác. 

Năm 1963, ông Trần Văn Cao có dịp đến Thái Nguyên công tác và tham gia một cuộc mít tinh tại sân vận động thành phố. Thật bất ngờ cho ông và mọi người tại buổi mít tinh đó khi Bác Hồ đến thăm khu gang thép Thái Nguyên và tới thăm đồng bào tại buổi mít tinh đó. Kể từ lần gặp đầu tiên ấy, ông luôn luôn nghĩ về Người, nghĩ về Đảng, cách mạng Việt Nam và mong ước sau này sẽ có một gian phòng lưu niệm về Bác. Ông có hơn 20 năm công tác tại Bộ Thủy lợi, trong đó làm việc ở Lào 7 năm và về hưu năm 1987. Ông Cao nghĩ rằng, khi về hưu không phải lo lắng, bận rộn với công việc sẽ có thời gian thong thả xây dựng phòng lưu niệm về Bác.

Không phải cứ nghĩ là làm được ngay, khi ấy kinh tế của gia đình ông vẫn còn khó khăn. Gia đình ông Cao có 4 người con, khi ông về hưu các con vẫn trong độ tuổi đi học, lúc bấy giờ con đầu của ông 13 tuổi còn con út mới có 6 tuổi. Chính vì vậy ông Trần Văn Cao đã bận rộn làm nông nghiệp cùng vợ suốt 20 năm sau khi nghỉ hưu để trang trải cuộc sống gia đình. “Mãi đến năm 72 tuổi tôi mới có thời gian nghỉ ngơi”, ông tâm sự.

Nhận thấy tuổi mình đã cao, ông quyết tâm sẽ làm phòng lưu niệm về Bác Hồ vì sợ “chẳng biết mình sống được đến bao giờ”. Năm 2007, ông nhớ rằng mình đã có 21 bức ảnh về Bác được tặng từ năm 1968; ông liền đem ra hiệu ảnh để chụp lại và phóng to những tấm ảnh rồi đóng khung trang trọng, treo trong phòng khách nhà mình.

Không những vậy, ông Cao còn tự tay vẽ 6 bức tranh các địa danh liên quan đến cuộc đời của Bác Hồ đặt cạnh 2 bên của tấm gương soi trong phòng khách. Đây chính là căn phòng đầu tiên ông trưng bày ảnh Bác suốt nhiều năm ấp ủ.

Từ năm 2010 đến năm 2019, ông Cao đã cho ra đời bản sử ca dài 1.456 câu thơ lục bát về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Bác từ khi Bác rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đến những năm tháng cuối đời của Người. Ông Cao chia sẻ: “Bất kể mọi lúc, mọi nơi, dù đang ở đồng kéo lúa, nhổ mạ hay lúc ở nhà nghỉ ngơi tôi luôn nghĩ đến hình ảnh của Bác Hồ. Chính bởi vậy, tôi đã biến những hình ảnh trong tâm trí thành những câu thơ, mỗi ngày tôi nghĩ được khoảng 5 đến 10 câu, cứ như vậy trong 9 năm, bài thơ của tôi đã được 1.456 câu thơ”.

Ông Cao sáng tác thơ mọi lúc, mọi nơi. 
Ông Cao sáng tác thơ mọi lúc, mọi nơi. 

Không phải là một nhà thơ nhưng ông Cao gieo vần thơ lục bát rất hay và những câu thơ ấy đã khắc họa lên một chân dung sáng ngời, vĩ đại nhưng vô cùng gần gũi, thân thương và xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mở đầu bài thơ ông viết:

Thanh cao lý tưởng Bác Hồ

Suốt đời lo lắng cơ đồ Việt Nam

Lời nói cũng như việc làm

Con người phúc hậu dân càng mến thương

Tài năng đức độ phi thường

Giúp dân cứu nước chặng đường chông gai

Hay những câu thơ:

Bác Hồ chẳng tiếc tuổi già

Thu tàn đông lạnh xông pha chiến trường

Manh áo vải vững tay cương

Núi rừng Việt Bắc trên đường hành quân

Chiến trường Nam Bắc xa gần

Bác luôn dạy bảo quân dân một lòng.

Bài thơ của ông Trần Văn Cao có 3 phần, phần thứ nhất gồm 717 câu thơ, ông viết về Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911, 30 năm Bác ở nước ngoài và khi Bác về nước ngày 28-1-1941 tại cột mốc 108 biên giới Việt-Trung (Cao Bằng). Phần thứ 2 có 495 câu thơ viết về nhân dân miền Nam đánh giặc đến khi Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng. Phần cuối cùng là những câu thơ còn lại ông viết về suy nghĩ của nhân dân Việt Nam khi Người ra đi mãi mãi, khắc ghi công đức của Bác Hồ với cách mạng Việt Nam.

Hoàn thành tâm nguyện

Giới thiệu hết cho tôi về những bức ảnh tại phòng khách, ông Cao mời tôi đến căn phòng đặc biệt trên tầng 3 ngôi nhà của ông với 800 bức ảnh về cuộc đời Bác Hồ.

Vừa leo lên cầu thang, ông phấn khởi cho biết, mới đây, sau khi đề xuất với chính quyền địa phương, ông đã tổ chức ra mắt Phòng lưu niệm Bác Hồ vào ngày 25-3-2023 với sự tham dự của đại diện Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể của xã, các thôn và nhiều người bạn đến từ các Câu lạc bộ của ông Cao.

Căn phòng là ý tưởng ấp ủ 60 năm qua của ông Cao. 
Căn phòng là ý tưởng ấp ủ 60 năm qua của ông Cao. 

Ông Trần Văn Cao luôn suy nghĩ, Bác Hồ là một lãnh tụ vĩ đại, 30 năm ở nước ngoài, lãnh đạo cách mạng Việt Nam 9 năm đánh Pháp, rồi những năm đánh Mỹ mà chỉ có 21 bức ảnh lưu niệm ở phòng khách thì không thể thể hiện hết được về cuộc đời Người với Đảng, với cách mạng Việt Nam và với nhân dân. Đến năm 2020, với tình yêu vô bờ bến đối với Bác Hồ, ông đã xây dựng căn phòng 20m2 trên tầng 3 nhà mình với 300 bức ảnh của Người. Hoàn thành xong căn phòng lưu niệm ấy, ông Cao thấy vẫn chưa đủ, ông dùng tiền lương hưu của mình đã tiết kiệm nhiều năm qua để xây dựng thêm gian phòng 50m2 và đến cuối năm 2022 ông đã hoàn thiện 800 bức ảnh ở 2 gian phòng trên tầng 3 nhà mình.

Ông Trần Văn Cao như một nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh. 
Ông Trần Văn Cao như một nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh. 

Ông Cao cho biết: “Để có được những bức ảnh này, nhiều năm qua, đi đến đâu tôi cũng để ý xem có ảnh Bác không, nếu có là tôi tìm mọi cách sưu tầm bằng được. Rồi bất kỳ lúc nào có thời gian rảnh là tôi lại tìm đọc báo, xem trên mạng để sưu tầm ảnh và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Người”.

Mỗi bức ảnh sưu tầm, ông Trần Văn Cao đều tìm hiểu rõ nội dung, thời gian, hoạt động của Bác trong bức ảnh, để mỗi khi có người đến tham quan, nhất là các cháu học sinh, con cháu trong gia đình, họ hàng ông lại say sưa giới thiệu, thuyết minh từng bức ảnh như một hướng dẫn viên bảo tàng vậy.

Phòng lưu niệm Bác Hồ của ông Cao kể về 11 câu chuyện nói về Đảng, Bác Hồ và cách mạng Việt Nam. 
Phòng lưu niệm Bác Hồ của ông Cao kể về 11 câu chuyện nói về Đảng, Bác Hồ và cách mạng Việt Nam. 

Em Trần Đức Nhân, lớp 5B, trường Tiểu học Đại Yên bày tỏ: “Em biết đến căn phòng lưu niệm Bác Hồ qua lời cô giáo giới thiệu trong tiết học Lịch sử. Em đã rủ bạn của mình tìm đến nhà ông Cao để được ngắm nhìn những hình ảnh của Bác qua nhiều thời kỳ. Qua tham quan căn phòng đặc biệt ấy, chúng em đã hiểu hơn về Bác Hồ và cách mạng Việt Nam, từ đó, chúng em càng thêm yêu môn Lịch sử”.

Tính đến nay đã có 45 đoàn khách đến tham quan Phòng lưu niệm Bác Hồ của ông Cao từ các quận, huyện trong thành phố và các tỉnh lân cận. Tháng 3-2021 có đoàn cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan và xin chụp lại một số hình ảnh mà Bảo tàng chưa có.

Ông Trần Văn Cao có cuộc sống gia đình khá giản dị, đạm bạc. Với phẩm chất đạo đức và sự cống hiến của mình, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, bằng khen của Bộ Thủy lợi, bằng khen của tỉnh Hà Sơn Bình; gia đình ông còn vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tặng bằng khen.

Với phẩm chất đạo đức và sự cống hiến của mình, ông Trần Văn Cao đã nhận được nhiều bằng khen của các cấp ủy chính quyền. 
Với phẩm chất đạo đức và sự cống hiến của mình, ông Trần Văn Cao đã nhận được nhiều bằng khen của các cấp ủy, chính quyền. 

Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Tiến Hoàng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: “Ông Trần Văn Cao là một người công dân bình thường nhưng lại có một tinh thần, trách nhiệm, việc làm hết sức ý nghĩa, cao cả. Đây là một việc làm không phải ai cũng làm được, ông đã dày công xây dựng căn phòng lưu niệm về Bác. Căn phòng là tình cảm lớn lao ông Cao dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh đó cũng là điều kiện để làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hằng năm, chúng tôi đều định hướng cho các nhà trường tổ chức lớp học ngoại khóa tại căn phòng đặc biệt ở nhà ông Cao. Chúng tôi mong muốn mô hình này duy trì lâu dài để nhiều người biết đến, đây chính là việc làm đẩy mạnh Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.